Tài liệu tiếng Việt

Chuyển đổi số tạp chí khoa học tại Việt Nam thực trạng và đề xuất

Nguyễn Phúc Quân 13/06/2024 10:19

Công bố khoa học là quá trình truyền tải thông tin, dữ liệu và kiến thức thu thập từ nghiên cứu khoa học đến cộng đồng khoa học và công chúng. Thông qua khảo sát ngẫu nhiên 118 tạp chí khoa học trong danh mục tính điểm của Hội đồng Giáo sư Nhà nước (HĐGSNN) về các thông tin quy định chính sách, các hoạt động xuất bản, công bố, cho thấy 13% tạp chí được khảo sát không có website hoạt động, chỉ 39% website tạp chí có đủ các thông tin cơ bản về hội đồng biên tập và chính sách hoạt động, 46,7% tạp chí có cập nhật thông tin về hoạt động xuất bản trong năm 2023; đặc biệt chỉ có 11% tạp chí công khai thông báo về quy định thu phí đăng bài. Hoạt động phỏng vấn ban biên tập các tạp chí còn cho thấy, một lượng lớn tạp chí khoa học đã dừng các hoạt động online chỉ tập trung vào xuất bản ấn phẩm giấy. Kết quả này cho thấy sự khác biệt về mục tiêu, phương thức hoạt động của các tạp chí tại Việt Nam dẫn tới lệch chuẩn. Bài viết đề xuất một số kiến nghị, bao gồm cải thiện quy trình phong tặng chức danh, kiểm soát cơ quan chủ quản, liên kết hợp tác giữa các tạp chí. Điều này sẽ góp phần vào sự phát triển bền vững cho hoạt động nghiên cứu, công bố khoa học.

TỪ KHOÁ: Tạp chí khoa học; công bố khoa học; xuất bản khoa học; quản lý khoa học

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Tạp chí khoa học (Scientific Journal) là một ấn phẩm in hoặc trực tuyến thường được xuất bản định kỳ, trong đó các bài báo nghiên cứu khoa học và các công trình liên quan đến các lĩnh vực khoa học cụ thể được công bố và chia sẻ với cộng đồng nghiên cứu. Tạp chí khoa học chủ yếu dành cho việc trình bày kết quả nghiên cứu mới, phương pháp nghiên cứu, thảo luận về các vấn đề khoa học, và phát triển kiến thức trong các lĩnh vực khác nhau (Barbara Gastel & Robert A Day, 2022).

Công bố khoa học (Scientific Publication) là hành động hoặc quá trình chia sẻ các thông tin, kết quả, và kiến thức thu thập từ nghiên cứu khoa học với cộng đồng khoa học và công chúng. Công bố khoa học không chỉ bao gồm việc xuất bản trong các tạp chí khoa học mà còn bao gồm các hình thức khác như sách khoa học, bản thuyết trình, bài diễn thuyết, và các tài liệu khác để chia sẻ thông tin về nghiên cứu và tri thức trong lĩnh vực khoa học cụ thể(Barbara Gastel & Robert A Day, 2022). Công bố khoa học giúp đảm bảo rằng tri thức khoa học và các phát hiện mới được phổ biến và truyền tải đến mọi người trong cộng đồng khoa học và đối tượng quan tâm. Nhờ vào công bố khoa học, các nghiên cứu mới, kết quả thử nghiệm, và kiến thức tiến bộ có thể được truyền tải đến cộng đồng khoa học, xây dựng sự tích lũy tri thức và tiến bộ trong các lĩnh vực khoa học. Nó cho phép các nhà nghiên cứu xây dựng trên công trình của người khác và tạo ra sự phát triển liên tục trong tri thức. Công bố khoa học còn là công cụ giúp đánh giá và kiểm tra tính khoa học và đáng tin cậy của các đề tài nghiên cứu(Trương Vũ Bằng Giang, 2021). Do theo quy chuẩn các bài báo khoa học thường phải trải qua quá trình đánh giá phản biện để đảm bảo tính chính xác và chất lượng của thông tin. Từ đó các kết quả này có thể hỗ trợ quyết định chính trị và chính sách: bằng cách cung cấp thông tin khoa học trung thực, khách quan là cơ sở cho quyết định chính trị và chính sách. Các quyết định về sức khỏe, môi trường, công nghiệp, và nhiều lĩnh vực khác có thể dựa trên thông tin từ các nghiên cứu khoa học.

Các đơn vị chủ quản tại Việt Nam đặc biệt là các trường đại học, học viện đều có chính sách ghi nhận kết quả nghiên cứu thông qua bài báo khoa học để khuyến khích nghiên cứu là cơ sở để nâng cao chất lượng giảng dạy, gia tăng thứ hạng trên các bảng xếp hạng nhà trường và nhiều mục đích khác

Theo thống kê từ VCgate từ 2021, Việt Nam hiện có trên 600 tạp chí khoa học (trong hệ thống tạp chí được Hội đồng Giáo sư Nhà nước tính điểm là hơn 470 tạp chí)(Nguyễn Hữu Đức, 2021), cũng theo cố liệu do VCgate công bố trên báo chí cho thấy có 80% các tạp chí trong nước chưa đạt chuẩn, tuy nhiên đơn vị này không đưa ra bất kỳ thông tin nào về quy chuẩn và cách thống kê. Theo báo cáo từ ACI (ASEAN Citation Index) năm 2022 Việt Nam có 26 Tạp chí được đáp ứng tiêu chuẩn, nhưng tới 2023 chỉ còn 20 tạp chí(ACI, 2023). Những tiêu chí của ACI được xây dựng dựa trên khuôn mẫu của danh mục Scopus nhưng đã được điều chỉnh theo hướng phù hợp với hiện trạng tạp chí tại Đông Nam Á(Trương Vũ Bằng Giang, 2021), các tiêu chí cơ bản bao gồm thông tin hội đồng biên tập, chính sách tạp chí, quy cách trình bày bản thảo,…

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm học 2019-2020 cả nước có 85,091 Cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên đang làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập (chưa tính số liệu từ các trường công an, quân đội), trong đó có 73,132 giảng viên cơ hữu(Bộ Giáo dục & Đào tạo, 2021). Nếu mỗi giảng viên trung bình công bố khoảng 3 bài báo thì mỗi tạp chí trong 600 tạp chí khoa học trên mỗi năm phải đăng khoảng 37 bài viết.

Theo Kết quả đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí năm 2023 của Trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số báo chí cho thấy: khối tạp chí khoa học là nhóm có kết quả điểm quy đổi thấp nhất trong các khối cơ quan báo chí. Kết quả này một phần còn do bộ tiêu chí chung của cơ quan đánh giá chủ yếu dựa trên hoạt động của các cơ quan báo chí thông thường, còn nhiều hạng mục không phù hợp với đặc thù của Tạp chí khoa học, nhưng kết quả này cũng phần nhiều cho thấy được thực trạng chuyển đổi số của các tạp chí khoa học tại Việt Nam

Nghiên cứu này tập trung vào khảo sát tính chuyên nghiệp của các tạp chí khoa học tại Việt Nam, đánh giá hiệu quả hoạt động và đưa ra các kiến nghị

2. VẬT LIỆU PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

- Các tạp chí khoa học tại Việt Nam theo danh mục tính điểm của Hội Đồng giáo sư nhà nước theo Quyết định số 22/QĐ-HĐGSNN phê duyệt Danh mục tạp chí khoa học được tính điểm năm 2023(HĐGSNN, 2023)

2.2. Phương pháp nghiên cứu

- Cỡ mẫu: Chọn ngẫu nhiên 118 tạp chí khoa học từ danh mục kèm Quyết định số 22/QĐ-HĐGSNN

2.3. Phương pháp đánh giá

- Các nội dung thông tin cơ bản: tạp chí được tính là có đủ thông tin khi có thông báo về hội đồng biên tập, quy trình gửi bài, chính sách tạp chí; không kiểm tra xác thực thông tin này

- Hệ thống gửi nhận bài: Tạp chí có hệ thống cho tác giả thực hiện thao tác tạo tài khoản, đăng nhập, gửi bài viết

- Sử dụng phần mềm chống đạo văn: Tạp chí có thông báo sử dụng phần mềm kiểm tra đạo văn trên website

- Mã DOI: Các bài viết trên tạp chí có gắn mã DOI, mã DOI có dẫn link tới website chứa thông tin hoặc file pdf của bài báo

- Chỉ mục: tạp chí có chỉ mục tới google scholar

- Mở: Tất cả các bài báo trên tạp chí đều có thể truy cập mở toàn văn, không giới hạn, không cần đăng nhập, trả tiền hay thực hiện thao tác khác

- Cập nhật: tạp chí có cập nhật thông tin xuất bản trong năm 2023

- Tính phí: tạp chí có thông báo về các mức phí, nếu không có thông báo miến phí sẽ được tính là không có thông tin

2.4. Trao đổi với ban biên tập:

- Liên hệ với số điện thoại, e-mail của Ban biên tập được thông báo trên website của tạp chí để hỏi về quy trình đăng bài, tình trạng tạp chí, các mức phí,…

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Website tạp chí

Hình 1. Tình trạng website các tạp chí khoa học Việt Nam

Do giới hạn của nghiên cứu chúng tôi không thể khảo sát tình hình hoạt động của các Tạp chí khoa học Việt Nam theo sát đánh giá của ACI, về thông tin và hoạt động trên website của các tạp chí chúng tôi chỉ giới hạn đánh giá thông tin về mục tiêu phạm vi, chính sách đăng bài, danh sách hội đồng biên tập, hướng dẫn cho tác giả. Website nào có đủ các thông tin trên thì được đánh giá là đủ, không đi vào chi tiết như ACI yêu cầu: hội đồng biên tập phải có thông tin Scholar hoặc ORCID, hay các yêu cầu đủ chi tiết trong chính sách tạp chí(ACI, 2023),…

Kết quả khảo sát cho thấy 13% các tạp chí được khảo sát không có website, hoặc website trong tình trạng không thể truy cập do chưa gia hạn tên miền, hosting hoặc các lỗi kỹ thuật khác, 26% tạp chí không có website riêng mà chỉ có một mục thông tin giới thiệu kèm mục lục các số trên trang của đơn vị chủ quản, 14% tác tạp chí có website nhưng không có cập nhật thông báo, thông tin số mới phát hành trong năm 2023, 8% tạp chí có có website nhưng thiếu nhiều thông tin quan trọng, thậm chí có một số Tạp chí không có thông tin gì về ban biên tập, hướng dẫn đăng bài, chính sách,…Cuối cùng chỉ có 39% các tạp chí được khảo sát có đủ các thông tin cơ bản.

Theo báo cáo từ cục thông tin khoa học công nghệ quốc gia, có tới 66% các tạp chí khoa học được khảo sát chỉ xuất bản ở dạng giấy(Nguyễn Thị Tú Quyên & Dương Thị Phương, 2019), theo khảo sát sơ bộ từ chúng tôi thì nhóm các tạp chí này tập trung hầu hết ở các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, ngoài ra khá nhiều tạp chí có nội dung nghiên cứu quốc tế, nghiên cứu quốc gia và khu vực cũng không phát hành online, thậm chí không có website thông tin.

3.2. Hoạt động và chính sách tạp chí

Bảng 1. Tình trạng thông tin các Tạp chí khoa học Việt Nam

STT
Thông tin, chức năng
Tỉ lệ (%)
1
Đạo văn
16.95
2
Scholar
26.67
3
Mở
41.53
4
Cập nhật 2023
46.61

Về các hoạt động và chính sách tạp chí, chí có 16,95% các tạp chí có thông báo trên website về chính sách kiểm tra đạo văn, 26,67 tạp chí có chỉ mục tới google scholar; 41,25% tạp chí có truy cập mở, tức có thể tải về và đọc toàn văn các số báo, và 46,61% tạp chí có hoạt động năm 2023. Như vậy loại đi nhóm 13% tạp chí không có website thì có tới 40% các tạp chí không có cập nhật thông tin gì trên trang của mình trong năm 2023. Ngoài ra giữa các tạp chí cùng một đơn vị chủ quản cũng có sự khác biệt về hiệu quả hoạt động, từ dù chung hệ thống quản lý và biên tập nhưng có tạp chí đầy đủ thông tin, hoạt động ổn định tới 2023; có tạp chí đã ngưng hoạt động trên website từ lâu.

3.3. Mã DOI

Hình 2. Tình trạng quản lý mã DOI các tạp chí khoa học Việt Nam

Mã DOI (Digital Object Identifier) là một hệ thống gán mã số duy nhất cho các tài liệu số và tài nguyên trực tuyến như bài viết khoa học, sách điện tử, bài báo, hình ảnh, video, và dữ liệu nghiên cứu. Mã DOI giúp xác định và định vị một tài liệu cụ thể trên internet một cách duy nhất và vĩnh viễn. Mỗi mã DOI sẽ được gán cho một bài báo cụ thể, giúp trong việc tham khảo, trích dẫn và tìm kiếm thông tin mà không cần phải lo lắng về việc thay đổi các liên kết hoặc vị trí lưu trữ của tài liệu đó. Mã DOI cũng đóng vai trò quan trọng trong việc theo dõi và đánh giá tầm ảnh hưởng của các công trình nghiên cứu và tài liệu khoa học(Nguyễn Thị Tú Quyên & Dương Thị Phương, 2019).

Trong nhóm Tạp chí được khảo sát nhận thấy chỉ 20% tạp chí có mã DOI hoạt động, tức mã DOI có chỉ tới website chứa bài báo hoặc file pdf của bài báo; 9% tạp chí có mã DOI nhưng không hoạt động, có thể là do chưa được kích hoạt hoặc chưa thanh toán. Trong nghiên cứu của Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia có tới 66% các tạp chí khoa học chỉ xuất bản ở dạng giấy(Nguyễn Thị Tú Quyên & Dương Thị Phương, 2019), rõ ràng nhóm tạp chí này không cần tới DOI. Nghiên cứu này còn phân chia các tạp chí ra 3 nhóm theo cơ quan chủ quản gồm nhóm tạp chí đại học, học viện; nhóm tạp chí bộ ban ngành và nhóm tạp chí hiệp hội để khảo sát, kết quả cho thấy có sự khác biệt lớn về nhận thức và quan điểm khi được hỏi về việc áp dụng DOI cho tạp chí(Nguyễn Thị Tú Quyên & Dương Thị Phương, 2019), từ đây có thể đi đến kết luận rằng có sự khác biệt có thể ghi nhận giữa các tạp chí về mục tiêu hoạt động xuất phát từ mục đích và nhận thức của cơ quan chủ quản.

3.4. Thu phí

Hình 3. Tình trạng thu phí các tạp chí khoa học Việt Nam

Các tạp chí trong nước rất mập mờ về các khoản phí, các khoản phí này thường được gọi dưới nhiều cái tên khác nhau như phí xử lý bài viết, phí đăng bài, phí phản biện. Một số Tạp chí có quy định rõ mức phí chỉ chiếm có 5%, tương ứng với đó là nhóm các tạp chí tuyên bố miễn phí chiếm 6%. Về nhóm 89% còn lại chúng tôi đã thử liên lạc với các ban biên tập thông qua e-mail, số điện thoại được cung cấp trên website tạp chí thì đa số các phản hồi đều báo rằng tạp chí có thu phí, nhưng không tiết lộ rõ mức thu.

4. THẢO LUẬN

4.1. Một lượng lớn tạp chí khoa học tại Việt Nam vẫn đang hoạt động ổn định mà không cần môi trường internet

Đang tồn tại một nhóm các Tạp chí khoa học xuất bản ở dạng giấy, có lượng phát hành lớn, có lượng đọc giả và cộng tác viên lớn, có nguồn thu từ tiền bán tạp chí, quảng cáo, đăng bài. Nhóm này hoặc không có website hoặc chỉ đăng danh mục, mục lục các số trên website của đơn vị chủ quản, vì lượng đọc giả và tác giả có họ đều tiếp cận tạp chí qua báo giấy. Xoay quanh nhóm tạp chí này từ cơ quan chủ quản, ban biên tập, tác giả đăng bài và người đọc hầu như không cần và không quan tâm đến các hoạt động chuyển đổi số, số hóa và cũng không thấy cần thiết phải nâng cấp tạp chí theo các tiêu chuẩn chung của thế giới, bởi họ đang hoạt động ổn định, không có nhu cầu hay sự thúc ép để chuyển đổi và với nguồn lực hiện tại họ sẽ gặp nhiều vấn đề nếu thực hiện chuyển đổi, nhưng chưa hẳn sẽ mang lại hiệu quả theo mục tiêu hoạt động.

4.2. Nhiều tạp chí đang có bước thụt lùi chưa rõ nguyên nhân

Qua khảo sát của chúng tôi, 14% các tạp chí khoa học có website, hệ thống gửi bài-tức một nền tảng tiêu chuẩn để phát triển, nhưng họ chỉ dùng hệ thống này được một thời gian rồi ngừng cập nhật và chuyển về phương thức cũ. Thông qua liên hệ với BBT một số tạp chí trong nhóm này câu trả lời chúng tôi thường nhận được là tạp chí vẫn hoạt động, hệ thống đang bị lỗi,…nhưng trên website không có thông báo nào. Ngoài ra nhiều tạp chí thông báo có hệ thống nhận bài nhưng không hoạt động, khi thử tạo tài khoản để đăng bài, chúng tôi gặp nhiều lỗi từ lúc đăng ký tài khoản tới lúc upload bài báo, khi phản hồi với ban biên tập thì chúng tôi được yêu cầu ugiwr bản thảo qua e-mail. Cần lưu ý rằng trong giai đoạn 2022-2023 có 6/26 tạp chí trong nước đã bị loại khỏi danh mục ACI(ACI, 2023), đây là một bước lùi của nền khoa học trong nước và hệ thống tạp chí Việt Nam

4.3. Nhiều tạp chí không có quy chuẩn

Thông qua thực hiện gửi đăng bản thảo ở một số tạp chí chúng tôi nhận thấy, nhiều tạp chí không có quy tắc trình bày bản thảo thống nhất, mỗi bài báo một kiểu. Có tạp chí lại dùng bộ quy tắc không theo chuẩn quốc tế, như bắt buộc tóm tắt phải giới hạn trong 200-250 từ, nếu nhập ít hơn 200 từ hoặc nhiều hơn 250 từ sẽ không thể thực hiện bước tiếp theo. Có tạp chí có quy cách biên tập và trình bày tài liệu tham khảo khác với thông thường nên chỉ có thể chèn chú thích tài liệu thủ công chứ không thể dùng phần mềm như Endnote. Hay thậm chí những tạp chí khoa học chỉ hoạt động trên facebook, không có website hay hệ thống gửi bài chính thức.

4.4. Vấn đề liêm chính học thuật

Các nội dung về liêm chính học thuật đã được dư luận chú ý từ lâu, đặc biệt là các loạt bài phóng sự điều tra của báo Thanh niên, các hiện trạng ngụy tạo số liệu, đạo văn, tự đạo văn, đăng một bản thảo lên nhiều tạp chí đang diễn ra phổ biến, trong giới hạn của nghiên cứu này chưa thể đưa ra đánh giá về đạo đức nghiên cứu được thực thi tại các tạp chí Việt Nam, tuy nhiên nhìn vào mức độ cam kết áp dụng phần mềm đạo văn (17%) và tỉ lệ số hóa thấp (34% tạp chí xuất bản online(Nguyễn Thị Tú Quyên & Dương Thị Phương, 2019)) là điều kiện lý tưởng để gian lận khoa học. Gần đây tạp chí Văn hóa Phật giáo đã rút 5 bài báo vừa đạo văn và giả mạo tác giả, báo chí cũng liên tục chỉ ra nhiều nhà khoa học có học hàm học vị cao có hành vi đạo văn.

5. KIẾN NGHỊ VÀ ĐỀ XUẤT

5.1. Việc xét và tính điểm chức danh

Bài báo trong nước là một trong những cơ sở phổ biến để đăng ký danh mục hội đồng chức danh nhà nước, việc được tính điểm hiện là thước đo phổ biến và là nội dung thu hút bài đăng của các tạp chí. Về các tiêu cực trong xét chức danh tại Việt Nam đã có nhiều báo cáo và đề xuất, trong khuôn khổ nghiên cứu này chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng quy trình phong tặng chức danh của Việt Nam đang không tạo được động lực chuyển đổi số theo các tiêu chuẩn quốc tế của các tạp chí và nhà khoa trong nước. Để thay đổi căn bản chất lượng nghiên cứu khoa học, công bố khoa học tại Việt Nam thì cần thay đổi từ gốc là vấn đề phong chức danh PGS, GS cũng cần theo thông lệ quốc tế.

5.2. Nghiệm thu đề tài, thưởng báo, tính giờ dạy

Một cơ sở kiểm soát chất lượng công bố khác đang được thực hiện rất lỏng lẻo là vấn đề dùng bài báo là sản phẩm nghiệm thu đề tài, tính giờ dạy và thưởng cho giảng viên (hiện nhiều trường Đại học đã điều chỉnh chính sách thưởng báo sang tạp chí quốc tế, thậm chí nhiều tường chỉ dùng bài báo trong nước để tính giờ dạy chứ không còn chính sách khuyến khích, tuy nhiên việc tính giờ dạy cũng vẫn theo kiểu đếm bài tính giờ ít chú trọng chất lượng). Vì vậy việc xét nghiệm thu các sản phẩm nghiên cứu cần chặt chẽ hơn, như chỉ định nhóm tạp chí uy tín từng ngành, xét kèm minh chứng quá trình phản biện công bố.

5.3. Kiểm soát chất lượng từ các tạp chí

Phương hướng mục tiêu hoạt động của các tạp chí là khác nhau tùy thuộc vào đơn vị chủ quản, nhưng với các tạp chí có chung mục tiêu là gia tăng chất lượng, hướng tới các tiêu chuẩn, danh mục quốc tế thì cần liên kết lại, hỗ trợ cải tiến quy trình hoạt động, chia sẻ thông tin,…Đặc biệt là như đã nêu, Việt Nam chưa có hệ thống chia sẻ dữ liệu công bố khoa học, bộ khoa học công nghệ đã lập một cơ sở dữ liệu quốc gia thông tin khoa hoc, nhưng chỉ có thể lưu trữ các bài mới đăng, và tùy thuộc vào sự chủ động của các tạp chí. Đối với 66% các tạp chí in thì các nội dung bài báo khoa học lại được scan để đưa lên, tốn nhiều công sức và dữ liệu thu được rất khó sử dụng để làm cơ sở dữ liệu cho hoạt động nghiên cứu và kiểm tra đạo văn. Do đó, không phải phần mềm đạo văn nào cũng thực sự hiệu quả với bài báo tiếng Việt, nhất là ở các trường hợp sử dụng AI để rewrite đoạn văn, dịch nguyên văn bài báo nước ngoài để đăng tạp chí trong nước nước thì hoàn toàn không kiểm soát được. Do đó sự hợp tác chia sẻ thông tin giữa các tạp chí cùng chung mục đích là hết sức cần thiết. Các tạp chí có thể hỗ trợ nhau trong việc kiểm tra đạo văn, đối chiếu thông tin tác giả, đưa các tác giả vi phạm liêm chính khoa học vào blacklist. Từ đó làm cơ sở để thống nhất hoạt động công bố và xuất bản khoa học.

KẾT LUẬN

Trong giới hạn của nghiên cứu này, thông qua khảo sát định tính và định lượng các tạp chí khoa học trong danh mục tính điểm của HĐGSNN chúng tôi có kết luận sau: Tình trạng các tạp chí khoa học ở Việt Nam đa dạng và phức tạp. Một số tạp chí đang hoạt động chuyên nghiệp theo chuẩn quốc tế, tuy nhiên số còn lại vẫn đang hoạt động theo phương thức truyền thống và không có động lực thay đổi. Do mục tiêu, định hướng khác biệt của các tạp chí nên khó tìm động lực chung để thúc đẩy các tạp chí chưa chuẩn thực hiện chuyển đổi số theo chuẩn ACI. Do đó để tăng cường chất lượng nghiên cứu và công bố khoa học trong nước cầu thay đổi từ chính sách, đơn vị chủ quản và từ chính các tạp chí khoa học.

Xung đột lợi ích và từ chối trách nhiệm: Nghiên cứu được viết với mục đích khoa học, không nhằm hạ thấp uy tín bất kỳ cá nhân, tổ chức nào, mọi sự trùng hợp chỉ là ngẫu nhiên. Nội dung nghiên cứu thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm nơi tác giả làm việc.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

1. ACI. (2023). List of accepted journals for ACI.

2. Nguyễn Hữu Đức. (2021). Lần đầu tiên đánh giá 83 tạp chí khoa học của Việt Nam theo thông lệ quốc tế. Tạp chí Khoa học & công nghệ Việt Nam (06A).

3. Barbara Gastel, & Robert A Day. (2022). How to write and publish a scientific paper. Bloomsbury Publishing USA.

4. Trương Vũ Bằng Giang. (2021). Tạp chí khoa học - Công cụ đo lường sự tiến bộ của nền khoa học. Tạp chí Khoa học & công nghệ Việt Nam(06A).

5. HĐGSNN. (2023). Quyết định số 22/QĐ-HĐGSNN phê duyệt Danh mục tạp chí khoa học được tính điểm năm 2023.

6. Nguyễn Thị Tú Quyên, & Dương Thị Phương. (2019). Nghiên cứu thực trạng và nhu cầu ứng dụng doi đối với các tạp chí khoa học Việt Nam.

7. Bộ Giáo dục & Đào tạo. (2021). Thống kê Giáo dục đại học.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyển đổi số tạp chí khoa học tại Việt Nam thực trạng và đề xuất
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO