Trong bối cảnh của chuyển đổi số toàn cầu, báo chí truyền thông cũng không là ngoại lệ bởi những áp lực và yêu cầu ngày càng gia tăng mà chuyển đổi số đem đến. Đồng thời, các tổ chức báo chí phải đối mặt với cuộc cạnh tranh khốc liệt trong việc thu hút độc giả và thu hút các nguồn thu. Vấn đề phát triển kinh tế trong báo chí truyền thông vẫn là một trong những thách thức nan giải của các tòa soạn để có thể phát triển, duy trì trên hành trình tự chủ. Mặc dù xuất hiện muộn hơn so với các loại hình báo chí truyền thống, nhưng báo điện tử đang trải qua giai đoạn phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh của cuộc cách mạng số hóa hiện nay. Tuy nhiên, việc tìm kiếm nguồn thu cho báo điện tử vẫn là một thách thức đáng quan tâm và vẫn cần được tiếp tục nghiên cứu và tìm kiếm lời giải cho bài toán kinh tế tòa soạn. Bài nghiên cứu nhằm mục đích nhận định tình hình thực tế của việc phát triển nguồn thu trên báo điện tử trong bối cảnh số hóa tại Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu đưa ra một số chiến lược nâng cao đa dạng hóa nguồn thu của báo điện tử trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
Từ khóa: Báo điện tử, nội dung số, nguồn thu, bối cảnh số, kinh tế báo chí
Đặt vấn đề
Theo Quyết định số 362/QĐ-TTg, ký ngày 3/4/2019 bởi Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025” - một chủ trương quan trọng được đặt ra. Từ năm 2020, các cơ quan báo chí được khuyến khích tự chủ về tài chính để duy trì hoạt động. Bên cạnh đó, Chính phủ đã thiết lập cơ chế hỗ trợ và đặt hàng cho các kênh và chương trình phục vụ các nhiệm vụ quan trọng liên quan đến chính trị, thông tin và tuyên truyền thiết yếu. Tuy nhiên, để đạt được kết quả mong muốn chủ trương này, cần được triển khai một cách đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương.
Việc thực hiện tự chủ về tài chính đặt ra nhiều thách thức đối với các cơ quan báo chí nói chung và báo điện tử nói riêng. Bên cạnh những khó khăn trong việc áp dụng cơ chế đặt hàng và nhận hỗ trợ từ nhà nước, các cơ quan báo chí đang phải đối mặt với sự sụt giảm đáng kể từ nguồn thu từ quảng cáo và tài trợ trong vài năm gần đây. Nguyên nhân không chỉ xuất phát từ các yếu tố khách quan như ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, khiến toàn bộ nền kinh tế cần thời gian để phục hồi, mà còn từ sự thay đổi mạnh mẽ của thị trường quảng cáo.
Số liệu từ báo cáo của We are Social cung cấp một cái nhìn khách quan về tình hình sử dụng Internet tại Việt Nam. Tính đến tháng 1 năm 2024, Việt Nam có 78,44 triệu người dùng Internet, với tỷ lệ thâm nhập Internet đạt 79,1% tổng dân số. Sự gia tăng này là kết quả của việc tăng thêm 502 nghìn người (+0,6%) từ tháng 1 năm 2023 đến tháng 1 năm 2024. Thời gian trung bình mà người dùng dành để sử dụng Internet là 6 giờ 18 phút, xem Tivi là 2 giờ 21 phút và truy cập mạng xã hội là 2 giờ 25 phút. Có thể thấy vai trò của Internet và mạng xã hội ngày càng quan trọng trong cuộc sống của người dân Việt Nam.
Điều này cho thấy xu hướng tăng trưởng nhanh chóng của môi trường số hóa và sự thay đổi trong cách khán giả hiện nay tương tác với nội dung truyền thông. Thế hệ Millennials - những người sinh ra trong khoảng thời gian từ 1980 đến những năm đầu thập niên 2000, hầu như không còn khái niệm xem truyền hình truyền thống. Đối với họ, truyền hình gần như trở nên xa lạ, và họ tiếp cận thông tin và giải trí thông qua các thiết bị di động, đặc biệt là điện thoại thông minh. Thậm chí, việc ngồi trước màn hình Tivi chủ yếu là để xem các dịch vụ Video on Demand (VOD) thông qua các sản phẩm OTT (Over-The-Top). Ngoài ra, thế hệ này không còn là công chúng thụ động, chờ đợi thông tin được cung cấp một chiều. Họ là những người tham gia vào việc tạo và chia sẻ nội dung. Để phát triển độc giả, đặc biệt là giới trẻ, các tòa soạn báo phải chuyển hướng hoạt động sang các nền tảng số nơi người đọc và người xem đang tập trung đông đảo. Những nền tảng này đều là môi trường số, đòi hỏi sự liên quan mật thiết đến các sản phẩm báo chí mới và các cách tiếp cận sáng tạo.
Trong tương lai, quảng cáo vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra nguồn doanh thu cho các báo điện tử. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của doanh thu từ quảng cáo dự kiến sẽ chậm lại. Xu hướng công nghệ và thói quen tiêu dùng hiện tại đang thúc đẩy sự dịch chuyển tất yếu của quảng cáo sang các nền tảng số. Mức độ và tốc độ của dịch chuyển này có thể khác nhau tùy theo khu vực và quốc gia, nhưng sự thay đổi này là không thể tránh khỏi và cần được các cơ quan báo chí xem xét và thích nghi kịp thời.
Theo công bố của Cục Báo chí Việt Nam năm 2023, tổng lượng người xem báo điện tử đã tăng từ 1.200 triệu người vào năm 2020 lên 24.500 triệu người vào năm 2022. Tổng doanh thu của các cơ quan báo chí đạt hơn 9.500 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ quảng cáo trên hạ tầng số chiếm hơn 4.500 tỷ đồng vào năm 2022. Con số này minh chứng cho sự chuyển dịch về lượng công chúng tiếp cận tin tức và nguồn doanh thu của các cơ quan báo chí theo hướng số hóa.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính của vấn đề này xuất phát từ các yếu tố nội tại của các cơ quan báo chí, khi không còn nhiều cơ hội để tăng cường doanh thu trên các nền tảng truyền thống. Trong khi đó, tiềm năng cho việc quảng cáo trên hạ tầng số, với khả năng tăng trưởng lớn, chỉ dành cho những cơ quan báo chí linh hoạt, sáng tạo và liên tục thích nghi. Triển vọng của việc khai thác và kinh doanh nội dung số của báo điện tử so với các cơ quan báo chí truyền thống là rất lớn, bởi báo điện tử có sẵn nền tảng để tổ chức kinh doanh và phát triển nội dung số đa dạng trên nhiều nền tảng. Điều này cho thấy tiềm năng mà báo điện tử có thể khai thác để tạo ra nhiều nguồn thu.
1. Vai trò của đa dạng hóa nguồn thu đối với báo điện tử trong bối cảnh số
Đa dạng hóa nguồn thu trên nền tảng số có vai trò quan trọng đối với các cơ quan báo điên tử, đặc biệt trong bối cảnh ngành công nghiệp ICT đang phát triển mạnh mẽ, cụ thể:
i, Tăng cường sức mạnh tài chính
Quảng cáo từng là nguồn thu chủ yếu của nhiều cơ quan báo chí, nhưng sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng và sự cạnh tranh từ các nền tảng lớn như Google và Facebook đã khiến nguồn thu này trở nên bấp bênh. Đa dạng hóa nguồn thu, chẳng hạn như thông qua đăng ký, paywall (tường phí), và nội dung trả phí, giúp các cơ quan báo chí duy trì nguồn tài chính ổn định hơn.
Các công nghệ và nền tảng số đã mở ra những cơ hội mới cho các cơ quan báo chí để khai thác các nguồn thu đa dạng. Những phương tiện này bao gồm hội thảo trực tuyến, podcast, video chuyên đề, và các dịch vụ tư vấn hoặc phân tích dữ liệu. Đây là các kênh tiếp cận công chúng mới, cho phép các cơ quan báo chí tạo ra nội dung chất lượng và thu hút độc giả, đồng thời mở rộng phạm vi tương tác và tiềm năng doanh thu.
ii, Phát triển các nội dung chất lượng và chuyên sâu
Với việc có được nguồn thu đa dạng, các cơ quan báo chí có thể đầu tư vào các dự án báo chí điều tra, báo cáo chuyên sâu và nội dung chất lượng cao mà không phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ từ nhà quảng cáo. Điều này tạo ra cơ hội cho việc sản xuất những bài báo chất lượng và mang tính nghiên cứu sâu hơn, giúp nâng cao uy tín và giá trị của cơ quan báo chí trong lòng độc giả.
Sự hỗ trợ tài chính từ các nguồn thu đa dạng cho phép các cơ quan báo chí phát triển các sản phẩm truyền thông mới, bao gồm thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và các ứng dụng tương tác khác. Điều này mở ra cánh cửa cho việc tạo ra những trải nghiệm truyền thông độc đáo và hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của độc giả thông qua trải nghiệm đa chiều.
iii, Tăng cường tương tác với độc giả
Sự đa dạng hóa nguồn thu, đặc biệt là thông qua các dịch vụ thuê bao và nội dung cao cấp, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các cộng đồng độc giả trung thành và gắn bó hơn. Các dịch vụ tương tác như diễn đàn, nhóm thảo luận trực tuyến, và các sự kiện trực tuyến cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường mối quan hệ với độc giả. Điều này tạo ra một môi trường trực tuyến sôi động, nơi mà độc giả có thể tương tác với nhau và với cơ quan báo chí, cùng chia sẻ ý kiến, trao đổi thông tin và tham gia vào các hoạt động truyền thông cộng đồng.
Dữ liệu thu thập từ các nền tảng số cho phép các cơ quan báo chí tạo ra nội dung được cá nhân hóa, cung cấp thông tin phù hợp với sở thích và nhu cầu cụ thể của từng độc giả. Qua đó, việc cá nhân hóa này giúp cải thiện trải nghiệm người dùng và tăng khả năng giữ chân độc giả, vì họ cảm thấy được quan tâm và được tiếp cận với những thông tin mà họ quan tâm nhất. Điều này mang lại lợi ích lớn cho cả cơ quan báo chí và người đọc, tạo ra một môi trường truyền thông độc đáo.
iv, Tận dụng công nghệ mới
Sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất và phân phối nội dung, từ việc phân tích dữ liệu độc giả đến việc tạo ra các bản tin tự động; Internet vạn vật (IoT) có thể cung cấp thông tin thời gian thực và dữ liệu phong phú, hỗ trợ các cơ quan báo chí trong việc cung cấp thông tin chính xác và kịp thời; Blockchain có thể được sử dụng để đảm bảo tính minh bạch và xác thực của nguồn tin, từ đó nâng cao niềm tin của độc giả.
v, Phát triển mô hình kinh doanh bền vững
Các báo điện tử có thể tận dụng sức mạnh của các mô hình kinh doanh đa dạng như quảng cáo, thuê bao, tài trợ, và thương mại điện tử để xây dựng một hệ sinh thái kinh doanh bền vững. Bằng cách này, họ không chỉ đa dạng hóa nguồn thu mà còn tạo ra một môi trường kinh doanh linh hoạt và ổn định, giúp họ thích nghi tốt hơn với sự biến đổi của thị trường và nhu cầu của khách hàng. Đồng thời, việc kết hợp các mô hình kinh doanh này cũng giúp tăng cường hiệu suất và hiệu quả của cơ quan báo chí, từ đó tạo ra cơ sở vững chắc cho sự phát triển và thành công trong tương lai.
Các cơ quan báo chí có thể thiết lập hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ, tổ chức phi lợi nhuận và các cơ quan báo chí khác để phát triển các dự án chung và chia sẻ nguồn lực. Qua việc này, họ có thể tận dụng các kỹ năng và nguồn lực khác nhau từ các đối tác, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới mang lại lợi ích cho cả hai bên. Đồng thời, hợp tác này cũng mở ra cơ hội để trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và tiếp cận đến các mạng lưới khách hàng mới, từ đó tạo ra một môi trường hợp tác và phát triển bền vững trong ngành truyền thông.
2. Đánh giá về nguồn thu của báo điện tử trong bối cảnh số
Các hoạt động kinh tế báo chí đã được thảo luận và nghiên cứu từ lâu, và đây cũng là điều kiện để nhiều tổ chức báo chí có thể duy trì và phát triển. Hoạt động kinh tế báo chí bao gồm hai khía cạnh chính: doanh thu trực tiếp và doanh thu gián tiếp. Doanh thu trực tiếp bao gồm các nguồn thu như: thu phí từ nội dung số, thu phí người dùng… trong khi doanh thu gián tiếp bao gồm các nguồn thu như: quảng cáo, tổ chức sự kiện, hoạt động quyên góp, cho thuê thiết bị và cơ sở vật chất, tài trợ từ các tổ chức hoặc cá nhân, cũng như kinh phí từ ngân sách nhà nước, hợp đồng đặt hàng, và các nguồn thu khác.
Theo báo cáo của We Are Social và Kepios, công bố vào tháng 1 năm 2024, quy mô của thị trường quảng cáo kỹ thuật số tại Việt Nam đã đạt 1.28 tỷ USD, với tiềm năng tiếp tục tăng lên mức 1.5 tỷ USD vào cuối năm. Mặc dù quảng cáo kỹ thuật số vẫn bị áp đảo bởi các nền tảng lớn như Google và Facebook, nhưng cơ hội tăng nguồn thu từ các loại quảng cáo như programmatic, native ads vẫn có thể được tận dụng bởi các tổ chức báo chí, miễn là chúng có khả năng nắm bắt kịp thời các xu hướng công nghệ mới nhất. Các dự báo này đã được chứng minh đúng khi đến tháng 2 năm 2024, quảng cáo dạng programmatic đã chiếm ưu thế về thị phần trong thị trường quảng cáo kỹ thuật số tại Việt Nam. Các công ty quảng cáo đứng đầu thị trường thường là những doanh nghiệp công nghệ tiên tiến, sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo để thu thập và phân tích dữ liệu độc giả, từ đó tối ưu hoá hiệu quả của quảng cáo dựa trên thông tin về đối tượng, ngữ cảnh, vị trí và nhiều yếu tố khác.
Quy mô thị trường quảng cáo kỹ thuật số tại Việt Nam. (Nguồn: We are social)
Thị phần của quảng cáo lập trình (programmatic) tại Việt Nam. (Nguồn: We are social)
Trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông số, các cơ quan báo chí đối mặt với nhiều cơ hội mới và những thách thức mới. Để thích nghi, việc chuyển hướng sang môi trường trực tuyến và phát triển các mô hình sản phẩm mới trở thành điều không thể tránh khỏi.
Theo Hiệp hội Báo chí thế giới WAN-IFRA, nguồn thu chính của báo chí vẫn dựa vào hai phương thức kinh doanh truyền thống là quảng cáo và nội dung bán cho độc giả. Với báo điện tử, giai đoạn ban đầu thường tập trung vào phát hành miễn phí, và mô hình kinh doanh dựa vào độc giả còn chưa phổ biến. Phần lớn các tổ chức báo chí điện tử vẫn phụ thuộc vào quảng cáo làm nguồn thu chính, bao gồm cả quảng cáo truyền thống và quảng cáo lập trình. Mặc dù vậy, sự chuyển đổi sang môi trường số cũng mở ra những cơ hội mới, giúp các cơ quan báo chí đa dạng hóa mô hình kinh doanh. Báo cáo Insights 2021 của WAN-IFRA nhấn mạnh, chuyển đổi số cũng sẽ mang lại sự đa dạng về nguồn thu, khi nhiều mô hình kinh doanh mới xuất hiện, bao gồm kinh doanh dữ liệu, thương mại điện tử, hoặc thậm chí trở thành đối tác kinh doanh của các nền tảng số như YouTube, Facebook và các nền tảng khác.
3. Một số mô hình kinh tế báo chí của các tờ báo trong và ngoài nước
Trước tình hình doanh thu suy giảm, chi phí sản xuất, phân phối thông tin gia tăng, cùng với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường, các cơ quan báo chí và hãng thông tấn trên toàn cầu đang tìm kiếm những phương pháp và chiến lược kinh doanh sáng tạo để tăng doanh thu từ các sản phẩm của họ.
Với thế giới
The Guardian là một nhật báo tại Anh, được thành lập năm 1821 và thuộc sở hữu của Guardian Media Group. The Guardian được xem là mô hình tiêu biểu trong chuyển đổi số, nhờ các yếu tố như: tạo ra nhiều doanh thu từ nguồn kỹ thuật số hơn so với sản phẩm in; thu hút nhiều doanh thu từ độc giả hơn từ quảng cáo; tăng trưởng doanh thu thuần một cách nhanh chóng nhờ nguồn thu kỹ thuật số; và có nhiều đăng ký đọc báo trực tuyến hơn so với báo in. Hiện tại, The Guardian nhận được sự ủng hộ từ độc giả tại hơn 180 quốc gia. Trong giai đoạn 2019-2020, tờ báo đã đạt 16,4 tỷ lượt xem trang web, tăng 20% so với năm trước đó, đặc biệt là sự gia tăng đáng kể số lượng tài khoản đăng ký dài hạn. Tính đến ngày 29/3/2020, The Guardian có 790.000 độc giả trả phí thường xuyên và 340.000 độc giả không thường xuyên, nâng tổng số người ủng hộ lên hơn 1 triệu trong năm 2020. Năm 2020, doanh thu từ The Guardian đạt 2,7 tỷ bảng Anh, trong đó doanh thu từ kỹ thuật số là 125,9 triệu bảng Anh, tăng 0,5% so với năm 2019. Nền tảng điện tử chiếm 56% tổng doanh thu của The Guardian. Trong khi đó, doanh thu từ báo in, sự kiện và các nguồn khác đạt 97,6 triệu bảng Anh, giảm 1,6 triệu bảng so với năm 2019.
Tờ Wall Street Journal (Mỹ) là một trong những tờ báo tiên phong và thành công trong việc triển khai thu phí độc giả, bắt đầu từ năm 1997. Tuy nhiên, xu hướng thu phí này chỉ thực sự bùng nổ vào năm 2012, khi đến tháng 11 đã có 300 tờ báo ở Hoa Kỳ áp dụng mô hình thu phí tin tức trực tuyến. “Paywall” trở thành một trong những chủ đề nóng nhất tại Hội nghị Báo chí Thế giới năm 2013 (World Newspaper Congress - WNC), chiếm tới 1/3 các tham luận, bao gồm cả diễn đàn các Tổng biên tập và Diễn đàn các nhà quảng cáo. Theo tờ Bloomberg Businessweek, năm 2014 được gọi là “năm của bức tường phí” trong ngành báo chí, khi nhiều tờ báo lớn với số lượng phát hành trên 100.000 bản bắt đầu triển khai mô hình này. Việc thu phí người đọc trực tuyến ngày càng được coi là một xu hướng lan rộng. Bloomberg Businessweek nhận định rằng nhiều công ty truyền thông không muốn chỉ dựa vào quảng cáo để phát triển.
Theo Báo cáo Dự báo và Xu hướng của Công nghệ, Báo chí và Truyền thông 2023 của Viện Nghiên cứu Báo chí Truyền thông Reuters tại Đại học Oxford, 68% cơ quan báo chí tham gia khảo sát kỳ vọng thu nhập từ nội dung trả phí sẽ tăng lên. Đa số các cơ quan này tập trung vào việc giữ chân người đăng ký hiện có, thay vì thu hút thêm tài khoản mới. Những tờ báo đã tham gia thị trường đăng ký có niềm tin vào chiến lược của mình và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng thông qua các gói ưu đãi đặc biệt hoặc kết hợp nhiều giá trị tăng cường như bản tin hoặc các sự kiện kèm theo.
Tại Việt Nam
Khi bức tường phí trở nên phổ biến, liệu người tiêu dùng Việt Nam có sẵn sàng trả tiền cho tin tức hay không?
Không thể phủ nhận rằng, môi trường kỹ thuật số tại Việt Nam đang tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của mô hình thu phí báo chí. Người tiêu dùng dần trở nên quen thuộc hơn với việc trả phí cho các nội dung họ tiêu thụ, như trên các nền tảng nghe nhạc Spotify, YouTube Music… hay các dịch vụ xem phim như Netflix, Disney+... Đồng thời, các phương thức và dịch vụ thanh toán điện tử ngày càng trở nên tiện lợi, sẵn có và đa dạng, đáp ứng nhu cầu của mọi người.
Báo chí Việt Nam đang chứng kiến sự khởi đầu của xu hướng thu phí người đọc ở một số tờ báo lớn, có thương hiệu mạnh và độc giả trung thành. Ngày 20/6/2018, VietnamPlus trở thành tờ báo mạng điện tử đầu tiên tại Việt Nam áp dụng hình thức thu phí. Ngày 15/6/2021, báo VietNamNet triển khai chuyên mục VietNamNet Premium với những bài viết chuyên sâu về các vấn đề nóng của xã hội, kèm theo các dữ liệu và biểu đồ chi tiết để cung cấp cho công chúng cái nhìn trực quan và sinh động.
Báo Tuổi Trẻ, cũng đã áp dụng mô hình thu phí. Phiên bản Tuổi Trẻ Sao của báo Tuổi Trẻ, với nhiều chuyên mục mới, được coi là “một phương thức mới” để bạn đọc có thể hỗ trợ phát triển báo Tuổi Trẻ bằng cách đóng góp các ngôi sao (có thể chuyển đổi thành chi phí giao dịch) để tham gia và tương tác trên Tuổi Trẻ Online. Tuổi Trẻ Sao có gói dịch vụ 6 tháng với chi phí 180.000đ, chính thức vận hành từ ngày 01/02/2023. Với gói dịch vụ này, bạn đọc sẽ được hưởng các quyền lợi như không hiển thị quảng cáo, tư vấn sức khỏe, tư vấn pháp luật, và truy cập các chương trình trực tiếp độc quyền.
Những thử nghiệm của các tờ báo lớn như VietNamNet, Tuổi Trẻ Online và Thông tấn xã Việt Nam là những tín hiệu tích cực, đánh dấu sự khởi đầu của xu hướng thu phí tin tức trực tuyến tại Việt Nam.
Khi đề cập đến các mô hình kinh doanh nội dung số hiệu quả, VieON là một minh chứng đầy tiềm năng. Ra mắt vào năm 2020, VieON hiện có gần 54 triệu thiết bị sử dụng dịch vụ. Trước khi triển khai sản phẩm, VieON đã nghiên cứu kỹ lưỡng về công nghệ dữ liệu và mời công ty tư vấn chiến lược kinh doanh hàng đầu quốc tế, BCG, hỗ trợ. Hiện nay, gần 100% công tác quản trị, vận hành hàng ngày và các quyết định kinh doanh của VieON đều dựa vào dữ liệu. Đến thời điểm hiện tại, doanh số kinh doanh của VieON đã có sự gia tăng, xấp xỉ khoảng 1.000 tỷ đồng.
Trong ba năm qua, VieON đã vận hành nền tảng giải trí trực tuyến (OTT), cung cấp không giới hạn các nội dung chất lượng cao có bản quyền. Đơn vị cũng đầu tư phát triển công nghệ lõi, dẫn dắt mảng kinh doanh số. Thông qua AI và Big Data, nền tảng có khả năng “hiểu” và đề xuất nội dung phù hợp với thị hiếu người dùng. VieON đang từng bước hiện thực hóa chiến lược “Go Global”, với mục tiêu tiếp cận 30 quốc gia trong năm đầu tiên, tập trung vào các khu vực có cộng đồng người Việt sinh sống. Nền tảng đặt mục tiêu cung cấp 15.000 giờ nội dung, trong đó 80% là nội dung thuần Việt.
4. Khó khăn trong đa dạng hóa nguồn thu của báo điện tử
Trong bối cảnh ngành công nghiệp truyền thông đang đối mặt với những biến đổi nhanh chóng do sự bùng nổ của công nghệ số và thay đổi trong thói quen tiêu dùng của độc giả, các báo điện tử đang phải tìm kiếm những cách đa dạng hóa nguồn thu để duy trì và phát triển một cách bền vững. Tuy nhiên, quá trình này không dễ dàng và đối diện với nhiều thách thức. Từ việc thay đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang các mô hình số hóa, cho đến việc cạnh tranh với các nền tảng kỹ thuật lớn như Google và Facebook, báo điện tử phải đối mặt với hàng loạt khó khăn. Để hiểu rõ hơn về những khó khăn này, cần phải xem xét kỹ lưỡng các yếu tố cụ thể mà các tổ chức báo chí phải đối mặt khi cố gắng đa dạng hóa nguồn thu của mình.
Thứ nhất, hiện tượng suy thoái kinh tế thường dẫn đến việc giảm ngân sách dành cho truyền thông và quảng cáo. Hậu quả trực tiếp của điều này là việc ngừng hợp đồng dài hạn hoặc giảm ngân sách quảng cáo, gây mất đi khả năng thanh toán của một số đối tác quan trọng của báo điện tử. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nguồn thu mà còn làm giảm hiệu quả của các chiến dịch quảng cáo và truyền thông.
Việc độc giả chuyển từ việc đọc tin tức trên báo chí sang việc tiêu thụ thông tin trên mạng xã hội đã khiến các doanh nghiệp điều chỉnh ngân sách quảng cáo. Đáng chú ý là sự dịch chuyển nguồn lực quảng cáo từ báo chí truyền thống sang các nền tảng trực tuyến, khi doanh nghiệp dành ngân sách quảng cáo lớn hơn cho các nền tảng mạng xã hội thay vì đầu tư vào quảng cáo trên báo chí. Điều này có thể ảnh hưởng đáng kể đến nguồn thu quảng cáo của các tờ báo, khiến họ phải thích nghi và tìm cách thu hút độc giả từ các nền tảng trực tuyến để duy trì nguồn thu ổn định.
Thứ hai, trong báo chí, hạn chế nguồn lực tài chính đối với việc phát triển công nghệ vẫn đang tồn tại. Điều này cũng làm cho việc cung cấp hạ tầng và trang thiết bị cần thiết cho việc tổ chức sự kiện trở nên khó khăn hơn, buộc các cơ quan báo chí phải dựa vào việc thuê đồ với chi phí cao hơn. Sự thiếu hụt này không chỉ đặt áp lực lớn về mặt chi phí mà còn giảm sự tự chủ trong việc quản lý và tổ chức sự kiện của các báo điện tử, dẫn đến tình trạng phụ thuộc vào các nhà cung cấp dịch vụ bên ngoài, ảnh hưởng đến khả năng linh hoạt và tự do trong hoạt động. Đồng thời, sự khan hiếm về tài chính cũng làm giảm khả năng đầu tư và phát triển công nghệ mới, làm chậm quá trình tiến bộ và cản trở sự đổi mới trong ngành.
Thứ ba, trong ngữ cảnh hiện nay, các tờ báo điện tử vẫn phải phụ thuộc nhiều vào mạng xã hội để tăng cường khả năng tiếp cận với độc giả. Tuy nhiên, sự phụ thuộc này lại mang theo một số thách thức, đặc biệt là khi mạng xã hội thường xuyên thay đổi thuật toán và dần giảm ưu tiên cho việc dẫn link đến các trang web của các tờ báo. Sự thay đổi này có thể gây ra sự sụt giảm trong lượng truy cập đến các trang web báo chí, ảnh hưởng đến việc tiếp cận thông tin và ảnh hưởng của các cơ quan báo chí trong cộng đồng mạng. Điều này thúc đẩy các cơ quan báo chí phải nghiên cứu và thực hiện các chiến lược mới để thích ứng với sự thay đổi này, bao gồm việc tối ưu hóa nội dung cho mạng xã hội và tìm kiếm các phương tiện tiếp cận độc giả mới.
Thứ tư, cuộc đua thu hút người dùng không chỉ diễn ra giữa các cơ quan báo chí với nhau mà còn giữa các cơ quan báo chí với các nền tảng mạng xã hội. Sự cạnh tranh trở nên khốc liệt và khó cân sức hơn do sự phổ biến và ảnh hưởng ngày càng tăng của mạng xã hội trong việc truyền tải thông tin. Báo điện tử đang phải đối mặt với thách thức trong việc giành được sự chú ý của người dùng trong bối cảnh lượng thông tin khổng lồ được sản xuất hàng ngày. Đồng thời, họ cũng phải cạnh tranh với các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram… nơi mà người dùng có thể tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và dễ dàng. Ngoài ra, sự cạnh tranh với các nền tảng mạng xã hội cũng tạo ra áp lực lớn về việc cải thiện và tối ưu hóa chiến lược tiếp thị và quảng cáo của các cơ quan báo điện tử.
Thứ năm, việc thiếu hụt nhân lực có trình độ chuyên môn cao trong các hoạt động xây dựng, quản lý và phát triển tòa soạn báo điện tử đang là một thách thức lớn đối với ngành truyền thông. Việc có nhân lực có chuyên môn cao đối với các hoạt động liên quan đến xây dựng, quản lý và phát triển tòa soạn báo điện tử là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, sự khan hiếm và thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao đã gây ra những vấn đề đáng lo ngại. Thiếu hụt nhân lực có trình độ dẫn đến việc giảm hiệu suất làm việc, trì trệ trong quá trình phát triển và cập nhật công nghệ, cũng như làm mất đi cơ hội tiếp cận và thu hút độc giả trong môi trường truyền thông số ngày càng cạnh tranh.
5. Gợi ý một số phương thức đa dạng hóa nguồn thu
Trong bối cảnh công nghệ số phát triển nhanh chóng và thị trường truyền thông ngày càng cạnh tranh, báo điện tử phải liên tục tìm kiếm những phương thức mới để đa dạng hóa nguồn thu, đảm bảo sự bền vững phát triển. Đa dạng hóa nguồn thu không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro tài chính mà còn mở ra cơ hội nâng cao chất lượng nội dung và dịch vụ cho độc giả.
i, Quảng cáo lập trình (Programmatic Advertising)
Trong mô hình quảng cáo kỹ thuật số, quảng cáo lập trình đang trở thành ưu thế. Loại hình này phân biệt với quảng cáo hiển thị truyền thống trên báo điện tử theo dạng CPD (cost per duration - treo banner theo thời gian quảng cáo). Số liệu từ Statista cho thấy, quảng cáo lập trình hiện chiếm 93% thị phần của quảng cáo kỹ thuật số. Nó có đặc điểm nhận diện dễ dàng qua biểu tượng của nhà cung cấp quảng cáo hiển thị góc màn hình (ví dụ, chữ “Quảng cáo của Google” hiện khi di chuột trên quảng cáo thuộc Google Ad Network). Quảng cáo lập trình hiển thị tự động dựa trên hành vi của người dùng và các yếu tố như địa điểm, nhân khẩu học, và lịch sử tìm kiếm. Tuy nhiên, nhiều người coi quảng cáo lập trình là “rác” hoặc “gây phiền phức”, dẫn đến sự phổ biến của các ứng dụng chặn quảng cáo. Do đó, các báo điện tử thường phải áp dụng biện pháp lọc và loại bỏ quảng cáo “rác”, cũng như tối ưu hoá quảng cáo để tận dụng tối đa hiệu quả của các vị trí quảng cáo đã được xác định trước.
ii, Quảng cáo ngữ cảnh (Native Advertising)
Mặc dù quảng cáo lập trình đang chiếm ưu thế, nhưng nội dung quảng cáo khó lọc hoặc bị chặn bởi các ứng dụng adblock ngày càng phổ biến. Để giải quyết vấn đề này, quảng cáo ngữ cảnh xuất hiện. Loại quảng cáo này được tích hợp vào các nội dung tương tự các bài viết, làm cho người dùng khó nhận biết rằng đó là một bài quảng cáo. Việc sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo khiến quảng cáo ngữ cảnh có thể hiển thị cùng với các bài viết có nội dung tương đồng, như các bài viết thuộc cùng một lĩnh vực hoặc sản phẩm cụ thể.
iii, Quảng cáo truyền thống
Trong lĩnh vực quảng cáo và truyền thông, nhiều phương tiện và hình thức được sử dụng để tiếp cận và thu hút sự chú ý khán giả. Quảng cáo truyền thống thường bao gồm việc bán trực tiếp cho nhà quảng cáo các hình thức như: banner, poster; bài PR... Ngoài ra, quảng cáo trên các nền tảng trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến. Sự phát triển của công nghệ số cũng mở ra nhiều cơ hội mới cho báo điện tử tiếp cận và tương tác với khán giả, từ đó tạo ra những chiến lược quảng cáo và truyền thông hiệu quả hơn.
iv, Đăng ký thu phí
Các tòa soạn báo chí áp dụng chiến lược thu phí độc giả thông qua việc xây dựng các bức tường thu phí và triển khai các mô hình đăng ký dài hạn dựa trên hệ thống quản lý thuê bao. Hình thức thu phí này thường được thực hiện qua ba phương thức chính. Đầu tiên là Hard - paywall, trong đó độc giả phải trả phí để có quyền truy cập tất cả các bài viết trên trang web. Phương thức thứ hai là Freemium, nơi chỉ một phần nội dung được thu phí, còn phần lớn vẫn được cung cấp miễn phí. Cuối cùng là Metered paywall, trong đó độc giả được phép đọc một số lượng bài viết nhất định miễn phí, sau đó họ sẽ phải trả phí để tiếp tục truy cập.
Các tờ báo trên thế giới như New York Times, Washington Post đã áp dụng mô hình hard-paywall, trong khi ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các tờ báo chủ yếu sử dụng mô hình Metered paywall. Tuy nhiên, đặc điểm chung là các tờ báo đều đang thực hiện chính sách linh hoạt và dựa vào công nghệ quản lý thuê bao. Quản lý thuê bao không chỉ liên quan đến việc thu thập và phân tích dữ liệu của độc giả mà còn là trung tâm của quá trình chuyển đổi số trong ngành báo chí.
Ở Việt Nam, một số tờ báo như VietnamPlus, VietnamNet, VnExpress… đã bắt đầu thu phí độc giả. Tuy nhiên, các tờ báo vẫn coi đây một chiến lược nhằm thay đổi nhận thức của độc giả và khuyến khích thói quen trả phí đọc báo, chưa đặt nhiều áp lực vào việc tăng doanh thu. Điều này cho thấy việc thu phí độc giả ở Việt Nam vẫn còn là một thách thức lớn mà ngành báo chí cần phải vượt qua, đặc biệt là mà không có sự hỗ trợ và khuyến khích đúng đắn từ các cơ quan quản lý.
v, Tiếp thị liên kết/thương mại điện tử
Tiếp thị liên kết là một phương pháp hiệu quả để báo điện tử có thể tăng doanh thu, bằng cách đặt các liên kết đến sản phẩm hoặc dịch vụ của các đối tác trên các nền tảng của mình và nhận hoa hồng từ mỗi giao dịch thành công. Điều này đòi hỏi phải có một lượng lớn lưu lượng truy cập và xây dựng mối quan hệ với các đối tác liên kết đáng tin cậy. Đồng thời, báo điện tử cũng cần tạo ra nội dung hấp dẫn để khuyến khích người đọc nhấp vào liên kết và thực hiện giao dịch.
Ở Việt Nam, có nhiều nền tảng tiếp thị liên kết hàng đầu, như Shopee, Lazada, Accesstrade, Masoffer... Nhờ vào những nền tảng này, báo điện tử có thể tiếp cận một đối tượng khách hàng rộng lớn thông qua các chương trình quảng cáo và khuyến mãi. Việc sử dụng các nền tảng tiếp thị liên kết giúp tăng cơ hội tiếp cận người mua và tăng doanh số bán hàng. Đồng thời, các công cụ và dịch vụ được cung cấp bởi các nền tảng này cũng giúp các cơ quan báo chí tối ưu hóa chiến lược tiếp thị và tăng cường hiệu quả kinh doanh của họ.
vi, Tổ chức sự kiện để thu hút tài trợ
Tổ chức các sự kiện để thu hút tài trợ là một chiến lược quan trọng trong hoạt động của cơ quan báo chí. Những sự kiện này có thể được tổ chức online, offline, hoặc kết hợp cả hai. Sự kiện online mang lại sự linh hoạt và tiện lợi, giúp tiếp cận một đối tượng khán giả rộng lớn từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, sự kiện offline vẫn giữ một vị thế quan trọng, mang lại những trải nghiệm đặc biệt và gần gũi hơn với khán giả, tạo cơ hội tương tác trực tiếp và xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn. Kết hợp cả hai phương thức online và offline có thể tạo ra một trải nghiệm toàn diện và đa dạng, từ việc mở rộng phạm vi tham gia đến tăng cơ hội tương tác và giao lưu.
vii, Kinh doanh dữ liệu
Cách các cơ quan báo chí thu thập dữ liệu độc giả và kinh doanh dựa trên dữ liệu.
Một số cơ quan báo chí đã chuyển hướng và trở thành các doanh nghiệp công nghệ truyền thông (media tech), cung cấp các giải pháp hoặc phần mềm quản lý nội dung (CMS) cho các tổ chức báo chí khác, hoặc cung cấp các công cụ sản xuất nội dung bài bản (longform). Mô hình này tại Việt Nam còn khá mới mẻ, nhưng trong tương lai, với mô hình kinh doanh dựa trên dữ liệu, các tổ chức báo chí có thể phát triển các dịch vụ tư vấn, xây dựng chiến lược tiếp thị, hoặc phục vụ cho các cơ quan chính phủ.
viii, Nhận đặt hàng truyền thông từ các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội
Các báo chí điện tử có thể nhận đặt hàng truyền thông chính sách từ các cơ quan Nhà nước, địa phương, tổ chức phi lợi nhuận, hoặc tham gia vào việc bảo trợ truyền thông cho các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, giải trí để gia tăng thêm nguồn thu. Việc nhận đặt hàng truyền thông chính sách từ các cơ quan nhà nước hoặc tổ chức phi lợi nhuận giúp báo chí điện tử có cơ hội nhận được doanh thu từ các dự án truyền thông liên quan đến thông tin chính sách, quy định của cơ quan Nhà nước hoặc các hoạt động của tổ chức phi lợi nhuận.
Ngoài ra, việc tham gia vào hoạt động bảo trợ truyền thông cho các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, giải trí cũng là một cách hiệu quả để các báo chí điện tử tăng thêm nguồn thu. Cơ quan báo chí có thể thu hút sự quan tâm từ công ty tổ chức sự kiện, các nhà tài trợ, và khán giả, đồng thời tạo ra các cơ hội quảng cáo và hợp tác dài hạn. Điều này không chỉ mang lại lợi ích tài chính mà còn giúp cơ quan báo chí xây dựng mối quan hệ đối tác vững chắc và mở rộng phạm vi hoạt động của mình trong cộng đồng.
6. Giải pháp nâng cao đa dạng nguồn thu của báo điện tử
i, Xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp với từng cơ quan
Với sự giảm dần về doanh thu và tăng lên về chi phí sản xuất và phân phối thông tin, các báo điện tử đang phải tìm kiếm những giải pháp sáng tạo để tăng cường doanh thu từ các sản phẩm của mình. Hiện nay, các cơ quan báo chí cần áp dụng một mô hình kinh doanh kết hợp giữa hình thức truyền thống và môi trường kinh doanh trực tuyến. Trong đó, doanh thu từ kinh doanh trên mạng đang dần trở nên quan trọng hơn và chiếm tỷ trọng cao trong tổng doanh thu, ước khoảng từ 50% đến 60%. Điều này cho thấy xu hướng tăng trưởng của doanh thu trực tuyến đang trở nên ngày càng đáng chú ý, đồng thời đánh dấu sự chuyển đổi trong mô hình kinh doanh của ngành báo chí.
ii, Xây dựng đội ngũ nhân sự làm kinh tế báo chí
Để đạt được sự phát triển bền vững trong ngành báo chí, việc đầu tư vào nhân sự không chỉ ở mảng biên tập để mở rộng phạm vi và mức độ tiếp cận nội dung, mà còn cần tập trung vào việc xây dựng đội ngũ kinh doanh để tăng cường doanh thu từ quảng cáo.
Đội ngũ nhân sự hoạt động trong lĩnh vực kinh tế báo chí cần không ngừng tiến hành nghiên cứu và khảo sát để nắm bắt được xu hướng và nhu cầu của thị trường, từ đó đưa ra các giải pháp và chiến lược phù hợp. Đồng thời, việc trau dồi kiến thức chuyên môn, phát triển kỹ năng giao tiếp và đàm phán cũng như xây dựng mạng lưới và quan hệ rộng với các doanh nghiệp, cơ quan chính phủ, tổ chức và cá nhân quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh là vô cùng quan trọng. Những nỗ lực này sẽ giúp tăng cường hiệu quả hoạt động kinh doanh và định vị cơ quan báo chí trong thị trường một cách bền vững và hiệu quả.
iii, Xác định độc giả là một trong những nguồn thu cốt lõi
Để xác định độc giả là nguồn thu, báo điện tử cần thay đổi cách tiếp cận và tương tác với độc giả. Thay vì chờ đợi sự tìm kiếm từ phía độc giả, cơ quan báo chí cần tự chủ động đến gần độc giả thông qua các nền tảng mà họ đang sử dụng hàng ngày. Điều này bao gồm việc tăng cường phân phối nội dung trên nhiều kênh truyền thông, không chỉ dừng lại ở trang web chính thức, mà còn mở rộng sang các mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube…
Đồng thời, việc xây dựng các bộ phận chuyên trách và hợp tác có kiểm soát với các đối tác nội dung cũng là một phần quan trọng trong chiến lược này. Bằng cách triển khai đăng tải nội dung và tương tác tích cực trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến, cơ quan báo chí có thể tối ưu hóa sự hiện diện của mình và thu hút được một lượng lớn độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ. Qua việc chủ động tiếp cận và tương tác với độc giả trên các nền tảng truyền thông xã hội, báo điện tử sẽ tạo ra một môi trường giao tiếp mở và linh hoạt, từ đó thu hút được sự quan tâm và tăng cường tương tác với độc giả, từ đó tạo ra nguồn thu ổn định và bền vững.
iv, Xây dựng nội dung số chuyên biệt và chất lượng
Để đáp ứng nhu cầu của độc giả, báo điện tử cần tập trung vào việc xây dựng nội dung phù hợp. Điều này đòi hỏi việc thu thập và phân tích dữ liệu, cùng với việc nghiên cứu sâu rộng về thói quen và ưu tiên của độc giả. Qua việc tiếp cận và hiểu về độc giả, cơ quan báo chí có thể xác định được các yếu tố quan trọng như sở thích, nhu cầu và mong muốn của họ. Dữ liệu này sau đó có thể được sử dụng để xây dựng nội dung phù hợp, từ tin tức đến các chương trình giải trí và tương tác trực tuyến.
Tối ưu hóa nội dung dựa trên những thông tin được thu thập, báo điện tử có thể tăng cường sức hấp dẫn với độc giả, tạo ra môi trường giá trị cho độc giả. Điều này giúp cơ quan báo chí xây dựng mối quan hệ bền vững với độc giả, và tăng cường tiềm năng thu nhập từ các nguồn khác nhau.
v, Cải tiến giao diện website điện tử và tốc độ nhấp chuột
Cải thiện giao diện và tăng tốc độ truy cập là hai yếu tố then chốt giúp báo điện tử nâng cao trải nghiệm người dùng và thu hút độc giả. Đầu tiên, việc cải thiện giao diện trang web là một bước quan trọng để đảm bảo rằng trang web hiển thị tốt trên mọi nền tảng và thiết bị. Điều này đòi hỏi các nghiên cứu cụ thể về hành vi và thói quen của người đọc trên các thiết bị di động, từ đó tối ưu hóa cách hiển thị và tương thích để đảm bảo trải nghiệm người dùng tốt nhất.
Ngoài ra, việc cải tiến giao diện và tăng tốc độ truy cập là một phần của chiến lược nâng cao chất lượng dịch vụ trực tuyến. Ví dụ, VTC News trong năm 2023 đã ghi nhận sự tăng trưởng về lượng truy cập sau khi hệ thống phân phối nội dung (CDN) và tường lửa được cải thiện, cùng với việc áp dụng một số công nghệ mới. Hệ thống mới có khả năng đáp ứng đồng thời lên đến 50.000 lượt truy cập, so với con số chỉ khoảng 10.000 của hệ thống cũ. Thời gian lưu trang trung bình đã đạt 2 phút 56 giây, và hiệu suất tải trang cao đạt 97% đối với máy tính và 74% đối với thiết bị di động. Những cải tiến này không chỉ tăng trải nghiệm người dùng mà còn cải thiện hiệu quả SEO của trang web.
vi, Xây dựng kênh phân phối nội dung
Việc xây dựng các kênh phân phối đóng vai trò quan trọng trong việc đưa tin tức và thông điệp của cơ quan báo chí đến với độc giả một cách hiệu quả. Các kênh phân phối có thể được phân loại thành một số loại như: trực tiếp, search và giới thiệu.
Trước hết, kênh phân phối trực tiếp đề cập đến việc cơ quan báo chí trực tiếp đưa tin tức đến độc giả thông qua các kênh của mình, như trang web chính thức hoặc ứng dụng di động. Điều này đảm bảo rằng thông điệp được truyền đạt một cách trực tiếp và không qua trung gian. Kênh phân phối Search liên quan đến việc tối ưu hóa nội dung để có thứ hạng tốt trên các công cụ tìm kiếm như Google, Bing... Khi người dùng tìm kiếm các từ khóa liên quan đến nội dung, họ có thể dễ dàng tìm thấy thông tin thông qua kết quả tìm kiếm.
Ngoài ra, kênh phân phối giới thiệu bao gồm việc sử dụng các mạng xã hội và các nền tảng khác nhau để giới thiệu nội dung của cơ quan báo chí cho một lượng lớn người đọc. Điều này có thể bao gồm chia sẻ bài viết trên Facebook, Twitter, LinkedIn, hoặc các diễn đàn trực tuyến khác, cũng như việc sử dụng các nền tảng khác như Email marketing, quảng cáo trực tuyến, hoặc hợp tác với các đối tác phân phối nội dung.
Kết luận
Trong bối cảnh ngày càng phát triển của công nghệ số, việc đa dạng hóa nguồn thu là một thách thức quan trọng mà các cơ quan báo chí điện tử phải đối mặt. Bằng cách tận dụng các phương tiện truyền thông số như mạng xã hội, tiếp thị liên kết, sự kiện trực tuyến và các hình thức quảng cáo trực tuyến khác, các tổ chức truyền thông có thể mở rộng phạm vi và tăng cường doanh thu của mình. Tuy nhiên, để thành công trong việc đa dạng hóa nguồn thu, các cơ quan báo chí cần phải chú trọng vào việc cải thiện chất lượng nội dung, tạo ra các chiến lược kinh doanh linh hoạt và sáng tạo, và duy trì một môi trường làm việc linh hoạt và đổi mới. Đồng thời, việc nắm bắt và thích nghi với các xu hướng mới trong ngành cũng là yếu tố quan trọng giúp cơ quan báo chí điện tử tiếp tục tồn tại và phát triển trong thế giới số hóa ngày nay.
Tóm lại, việc đa dạng hóa nguồn thu trong bối cảnh số đòi hỏi sự linh hoạt, sáng tạo và nắm bắt kịp thời các cơ hội mới. Chỉ thông qua sự đổi mới và nỗ lực không ngừng, báo điện tử mới có thể tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin và tạo ra giá trị cho cộng đồng đọc giả trong thời đại số hóa ngày nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO