Quản trị truyền thông

Quản trị tại các cơ quan báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số

TS. Vũ Tuấn Anh 01/04/2024 16:49

Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ và tác động của đại dịch Covid-19, các tòa soạn phải thay đổi cách thức quản trị, bao gồm triển khai chuyển đổi số; triển khai tòa soạn hội tụ (mô hình tòa soạn hiện đại, tận dụng tối đa ưu thế về nhân lực đa phương tiện và nền tảng công nghệ kỹ thuật để sản xuất ra các ấn phẩm cho nhiều loại hình báo chí khác nhau); từ đó thay đổi quy trình làm việc thích ứng bối cảnh đặc thù. Trên thực tế, từ trước khi xuất hiện đại dịch Covid-19, nhiều tòa soạn tại Việt Nam đã từng bước triển khai chuyển đổi số trong từng phần hoạt động của đơn vị từ các khía cạnh quản trị chung, quy trình làm việc, phối hợp giữa các bộ phận, giữa các nhân sự đơn tuyến và đa tuyến. Tuy nhiên, bối cảnh khó khăn của cao điểm dịch Covid-19 đã đẩy nhanh việc hoàn thiện tiến trình này.

1. Quản trị hoạt động của tòa soạn

Đối với báo mạng điện tử và báo in, ví dụ điển hình là Báo Thanh Niên. Xuất thân là tờ báo in và sau đó mới làm điện tử, Thanh Niên đã chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi số cả về quy trình làm việc và kênh đăng tải khá sớm từ năm 2015 và triển khai đề án “tòa soạn hội tụ” từ năm 2019. Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng phát căng thẳng tại thành phố Hồ Chí Minh buộc tòa soạn phải ngừng ấn phẩm báo in trong 10 ngày, tòa soạn buộc phải hoàn thiện tiến trình chuyển đổi số gấp hơn dự kiến – chỉ trong một tuần. Bên cạnh Thanh Niên, báo Công An Nhân Dân cũng thích ứng thông qua việc chuyển đổi phương thức làm việc từ trực tiếp sang trực tuyến ở nhiều bình diện, bao gồm “duyệt đề tài”, “lên bản thảo đề tài”, “phân công công việc”, “ứng dụng CMS (hệ thống phần mềm quản trị nội dung) đối với báo điện tử và bằng email đối với báo in”.

Đối với đặc thù ngành phát thanh, bối cảnh Covid-19 cũng thúc đẩy quá trình tiến đến tòa soạn hội tụ, chia sẻ chung về tài nguyên nội dung và phân bổ ra các loại hình đa phương tiện, chẳng hạn như VOV. VOV đã có thực hiện nhiều điều chỉnh, đầu tiên là quy trình làm việc chia ca giãn cách, thứ hai là chuyển đổi phương thức làm việc từ xa, thứ ba là thúc đẩy việc chia sẻ tài nguyên giữa các đơn vị và các loại hình báo chí. Cụ thể, về kết cấu tòa soạn, các ban biên tập chia ca, kíp theo buổi sáng - chiều hoặc phân công cuốn chiếu mỗi tuần. Các kênh mang tính chất thời sự phải làm theo ca kíp trực, còn các kênh mang tính chất chuyên đề thường chia đội ngũ theo tuần. Bên cạnh đó, tất cả hoạt động khai thác thông tin phải làm việc thông qua hệ thống mạng của đài, mạng internet.

Đối với các đơn vị truyền hình, đại dịch Covid-19 một mặt gia tăng mạnh mẽ nhu cầu tiêu thụ thông tin và sản phẩm truyền hình, một mặt gia tăng áp lực lớn về cơ hội tiếp xúc nguồn tin, trong khi đặc thù báo hình là trực tiếp khai thác âm thanh, hình ảnh tại hiện trường. Tại VTV3, ban lãnh đạo triển khai chia các nhóm phóng viên trực chiến hiện trường, nhóm biên tập tại văn phòng, và nhóm làm việc trực tuyến - vừa đảm bảo tác nghiệp vừa đảm bảo an toàn, bảo vệ đội ngũ nhân sự, đồng thời đảm bảo thời lượng phát sóng, không cắt chương trình.

Sau những cao điểm dịch Covid-19, trong bối cảnh bình thường mới, nhưng nhiều yếu tố công nghệ, và phương thức làm việc của tòa soạn hội tụ vẫn tiếp tục phát huy hiệu quả mang tính dài hạn.

2. Quản trị chất lượng nội dung

Covid-19 có tác động khác nhau tới chất lượng nội dung của từng loại hình báo chí, và các tòa soạn cũng có những cách thích ứng riêng để tăng cường quản trị chất lượng nội dung trong bối cảnh đại dịch. Trong đó, hai vấn đề lớn nổi lên là: mối quan hệ giữa báo chí và mạng xã hội, báo chí công dân và kiểm định độ chính xác nguồn tin trong tình hình gia tăng tin giả và thông tin sai lệch; và vấn đề phóng viên tác nghiệp đa nhiệm, đa phương tiện.

2.1. Đảm bảo tính xác thực của thông tin từ báo chí công dân, mạng xã hội

Trong bối cảnh đại dịch, phóng viên bị hạn chế trong tiếp cận nguồn tin trực tiếp. Cùng với đó là sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội, tin tức đăng tải bởi người đọc, người dùng mạng xã hội tăng vượt bậc. Trong nhiều trường hợp mạng xã hội là nơi đầu tiên phát hiện và chia sẻ các tin tức nóng từ cộng đồng. Chính vì những điều này, một số lượng không nhỏ tin bài báo chí được thu thập và xử lý trực tuyến. Tuy nhiên, thông tin từ mạng xã hội thường mang tính quan điểm cá nhân và thậm chí bao gồm thông tin giả mạo, sai lệch. Thực trạng này yêu cầu nhà báo phải đặc biệt tỉnh táo để phân biệt được tin thật, tin giả, góp phần định hướng dư luận, giúp người dân không hoang mang lo lắng, tránh các thông tin xấu, thông tin độc, sai sự thật và tin đồn. Đối với vấn đề này, báo Công An Nhân Dân, có quan điểm rõ ràng và kiên định về vai trò định hướng, và kiểm chứng nguồn tin từ mạng xã hội của tòa soạn. Theo đó, phóng viên cần thông tin chính xác, kịp thời, phân tích đúng, giúp người dân nắm được tình hình.Cùng chia sẻ quan điểm này, theo ý kiến từ đại diện Đài Truyền hình Hà Nội, về mặt quản trị chất lượng, tin giả trên mạng xã hội đẩy mạnh yêu cầu bức thiết đối với người làm báo về sự cẩn trọng và các kỹ năng nghiệp vụ trong kiểm chứng thông tin.

Mặt khác, nhiều cơ quan báo chí như Thanh Niên và Đài Tiếng nói Việt Nam chỉ ra rằng thực tế mối quan hệ giữa báo chí và mạng xã hội không chỉ có mặt tiêu cực. Bởi, việc sử dụng nguồn tin từ mạng xã hội hiệu quả cũng làm tăng tính tương tác giữa đơn vị báo chí và khán giả, độc giả. Bên cạnh đó, đây là cơ hội khẳng định vị trí đặc biệt của báo chí chính thống, cơ hội khẳng định uy tín, vị thế của các đơn vị báo chí đối với công chúng bằng chất lượng và độ xác tín của thông tin.

2.2. Đảm bảo chất lượng nội dung trong điều kiện tác nghiệp từ xa

Đại dịch Covid-19 trong những thời kỳ cao điểm, giãn cách xã hội đã đặt ra nhiều khó khăn cho việc tác nghiệp của người làm báo, bao gồm: khó khăn trong trao đổi, thống nhất nội bộ tòa soạn; khó khăn trong tiếp cận, thu thập nguyên liệu và xác thực độ tin cậy nguồn tin; khó khăn trong lưu trữ, vận chuyển tư liệu đảm bảo chất lượng và thời gian. Mặt khác, điều kiện làm việc từ xa cũng cho phép phóng viên cùng lúc có thể tác nghiệp trong các đề tài khác nhau, địa phương khác nhau ở mọi nơi, mọi lúc. Lĩnh vực phát thanh và truyền hình có đặc thù tiếp cận trực tiếp để khai thác hình ảnh, âm thanh của đối tượng. Vì vậy, các phóng viên VOV, VTV3 và HanoiTV đã phải bổ trợ các kỹ năng tác nghiệp trực tuyến, chủ động tiếp cận nguồn tin, tăng cường độ làm việc chia đội phóng viên hiện trường phụ trách tác nghiệp trực tiếp và phối hợp làm việc trực tuyến với bộ phận biên tập làm việc riêng tại tòa soạn hoặc làm việc từ xa.

3. Quản trị nguồn nhân lực tại các cơ quan báo chí

3.1. Đảm bảo số lượng nguồn nhân lực

Dịch Covid 19 không gây ảnh hưởng nhiều đến nguồn nhân lực tại các cơ quan báo chí Việt Nam, và có những cơ quan không hề suy giảm nhân sự. Xu hướng này được ghi nhận ở cả ba mảng báo viết, phát thanh và truyền hình, chẳng hạn như đại diện VTV3 chia sẻ họ “không bị ảnh hưởng nhiều về nhân lực trong đợt Covid” và đại diện VOV cho biết - “số lượng quân số không tăng không giảm vì Đài là Đài quốc gia, luôn phải có quân số ổn định”.

Ngoài ra, một số cơ quan có xu hướng tuyển thêm nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực về truyền thông kỹ thuật số, điều này là bởi hai lý do. Trước hết, sự bùng phát của Covid 19 đã khiến mức tiêu thụ tin tức gia tăng ở các quốc gia trên toàn cầu, dẫn đến việc phải có đội ngũ nhân lực bền bỉ đảm bảo cập nhật thông tin liên tục hay thậm chí là tăng cường tần suất tin bài. Đặc biệt đối với các báo điện tử như Thanh Niên, nhu cầu thông tin thể hiện rõ ràng qua lượng xem bài tăng vọt, và đạt mức cao nhất từ trước đến nay trong bối cảnh dịch Covid 19.

Thứ hai, song song với áp lực dịch bệnh thời gian vừa qua, một yêu cầu khác là "chuyển đổi số", mở ra cơ hội kinh doanh và truyền thông mới đến từ các nền tảng kỹ thuật số. Các đài truyền hình như HanoiTV, đài phát thanh VOV và báo viết Thanh Niên đều nhấn mạnh về việc “tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong báo chí”. Việc ứng dụng này, hiện bao gồm ba hướng đi nổi bật, đó là phát triển các nội dung mới (podcast, âm thanh, truyền hình, mega-story, infographic,…), thực hiện quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, và báo chí dữ liệu. Sự đổi mới này đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc bổ sung nguồn nhân lực trẻ có thể tiếp cận nhanh hoặc đã từng được đào tạo bài bản về công nghệ để phù hợp.

3.2. Đảm bảo quyền lợi người lao động

Theo xu thế chung trên toàn thế giới, Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tâm lý, thể chất và quyền lợi của người làm báo (Appelgren, 2021). Đối với các nhà báo và cơ quan báo chí Việt Nam, ảnh hưởng dễ thấy nhất là nguồn thu. Bởi ở Việt Nam, cơ quan báo chí có ba nguồn thu chính là doanh thu phát hành và bán các sản phẩm báo chí, doanh thu từ tổ chức sự kiện, doanh thu từ việc cung ứng các dịch vụ xã hội, và nguồn thu lớn nhất - các hợp đồng quảng cáo. Việc tạo ra thu nhập từ nguồn quảng cáo, nay trở nên khó khăn hơn do doanh nghiệp cắt giảm chi tiêu và hợp đồng quảng cáo có xu hướng dịch chuyển qua các nền tảng mạng xã hội. Ví dụ minh chứng rõ nét cho khó khăn này là tại báo Thanh Niên, trong đợt dịch cao điểm của năm 2020, dù năng suất của phóng viên tăng 186%, doanh số của Thanh Niên lại giảm 101% cũng vì các đối tác siết chặt kinh phí truyền thông. Tương tự, VTV cũng ghi nhận xu hướng cắt giảm nguồn thu.

Tuy nhiên, các cơ quan báo chí vẫn cố gắng duy trì phúc lợi cho người lao động. Một số cơ quan, như VTV và VOV, vẫn được nhà nước chi ngân sách để sản xuất nội dung và mức lương cho những người làm báo trong biên chế không thay đổi. Đặc biệt đối với VOV, “các phóng viên tham gia đưa tin về tình hình dịch bệnh ở mọi đơn vị đều nhuận nhuận bút gấp 1,5 lần so với bình thường”. Các phóng viên VOV nhiễm Covid-19 ở giai đoạn đỉnh dịch được tạo điều kiện cho “nghỉ có hưởng lương và nhận hỗ trợ từ 1 đến 2 triệu đồng”. Bên cạnh duy trì phúc lợi cho người lao động thông qua nguồn ngân sách cố định, việc mở những hướng phát triển nội dung mới để tạo ra nguồn thu mới cũng là một giải pháp đáng ghi nhận. Như trường hợp của báo Thanh Niên, tòa soạn đã có thêm các hình thức báo chí truyền thống, đẩy mạnh những dự án nội dung trên mạng xã hội, và tư vấn cho khách hàng việc đăng ký quảng cáo trên các nền tảng này.

Ngoài thu nhập, khía cạnh thể hiện sự đảm bảo của cơ quan cho quyền lợi cho nhân viên thứ hai là "Chế độ làm việc theo ca". Việc chia ca kíp trực, làm việc từ xa, nghỉ phép và thậm chí còn có chế độ nghỉ ngơi để tạo điều kiện tác nghiệp một cách tốt nhất cho nhân sự. Giải pháp này được áp dụng rõ nét trong các cơ quan truyền thông báo chí quốc gia như VOV và VTV, nơi phải đảm bảo việc phát sóng liên tục và thậm chí phải gia tăng số lượng và chất lượng tin bài trong những đợt cao điểm dịch. Đây điều không chỉ hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh, đảm bảo công việc đưa tin diễn ra xuyên suốt mà còn có ảnh hưởng lớn đến "sức khỏe tinh thần" của nhà báo (Oliver & Costello, 2018), giúp nhân họ lấy lại sự tập trung và tái tạo sức sống (Perreault & Perreault, 2021).

Cuối cùng, ngoài đảm bảo nguồn thu và cân đối công việc cho người lao động, các cơ quan báo chí cũng thực hiện đầy đủ những yêu cầu bảo đảm an toàn cho nhân viên khi tác nghiệp tại môi trường có điều kiện vệ sinh dịch tễ chưa đảm bảo, thông qua các công tác tập huấn kỹ năng, tiêm chủng và chuẩn bị trang bị bảo hộ thiết yếu. Bên cạnh đó, các phóng viên - nhóm nhân sự phải dịch chuyển nhiều và tiếp xúc trực tiếp với hiện trường - được ưu tiên tiêm trước, tập huấn những kỹ năng phòng dịch và tạo điều kiện về phương tiện di chuyển.

3.3. Tăng cường chất lượng nguồn nhân lực

Có hai khía cạnh rèn luyện cho đội ngũ cán bộ mà các cơ quan báo chí hiện nay chú trọng thực hiện. Trọng tâm đầu tiên là củng cố tâm lý đối diện với môi trường làm việc không thuận lợi và khả năng duy trì tinh thần vì công việc của người làm báo. Theo đại diện VOV, dù là trong hoàn cảnh khó khăn nào, nguồn nhân lực hay việc tác nghiệp không chịu tác động nhiều, nhưng “tâm lý” là yếu tố quan trọng thúc đẩy người làm báo dũng cảm đối diện với khó khăn và duy trì trách nhiệm thu thập và truyền tải tin tức của mình. Việc đặt ra nỗ lực phấn đấu và tinh thần trách nhiệm vì công việc giúp nhân viên gắn bó hơn với nghiệp vụ và hoạt động của tổ chức (Oliver & Costello, 2018).

Vấn đề thứ hai là đào tạo các kỹ năng phục vụ tiến trình "chuyển đổi số", điều này được nhấn mạnh bởi toàn bộ các đối tượng phỏng vấn sâu. Cụ thể, VTV đề cập đến việc học cách làm việc trực tuyến, không chỉ ở nhân viên chính thức mà còn đối với cả các cộng tác viên. Về phía Báo Thanh Niên, cơ quan đã giao cho Liên chi hội Nhà báo lên các kế hoạch đào tạo và đào tạo lại để phù hợp với mô hình số. Phân tích trên toàn thế giới, đại dịch đã cho thấy tầm quan trọng của những thay đổi cơ bản trong thực hành quản trị nhân lực - giảng dạy và xử lý các nền tảng kỹ thuật số (Appelgren, 2021). Bên cạnh đó, sự phát triển liên tục của các nền tảng công nghệ vẫn đặt ra yêu cầu phải tăng cường đào tạo để đáp ứng các kỹ năng kỹ thuật cần thiết để thực hiện công việc. Chính vì thế để có thể thích ứng, tận dụng sự phát triển của công nghệ thông tin và chiếm ưu thế trên thị trường thông tin, cần có sự đầu tư kịp thời và liên tục vào đào tạo lực lượng lao động (Oliver & Costello, 2018).

4. Giải pháp và đề xuất

Từ những phân tích, đánh giá trong khuôn khổ nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp tăng cường tính thích ứng của tòa soạn trong những bối cảnh mới.

Thứ nhất, chuyển đổi số và tòa soạn hội tụ cần được phát huy một cách có chiến lược, bài bản và chính thức trong điều kiện bình thường mới, không chỉ mang tính thích nghi nhất thời trong giai đoạn dịch bệnh. Những kinh nghiệm triển khai trong giai đoạn Covid-19 sẽ là nguồn tham khảo quan trọng cho chiến lược phát triển dài hạn của các tòa soạn.

Thứ hai, các vấn đề - phát triển kỹ năng cho phóng viên theo hướng đa nhiệm, đa phương tiện cùng với đó là việc kiểm định nguồn tin, đảm bảo tính chính xác thông tin - cần được đánh giá chặt chẽ và phát huy hơn nữa.

Thứ ba, dù là trong bối cảnh dịch Covid-19 nói riêng, và trong những môi trường tác nghiệp báo chí nhiều rủi ro khác nói chung như thiên tai, chiến tranh hay địch họa, việc bảo vệ quyền lợi của người lao động (bao gồm sức khỏe, tính mạng hay thu nhập tương xứng) luôn là vấn đề cần được chú trọng.

Thứ tư, lịch trình làm việc chia ca kíp, kết hợp với các chương trình gắn kết nhân viên, và thúc đẩy tinh thân cống hiến là giải pháp phòng ngừa hiệu quả cho các vấn đề suy giảm khỏe tinh thần và kiệt sức với khối lượng công việc lớn của người lao động.

Cuối cùng, môi trường xuất bản kỹ thuật số mở ra những cơ hội cạnh tranh mới và các nền tảng công nghệ liên tục phát triển. Để bắt kịp xu thế này, các cơ quan cần nghiên cứu và đầu tư vào việc đào tạo cho nhân viên, giúp họ thành thạo những kỹ năng công nghệ mới.

5. Kết luận

Trong bối cảnh dịch bệnh, các cơ quan truyền thông (báo chí) vẫn không ngừng nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Năng lực quản trị nguồn nhân sự tại các cơ quan báo chí, bao gồm ba khía cạnh - quản trị tòa soạn, quản trị chất lượng sản phẩm và quản trị nhân sự - là một nhân tố quan trọng đưa đến thành quả này.

Về mặt quản trị tòa soạn, đại dịch Covid-19 đã đặt ra yêu cầu bức thiết buộc các tòa soạn thích ứng nhanh với điều kiện đặc thù. Đặc điểm chung của các tòa soạn là đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ, triển khai tòa soạn hội tụ đa loại hình, đa phương tiện, tăng cường chia sẻ nội dung theo hình thức hội tụ, một đầu vào - nhiều đầu ra. Về quản trị chất lượng nội dung, phóng viên cần phải trau dồi kỹ năng làm việc trong môi trường số, kỹ năng kiểm định thông tin, kỹ năng tác nghiệp đa nhiệm, đa phương tiện và đặc biệt là khả năng phối hợp, làm việc nhóm trong môi trường phối hợp trực tiếp và trực tuyến. Về mặt quản trị nguồn nhân lực, các cơ quan báo chí Việt Nam vẫn duy trì được nguồn nhân lực, không cắt giảm biên chế hay hợp đồng lao động và đồng thời đảm bảo đầy đủ các phúc lợi về thu nhập, sức khỏe tinh thần cũng như an toàn vệ sinh dịch tễ cho người làm báo. Bên cạnh đó, để đáp ứng với nhu cầu tin tức ngày càng gia tăng của độc giả, đòi hỏi về những hình thức truyền tải nội dung mới cũng như quá trình chuyển đối sối, các tòa soạn chú trọng vào việc đào tạo, nhằm củng cố tinh thần làm việc hiệu quả cùng phát triển những kỹ năng công nghệ thông tin cho nhân viên.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ahva, L., Dalen, A. v., Hovden, J. F., Kolbeins, G. H., Nilsson, M. L., Skovsgaard, M., & Väliverronen, J. (2017). A Welfare State of Mind? - Nordic journalists’ conception of their role and autonomy in international context. Journalism Studies, 18(5), 595-613 .

2. Appelgren, E. (2021). Media Management During COVID-19: Behavior of Swedish Media Leaders in Times of Crisis. Journalism Studies, 722-739.

3. Chambel, M. J., Castanheira, F., & Sobral, F. (2014). Temporary agency versus permanent workers: A multigroup analysis of human resource management, work engagement and organizational commitment. Economic & Industrial Democracy, 37(4).

4. Lowe, G. F. (2015). Introduction: What's So Special About Media Management. In Managing Media Firms and Industries (pp. Pages1-20). Springer International Publishing.

5. Oliver, J. J. (2016). High velocity markets drive adaptive capabilities. Strategic Direction, 32(1), 5 – 7.

6. Oliver, J. J., & Costello, J. (2018). Chapter 7: Human Resource Management in the Media. In J. J. Oliver, & J. Costello, Handbook of Media Management and Economics (Media Management and Economics Series) (pp. 95-110). Routledge.

7. Perreault, M. F., & Perreault, G. P. (2021). Journalists on COVID-19 Journalism: Communication Ecology of Pandemic Reporting. American Behavioral Scientist, 976–991.

8. Reporters sans frontières (France). (2017). Safety guide for journalists: a handbook for reporters in high-risk environments. UNESCO.

9. Shah, S. G., Nogueras, D., Woerden, H. C., & Kiparoglou, V. (2020). The COVID-19 Pandemic: A Pandemic of Lockdown Loneliness and the Role of Digital Technology. Journal of Medical Internet, 22(11).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quản trị tại các cơ quan báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO