Chính sách và chiến lược phát triển

Pháp luật về tôn chỉ, mục đích của báo chí và những vấn đề đặt ra hiện nay

TS. Nguyễn Trung Thành, Vũ Thị Huyền 03/04/2024 00:46

Theo nghĩa rộng nhất, tôn chỉ, mục đích chính là định hướng, kim chỉ nam cho hoạt động của mỗi cơ quan báo chí, là giá trị cốt lõi, tiêu biểu để khẳng định dấu ấn riêng của mỗi tờ báo đối với công chúng. Tuy nhiên, hiện nay quy định pháp luật cũng như thực hiện pháp luật về tôn chỉ, mục đích của báo chí đang cho thấy nhiều vấn đề, hạn chế, dẫn đến tình trạng nhiều các cơ quan báo chí, người làm báo bị đánh giá vi phạm về tôn chỉ, mục đích.

Tóm tắt: Báo chí cách mạng là kênh thông tin thiết yếu, là phương tiện định hướng dư luận xã hội; là lực lượng quan trọng trên các mặt trận tư tưởng, chính trị, kinh tế, xã hội; là cầu nối giữa Đảng - Nhà nước - Nhân dân. Đứng trước những yêu cầu mới, báo chí cách mạng cần kiên định với mục tiêu, lý tưởng, tôn chỉ, mục đích đã được Hồ Chí Minh và Đảng ta xác định từ những giai đoạn đầu của sự nghiệp báo chí nước nhà. Theo nghĩa rộng nhất, tôn chỉ, mục đích chính là định hướng, kim chỉ nam cho hoạt động của mỗi cơ quan báo chí, là giá trị cốt lõi, tiêu biểu để khẳng định dấu ấn riêng của mỗi tờ báo đối với công chúng. Tuy nhiên, hiện nay quy định pháp luật cũng như thực hiện pháp luật về tôn chỉ, mục đích của báo chí đang cho thấy nhiều vấn đề, hạn chế, dẫn đến tình trạng nhiều các cơ quan báo chí, người làm báo bị đánh giá vi phạm về tôn chỉ, mục đích. Vậy hiểu thế nào cho đúng, cho đủ về tôn chỉ, mục đích báo chí? Làm sao để tôn chỉ, mục đích vừa phát huy được vai trò định hướng báo chí vừa không trở thành rào cản cho hoạt động báo chí? Bài viết đi vào phân tích định hướng tôn chỉ, mục đích của báo chí cách mạng; đánh giá các quy định pháp luật và quá trình thực hiện pháp luật về tôn chỉ, mục đích báo chí để trả lời các câu hỏi đã đặt ra ở trên.

1. Tôn chỉ, mục đích của báo chí cách mạng Việt Nam

Không phải cho đến bây giờ vai trò, sứ mệnh của báo chí cách mạng mới được thừa nhận mà ngay từ những giai đoạn sơ khai hình thành báo chí cách mạng, các nhà tư tưởng lớn cũng đã đề cập đến vai trò, tầm quan trọng của báo chí với sự nghiệp đấu tranh cách mạng, với sự nghiệp chính trị. Theo Lênin, báo chí cách mạng phải trở thành trung tâm tư tưởng của Đảng vô sản và của nhân dân lao động và “Trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không thể có phong trào gọi là chính trị”[1]. Nhận định này là phát triển từ quan điểm của C.Mác về vai trò chính trị của báo chí trong đó khẳng định “Tuyệt đối từ bỏ chính trị là không thể được. Tất cả các tờ báo chủ trương từ bỏ chính trị cũng đều làm chính trị. Vấn đề chỉ là làm chính trị như thế nào và làm loại chính trị gì”[2]. Theo Lênin, báo chí phải được coi là công cụ, là thứ vũ khí sắc bén trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng “Chúng ta cần trước hết là tờ báo, không có nó thì không thể tiến hành được một cách có hệ thống cuộc tuyên truyền, cổ động hết sức có nguyên tắc và toàn diện”; “Báo chí là trận địa ban đầu, từ đó Đảng sẽ tiến hành cuộc đấu tranh với đối thủ của mình bằng vũ khí tương xứng. Báo hằng ngày là công cụ tuyên truyền, cổ động quần chúng không có gì thay thế được”[3].

Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa báo chí cách mạng và Đảng lãnh đạo cách mạng cũng được xác định rõ, thể hiện mối gắn kết không thể tách rời. Theo C.Mác “Báo Đảng là người phát ngôn của Đảng, là đội tiên phong của giai cấp vô sản, là người tuyên bố và bảo vệ luận cương và phương hướng của Đảng”. Còn theo Ănghen “Báo chí cần phải bảo vệ và giải thích rõ yêu cầu của Đảng, thể hiện rõ những ý kiến, quan điểm của Đảng, đồng thời, báo chí cần phải đấu tranh với kẻ thù của Đảng, bác bỏ ý kiến, tham vọng của chúng”. Cũng đề cập đến tính Đảng của Báo chí cách mạng, Lênin nhấn mạnh “Tất cả các cơ quan báo chí của Đảng phải do các chiến sỹ cộng sản đáng tin cậy, đã tỏ rõ lòng trung thành đối với sự nghiệp cách mạng vô sản biên soạn” [4].

Ngay từ những ngày đầu trên con đường tìm đường cứu nước, chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra vai trò của báo chí với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa, bởi vậy, Người đã tích cực tham gia các hoạt động báo chí, sử dụng báo chí của các nước sở tại để lên tiếng, để nhân dân thế giới biết đến cuộc sống “khốn khổ” của nhân dân Việt Nam, từ đó ủng hộ sự nghiệp tự đấu tranh, giải phóng của dân tộc Việt Nam. Trong suốt quá trình hoạt động ở nước ngoài, làm báo không chỉ là hoạt động nghề nghiệp thuần tuý, mà đối với Bác, báo chí là một trong những phương tiện hiệu quả để hoạt động đấu tranh cách mạng. Ngay sau khi sáng lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (ngày 01/6/1925) - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, Người đã xác định cần thành lập ngay một tờ báo của Hội, sử dụng nó như một vũ khí tư tưởng sắc bén, hỗ trợ cho hoạt động cách mạng mà Hội tiến hành. Do đó, đến ngày 21/6/1925, Báo Thanh niên - cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập. Đây là dấu mốc quan trọng, đặt nền móng cho sự phát triển của sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam. Là tác giả của hàng nghìn bài báo, suốt hơn 50 năm của sự nghiệp báo chí, Bác luôn đặt vấn đề “Viết cho ai, viết để làm gì?” đây được coi là những viên gạch đầu tiên xây dựng lên tôn chỉ, mục đích cho báo chí cách mạng Việt Nam. Theo Người “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Đó là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân ta, cũng là nhiệm vụ của báo chí ta”. Do đó, “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”[5] .

Hồ Chí Minh luôn khẳng định tư tưởng và nội dung xuyên suốt của báo chí là khai thác, tiếp nhận và tuyên truyền: “chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”[6]. Báo chí cách mạng phải đảm bảo tính chiến đấu, tính tiên phong trong đấu tranh vì sự nghiệp cách mạng “bài b.áo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ, vì độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới”[7]. Do đó, báo chí của ta phải có đường lối chính trị đúng, vì có đường lối chính trị đúng thì các nội dung và hình thức thể hiện của báo chí mới đúng và phục vụ đắc lực cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Bên cạnh đó, Báo chí cách mạng phải bám sát vào tôn chỉ, mục đích của Đảng cộng sản, đảm bảo tính Đảng. Theo đó một trong những nguyên tắc căn bản trong định hướng báo chí cách mạng đó là “Ban Chấp hành Trung ương phải kiểm soát các báo chí của Đảng để tránh những khuyết điểm về kỹ thuật và chính trị[8]. Từ đó, khẳng định bản chất của báo chí cách mạng Việt Nam đó là “không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu[9].

Thông qua những nhận thức về dân chủ, nhân quyền, kế thừa, phát huy, vận dụng linh hoạt quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về báo chí cách mạng, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ tôn chỉ, mục đích cao cả mà báo chí cách mạng nước ta hướng đến đó là “phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hoà bình thế giới”. Mặc dù ở mỗi một giai đoạn lịch sử, giai đoạn phát triển đất nước, báo chí sẽ có những thay đổi trong tôn chỉ, mục đích để phù hợp với hơi thở cuộc sống, tuy nhiên tôn chỉ, mục đích mà Hồ Chí Minh đã xác định ở trên vẫn sẽ là tôn chỉ, mục đích nhất quán, không xê dịch theo thời gian. Đây cũng chính là căn cứ, tiền đề để Đảng ta xây dựng các định hướng, quan điểm đối với hoạt động của báo chí cách mạng.

Trong giai đoạn đấu tranh cách mạng giành độc lập dân tộc, báo chí được Đảng ta coi là vũ khí tư tưởng sắc bén, là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng. Trong giai đoạn đổi mới, Đảng tiếp tục nhấn mạnh “báo chí là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của tổ chức chính trị - xã hội và là diễn đàn của nhân dân” do đó báo chí phải được “đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lí của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật; phải bảo đảm tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu và tính đa dạng của hoạt động báo chí[10]. Nhận thức được vai trò quan trọng của báo chí đối với sự phát triển của đất nước, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, thông báo, kết luận nhằm chỉ đạo công tác báo chí như: Chỉ thị 08-CT/TW, ngày 31/3/1992 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo và quản lý nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác báo chí, xuất bản; Chỉ thị số 22-CT/TW của Bộ Chính trị tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý công tác báo chí, xuất bản ngày 17/10/1997; Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 01/8/2007 “Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới”; … Trong đó, quan điểm của Đảng về báo chí được thể hiện qua một số điểm chính như : 1/Báo chí là bộ phận cấu thành, là vũ khí xung kích của mặt trận tư tưởng, lý luận. 2/ Báo chí phải góp phần tích cực vào tuyên truyền lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. 3/ Báo chí phải góp phần tích cực xây dựng lý tưởng xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. 4/ Báo chí là cơ quan của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, triệt để của Đảng và quản lý của Nhà nước. 5/ Đảng lãnh đạo báo chí bằng việc định hướng chính trị, bằng và thông qua nhà nước, thông qua công tác tổ chức - cán bộ, thông qua giám sát, kiểm tra hoạt động thường xuyên trong thực tiễn.

Riêng với vấn đề tôn chỉ mục đích của báo chí, Đảng ta đã nêu rõ “Hoạt động báo chí, xuất bản cần giữ vững định hướng chỉ đạo… theo đúng tôn chỉ mục đích đã định, hoạt động đúng pháp luật, tuân theo sự quản lý về mặt Nhà nước”[11]. Điều này xuất phát từ thực tế mỗi một tờ báo, một cơ quan báo chí đều là cơ quan ngôn luận của một cơ quan, tổ chức chủ quản nhất định, do đó trong hoạt động báo chí cần phải bám sát theo tôn chỉ, mục đích tương ứng với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản. Theo trả lời Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trước câu hỏi của về vấn đề quy hoạch báo chí trong thời gian qua, của đại biểu Phan Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) về tôn chỉ mục đích của các cơ quan báo chí thì tôn chỉ, mục đích của mỗi một tờ báo sẽ giúp báo chí viết chuyên sâu hơn về một nội dung nào đó và đây là cách tiếp cận của Việt Nam, đã được luật định. Câu hỏi đặt ra với mỗi cơ quan báo chí, là làm sao vừa phát huy được những định hướng, kim chỉ nam của tôn chỉ mục đích, vừa hoàn thành vai trò thông tin chính xác, đa dạng, có tính đại chúng, góp phần quan trọng trong định hướng xã hội, đảm bảo quyền được thông tin, quyền tự do báo chí của công dân?!

2. Pháp luật về tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí

Mục đích, tôn chỉ của báo chí, được hình thành nhằm đảm bảo cho hoạt động báo chí đạt được hiệu quả cao nhất. Theo Bill Kovach và Tom Rosenstiel[12] thì “Mục đích của báo chí không được xác định bởi công nghệ, cũng không phải bởi các nhà báo hay các kỹ thuật sản xuất báo chí mà họ sử dụng. Nguyên tắc, mục đích của báo chí được xác định chỉ bởi một điều cơ bản nhất đó là “chức năng của tin tức trong đời sống của con người”. Theo đó, tin tức là một phần của thông tin liên lạc, giúp con người nắm được các thông tin về sự thay đổi của một sự kiện, một vấn đề hay một nhân vật nào đó của cuộc sống hiện tại. Bên cạnh các giá trị giải trí, thì giá trị quan trọng, thiết yếu nhất của tin tức là trao quyền nắm giữ thông tin cho chủ thể được cung cấp thông tin. Do đó, “mục đích của báo chí chính là cung cấp cho công chúng những thông tin mà họ cần để đưa ra các quyết định tốt nhất có thể về cuộc sống, cộng đồng, xã hội và Chính phủ của họ”[13].

Cũng theo Bill Kovach và Tom Rosenstiel, một số tôn chỉ, mục đích chính mà báo chí cần hướng đến đó là: cung cấp sự thật cho công chúng; lòng trung thành tối thượng đối với công chúng; bảo đảm tính khách quan của thông tin; tồn tại độc lập với các nhóm quyền lợi, quyền lực khác; là một thể chế độc lập để giám sát quyền lực của nhà nước; cung cấp 1 diễn đàn công khai cho xã hội; báo chí là kể chuyện có mục đích, có kỹ năng, nghệ thuật để thu hút công chúng; người làm bảo phải giữ được đạo đức, lương tâm của người làm báo.

Với báo chí cách mạng Việt Nam, theo tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn chỉ, mục đích của báo chí, mục tiêu xuyên suốt là phụng sự nhân dân lao động, phụng sự Đảng; góp phần tham gia xây dựng, bảo vệ thành quả cách mạng của dân tộc; góp phần thúc đẩy phát triển đất nước. Còn đối với Đảng, báo chí phải thực hiện tốt trách nhiệm đó là đảm bảo thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích đã được đặt ra. Về cơ bản, tôn chỉ, mục đích của một tờ báo được hiểu là chức năng, nhiệm vụ của tờ báo, đã được định hướng, xác định bởi cơ quan chủ quản của tờ báo, trong đó một số nhiệm vụ cơ bản bao gồm tuyên truyền, phổ biến, phản biện xã hội. Tuy nhiên cho đến hiện nay, các quy định của hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có một quan điểm, khái niệm cụ thể nào về tôn chỉ, mục đích, cũng như ý nghĩa, nội hàm của khái niệm này. Các quy định pháp luật liên quan đến tôn chỉ, mục đích của một cơ quan báo chí bao gồm một số nội dung như:

(1) Cơ quan chủ quản của mỗi một tờ báo, một cơ quan báo chí sẽ là chủ thể xác định tôn chỉ, mục đích của tờ báo đó: Theo Khoản 2, Điều 15, Luật Báo chí 2016 đã nêu rõ cơ quan chủ quản báo chí có quyền xác định “loại hình báo chí, tôn chỉ, mục đích… của cơ quan báo chí”. Bên cạnh đó, chủ thể này cũng phải thực hiện trách nhiệm “chỉ đạo cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích” đã được nêu rõ. (Khoản 2, Điều 15, Luật Báo chí 2016).

(2) Tôn chỉ, mục đích là một trong những điều kiện cần để cấp giấy phép hoạt động báo chí: Theo đó, để cấp giấy phép hoạt động cho một cơ quan báo chí, cần nhiều điều kiện nhưng trong đó phải “xác định rõ tôn chỉ, mục đích, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản” (Khoản 1, điều 17 Luật Báo chí 2016).

(3) Thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích là trách nhiệm của mỗi một cơ quan báo chí: Bên cạnh các chức năng, quyền hạn đã được giao như thông tin trung thực về tình hình đất nước; tuyên truyền, phổ biến đưởng lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; phản ánh dư luận xã hội… báo chí còn có trách nhiệm thực hiện đúng theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí (Khoản 2, Điều 4 Luật Báo chí 2016). Luật cũng đã quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan chủ quản, của cán bộ cơ quan báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí, của văn phòng đại diện, của các hoạt động xuất bản báo chí trong việc thực hiện tôn chỉ, mục đích báo chí.

(4) Các biện pháp xử lý với các sai phạm về tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí: Nghị định 119/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 07/10/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản. Trong đó, quy định rõ mức phạt hành chính và một số hình thức phạt bổ sung đối với các hành vi thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, của người đứng đầu cơ quan báo chí, của người làm báo…

Mặc dù thực tế cho thấy, hiện các quy định pháp lý về tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí còn thiếu, còn yếu tuy nhiên thực trạng quản lý hoạt động báo chí theo tôn chỉ, mục đích lại đang được sử dụng như một công cụ quản lý phổ biến bên cạnh việc quản lý dựa trên pháp luật về báo chí. Điều này dẫn đến thực trạng tôn chỉ, mục đích từ chỗ là công cụ, phương tiện định hướng, hỗ trợ để hoạt động báo chí diễn ra hiệu quả hơn thì nay lại trở thành rào cản, hạn chế hoạt động của nhiều cơ quan báo chí, của đội ngũ người làm báo.

3. Thực hiện pháp luật về tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí

Tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí được thể hiện trong nội dung văn bản của cơ quan chủ quản đăng ký với bộ TT&TT về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan báo chí do mình thành lập. Căn cứ vào văn bản đó, Bộ TT&TT xem xét và cấp giấy phép hoạt động cho cơ quan báo chí, đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản cũng như phù hợp với các quy định của Luật Báo chí. Hiện nay, tôn chỉ, mục đích của các cơ quan báo chí đã được cấp phép hoạt động đều đã được đăng tải công khai trên cổng thông tin của các cơ quan quan lý báo chí. Đây là cơ sở để các cơ quan báo chí, người làm báo thực hiện đúng các quy định pháp lý về tôn chỉ, mục đích của cơ quan mình. Tuy nhiên thực tế thời gian vừa qua đã cho thấy nhiều bất cập, tồn tại trong việc thực hiện pháp luật về tôn chỉ, mục đích báo chí như:

  • Sử dụng “tôn chỉ, mục đích” để giới hạn hoạt động của cơ quan báo chí: Hiện nay, theo Luật Báo chí 2016, điều kiện cấp giấy phép hoạt động báo chí ngoài các yêu cầu về nhân lực, tổ chức, điều kiện tài chính, cơ sở vật chất, hình thức trình bày của ấn phẩm báo chí... yêu cầu đầu tiên đó là xác định loại hình báo chí; tôn chỉ, mục đích phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản (Điều 17, Luật Báo chí 2016). Nghĩa là trong hồ sơ mà cơ quan chủ quản gửi Bộ TT&TT để xin cấp phép hoạt động báo chí, cần nêu rõ tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, đồng thời các nội dung này phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản. Thực tế cho thấy, tôn chỉ, mục đích của các các cơ quan báo chí được Bộ TT&TT đăng tải công khai hiện nay đều cho thấy hầu hết các nội dung này đều được ghi rất chung chung, ngắn gọn, thể hiện phạm vi hoạt động rất hẹp. Hầu hết các nội dung tôn chỉ, mục đích chủ yếu đề cập đến chức năng chính đó là tuyên truyền với trọng tâm là tuyên truyền cho lĩnh vực hoạt động của cơ quan chủ quản. Việc tôn chỉ, mục đích của các cơ quan báo chí chỉ ghi tóm gọn, vắn tắt, và chủ yếu đi vào nội dung tuyên truyền chủ yếu là nhằm để việc cấp phép hoạt động báo chí diễn ra thuận tiện, nhanh chóng, tránh bị các cơ quan quản lý “soi xét” về tôn chỉ, mục đích. Thậm chí, thực tế là tôn chỉ, mục đích trong giấy phép hoạt động báo chí được cấp đã bị “cắt gọt”, thu hẹp đi rất nhiều so với tôn chỉ, mục đích mà cơ quan chủ quản đề xuất trong hồ sơ xin cấp phép. Điều này dẫn đến một thực trạng là nếu xem xét một cách khách quan, nghiêm túc thì hầu hết các cơ quan báo chí đang hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ mà luật Báo chí 2016 quy định đều đang hoạt động vượt ra ngoài tôn chỉ, mục đích đã được ghi trên giấy phép hoạt động báo chí.
  • Đánh giá việc “xa rời, vi phạm tôn chỉ, mục đích” một cách chủ quan: Như đã trình bày ở trên, việc tôn chỉ, mục đích của các cơ quan báo chí hiện được thể hiện chung chung, vắn tắt, tập trung vào nhiệm vụ tuyên truyền nhằm vượt qua các “quy định hành chính” trong vấn đề cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, khi triển khai vào thực tế cho thấy, chính sự chung chung”, đối phó đó dẫn đến những hạn chế, rào cản đối với hoạt động báo chí. Ví dụ, theo tôn chỉ mục đích, mỗi một cơ quan báo chí đều có một nhóm đối tượng công chúng, độc giả riêng; hướng đến một nội dung thuộc một ngành, một lĩnh vực nhất định. Do đó, nếu vượt ra khỏi nội dung đó, khỏi nhóm đối tượng đó thì bị coi là “xa rời tôn chỉ mục đích”. Hoặc nếu các hoạt động báo chí không nằm trong nội dung tuyên truyền cũng bị coi là vi phạm tôn chỉ, mục đích. Đây là một cách hiểu máy móc, dập khuôn đồng thời cũng đi ngược lại với các quy định của luật Báo chí, Luật Tiếp cận thông tin. Bởi theo Luật Báo chí, trách nhiệm, nghĩa vụ của báo chí đó là cung cấp một cách trung thực các thông tin về tình hình đất nước, thế giới một cách đa dạng, phong phú trên nhiều phương diện, lĩnh vực khác nhau, không bó hẹp phạm vi thông tin ở một lĩnh vực, một ngành nhất định nào (Khoản 2, Điều 4, Luật Báo chí 2016). Hay theo Luật Tiếp cận thông tin, công dân có quyền tiếp cận với các thông tin trừ các thông tin không được phép tiếp cận hoặc tiếp cận có điều kiện (như các thông tin về bí mật quốc gia, bí mật nhà nước, các thông tin về an ninh, quốc phòng…). Một khi chiếc áo tôn chỉ, mục đích quá chật so với hoạt động của báo chí cũng như so với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan báo chí sẽ dẫn đến chức năng thông tin của báo chí đã bị giới hạn, hiểu sai lệch, hạn chế hoạt động của các cơ quan báo chí, hoạt động của nhà báo, đồng thời cũng khiến các quy định về tôn chỉ, mục đích trở nên hình thức, thiếu giá trị thực tiễn.
  • Lợi dụng những hiểu biết sai lệch về “tôn chỉ, mục đích” để cản trở hoạt động báo chí: Thời gian vừa qua, có một số các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ở một số địa phương sử dụng cụm từ “Tôn chỉ, mục đích” với những hiểu biết không đúng nhằm né tránh trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí hoặc cản trở hoạt động tác nghiệp của báo chí. Theo Luật Báo chí, trong 4 trường hợp mà các Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí (theo Khoản 2, Điều 38, Luật Báo chí 2016), thì không có trường hợp nào liên quan đến tôn chỉ, mục đích. Điều này cho thấy, việc lợi dụng “tôn chỉ, mục đích” của một tờ báo để từ chối cung cấp thông tin cho báo chí là hành động trái với pháp luật về báo chí, đồng thời tạo tiền lệ cho các nhận thức sai lệch về tôn chỉ, mục đích của báo chí. Bên cạnh đó theo phản ánh của một số phóng viên, nhà báo, một số cơ quan báo chí cũng cho thấy thực trạng nhiều cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp, cơ quan lợi dụng việc “tôn chỉ, mục đích” của các cơ quan báo chí để từ chối cung cấp thông tin, cản trở các hoạt động tác nghiệp đặc biệt với các vấn đề có dấu hiệu sai phạm, tham ô, tham nhũng, đặc biệt với các cơ quan tạp chí, các cơ quan báo chí nhỏ, mà “lý do, luận điệu” đưa ra là cơ quan báo chí đó không có chức năng điều tra, phản ánh các vụ việc tiêu cực, sai phạm. Tuy nhiên ở đây cần phải nhấn mạnh rằng, việc phân định “Tôn chỉ, mục đích” của các cơ quan báo chí, là để các cơ quan báo chí tập trung chuyên sâu vào lĩnh vực hoạt động của mình (Chủ quản của cơ quan báo), nhằm phát huy những khả năng vốn có để thúc đẩy tích cực hơn vai trò báo chí. Điều đó không có nghĩa rằng phóng viên, nhà báo của một cơ quan báo chí nào đó không được tác nghiệp ngoài lĩnh vực thuộc phạm vi “Tôn chỉ, mục đích” của mình, đặc biệt là vấn đề chống tiêu cực. Bởi đây là chức năng, nhiệm vụ chung của hoạt động báo chí đã được pháp luật quy định[14]. Do đó, các hoạt động từ chối cung cấp thông tin, cản trở hoạt động tác nghiệp báo chí với lý do “không đúng với tôn chỉ, mục đích” là những hoạt động vi phạm pháp luật về báo chí, vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, vi phạm về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan báo chí.
  • Sử dụng tôn chỉ mục đích như một công cụ để quản lý báo chí: Báo chí cách mạng phải hướng đến mục tiêu truyền bá tư tưởng của Đảng, pháp luật Nhà nước đến với mọi tầng lớp nhân dân; phải trở thành cầu nối giữa quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước với Nhân dân, là kênh thông tin quan trọng để Nhân dân thực hiện quyền được biết, quyền được bàn, quyền được kiểm tra và quyền làm chủ của mình. Mặt khác, báo chí phải phản ánh được hơi thở, sức sống của thời đại, chủ động tiếp cận, phản ánh, phân tích, bình luận về những vấn đề trong nước với quốc tế và ngược lại. Ở mỗi giai đoạn khác nhau của lịch sử, báo chí sẽ có những vai trò lịch sử khác nhau, tuy nhiên, không thể tách rời chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích của mỗi cơ quan báo với tôn chỉ, mục đích chung của báo chí cách mạng Việt Nam đã được hình thành và phát triển trong gần 100 năm qua. Nếu tiếp tục sử dụng tôn chỉ, mục đích như một công cụ để quản lý báo chí sẽ dẫn tới tình trạng phân hóa báo chí, phủ nhận nhiệm vụ cách mạng, vai trò chính trị của một bộ phận không nhỏ các cơ quan báo chí.

Trong bối cảnh xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, việc quản lý xã hội được thực hiện bằng pháp luật, thì việc sử dụng một thuật ngữ rất chung chung, mang tính định tính, luận giải chủ quan: "tôn chỉ, mục đích" để quản lý báo chí là chưa thấu đáo. Bản chất của hành vi vi phạm pháp luật không nằm ở việc không tuân thủ tôn chỉ, mục đích, mà nằm ở hậu quả pháp lý của hành vi vi phạm pháp luật của những phóng viên, nhà báo. Do đó luận giải "tôn chỉ, mục đích" để quản lý hoạt động báo chí là chưa thỏa đáng. "Tôn chỉ, mục đích" không thể là một quy phạm pháp luật để phán xét công lý và đạo đức xã hội; mà đúng hơn, "tôn chỉ, mục đích" là nhân tố cơ bản để định hướng, đồng hành cùng sự phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Thẳng thắn thừa nhận, giai đoạn vừa qua đã có một số cơ quan báo chí đăng tải các bài viết thiếu trung thực, sai sự thật; một số phóng viên, nhà báo lợi dụng chức năng báo chí để hạch sách, tống tiền, gây khó khăn cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khiến dư luận vô cùng bức xúc, làm giảm niềm tin của xã hội đối với báo chí. Trong khi đó vai trò quản lý của các cơ quan chủ quản cũng như các cơ quan quản lý báo chí hiện chưa đạt được hiệu quả, công tác quản lý cho thấy nhiều lỗ hổng. Tuy nhiên, không vì tình trạng trên mà quy chụp một vài trường hợp đơn lẻ thành bản chất của cái chung, siết chặt quản lý một cách máy móc, cứng nhắc, hạn chế vai trò, chức năng thông tin của báo chí. Vấn đề đặt ra là cơ quan quản lý báo chí, cụ thể là cả ba bên gồm cơ quan chủ quản, cho đến Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông cần có cơ chế quản lý phù hợp, chế tài cụ thể, giải quyết vấn đề một cách “thấu tình đạt lý”, để mỗi cơ quan báo chí vừa bảo đảm tôn chỉ mục đích, vừa đáp ứng nhu cầu thông tin đời sống xã hội, nhất là trong bối cảnh các tòa soạn phải vận hành theo quy luật kinh tế báo chí của nền kinh tế thị trường nói chung.

Để hướng đến một nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại như tinh thần của Đại hội XIII đã nêu ra, cần tăng cường quản lý và định hướng một cách đúng đắn, rõ ràng về tôn chỉ, mục đích báo chí, cần chú ý tới một số nội dung như:

(1). Cần nhất quán, thống nhất về tôn chỉ, mục đích của báo chí cách mạng trong đó lấy mục đích, tôn chỉ báo chí theo quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh làm định hướng, đồng thời phải phù hợp với bối cảnh hiện tại, bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân theo pháp luật; bảo đảm tính kết nối thông tin trên các mặt của đời sống xã hội trong nước, quốc tế được liên tục, kịp thời và chính xác.

(2) Làm rõ mối quan hệ giữa "tôn chỉ, mục đích" của mỗi cơ quan báo chí với "tôn chỉ, mục đích" chung của báo chí cách mạng Việt Nam, bởi mỗi cơ quan báo chí dù được cấp phép dựa trên các tôn chỉ, mục đích của cơ quan chủ quản nhưng đều là một thành tố trong hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam, do đó phải có mối quan hệ với tôn chỉ, mục đích chung của báo chí cách mạng. Đây là căn cứ quan trọng để định hướng xây dựng tôn chỉ, mục đích cho từng cơ quan báo chí đồng thời cũng đảm bảo các cơ quan báo chí vừa hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích đã được xác định, vừa hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ mà báo chí đã được giao.

(3). Nên coi tôn chỉ mục đích là quan điểm, định hướng cho sự phát triển của báo chí, là yếu tố song hành cùng sự phát triển của báo chí nước nhà, hơn là một công cụ để quản lý báo chí. Điều này vừa phù hợp với định hướng, quan điểm về tôn chỉ, mục đích của báo chí nói chung, vừa đáp ứng được việc đảm bảo quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân theo Hiến pháp 2013 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị ICCPR, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa ICESCR mà Việt Nam đã ký kết.

(4). Cần làm rõ nội hàm, ý nghĩa, đặc điểm của cụm từ “tôn chỉ, mục đích” để hiểu rõ như thế nào là xa rời, làm trái tôn chỉ, mục đích, từ đó ngăn ngừa việc lợi dụng “tôn chỉ, mục đích” để làm trái chức năng báo chí, lợi dụng tôn chỉ mục đích để từ chối cung cấp thông tin cho báo chí, cản trở tác nghiệp báo chí.

(5) Để đảm bảo các cơ quan báo chí vừa đáp ứng các yêu cầu về tôn chỉ, mục đích, vừa đảm bảo tính đa dạng của thông tin báo chí, đảm bảo thực hiện quyền tự do báo chí của công dân, có thể áp dụng mô hình quản lý theo tỷ lệ bài báo. Ví dụ cơ quan báo chí chỉ cần đáp ứng một tỷ lệ % lượng tin, bài đăng tải/tháng phù hợp với nội dung thuộc tôn chỉ, mục đích. Còn lại có thể thông tin về các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội.

Để báo chí hoàn thành tốt chức năng phản ánh những diễn biến quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước; góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; thực hiện ngày càng có hiệu quả chức năng giám sát, phản biện xã hội, đặc biệt tham gia sâu hơn vào việc phát hiện, ngăn chặn các vụ việc, hành vi tiêu cực, tham ô, tham nhũng - cần làm tốt công tác quản lý Nhà nước về báo chí nói chung và về tôn chỉ, mục đích báo chí nói riêng, để tôn chỉ, mục đích trở thành kim chỉ nam cho hoạt động của các cơ quan báo chí, cho đội ngũ người làm báo mà không trở thành rào cản, thành “chiếc áo” bó buộc; để báo chí thực sự “phục vụ cho nhân dân, phục vụ cho đất nước, phục vụ cho xã hội chủ nghĩa và hoà bình thế giới” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một nền báo chí cách mạng.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

[1] Đào Duy Quát, Đỗ Quang Hưng, Vũ Duy Thông (2010), Lịch sử Báo chí cách mạng Việt Nam (1925-2010), Nxb. Chính trị Quốc gia, tr.46.

[2] Đào Duy Quát, Đỗ Quang Hưng, Vũ Duy Thông (2010), Lịch sử Báo chí cách mạng Việt Nam (1925-2010), Nxb. Chính trị Quốc gia, tr.46

[3] Đào Duy Quát, Đỗ Quang Hưng, Vũ Duy Thông (2010), Lịch sử Báo chí cách mạng Việt Nam (1925-2010), Sđd, tr.46.

[4] Ban tuyên giáo Trung ương (2021), “Tài liệu phục vụ cho công tác chỉ đạo, định hướng hoạt động báo chí, xuất bản giai đoạn hiện nay”.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập” (2009), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 12, tr.170; Trích bài nói của Hồ Chủ tịch tại Đại hội II Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 16/4/1959.

[6]Hồ Chí Minh: Toàn tập, (2009), Sđd, tập 12, tr.171.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd Tập 14, tr.540.

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 3, tr.168.

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.166.

[10] Ban Chấp hành Trung ương (2007), “Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 01/8/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới”.

[11] Ban Bí thư (1992), Chỉ thị 08 về việc tăng cường sự lãnh đạo và quản lý nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác báo chí, xuất bản

[12] Bill Kovach, Tom Rosenstiel (2007), “The Elements of Journalism: What Newspeople Should Know and the Public Should Expect”, Publisher: ‎Crown; First Edition (April 3, 2001)

[13] Bill Kovach, Tom Rosenstiel, Sđd.

[14] Cụ thể, tại điểm c và d, Khoản 2 Điều 4 Luật Báo chí 2016 nêu rõ về nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan báo chí: c) Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân; d) Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Luật Báo chí năm 2016.
  2. Luật Tiếp cận thông tin năm 2016.
  3. Đào Duy Quát, Đỗ Quang Hưng, Vũ Duy Thông (2010), Lịch sử Báo chí cách mạng Việt Nam (1925-2010), Nxb. Chính trị Quốc gia, tr.46.
  4. Ban tuyên giáo Trung ương (2021), “Tài liệu phục vụ cho công tác chỉ đạo, định hướng hoạt động báo chí, xuất bản giai đoạn hiện nay”.
  5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, (2009), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  6. Ban Chấp hành Trung ương (2007), “Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 01/8/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới”.
  7. Ban Bí thư (1992), Chỉ thị 08 về việc tăng cường sự lãnh đạo và quản lý nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác báo chí, xuất bản;
  8. Bill Kovach, Tom Rosenstiel (2007), “The Elements of Journalism: What Newspeople Should Know and the Public Should Expect”, Publisher: ‎Crown; First Edition (April 3, 2001).
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Pháp luật về tôn chỉ, mục đích của báo chí và những vấn đề đặt ra hiện nay
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO