Chính sách và chiến lược phát triển

Một số khuyến nghị với vấn đề sửa đổi toàn diện luật báo chí

TS. Lê Thu Hà 01/04/2024 00:01

Nhận định chung nhất là Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan phát triển vượt bậc, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được đảm bảo và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và Luật định. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nổi lên nhiều tồn tại cần phải sửa đổi toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong giai đoạn tới.

Sau hơn 6 năm thực hiện, Luật Báo chí 2016 nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các bộ, ngành, địa phương, cơ quan báo chí và dư luận xã hội. Nhận định chung nhất là Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan phát triển vượt bậc, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được đảm bảo và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và Luật định, tuy nhiên, thực tế vẫn còn nổi lên nhiều tồn tại cần phải sửa đổi toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong giai đoạn tới.

Tầm ảnh hưởng của Luật Báo chí 2016

Luật Báo chí sửa đổi (2016) đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XIII thông qua ngày 5/4/2016 và Chủ tịch nước công bố Luật ngày 29/4/2016, có hiệu lực từ 01/01/2017. Khi Luật Báo chí 2016 được thông qua đã nhận được sự quan tâm, hoan nghênh của những người làm báo và toàn xã hội. Với nhiều quy định mới tiến bộ, phù hợp với thực tiễn đời sống của báo chí, công tác báo chí, mang tính thời đại, Luật đã xây dựng nền tảng pháp lý vững chắc và cụ thể cho việc phát triển báo chí giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, Luật đã luật hóa việc xây dựng quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, là cơ hội để nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, giúp nhà báo và cơ quan báo chí hoàn thành tốt chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Luật tạo hành lang pháp lý quan trọng cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, và chỗ dựa của những người làm báo để thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ xã hội và nhân dân tốt hơn. Nhờ đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu và hợp tác, hỗ trợ cơ quan báo chí, tác nghiệp của phóng viên; các cơ quan hành chính nhà nước bước đầu thực hiện nghiêm chỉnh việc cung cấp thông tin định kỳ, đột xuất, phản hồi thông tin cho báo chí.

Trong quá trình thực thi Luật cũng có một số khó khăn, vướng mắc được Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận qua các hội nghị, tổng kết, báo cáo…, như: Luật chưa có sự phân biệt và lượng hóa rõ ràng giữa báo và tạp chí điện tử, dẫn đến tình trạng “báo hóa”, gây khó khăn trong công tác quản lý; Luật cũng chưa quy định về báo in và tạp chí in, gây lúng túng cho cơ quan báo chí khi thực hiện, nhất là khi triển khai quy hoạch báo chí, trong khi đó, chính các đối tượng bị điều chỉnh theo Luật Báo chí 2016 cũng không nắm chắc Luật, dẫn đến tình trạng thực hiện không đến nơi đến chốn; Luật Báo chí 2016 chỉ quy định về nhà báo và phóng viên thường trú, chưa quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cộng tác viên trong khi thực tế đội ngũ này ở văn phòng đại diện các địa phương khá nhiều; Quy định về phóng viên: “Nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo” chưa bao quát hết các đối tượng đang thực hiện nghiệp vụ phóng viên trong các cơ quan báo chí, bao gồm những người hoạt động nghiệp vụ dưới 2 năm (chưa đủ điều kiện để cấp thẻ nhà báo)...

Trong thời gian Luật Báo chí năm 2016 chưa được sửa đổi, nhiều Thông tư, Nghị định, Chỉ thị đã được các cơ quan quản lý nước ban hành để quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Luật, điển hình như:

Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư số 41/2020/TT-BTTTT ngày 24/12/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn việc cấp giấy phép hoạt động báo in, tạp chí in và báo điện tử, tạp chí điện tử, xuất bản thêm ấn phẩm, thực hiện hai loại hình báo chí, mở chuyên trang của báo điện tử và tạp chí điện tử, xuất bản phụ trương, xuất bản bản tin, xuất bản đặc san, nhằm xác định rõ tính chuyên sâu, chuyên ngành của tạp chí, tên gọi và hình thức trình bày của tạp chí, xác định rõ phạm vi tôn chỉ, mục đích nhằm xử lý tình trạng “báo hoá” tạp chí.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, trong đó đã bổ sung chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm mới mà Luật Báo chí quy định, tăng tính răn đe (nâng mức xử phạt bằng tiền và thêm hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép), đồng thời, mở rộng thẩm quyền cho Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố Trung ương xử phạt vi phạm hành chính đối với cả các cơ quan báo chí trực thuộc trung ương góp phần tăng hiệu quả ngăn ngừa vi phạm trong hoạt động báo chí, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động báo chí.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng và ban hành định mức kinh tế kỹ thuật đối với các hoạt động trong lĩnh vực báo chí, làm cơ sở cho các cấp có thẩm quyền ban hành đơn giá đặt hàng từ nguồn ngân sách nhà nước đối với cơ quan báo chí; tham mưu để Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 09/CT- TTg ngày 31/3/2021 về nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu của các cơ quan báo chí giai đoạn 2021-2025.

Một số khuyến nghị khoa học

Từ góc độ khoa học, tôi khuyến nghị một số ý như sau:

Một là, tận dụng triệt để phương pháp điều tra dư luận xã hội

Trong những lần sửa đổi Luật Báo chí trước đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã gửi Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) để lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân cả trong và ngoài nước. Tôi đánh giá rất cao điều này. Dư luận xã hội có các chức năng: điều tiết các mối quan hệ, giáo dục, giám sát, tư vấn, mệnh lệnh, chỉ thị. Điều tra dư luận xã hội là phương thức tập hợp trí tuệ, phát huy sáng kiến của các tầng lớp nhân dân phục vụ quá trình hoạch định, tổ chức thực hiện, hoàn thiện chính sách. Đối với quá trình hoạch định, tổ chức thực hiện, hoàn thiện Luật, phương pháp này vẫn đảm bảo được sự hiệu quả trong quản lý xã hội. Đây là công việc đã được khẳng định, quan tâm trong nhận thức và hành động của Đảng, Nhà nước ta thời gian qua.

Ngày 18/8/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận số 100-KL/TW “Về việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư xã hội”. Trong Kết luận này, Ban Bí thư nhấn mạnh: “các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; giúp các cơ quan nhằm nắm bắt, tập hợp kịp thời, sát thực tâm tư, tình cảm, ý chí, nguyện vọng của Nhân dân lãnh đạo, quản lý có Điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội là công việc quan trọng và rất cần thiết về những vấn đề, sự kiện có tính thời sự trong nước và thế giới, đặc biệt là đối với thêm thông tin tham khảo trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; là một khâu quan trọng, cần thiết trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội phải bám sát thực tiễn xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện theo yêu cầu, đề nghị của các cơ quan Đảng, Nhà nước hoặc về những vấn đề Nhân dân quan tâm để phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cấp uỷ, chính quyền các cấp. Đối với các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng có ảnh hưởng sâu rộng, trước khi xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện và sau một thời gian tổ chức thực hiện phải tiến hành điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội”.

Cùng với Nghị quyết số 35-NQ/TW Ngày 22-10-2018, Bộ chính trị khoá XII ban hành “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, Đảng nhấn mạnh “Chú trọng nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, bảo đảm thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội”. Từ đó, Đảng ta khẳng định bài học lấy “dân làm gốc” vẫn nguyên giá trị và bổ sung thêm hai cụm từ vào phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” nhằm xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Khoản 1 Điều 4 Luật Báo chí 2016 cũng nêu rõ: “Báo chí ở nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của nhân dân”. Trong đó, yếu tố “diễn đàn của nhân dân” có nội dung là báo chí phải thể hiện được vai trò là “tiếng nói của nhân dân”. Thời gian qua, báo chí cũng nhiều lần động viên, tạo điều kiện để người dân tham gia đóng góp ý kiến vào các vấn đề lớn của đất nước, vào các dự án luật.

Vì vậy, trong thời gian tới, công tác nghiên cứu dư luận xã hội về Luật Báo chí lưu ý một số nguyên tắc, yêu cầu sau:

- Điều tra, thăm dò, nắm bắt dư luận xã hội để vừa khuyến khích dư luận xã hội tích cực, có tác dụng hình thành trong nhân dân ý thức về việc quyền dân chủ của mình được tôn trọng, đồng thời vừa phòng chống dư luận tiêu cực, tin đồn thất thiệt về Luật nói riêng, về hoạt động quản lý báo chí nói chung.

- Tiến hành điều tra dư luận xã hội cần được thực hiện định kỳ để có được dữ liệu đối sánh tốt, đảm bảo hiệu quả cao hơn.

- Hiệu quả điều tra, khảo sát dư luận xã hội thể hiện ở sự nắm bắt thông tin, kinh nghiệm, sự hiểu biết, phạm vi lan truyền và khả năng tác động vào hệ thống hành vi xã hội sau khi các thông tin được nhóm công chúng tiếp thu. Đó còn là sự phản hồi tạo ra sự điều chỉnh của hệ thống thông tin đại chúng, các sản phẩm cụ thể, có khi là sự biến đổi của cơ chế tác động nhằm tạo ra các hình thức ngày càng phù hợp với quá trình tiếp nhận của công chúng. Việc đánh giá hiệu quả điều tra, khảo sát là việc làm quan trọng nhằm nhận diện thái độ và sự tin cậy của công chúng.

Hai là, sử dụng đa dạng cách thức điều tra, khảo sát dư luận xã hội

- Sử dụng chính báo chí là kênh thể hiện diễn đàn và tiếng nói của nhân dân: Có nhiều phương thức lấy ý kiến, như phương thức truyền thống Bộ đã làm là gửi đến các đơn vị, cơ sở, cá nhân… Qua đó, nhiều người có thể gửi ý kiến góp ý trực tiếp đến các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, một kênh truyền thông đại chúng phổ biến, nhanh gọn, thuận lợi và đảm bảo sự tin cậy là báo chí cần được đẩy mạnh thành kênh mũi nhọn trong việc lan tỏa thông tin, khảo sát, lấy ý kiến rộng rãi tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Báo chí có vai trò nắm bắt, tạo dựng và định hướng dư luận xã hội. Báo chí là chủ thể khơi nguồn dư luận xã hội, dư luận xã hội là đối tượng phản ánh của báo chí, báo chí định hướng dư luận xã hội. Đây là phạm trù tương tác căn bản nhất, nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Các hình thức như bảng hỏi hoặc các bài viết, chuyên đề, tọa đàm có thể được thực hiện với tần suất cao, tạo nên không khí cởi mở và sự quan tâm hơn nữa của xã hội, của các chuyên gia về quản lý nhà nước, luật, báo chí - truyền thông đối với việc hoàn thiện Luật Báo chí.

- Khả năng tương tác của công chúng với báo chí - truyền thông hiện nay rất tốt, càng ngày càng gia tăng so với thời gian trước đây, họ có nhu cầu được thể hiện vai trò và quyền hạn của mình trong việc tương tác với báo chí - truyền thông. Do vậy, các ý kiến tương tác, bình luận của công chúng qua các bài viết trên báo chí, cổng thông tin điện tử hay mạng xã hội cũng cần được quan tâm, theo dõi, tổng hợp.

- Phát triển dự án liên quan sửa đổi, hoàn thiện Luật Báo chí: Các dự án có thể riêng biệt về Luật Báo chí, hoặc các hoạt động khảo sát, nghiên cứu có thể lồng ghép, kết hợp vào các dự án phát triển báo chí nói chung.

Nghiên cứu để có các quy định phân biệt, lượng hóa rõ ràng hơn một số thuật ngữ

Đây là điều các ý kiến góp ý trước đây và trong báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã tổng kết được. Tôi chỉ tập trung ý kiến góp ý về vấn đề sản phẩm truyền hình trên báo điện tử nói riêng và truyền hình trên Internet nói chung cần thống nhất về cách hiểu và tư duy quản lý.

Mới đây, khi tham gia hội đồng chấm một giải báo chí, tôi và các thành viên trong hội đồng đã có nhiều băn khoăn và có các quan điểm khác nhau về việc cơ quan báo điện tử gửi sản phẩm truyền hình trên báo điện tử để tham gia dự thi hạng mục truyền hình. Trên thực tế, nhiều báo điện tử có chuyên mục Media, chuyên trang TV, Truyền hình Online với giao diện riêng, thậm chí không khác gì một kênh truyền hình trên mạng Internet. Để tránh việc cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan báo chí, các hội đồng chấm giải khó thống nhất hoặc còn băn khoăn nghi ngại, Luật Báo chí cần quy định rõ về việc này, đồng thời tránh sự mâu thuẫn với quy định của pháp luật về quản lý truyền hình./.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một số khuyến nghị với vấn đề sửa đổi toàn diện luật báo chí
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO