Tài liệu tiếng Việt

Một số vấn đề về phát triển kinh tế báo chí truyền thông trong xu thế chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay

Dương Xuân Sơn 13/06/2024 09:15

Cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, đặc biệt là sự thay đổi mạnh mẽ trong hệ sinh thái truyền thông, chuyển đổi số là một trong những giải pháp cấp thiết và nhằm đạt mục tiêu “hiện đại hóa” hoạt động báo chí theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là "xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại". Tuy nhiên, điều quan trọng là cùng với chuyển đổi số chính là yếu tố tổ chức hoạt động kinh tế báo chí thế nào cho phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay.

Chuyển đổi số trong Cách mạng công nghiệp 4.0

Có thể hiểu một cách đơn giàn, Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) là môi trường mà máy tính, tự động hóa và con người cùng nhau làm việc theo một cách hoàn toàn mới. Nói một cách khác, đó là một cuộc đại cách mạng về khoa học và công nghệ, mà ở đó, các hệ thống thông minh chiếm vai trò chủ đạo.

Thực tế cho thấy, AI ngày càng phát triển và đang được sử dụng thay thế cho con người trong nhiều lĩnh vực. Vậy, chuyển đổi số và AI ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của báo chí hiện đại, nhất là phát triển kinh tế báo chí? AI có thể thay nhà báo? Đây vẫn là câu hỏi chưa có lời giải thích thỏa đáng, song thực tế, sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông mới đặt ra không ít thách thức, khiến các cơ quan báo chí phải “oằn mình” chống chọi với mạng xã hội (MXH).

Kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters (Đại học Oxford - Anh) vào đầu năm 2022 cho thấy, hơn 80% lãnh đạo tòa sọan báo ở nước này lo ngại việc phóng viên bị quá tải; việc tuyển dụng và giữ chân phóng viên có năng lực là vô cùng khó khăn. Ví dụ, sử dụng các phần mềm chuyển đổi giọng nói thành văn bản sẽ tiết kiệm được khoảng thời gian bóc băng ghi âm của phóng viên... Và, một điều không ai có thể phủ nhận là trong bối cảnh chuyển đồi số, người làm báo luôn phải sản xuất nội dung trên nền tảng hiểu biết căn bản về báo chí. Nếu bỏ qua nền tảng đó, nhà báo chí có “ngo̟n” mà mất cái “gốc”. Chuyển đổi số đã và đang tạo ra cơ hội và cùng đặt ra nhiều thách thức đối với báo chí, ảnh hưởng lớn đến sự phát triền của kinh tế báo chí truyền thông hiện nay.

Một “không gian mới” để phát triển kinh tế báo chí

Theo nghiên cứu về kinh tế báo chí, MXH là lựa chọn tất yếu của sự phát triển kinh tế báo chí hiện đại – cả trong lý thuyết và thực tiễn. Điều đó cho thấy, số lượng truy cập từ MXH ngày càng trở nên quan trọng, là thước đo về nguồn thu của cơ quan báo chí điện tủ. Trong thực tế, một tin, bài đăng trên báo điện tử không chỉ nhắm đến độc giả đích, mà còn hướng đến bạn bè của nhóm độc giả đó. Chỉ có như vậy, các tác phẩm báo chí mới dễ dàng được chia sẻ và tiếp tục được lan truyền trên môi trường truyền thông internet.

MXH giữ vai trò mở rộng "không gian thông tin", tạo uy tín cho cơ quan báo chí truyền thông chuyên nghiệp. Thông thường, các tin, bài viết của phóng viên được đăng tải trên các cơ quan báo chí, tuy nhiên, do khuôn khổ hoặc thời gian có hạn, nhà báo có thể đăng các nội dung bên lề sự kiện hoặc thông tin có liên quan lên trang MXH của tòa soạn, bổ sung, mở rộng và giúp bản tin trở nên phong phú và có chiều sâu hơn.

Phát triển kinh tế báo chí truyền thông số

Có rất nhiều khái niệm cũng như cách tiếp cận khác nhau về chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực này. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thì khái niệm: “Chuyển đổi số là sự phát triển tiếp theo của công nghệ thông tin (CNTT) với sự xuất hiện của một số công nghệ mang tính đột phá của CMCN 4.0. CNTT nói tới phần mềm, máy tính, thường là riêng lẻ, tự động hóa những việc đang được làm một cách thủ công. Chuyển đổi số là nói đến các công nghệ mới của CMCN 4.0 như: Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big data), Điện toán đám mây, Chuỗi khối, Internet vạn vật, ...”. Ông cũng cho rằng: “Người dùng đóng vai trò quan trọng hơn là người sáng tạo công nghệ gốc, vì thế, câu chuyện chính của CMCN 4.0 của chuyển đổi số là có muốn hay không, có dám hay không chứ không phải là có khả năng hay không. Trước hết phải bắt đầu từ việc nhận thức, quyết tâm của người đứng đầu trong việc dẫn dắt chuyển đổi số.”. Vì vậy, kinh tế báo chí là một nhu cầu tất yếu của xã hội, mang lại nguồn lực cho sự phát triển của hoạt động báo chí, nâng cao chất lượng hoạt động chuyển môn của người làm báo. Đối với các cơ quan báo chí trong xu thế chuyển đổi số, bên cạnh nhiệm vụ chính là nhiệm vụ tuyên truyền, thông tin, chính trị thì cần phải làm tốt và bắt kịp xu thế vận động, phát triển của thời đại công nghệ.

Nhờ chuyển đổi số, báo chí điện tử đã nhanh chóng chứng tỏ được sức hút đối với công chúng, bằng khả năng chuyển tải thông tin tới bạn đọc gần như đồng thời với sự kiện cùng lượng thông tin đồ sộ, thậm chí không có giới hạn về dung lượng như báo in, thời lượng phát sóng như phát thanh hay truyền hình…

Những sản phẩm báo chí mới tạo nên tính tương tác hai chiều với độc giả, như phỏng vấn trực tuyến, tạo cảm giác gần gũi hơn giữa bạn đọc và báo. Như vậy, kinh tế truyền thông số đã tiếp cận dần với khái niệm mà từ trước tới nay được nhắc tới: Đó là kinh tế báo chí số.

Ví dụ: Sử dụng điện thoại thông minh cũng là lựa chọn mọi nơi, mọi lúc với việc đọc báo điện tử.

Có thể thấy rằng, truyền thông ở phương Tây hay báo chí ở Việt Nam không chỉ là thị trường mà đã được thừa nhận là một ngành kinh tế, thậm chí ngành kinh tế mũi nhọn trong bối cảnh số hóa nền kinh tế của các quốc gia. Đã là ngành kinh tế, tất yếu phải có sự cạnh tranh. Chính sự cạnh tranh lành mạnh sẽ nâng chất lượng của truyền thông số lên rất nhiều. Khi phải tự hạch toán, muốn đảm bảo hoạt động thì mỗi cơ quan báo chí sẽ phải năng động tìm cách bán được sản phẩm, phải cạnh tranh theo đúng quy luật của thị trường. Họ sẽ phải thuyết phục được công chúng rằng sản phẩm của họ tốt, nhờ thế giá trị của tuyên truyền – giáo dục – định hướng cũng sẽ cao lên.

Tuy nhiên, công chúng chưa hài lòng về các sản phẩm dành cho họ. Chính những nhu cầu này của thị trường đã tạo ra một khả năng, một động lực lớn cho các tập đoàn truyền thông ở Việt Nam hình thành và phát triển. Các cơ quan báo chí cũng không nằm ngoài xu thế chuyển đổi số và hòa theo sự phát triển của kinh tế báo chí số để tồn tại và tìm cách chuyên nghiệp hóa, chuyển đổi số mạnh mẽ để phát triển trong bối cảnh mới.

Sự xâm nhập của báo chí, truyền thông số vào nền kinh tế đã tạo nên ngành kinh tế truyền thông số.

Chuyển đổi số trong báo chí

Chúng ta không thể phủ nhận sự cần thiết chuyển đổi số trong báo chí, báo chí là một dạng truyền thông “sắc bén” nhất, chuyển đổi số trong báo chí không chỉ nằm ở vấn đề công nghệ mà xuất phát từ con người, tư duy và tự thân của các cơ quan báo chí phải nhận thức được sự cấp thiết và không làm theo trào lưu. Theo các chuyên gia, nếu báo chí trì trệ quá trình chuyển đổi số là nguy cơ khiến các cơ quan báo chí sẽ không kết nối được với độc giả, mất độc giả, mất nguồn thu. Chuyển đổi số là “ cây bút” đẹp nhất vẽ lại bức tranh của báo chí Việt Nam, đưa báo chí phát triển theo hướng hiện đại, mở ra sự linh hoạt và phản ứng kip thời các vấn đề.

Chuyển đổi số không còn là nâng cao nhận thức và làm từ từ mà phải làm nhanh và là sự tồn tại trong bối cảnh cạnh tranh cực kỳ gay gắt của nền kinh tế truyền thông số.

Kinh tế số của Việt Nam theo đánh giá của các tổ chức quốc tế đã có những bước phát triển nhanh, nhiều triển vọng so với khu vực và thế giới. Theo báo cáo E-conomy SEA năm 2020, chỉ tính riêng cấu phần kinh tế số internet trên nền tảng, Việt Nam đã đạt 14 tỷ USD, đứng thứ 3 ASEAN, nhưng là nước có tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực này cao nhất với mức tăng 16%, nước có mức tăng tiếp theo là Indonesia với 11%, và Thái Lan là 7%. Báo cáo này cũng dự báo đến năm 2025 kinh tế số internet trên nền tảng Việt Nam sẽ đạt mức 52 tỷ USD. Theo đó, có thể nói, cùng với các trang thương mại điện tử thì báo chí cũng đang được thương mại hóa, tham gia vào kinh tế số, phát triển chuyển đổi số trong kinh tế báo chí.

Theo ước tính của Bộ TT và TT, doanh thu kinh tế số quý I/2022 đạt khoảng 53 tỷ USD. Trong đó kinh tế số nền tảng có tốc độ tăng trưởng 28%, đạt doanh thu 8 tỷ USD, còn lại là kinh tế số.

Nhìn chung, các cơ quan báo chí đã phát triển chuyển đổi số trong báo chí, trở thành phương tiện hoàn thiện kinh tế báo chí số, nhưng hiện nay nhiều cơ quan báo chí vẫn chỉ nghĩ đơn giản có một trang web, có tờ báo điện tử là đã lên không gian số. Một số báo có mở chức năng bình luận cho đọc giả và bắt đầu web 2.0 nhưng không nắm được dữ liệu của người đọc. Như vậy chuyển đổi số chưa thành công, mới chỉ ở bề mặt.

Thực tế vấn đề phát triển kinh tế truyền thông ở các cơ quan báo chí, truyền thông cho thấy tiếp cận về kinh tế truyền thông bản chất vẫn là kinh doanh quảng cáo với các sản phẩm là thông tin hay một số tác giả cũng mới nghiên cứu và đề cập tới một số thuật ngữ mới trong các cơ quan báo chí đó là “kinh tế báo chí”. Trong quá trình phát triển kinh tế báo chí truyền thông ở Việt Nam, đã có những mô hình tốt, nhưng cũng còn một số bất cập đã và đang gây khó khăn cho công tác quản lý ngành kinh tế truyền thông số.

Những vấn đề đặt ra và một số giải pháp

Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng và toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, chuyển đổi số quốc gia rất mạnh mẽ và đang là động lực và yếu tố cơ bản để phát triển nền kinh tế số. Chính kỹ thuật, công nghệ số và internet 4G rồi tiến tới 5G là yếu tố có vai trò quyết định tính chất môi trường truyền thông số với đặc tính nổi bật là khả năng siêu kết nối. Môi trường truyền thông số đã và đang tạo những cơ hội vàng cho truyền thông – giao tiếp xã hội để hình thành ngành kinh tế truyền thông số trong nền kinh tế số.

Bên cạnh đó, truyền thông xã hội, mạng xã hội phát triển chưa từng có; các phương tiện truyền thông mới, truyền thông cá nhân và truyền thông nhóm lên ngôi. Từ đó dẫn đến hình thành các hệ sinh thái số tạo môi trường và nền tảng cho các ngành kinh tế phát triển và đương nhiên nguồn nhân lực trình độ cao tự phục vụ cho lĩnh vực này càng ngày càng phát triển mạnh lên.

Hiện nay, các thuật ngữ kinh tế truyền thông số, xã hội số, chuyển đổi số hay kinh tế chia sẻ, kinh tế số, ... được nhắc đến nhiều trên các hạ tầng, nền tảng truyền thông. Chuyển đổi số trong báo chí là vấn đề tất yếu, báo chí là lĩnh vực đặc thù và cần một chiến lược chuyển đổi số riêng trên cơ sở phát triển kinh tế báo chí số. Chiến lược sẽ giải quyết các bài toán khó cho các cơ quan báo chí. Bên cạnh đó, cần một hành lang pháp lý để hành trình chuyển đổi số báo chí đảm bảo hiệu quả. Tuyên truyền, phổ biến thay đổi tư duy truyền thống để phù hợp với xu thế chuyển đổi số báo chí hiện nay..

Trên thực tế chuyển đổi số là tạo thêm giá trị cho mọi tương tác với người dùng, là thay đổi cách vận hành của cả đơn vị và còn tạo ra mô hình kinh doanh mới. Bên cạnh đó, tại các cơ quan báo chí, nếu không thay đổi quy trình làm việc, văn hóa công sở, cách trao đổi, cách xây dựng bộ máy, ... thì việc đầu tư công nghệ sẽ không mang lại nhiều lợi ích cho con người và xã hội.

Theo lý thuyết kinh tế học báo chí, các sản phẩm báo chí truyền thông có tính “ song trùng”, có nghĩa là được bán hai lần. Lần một là bán cho công chúng, lần hai là bán cho nhà quảng cáo. Như vậy, có thể nói, hiện nay các cơ quan báo chí đang hoạt động trong môi trường “ song sản phẩm”. Theo đó, để phát triển kinh tế báo chí trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay, các cơ quan báo chí truyền thông nước ta cần theo một số gợi ý sau đây:

Một là, nội dung là “ vua”, công nghệ là “ nữ hoàng”. Đây là yếu tố cơ bản. Với sự cạnh tranh mạnh mẽ của các “ thế lực” truyền thông xã hội, một số cơ quan báo chí có nội dung tốt nhưng không có nền tảng công nghệ hiện đại thì khó có thể thu hút được quảng cáo. Vì, hiện nay thị trường quảng cáo đang chuyển từ quảng cáo trên báo chí truyền thống sang quảng cáo số, tác động mạnh tới doanh thu của các cơ quan báo, đài. Do phần lớn báo chí đều dựa vào nguồn thu từ quảng cáo và dịch vụ truyền thông, rất ít cơ quan báo chí thực hiện đa dạng nguồn thu. Theo kết quả khảo sát năm 2022, thì 63 báo Đảng địa phương, có tới 91% trong số được hỏi đều có nguồn thu từ quảng cáo, 78% có nguồn thu từ phát hành, 9% có nguồn thu từ tổ chức sự kiện, và 7% có nguồn thu từ nội dung số. Từ đó cho thấy, các cơ quan báo chí không chỉ quan tâm tới “ nội dung là vua”, mà cần thay đổi tư duy, coi trọng công nghệ làm báo hiện đại. Chúng ta cần học tập kinh nghiệm làm baó trên thế giới: Nội dung và công nghệ phải song trùng. Công nghệ là “ Nữ hoàng”, “ Công chúng là số 1”.

Hai là, vấn đề “xin và chạy” quảng cáo. Chúng ta đều biết rằng, trong nền kinh tế thị trường, quảng cáo không còn bị “nhốt” theo quan niệm “kiếm thêm”, mà đó là nguồn thu chính, cơ bản để báo chí tồn tại. Do vậy , các cơ quan báo chí truyền thông cần xây dựng đội ngũ làm truyền thông quảng cáo chuyên nghiệp, tránh tình trạng núp bóng nhà báo để “xin” quảng cáo, có như vậy mới phát triển kinh tế báo chí bền vững, lâu dài.

Ba là, cần tái cấu trúc hoạt động kinh tế báo chí. Do vì, hiện nay báo in đang bị MXH tấn công mãnh liệt, vì thế số lượng phát hành giảm mạnh, lại thêm các nhóm công chúng mới, nhất là giới trẻ đã chuyển sang đọc trực tuyến. Từ đó, “miếng bánh” quảng cáo bị xé lẻ, địa hạt kinh tế bị ảnh hưởng, nhiều nhà quảng cáo chuyển sang làm quảng cáo trực tuyến. Do vậy, các cơ quan báo, đài cần xây dựng mạng lưới quảng cáo mới và tái cấu trúc hoạt động kinh tế báo chí. Ví dụ, như diện tích quảng cáo trên báo chí điện tử cần phải bán trực tiếp cho các nhà quảng cáo, tránh bị phụ thuộc vào truyền thông xã hội và giảm thiểu rũi ro vi phạm pháp luật.

Bốn là, các tòa soạn cần xây dựng chiến lược “điện tử hóa” báo chí. Khi các toà soạn tận dụng được lợi thế của internet, tăng doanh thu nhờ sự đa dạng về thông tin trên môi trường internet, từ đó có thể xây dựng hệ thống thanh toán paywalls để tính tiền người sử dụng nội dung thông tin. Chẳng hạn như tờ New York Times ( Mỹ) đã áp dụng công nghệ số ( chuyển hướng từ báo giấy sang báo điện tử, nhung không chạy đua theo hướng truy cập mà tập trung vào việc khai thác nội dung và thu phí trên báo điện tử. Chiến lược của New York Times là cung cấp những câu chuyện đa chiều để thu hút hàng triệu độc giả để họ sẵn sàng trả tiền khi được đọc.

Năm là, đa dạng hóa nguồn thu. Để tăng cường nguồn thu bên ngoài “mặt báo”, các cơ quan báo chí cần tăng cường tổ chức sự kiện, tham gia các hoạt động từ thiện, vì cộng đồng. Những hoạt động này không chỉ làm tăng uy tín của tờ báo, mà còn làm tăng thương hiệu của cơ quan báo chí.

Sáu là, chiến lược kinh doanh trong xu thế chuyển đổi số không chỉ quan tâm kiếm được bao nhiêu quảng cáo, mà phải trở về với giá trị cốt lõi của báo chí, đó là sản xuất cái gì, sản xuất cho ai và sản xuất như thế nào? Trong xu hướng chuyển đổi số, vấn đề lớn nhất của báo chí không chỉ là doanh thu mà còn là công chúng, nên các cơ quan báo chí phải nghiên cứu phân khúc công chúng là gì, sản xuất cái gì, thị phần quảng cáo ra sao, làm thế nào để bán được quảng cáo, bán ở đâu, thị trường nào? Trong điều kiện hiện nay, các cơ quan báo chí phải xác định được bạn đọc trung thành của mình là ai, thì chính đó là người mang lại cho mình giá trị nguồn thu cho chính cơ quan báo chí chứ không phải các nhóm công chúng thứ yếu khác. Từ đó, các cơ quan báo chí cần có chính sách xây dựng đội ngũ chăm sóc khách hàng hiệu quả, đặc biệt cần phân tích dữ liệu để thuyết phục người đọc trả phí trên báo điện tử. Và, đó cũng chính là nguồn để phát triển kinh tế báo chí truyền thông trong kĩ nguyên số ở Việt Nam hiện nay./.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

  1. Chỉ thị số 30- CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa XI) về phát triển và tăng cường quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông.
  2. Dương Xuân Sơn (1994), Hoạt động báo chí trong cơ chế thị trường. Đề tài nghiên cứu khoa học Cấp Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
  3. Dương Xuân Sơn (2018), Báo chí trong xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0. Tạp chí Người làm báo.
  4. Đinh Văn Hường- Bùi Chí Trung (2015), Một số vấn đề về kinh tế báo In. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
  5. Bùi Chí Trung (2013), Tìm hiểu kinh tế truyền hình. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
  6. Nguyễn Hà My (2020), Hoạt động kinh tế báo chí truyền thông của Thông tấn xã Việt Nam trong kĩ nguyên số. Luận văn Thạc sĩ Báo chí học. Mã số: 8320101.01
  7. Đỗ Thị Thu Hằng (2017), Thị trường báo chí truyền thông Việt Nam: Thực trạng và xu hướng phát triển. Tạp chí Cộng sản điện tử đăng ngày 15/8/2017.
  8. Lê Thu Hà (2014), Xu hướng tiếp nhận sản phẩm báo chí của công chúng Việt Nam. Luận án Tiến sĩ, Học viện báo chí và Tuyên truyền, Hà Nội, P.89, 91, 92
  9. Bộ Thông tin và Truyền thông (9/2015), Những nội dung cơ bản về đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, Hà Nội, tr.4-17
  10. Kinh tế báo chí không chỉ là truyền thông quảng cáo. Link: https:// Cong ly.vn/ print/ 382593.html, 24/5/2024
  11. Frank Webster (2006), Theories of the information society, Third Edition, Routlege Publisher, Master e- book. P.8-9.
  12. European Commission- Europe Economics (2002), Market definition in the Media Sector- Ecomomics Issues, Report by Europe Economics for the European Commission, DG Competition, p.2. Link: http://ec.europa.eu/competiton/sectors/media/documents/European_economic s.pdf
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một số vấn đề về phát triển kinh tế báo chí truyền thông trong xu thế chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO