Tài liệu tiếng Việt

Báo chí cách mạng Việt Nam trong điều kiện chuyển đổi số

Nguyễn Thanh Tuấn 13/06/2024 09:53

Trong bài viết này, tác giả tập trung nghiên cứu các nội dung sau: giới thuyết thuật ngữ: báo chí, Báo chí Cách mạng Việt Nam, chuyển đổi số đối với Báo chí Cách mạng Việt Nam; các chức năng của Báo chí Cách mạng Việt Nam; vai trò của chuyển đổi số đối với Báo chí Cách mạng Việt Nam và các yêu cầu đối với Báo chí Cách mạng Việt Nam trong điều kiện chuyển đổi số hiện nay.

Từ khóa: báo chí, chuyển đổi số, cách mạng, thông tin, đọc giả

Abtract: In this article, the author focuses on researching the following contents: introduction to terms: journalism, Vietnam Revolutionary Press, digital transformation for Vietnam Revolutionary Press; functions of the Vietnam Revolutionary Press; The roles of digital transformation for the Vietnam Revolutionary Press and the requirements for the Vietnam Revolutionary Press in the current digital transformation conditions.

Keywords: journalism, digital transformation, revolution, information, readers

1. Giới thuyết thuật ngữ

Báo chí là toàn bộ hoạt động, sản phẩm thông tin về các vấn đề, sự kiện, trong đời sống xã hội, thể hiện bằng chữ viết, hình ảnh, âm thanh hoặc kết hợp giữa chữa viết, hình ảnh, âm thanh, được xuất bản, phát hành, truyền dẫn hằng ngày hoặc định kỳ tới công chúng thông qua các loại hình: báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử. Báo chí Cách mạng Việt Nam ra đời và phát triển trong quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi viết nhiều tin vắn, bài báo và tham gia xuất bản các tờ báo của Pháp, Liên Xô và Trung Quốc, năm 1925 Nguyễn Ái Quốc thành lập tờ Báo Thanh Niên, khai sinh ra nền Báo chí Cách mạng Việt Nam. Số đầu tiên của tờ Thanh Niên được xuất bản vào ngày 21 tháng 6 năm 1925 và liên tục được xuất bản hàng tuần cho đến tận ngày nay.

Chuyển đổi số đối với Báo chí Cách mạng Việt Nam là quá trình ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động, từ xuất bản, phân phối đến tiêu thụ sản phẩm. Chuyển đổi số trên lĩnh vực Báo chí Cách mạng Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, cung cấp các sản phẩm báo chí có chất lượng cao cho xã hội, làm cầu nối tin cậy và hiệu quả giữa Đảng - Nhà nước với nhân dân và thế giới trong điều kiện số hóa trên mọi lĩnh vực hiện nay. Chuyển đổi số trên lĩnh vực Báo chí Cách mạng Việt Nam là quá trình ứng dụng các nền tảng công nghệ: IoT, Big Data, AI, SMAC (mạng xã hội di động - phân tích dữ liệu lớn - điện toán đám mây) vào việc xuất bản, phân phối và tiêu thụ các sản phẩm báo chí. Từng bước chuyển đổi từ một nền Báo chí Cách mạng truyền thống sang nền Báo chí Cách mạng số.

2. Chức năng của Báo chí Cách mạng Việt Nam

Báo chí Cách mạng Việt Nam có chức năng phản ánh một cách trung thực, toàn diện và kịp thời toàn bộ hoạt động, sự kiện diễn ra trong đời sống xã hội. Thông qua Báo chí Cách mạng mà người dân trên mọi miền của Tổ quốc, kiều bào ở nước ngoài và bạn bè thế giới nắm bắt được các hoạt động, sự kiện, tình hình trong nước. Ngược lại, Báo chí Cách mạng cũng kịp thời cung cấp các thông tin, sự kiện diễn ra trên thế giới cho đồng bào trong nước. Báo chí Cách mạng Việt Nam thực hiện chức năng hướng dẫn dư luận xã hội. Thông qua Báo chí Cách mạng mà dự luận xã hội được định hướng, được điều tiết một cách phù hợp. Báo chí Cách mạng Việt Nam còn là diễn đàn quan trọng và hiệu quả để thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân. Thông qua Báo chí Cách mạng Việt Nam, người dân có thể phản ánh tâm tư, nguyện vọng, yêu cầu của mình và cung cấp thông tin phản hồi cho Đảng - Nhà nước một cách kịp thời.

Chức năng phản ánh, phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, nhân tố mới trong quá trình lao động, sản xuất và đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật, các hiện tượng tiêu cực trong xã hội là chức năng quan trọng của Báo chí Cách mạng Việt Nam. Thông qua chức năng này, các cá nhân, tổ chức được động viên, tiếp thêm sức mạnh một cách kịp thời. Đảng và Nhà nước ta cũng thấy rõ vai trò và sự cống hiến của các cá nhân, tổ chức để kịp thời khen thưởng, khích lệ tinh thần, hỗ trợ về mặt phương tiện, vật chất, bảo vệ an toàn tính mạng của họ. Thông qua Báo chí Cách mạng mà Đảng - Nhà nước ta kịp thời tiếp thêm sức mạnh, tạo động lực cho các cá nhân, tổ chức tích cực lao động, sản xuất và đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật, các hiện tượng tiêu cực trong xã hội góp phần xây dựng và phát triển một xã hội an toàn, lành mạnh, bền vững.

Thông qua Báo chí Cách mạng Việt Nam mà sự trong sáng của tiếng Việt được giữ gìn, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Báo chí Cách mạng Việt Nam cũng góp phần quan trọng vào phát triển tiếng Việt. Luôn đi đầu trong việc gìn giữ các giá trị cốt lõi của tiếng Việt, tiếp thu và Việt hóa tinh hoa của các ngôn ngữ khác nhau trên thế giới, tạo sự đa đạng, phong phú và tăng khả năng biểu vật, biểu cảm cho tiếng Việt. Bên cạnh đó Báo chí Cách mạng Việt Nam cũng luôn gìn giữ và phát triển tiếng (tiếng nói và chữ viết) của các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Trên cơ sở các chức năng đã phân tích ở trên, Báo chí Cách mạng Việt Nam ngày càng góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sự phát triển mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. Trong điều kiện chuyển đổi số và xu hướng số hóa trên mọi lĩnh vực như hiện nay, Báo chí Cách mạng Việt Nam càng thể hiện vai trò, chức năng quan trọng của mình trong việc cung cấp thông tin kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, tạo sự liên kết, phát triển trong nội bộ các lĩnh vực và giữa các lĩnh vực với nhau.

Thông qua Báo chí Cách mạng Việt Nam mà các mối quan hệ, sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước, các dân tộc trên thế giới được tạo lập và phát triển. Báo chí Cách mạng Việt Nam vừa là kênh thông tin, vừa là cầu nối quan trọng để Đảng - Nhà nước và nhân dân ta tham gia, khẳng định vai trò của mình đối với sự nghiệp cách mạng, xây dựng hòa bình, phát triển xã hội, kinh tế của nhân dân thế giới. Thông qua sự hỗ trợ, kết nối của Báo chí Cách mạng Việt Nam mà các mối quan hệ hữu nghị, hợp tác, phát triển bền vững trên mọi lĩnh vực của Việt Nam với thế giới cũng được thiết lập và phát triển theo hướng bình đẳng, tôn trọng và các bên cùng có lợi.

3. Vai trò của chuyển đổi số đối với Báo chí Cách mạng Việt Nam

Trong điều kiện bùng nổ thông tin, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và hoạt động số hóa đang diễn ra nhanh chóng trên mọi lĩnh vực thì hoạt động chuyển đổi số đối với Báo chí Cách mạng Việt Nam là một yêu cầu cấp bách vì những vai trò quan trọng của nó. Trước hết, chuyển đổi số đối với Báo chí Cách mạng Việt Nam giúp nâng cao chất lượng nội dung, đa dạng hình thức và tăng tính thẩm mỹ cho các sản phẩm báo chí. Các cơ quan Báo chí Cách mạng Việt Nam có thể nâng cao chất lượng nội dung, đa dạng về hình thức và tăng tính thẩm mỹ cho các sản phẩm bằng cách sử dụng các công nghệ mới để tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn, phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của độc giả trong điều kiện hiện nay. Công nghệ số cũng cho phép Báo chí Cách mạng Việt Nam thu thập, phân tích dữ liệu và thông qua các nền tảng trực tuyến để cung cấp nội dung tùy chỉnh phù hợp với sở thích, thói quen, hành vi đọc của đọc giả.

Chuyển đổi số làm nền tảng, tạo điều kiện để Báo chí Cách mạng Việt Nam tăng khả năng tiếp cận độc giả, giúp cho các sản phẩm báo chí được tiêu thụ một cách rộng rãi và thuận tiện hơn. Hoạt động chuyển đổi số tạo điều kiện thuận lợi để độc giả tiêu thụ các sản phẩm báo chí thông qua các nền tảng số như: mạng xã hội, website, ứng dụng di động... Thông qua mạng internet, các sản phẩm của Báo chí Cách mạng Việt Nam cũng được truyền tải một cách nhanh chóng, thuận tiện đến độc giả trên toàn thế giới. Đây là điều kiện thuận lợi, mở ra cơ hội tiếp cận với một lượng độc giả lớn mà không bị giới hạn bởi thời gian, không gian địa lý.

Hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng các nền tảng số tạo điều kiện thuận lợi để đọc giả có thể tương tác và tham gia vào các hoạt động của Báo chí Cách mạng Việt Nam. Sự tương tác và cùng tham gia của đọc giả tạo ra môi trường thông tin đa chiều, môi trường thông tin đa phương tiện. Thông qua môi trường thông tin đa chiều mà đọc giả không chỉ tiếp thu các sản phẩn báo chí mà còn có thể bình luận, chia sẻ bài viết và các ý kiến phản hồi, tương tác với chính tác giả và người đọc khác. Các bình luận, ý kiến phản hồi và đặc biệt là những nội dung mà đọc giả tương tác với tác giả là cơ sở quan trọng cho việc điều chỉnh nội dung, hình thức và tính thẩm mỹ của Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Chuyển đổi số trong báo chí giúp các cơ quan báo chí tăng hiệu quả hoạt động và các nguồn thu nhập. Thông qua công nghệ số và các phần mềm hỗ trợ mà các cơ quan Báo chí Cách mạng Việt Nam có thể thực hiện hoạt động tự động hóa trong quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm một cách nhanh chóng mà không tốn kém về mặt chi phí. Chuyển đổi số cũng giúp cho Báo chí Cách mạng Việt Nam tiết giảm hoạt động in ấn, phân phối các sản phẩm báo chí truyền thống. Việc sử dụng các nền tảng trực tuyến, giúp các cơ quan báo chí giảm thiểu tiêu thụ giấy, mực in và phương tiện, công sức vận chuyển, góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí. Hoạt động quảng cáo trực tuyến, cung cấp thông tin và các dịch vụ thông tin thông qua môi trường số cũng giúp các cơ quan báo chí tăng nguồn thu nhập một cách đáng kể.

4. Những yêu cầu đối với Báo chí Cách mạng Việt Nam trong điều kiện chuyển đổi số

Trong điều kiện chuyển đổi số hiện nay, “với tư cách là một ngành, nghề luôn tiếp xúc sớm nhất, phản ứng nhanh nhạy nhất với mọi biến động xã hội, đồng thời là một thành phần, một nhân tố hữu cơ của xã hội, của đời sống con người, báo chí chịu tác động trực tiếp của chuyển đổi số. Câu hỏi cần giải đáp là báo chí sẽ thực hiện chức năng “thông tin chân thực, đa dạng, kịp thời, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” theo sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước như thế nào”[1]; Báo chí Cách mạng Việt Nam cần đáp ứng được các yêu cầu sau:

Yêu cầu đầu tiên là luôn chủ động và tích cực thực hiện hoạt động chuyển đổi số. Điều này, được bắt đầu từ việc nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động chuyển đổi số đối với đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên và những người làm việc trong lĩnh vực báo chí. Gắn Chương trình chuyển đổi số quốc gia với nhiệm vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí để thu được hiệu quả cao hơn. Không ngừng tổ chức các hoạt động tuyên truyền, biểu dương và tôn vinh những tổ chức, cá nhân có thành tích cao và sự sáng tạo trong quá trình thực hiện công tác chuyển đổi số. Xem công tác chuyển đổi số là một nhiệm vụ quan trọng và mang tính cấp bác đối với mỗi cá nhân, đơn vị trong lĩnh vực báo chí.

Trong điều kiện mới, đặc biệt là điều kiện hoạt động trong môi trường số có nhiều thay đổi, nhiều yêu cầu mới như hiện nay thì những qua định của Luật Báo chí, các văn bản quy định trực tiếp và các văn bản có liên quan đến hoạt động của Báo chí Cách mạng Việt Nam cần được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Trên cơ sở đó cần đề xuất việc rà soát để bổ sung và hoàn thiện quy định Pháp luật đối với quá trình hoạt động của Báo chí Cách mạng Việt Nam trong môi trường số. Đây vừa là quy luật tất yếu của sự phát triển vừa là nhu cầu nội tại của Báo chí Cách mạng Việt Nam. Việc rà soát để bổ sung và hoàn thiện quy định pháp luật vừa là động lực thúc đẩy, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số, vừa đảm bảo các quy định của pháp luật phù hợp với yêu cầu mới và tạo ra môi trường thuận lợi cho các cơ quan Báo chí Cách mạng Việt Nam trong quá trình hoạt động nói chung và quá trình chuyển đổi số nói riêng.

Đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số là nhu cầu vừa là yêu cầu cấp bách đối với Báo chí Cách mạng Việt Nam hiện nay. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ nói chung, thực hiện tốt công tác tác chuyển đổi số nói riêng, Báo chí Cách mạng Việt Nam cần được đầu tư về mặt cơ sở vật chất, trang thiết bị, kỹ thuật một cách đầy đủ, đồng bộ và hiện đại đáp ứng nhu cầu của công việc. Nguồn nhân lực là nền tảng quan trọng nhất và là nhân tố quyết định đến chất lượng và quá trình hoạt động của Báo chí Cách mạng Việt Nam. Chính vì thế: cần sử dụng nguồn nhân lực sẵn có sao cho phù hợp hiệu quả và “có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực báo chí - truyền thông đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Bởi, dù hiện đại đến mấy về công nghệ, để thực hiện được sứ mệnh của báo chí trước các vấn đề cấp bách của xã hội, yếu tố quan trọng hơn cả, mang tính quyết định chính là con người”[1].

Đa dạng hóa phương phức thức hoạt động và sản phẩm trên cơ sở ứng dụng các nền tảng số là yêu cầu tất yếu đối với Báo chí Cách mạng Việt Nam. “Các cơ quan báo chí cần xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ và cơ quan báo chí đa phương tiện, lấy hoạt động xuất bản số làm trung tâm, phân chia nhiệm vụ của các nhân sự cho phù hợp, có sự thống nhất giữa các bộ phận xuất bản (in ấn, phát thanh, truyền hình hay điện tử). Sản xuất nội dung báo chí chất lượng cao, sản xuất báo chí dữ liệu lớn, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để tạo ra các trải nghiệm có giá trị cho công chúng báo chí (trong đó có những trải nghiệm số)... Báo chí tận dụng quá trình số hóa để có những sản phẩm báo chí chất lượng, với độ tin cậy cao, tạo những tiện ích tốt nhất cho độc giả trong tiếp cận, sử dụng thông tin, lan tỏa và chiếm thế thượng phong trên không gian thực và không gian mạng, trở thành dòng thông tin chủ lưu, quan trọng nhất trong đời sống xã hội”[1].

Các cơ quan Báo chí Cách mạng Việt Nam nên tranh thủ sự hỗ trợ của xã hội trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để quản lý, điều hành hoạt động tác nghiệp. Tham gia tích cực vào các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Quốc gia nhằm tích cực vào hoạt động chuyển đổi số, tạo ra những thay đổi tích cực về phương thức hoạt động và các sản phẩm báo chí. “Mỗi tờ báo nên hướng tới phục vụ tốt nhất đối tượng công chúng đích, chuyên biệt của mình, phù hợp với tôn chỉ, mục đích, tránh pha loãng hay trùng lắp thông tin. Những vấn đề cấp bách của xã hội được đề cập, phản ánh, giải đáp trên các loại hình báo chí phải tạo được sức thuyết phục, hấp dẫn, niềm tin ở người đọc. Đó là thông tin được viết bởi những nhà báo chân chính, trung thực, gắn bó với sự nghiệp cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước. Báo chí với sứ mệnh cao cả của mình cần có nhiều phương thức thông tin mới giúp cho công chúng báo chí được củng cố niềm tin, tăng cường bản lĩnh, sự tỉnh táo và sức tự đề kháng trước những vấn đề nóng bỏng, bức xúc đặt ra trong cuộc sống và trước những thông tin sai trái, xuyên tạc, bịa đặt”[1].

Trong quá trình phát triển, sức mạnh nội tại là nền tảng quyết định nhưng trong điều kiện hiện nay, nếu chỉ dựa vào sức mạnh nội tại thì chưa đủ, mà cần phải kết hợp linh hoạt với sức mạnh ngoại sinh thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế. Sức mạnh ngoại sinh bao gồm các nguồn lực vật chất như: vốn, máy móc, thiết bị, vật tư, công nghệ cùng các kiến thức, khoa học, kỹ thuật, kinh nghiệm, mô hình quản lý, các giá trị văn hóa tinh thần... Để tranh thủ các điều kiện kể trên, Báo chí Cách mạng Việt Nam cần tăng cường hợp tác quốc tế. Chúng ta cũng cần xác định: chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực báo chí là một chiến lược có vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển của Quốc gia. Thông qua hoạt động hợp tác quốc tế, chúng ta có thể học tập kinh nghiệm từ các quốc gia có sự phát triển mạnh về báo chí, báo chí số, nắm bắt được những xu hướng và thành tựu mới trong lĩnh vực báo chí.

5. Kết luận

Báo chí Cách mạng Việt Nam là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là công cụ quan trọng trong quá trình phát triển: kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng... Đồng thời, Báo chí Cách mạng Việt Nam cũng là vũ khí sắc bén để đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái, thù địch chống phá của các đối tượng phản động. Trong điều kiện chuyển đổi số hiện nay, Báo chí Cách mạng Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn trong việc thực hiện các chức năng quan trọng của mình. Trên cơ sở phân tích các vai trò của hoạt động chuyển đổi số, để thực hiện tốt các chức năng của mình, Báo chí Cách mạng Việt Nam cần đáp ứng các yêu cầu trong điều kiện chuyển đổi số sau đây: chủ động và tích cực thực hiện hoạt động chuyển đổi số; đề xuất việc rà soát để bổ sung và hoàn thiện quy định của pháp luật đối với báo chí; đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số; đa dạng hóa phương phức thức hoạt động và sản phẩm; tăng cường công tác hợp tác quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đinh Xuân Dũng (2021), “Yêu cầu đặt ra với báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số”, Tạp chí Cộng sản online.

2. Đào Duy Quát (2010), Lịch sử Báo chí cách mạng Việt Nam (1925 - 2010), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

3. Đào Duy Quát, Đỗ Quang Hưng, Vũ Duy Thông (2010), Tổng quan lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam (1925 - 2010), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Báo chí cách mạng Việt Nam trong điều kiện chuyển đổi số
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO