Chuyển đổi số báo chí truyền thông

Những vấn đề đặt ra với báo điện tử khi khai thác và sử dụng nguồn tin từ mạng xã hội

TS. Nguyễn Thị Hằng 01/04/2024 01:12

Hiện nay, nhiều báo điện tử đã và đang lựa chọn mạng xã hội là một nguồn tin để khai thác và sử dụng cung cấp tới công chúng những thông tin đa dạng, đa chiều. Nhưng chính từ đây cũng đã và đang đặt ra những vấn đề cần phải bàn thảo đối với các cơ quan báo chí nói chung và báo điện tử nói riêng.

Ngày nay mạng xã hội đã và đang tạo ra một làn sóng mới, một cơn sốt kích thích sự thay đổi, phát triển của báo chí truyền thông. Những tiện ích và sức lan toả rộng lớn đã đưa mạng xã hội trở thành là một trong những kênh thông tin thu hút sự quan tâm của các nhóm đối tượng công chúng khác nhau trực tiếp tham gia vào quá trình truyền thông. Điều này đã tác động tới vấn đề khai thác và sử dụng nguồn tin trên báo chí. Đặc biệt là với báo điện tử - loại hình báo chí vốn được coi là tiên phong trong việc cập nhật thông tin nhanh chóng thì vấn đề khai thác và sử dụng nguồn tin càng trở nên cấp thiết. Hiện nay, nhiều báo điện tử đã và đang lựa chọn mạng xã hội là một nguồn tin để khai thác và sử dụng cung cấp tới công chúng những thông tin đa dạng, đa chiều. Nhưng chính từ đây cũng đã và đang đặt ra những vấn đề cần phải bàn thảo đối với các cơ quan báo chí nói chung và báo điện tử nói riêng.

1. Báo điện tử khai thác và sử dụng nguồn tin từ mạng xã hội

Với kết nối và khả năng lan toả thông tin mạng xã hội đã tạo ra một khối lượng các thông tin khổng lồ được chia sẻ từng giây, từng phút. Tuy nhiên, phần lớn thông tin trên các mạng xã hội là những thông tin mang tính cá nhân nhiều và thậm chí là những thông tin phi chính thống, chưa được kiểm chứng. Báo chí nói chung và báo điện tử nói riêng ít nhiều cũng chịu những tác động, sự ép nhất định đặc biệt là trên phương diện khai thác và sử dụng nguồn tin. Sự tác động từ thông tin của mạng xã hội đến nguồn tin của báo điện tử được thể hiện trên cả hai chiều cạnh tích cực và tiêu cực.

Về chiều cạnh tích cực thông tin từ mạng xã hội đem đến cho báo điện tử một nguồn tin đa dạng, chi phí thấp để có thể khai thác, phát triển giá trị của nguồn tin. Nắm bắt được điểm này nhiều phóng viên báo điện tử đã cập nhật, khai thác nguồn tin từ mạng xã hội xử lý thành thông tin có giá trị nhờ kĩ năng nghiệp vụ. Nhiều vấn đề, sự kiện được xã hội quan tâm, được bàn luận sôi nổi trên các trang mạng xã hội đã được báo điện tử khai thác, sử dụng phát triển thành ý tưởng, đề tài. Chính sự nhanh nhạy này của cơ quan báo điện tử và người làm báo điện tử đã trả lời được những thắc mắc và cung cấp trúng, đúng nhu cầu thông tin của công chúng. Đã có rất nhiều vấn đề, sự kiện được quan tâm, được bàn luận sôi nổi trên các trang mạng xã hội từ đó báo chí có thể kịp thời nắm bắt, khai thác thông tin, cập nhật thông tin tới công chúng. Có thấy qua ví dụ điển hình liên qua đến sự việc diễn viên Ngọc Lan vào đầu tháng 4/2023 phát trực tiếp (livestream) trên Facebook bày tỏ sự bức xúc liên quan đến hợp đồng bảo hiểm của cô và con trai được nhiều người quan tâm. Ngay sau khi diễn viên Ngọc Lan phát trực tiếp trên Facebook cá nhân thì hàng loạt các cơ quan báo điện tử đã đăng tải thông tin về sự việc và kèm trích dẫn hình ảnh, video từ trang Facebook của diễn viên này: “Diễn viên Ngọc Lan lo phải đóng phí bảo hiểm lên tới 74 năm” đăng trên Tuoitre.vn, “Thực hư diễn viên Ngọc Lan bị lừa bảo hiểm lên tới 7 tỷ đồng” đăng trên Thanhnien.vn, “Ngọc Lan khóc nức nở trên livetream lo sợ mất hàng tỷ đồng” đăng trên Vtc.vn, “Diễn viên Ngọc Lan khóc nức nở trên livetream vì mất khoản tiền lớn” đăng trên Tienphong.vn…

Qua đó cho thấy, khi trên mạng xã hội trong một sự kiện, một vấn đề nào đó thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng thì công chúng sẽ có xu hướng tìm kiếm thông tin từ báo điện tử - nguồn tin chính thực.

Bên cạnh những lợi thế báo điện tử có được khi khai thác nguồn tin từ mạng xã hội thì không thể không nhắc tới một khía cạnh khác của nguồn tin từ mạng xã hội đó là rất nhiều tin tức được đăng tải dưới các vỏ bọc, những ẩn danh mà ở đó người đăng thì không phải chịu trách nhiệm về đạo đức truyền thông và cũng không bị cản trở bởi một hàng rào biên tập. Điều này cũng tạo nên một sức ép cạnh tranh giữa thông tin trên báo chí và trên mạng xã hội, thông tin trên báo chí phải qua kiểm chứng, kiểm duyệt nên quá trình đăng tải sẽ chậm hơn mạng xã hội. Và trước sức ép về thời gian, hiệu suất thông tin nên nhiều cơ quan báo điện tử đã khai thác nguồn tin từ mạng xã hội chưa được kiểm chứng đã cho đăng tải hoặc là trích dẫn nguồn tin một cách chung chung như: Facebooker A chia sẻ, thành viên B cho biết, cư dân mạng cho rằng, cộng đồng mạng đang xôn xao…vv. Vì vậy, ranh giới giữa tham khảo, kiểm chứng nguồn tin chưa chính thức với việc cố tình đăng tải nguồn tin chưa kiểm chứng đôi khi trở nên rất mong manh và khó phân định. Và nếu báo chí nói chung và báo điện tử nói riêng không khẳng định được vị thế, quy trình kiểm soát thông tin của mình trước khi đăng tải thì sẽ phụ thuộc vào nguồn tin từ các trang mạng xã hội dần trở thành “báo lá cải”.

2. Những vấn đề đặt ra

Hiện nay, việc sử dụng mạng xã hội là nguồn tin để khai thác và sử dụng trên báo điện tử là cần thiết nhưng các cơ quan báo điện tử cũng cần cẩn trọng và tuân theo những quy định của pháp luật, nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp để tránh những sai phạm.

Luật Báo chí 2016 và văn bản pháp luật hiện hành đã có một số quy định về việc đăng, phát thông tin của cơ quan báo chí; về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin cho báo chí; về trách nhiệm trước pháp luật của cơ quan báo chí đối với thông tin được đăng, phát trên báo chí của mình đã hướng dẫn cơ quan báo chí, nhà báo khi khai thác, xác minh, chọn lựa thông tin đăng, phát trên báo chí phải theo một quy chuẩn chung, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; đảm bảo tính chính xác, chân thực của thông tin báo chí và tạo hành lang pháp lý rõ ràng để báo chí tác nghiệp thuận lợi. Theo đó, cơ quan báo chí buộc phải viện dẫn nguồn tin (cá nhân, tổ chức, cơ quan nào cung cấp) khi đăng tải, tức là những thông tin được sử dụng làm tư liệu phải được xác minh có nguồn gốc rõ ràng.

Và điều 2, điều 3, trong Quy chế xác định nguồn tin trên báo chí ban hành kèm theo Quyết định số 52/2008/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chỉ rõ: “Cơ quan báo chí, tác giả bài báo phải viện dẫn nguồn tin được sử dụng để đăng, phát trên báo chí. Khi viện dẫn nguồn tin phải thể hiện rõ nguồn tin cho cá nhân, cơ quan, tổ chức nào cung cấp hoặc thể hiện rõ là theo nguồn tin riêng của phóng viên, nguồn tin riêng của cơ quan báo chí và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về xuất xứ và tính xác thực của nguồn tin”.

Trên cơ sở các quy định của Luật Báo chí năm 2016 và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm Báo Việt Nam (sau đây gọi tắy là “Quy tắc”). Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam bao gồm 03 Chương và 07 Điều đã được Hội Nhà báo Việt Nam chính thức công bố và có hiệu lực bắt đầu từ ngày 01/01/2019. Điều 3: Những việc/điều người làm báo Việt Nam cần làm khi tham gia mạng xã hội trong đó nêu rõ: Phát hiện, khai thác có kiểm chứng, có chọn lọc thông tin về những vấn đề mới của xã hội để phục vụ tác nghiệp báo chí.

Dựa vào các cơ sở pháp lý và kiến thức, nghiệp vụ nghề nghiệp các cơ quan báo điện tử cùng các nhà báo đã chọn lọc, thẩm định, sử dụng nguồn tin trên mạng xã hội làm đề tài và nguyên liệu cho sản phẩm báo chí. Tuy nhiên, trước khối lượng thông tin đồ sộ trên mạng xã hội nhà báo sẽ gặp không ít những khó khăn trong chọn lựa thông tin có giá trị. Cụ thể như:

Đưa tin thiếu kiểm chứng: Thông tin trên mạng xã hội thường có một nhược điểm lớn nhất đó là thiếu kiểm chứng. Nhiều tòa soạn báo điện tử, nhà báo khi phát hiện nguồn tin từ mạng xã hội không kiểm chứng lại mà ngay lập tức lấy thông tin từ đó làm thành sản phẩm báo chí của mình. Hiện tượng này diễn ra nhiều trong quá trình thu thập thông tin của nhà báo từ trang mạng xã hội Facebook. Để có những thông tin và bài viết mới, hình ảnh, video độc lạ nhiều phóng viên đã không thực hiện thao tác xử lý thông tin đó là kiểm chứng mà đã vội vàng chế biến sản phẩm báo chí dựa trên nguồn nguyên liệu sẵn có trên mạng xã hội. Không ít các nhà báo quá lạm dụng hình thức lấy thông tin như thế này đã khiến cho tác phẩm báo chí thiếu tính khách quan, trung thực. Như vậy, việc thu thập nguồn thông tin từ mạng xã hội để triển khai đề tài, sản xuất sản phẩm báo chí giống như con dao 2 lưỡi trong quá trình hoạt động tác nghiệp của nhà báo. Điều này xảy ra cũng bởi báo điện tử luôn phải bị đặt trước những thách thức về tốc độ đưa tin, tính trung thực và sự đa dạng của tin tức.

Sa đà khai thác những chủ đề, trào lưu từ các mạng xã hội: Một câu chia sẻ tâm trạng buồn vui của một bạn trẻ, một clip hát tặng người yêu, một bức ảnh chế nhận được nhiều lượng like, chia sẻ trên các mạng xã hội nhiều khi cũng trở thành chủ đề cho một bài báo. Có thể thấy, việc khai thác các chủ đề, trào lưu từ mạng xã hội diễn ra khá thường xuyên trên các báo điện tử hiện nay. Các bài viết đa phần dừng lại ở việc phản ánh một hiện tượng, một vấn đề mà dường như tính định hướng ở đó còn rất ít. Ví dụ như: “Điểm danh những hot trend gần đây của giới trẻ”, “Những cụm từ hot trend cộng đồng mạng ưa thích”, “Cô gái hot nhất facebook hôm nay”…

Thông tin quá nhiều về đời tư cá nhân đặc biệt là đời tư của những người nổi tiếng: Sự phát triển của mạng xã hội cùng với nhu cầu chia sẻ, liên kết của tất cả mọi người trong thời kì bùng nổ thông tin dẫn đến việc hầu hết mỗi người đều có ít nhất một tài khoản trên mạng xã hội. Điều này cũng không phải ngoại lệ đối với các diễn viên, ca sĩ, doanh nhân, chính trị gia... Tất nhiên, ở đây chúng ta loại bỏ những tài khoản giả mạo, trang “chính chủ” của các sao trên các diễn đàn, mạng xã hội luôn nhận được sự quan tâm của mọi người, đặc biệt là người hâm mộ. Ở những trang này, chủ nhân của nó luôn thoải mái chia sẻ cảm xúc, chia sẻ những bức ảnh, khoảnh khắc và thậm chí là “xả” giận… Quan tâm đến “sao” là việc cần thiết đối với phóng viên bởi một bộ phận công chúng đáng kể rất quan tâm đến những thông tin về thần tượng của họ là những ngôi sao, nghệ sĩ. Vì vậy, việc nhà báo đưa tin về vấn đề này là hoàn toàn chính đáng nhưng điều đáng nói là nhiều người làm báo quá lạm dụng thông tin chia sẻ của những người nổi tiếng, biến chúng thành đề tài và đôi khi nói quá nhiều về vấn đề này gây nhàm chán cho công chúng. Thời gian gần đây, nhiều nghệ sĩ lên án nhiều nhà báo khai thác, sử dụng thông tin cá nhân từ trang cá nhân coi đó như là phát ngôn, hình ảnh chính thức để đăng tải thành những sản phẩm trên báo chí. Sự việc xôn xao mạng xã hội vào năm 2022 xôn xao về danh tính của hai nhân vật chính được nhắc đến trong thông tin “Hai nghệ sĩ Việt hiếp dâm cô gái Anh ở Tây Ban Nha”. Rất nhiều cơ quan báo điện tử đã đăng tải hình ảnh, trích dẫn từ facebook của hai nghệ sĩ và người nhà của hai nghệ sĩ này. Thậm chí thời gian đầu khi mà sự việc chưa có thông tin chính thức từ các cơ quan chức năng nhiều báo điện tử đã đưa tin nêu cụ thể danh tính của hai nghệ sĩ trong vụ việc này.

3. Một số giải pháp cụ thể

Giải pháp về luật pháp, chính sách quản lý: Báo chí phải góp phần định hướng thông tin trên mạng xã hội. Nếu các nhà báo, các cơ quan báo điện tử nhanh nhạy nắm bắt và cung cấp thông tin về những vụ việc, vấn đề đang được xã hội quan tâm, giúp người đọc thấy được bản chất vấn đề, sự thật vụ việc thì chắc chắn sẽ được thảo luận, chia sẻ trên mạng xã hội. Báo điện tử tiếp nhận, lựa chọn, kiểm chứng và “chính thống hóa” thông tin trên mạng xã hội. Những phóng viên, nhà báo khi khai thác, sử dụng nguồn tin từ mạng xã hội cần phải biết thẩm định nguồn thông tin trên nhiều nguồn cơ sở dữ liệu khác nhau. Việc tìm ra được thông tin cần thiết trên mạng xã hội là một vấn đề khó song thẩm định những nguồn tin này còn khó hơn nhiều lần. Trước sự phát triển của công nghệ hiện đại tương tác giữa mạng xã hội và báo chí là điều tất yếu xảy ra. Vấn đề là phải làm như thế nào để tận dụng được ưu thế về tính tương tác ấy cũng như hạn chế những mặt tiêu cực của mạng xã hội, để góp phần đưa mạng xã hội phát triển đúng hướng, và báo chí cũng tận dụng được điểm mạnh để nâng cao hiệu quả thông tin.

Tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, nhất là báo chí điện tử, trang tin điện tử… Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi sử dụng Internet, trang mạng xã hội, các trang thông tin điện tử có tên miền Việt Nam hoặc tên miền quốc tế nhưng thuê máy chủ (hosting) trong nước để đăng tải tài liệu, truyện, tranh, phim, ảnh có nội dung xấu, chống đối chế độ, trái thuần phong mỹ tục của dân tộc. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông tính đến hết tháng 9/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 16 cơ quan báo chí, ban hành 11 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 616,5 triệu đồng. Cương quyết xử lý nghiêm minh nếu phát hiện sai phạm, thậm chí tước quyền sử dụng giấy phép đối với những cơ quan báo chí để xảy ra sai phạm nghiêm trọng, kéo dài, không cầu thị, không nhận thức được việc khắc phục sai phạm.

Nâng cao vai trò của lãnh đạo cơ quan chủ quản, lãnh đạo cơ quan báo chí, đặc biệt là các báo điện tử. Sự chỉ đạo đúng hướng, vạch ra chiến lược phát triển đúng cho tờ báo của mình, đặc biệt trong việc khai thác, sử dụng, thẩm định thông tin và cuối cùng là “chính thức hóa” thông tin trên trang báo sẽ góp phần tạo sự thành công cho sản phẩm báo chí. Ngược lại, khi người đứng đầu “bật đèn xanh” cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên sử dụng thông tin thiếu kiểm định, thiếu chính xác, chỉ hướng tới câu “view”, thì chính họ đã góp phần làm giảm uy tín, giá trị của tờ báo. Các tòa soạn báo điện tử, các nhà báo phải tự xây dựng, trang bị cho mình kĩ năng, phương thức thẩm định thông tin từ những nguồn tin trên mạng xã hội.

Trước sự phát triển của công nghệ và nhu cầu tất yếu sử dụng dịch vụ, nội dung thông tin trên mạng xã hội cho nên các giải pháp quản lý phải hướng tới việc phát huy những mặt tích cực, đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực của mạng xã hội; các biện pháp cấm đoán cực đoan bằng hành chính và kỹ thuật chỉ mang lại hiệu quả hạn chế. Vì vậy, chính sách quản lý phải là sự kết hợp đồng bộ nhiều nhóm giải pháp, bao gồm cả giải pháp hành chính, giải pháp kỹ thuật và giải pháp tuyên truyền giáo dục, trong đó tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của người sử dụng mạng xã hội là giải pháp thường xuyên, liên tục, lâu dài và đóng vai trò chủ đạo để người dùng mạng xã hội từng bước thích ứng một cách tích cực với môi trường mạng, biết sàng lọc thông tin xấu, tiếp nhận thông tin hữu ích. Rà soát và sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả các văn bản hiện có phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Xây dựng các văn bản mới phù hợp với xu thế phát triển và yêu cầu công tác quản lý nhà nước.

Giải pháp về đào tạo phóng viên, biên tập viên báo điện tử: Các phóng viên, nhà báo đã, đang và sẽ phải biết tận dụng tối đa lợi thế của các công cụ tương tác và mạng xã hội mang lại để hiểu rõ nhu cầu và những mối quan tâm hàng đầu của công chúng. Từ đó, có cung cấp những nội dung thông tin đáp ứng được nhu cầu đa dạng của công chúng. Xác định rõ những nội dung tin bài sẽ được thực hiện - là những tin bài độc quyền thực hiện và đăng tải, hoặc cách làm tin khác với cách những báo khác làm. Đặt ra các mức sản xuất nội dung dự kiến (số lượng tin bài một ngày và tần số cập nhật, nội dung thông tin)…

Chính những đòi hỏi của thị trường báo chí đã tác động mạnh đến việc đào tạo báo chí. Đào tạo liên tục cho các phóng viên, từ phóng viên kỳ cựu đến những người mới được tuyển vào làm, để họ hiểu rõ về truyền thông xã hội để có thể theo kịp tốc độ thay đổi của ngành công nghiệp truyền thông. Truyền thông xã hội, cách khai thác và sử dụng nguồn tin từ mạng xã hội cần phải trở thành một trong nội dung hoặc học phần cơ bản và bắt buộc đối với sinh viên báo chí, truyền thông ở hầu hết các cơ sở đào tạo báo chí và truyền thông hiện nay. Điều này giúp mỗi sinh viên sau khi ra trường đều có thể hoạt động báo chí trong môi trường truyền thông hiện đại, chuyên nghiệp.

Đối với các đơn vị đào tạo báo chí - truyền thông cần có sự kiểm soát chặt chẽ hơn nữa trong chất lượng tuyển sinh đầu vào. Chú trọng đầu tư, phát triển chương trình đào tạo sinh viên báo chí - truyền thông vững về chuyên môn, am hiểu về pháp luật, đạo đức nghề nghiệp. Đặc biệt các học về kỹ năng tác nghiệp thực tế và đạo đức nghề nghiệp cần phải được coi trọng, tăng cường thời lượng, các giờ học phải gắn những vấn đề lý thuyết và thực tiễn để sinh viên có thể tiếp cận và rút ra những kiến thức, kinh nghiệm thực tế ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường.

Đối với các cơ quan báo chí cũng cần phải chú trọng khâu tuyển chọn vào các vị trí phóng viên, biên tập viên. Quy trình kiểm tra, sát hạch trình độ chuyên môn, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp cần phải thực hiện chặt chẽ. Các cơ quan báo chí thường xuyên tổ chức những khóa tập huấn, tọa đàm trao đổi chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên tạo cơ hội cho phóng viên, biên tập viên được trau dồi, bổ sung kiến thức, kinh nghiệm nghề nghiệp.

Giải pháp về tổ chức, hoạt động của tòa soạn báo điện tử: Mạng xã hội đã và đang trở thành một phần tất yếu không thể thiếu đối với xã hội hiện đại. Nhiều tòa soạn báo chí trên thế giới và trong nước đã và đang tận dụng mạng xã hội để mở rộng phạm vi tương tác, mở rộng hơn lượng công chúng của mình. Hiện nay, hầu hết các cơ quan báo điện tử đã đưa sản phẩm của mình lên các trang mạng xã hội Facebook, Youtube,Twitter,… Tuy nhiên, cần tăng cường hơn nữa các phương thức tạo sự tương tác với công chúng, góp phần thu hút công chúng phản hồi, đối thoại và chia sẻ với cơ quan báo chí cũng như người viết. Sự tương tác quý báu ấy vừa góp phần tạo mối quan hệ gắn kết giữa người cung cấp thông tin và người tiếp nhận thông tin, vừa góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí.

Tăng cường đầu tư phát triển đội ngũ phóng viên, biên tập viên chuyên nghiệp về khai thác, xử lý nguồn tin từ mạng xã hội, phát huy giá trị thực của nguồn tin từ mạng xã hội, làm tăng giá trị nguồn tin khi được lan tỏa trên cộng đồng mạng. Để làm được điều này đòi hỏi các báo điện tử cần phải có đội ngũ nhân sự và cơ cấu, mô hình tổ chức nhân sự bài bản.

Giải pháp đạo đức nghề nghiệp của nhà báo: Việc nhà báo khai thác, nắm bắt thông tin từ mạng xã hội là cần thiết và mạng xã hội thực sự sẽ là nơi mà nhà báo có thể thu thập, phát hiện những vấn đề, phát hiện nhu cầu thông tin của công chúng một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, nhà báo cần cẩn trọng khi khai thác hoặc lấy thông tin từ mạng xã hội làm chất liệu cho sản phẩm báo chí. Mỗi nhà báo, cơ quan báo chí phải thực sự trở thành “người gác cổng thông tin”. Có như vậy mới tạo nên tác phẩm báo chí có giá trị, góp phần định hướng cho người đọc.

Các nhà báo và tòa soạn báo cần tự xây dựng cho mình phương thức xác định, thẩm định từ những thông tin trên mạng xã hội. Vấn đề là kiểm chứng thông tin chứ không phải là e ngại thông tin từ mạng xã hội. Phía cơ quan quản lý cũng phải nghiên cứu thấu đáo, tạo môi trường lành mạnh để mặt tích cực của mạng xã hội phát triển.

Trong bối cảnh cạnh tranh thông tin gay gắt này, những người làm báo điện tử cần nhanh nhạy, tích cực và chủ động. Mặt khác, phải luôn đề cao đạo đức, trách nhiệm và tính chuyên nghiệp của người làm báo trong quá trình khai thác và sử dụng thông tin đặc biệt đối với thông tin từ mạng xã hội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Thông tin và Truyền thông (2020), An toàn thông tin khi sử dụng mạng xã hội, Nxb. Thông tin và truyền thông.
2. Hội Nhà báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam (Ban hành kèm theo Quyết định số 1131/QĐ-HNBVN ngày 24/12/2018 của Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam).
3. Luật số 103/2016/QH13 của Quốc hội: Luật Báo chí
4. Luật An ninh mạng năm 2018 Luật An ninh mạng 2018, Luật số 24/2018/QH14
5. Quyết định số 52/2008/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông: Về việc ban hành Quy chế xác định nguồn tin trên báo chí.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những vấn đề đặt ra với báo điện tử khi khai thác và sử dụng nguồn tin từ mạng xã hội
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO