Trước những vấn đề thực tiễn về tác động của các phương tiện truyền thông mới, nhất thiết cần phải nghiên cứu, đề xuất các qui phạm pháp luật đủ mạnh, phù hợp nhằm tạo điều kiện để các phương tiện này phát triển, đồng thời giúp các cơ quan chức năng có được công cụ quản lý tốt hơn.
Tóm tắt: Bài viết trình bày thực tiễn về công tác quản lý các phương tiện truyền thông mới ở Việt Nam hiện nay, trong đó tập trung làm rõ hiện trạng truyền thông mới phát triển vượt khỏi những qui định chung của pháp luật hiện hành, gây khó khăn cho công tác quản lý và gây tác hại đến đời sống xã hội. Trên cơ sở phân tích thực tiễn, bài báo đề xuất các giải pháp để điều chỉnh, bổ sung, hoàn chỉnh các qui định của pháp luật hiện hành nhằm đảm bảo sự quản lý chặt chẽ hơn đối với các phương tiện truyền thông mới.
1. Đặt vấn đề
Các phương tiện truyền thông mới ra đời đã làm thay đổi cơ bản diện mạo nền truyền thông truyền thống, tạo ra một hệ sinh thái truyền thông mới. Các phương tiện truyền thông mới với hình thức truyền thông linh hoạt, nội dung đa dạng, thông tin tức thời và cách chuyển tải thông tin linh hoạt, thuận tiện, kết nối nhanh chóng cộng đồng đã thực sự làm nên một “cuộc cách mạng thông tin và truyền thông” chưa từng có trong lịch sử thông tin nhân loại (Martin Lister, 2009). Tuy nhiên, hệ quả của sự ra đời và phát triển của các phương tiện truyền thông mới là sự bùng nổ thông tin cùng với sự tăng tốc lan truyền thông tin với tốc độ chóng mặt gây nên những tác hại to lớn và “cũng là gánh nặng của các cơ quan quản lý nhà nước, hội nghề nghiệp hiện nay đối với nước ta” (Nguyễn Thị Thu Hường, 2016).
Trước những vấn đề thực tiễn về tác động của các phương tiện truyền thông mới, nhất thiết cần phải nghiên cứu, đề xuất các qui phạm pháp luật đủ mạnh, phù hợp nhằm tạo điều kiện để các phương tiện này phát triển, đồng thời giúp các cơ quan chức năng có được công cụ quản lý tốt hơn.
2. Nội dung
2.1 Khái niệm phương tiện truyền thông mới
Từ điển Cambridge định nghĩa phương tiện truyền thông mới là các sản phẩm và dịch vụ cung cấp thông tin hoặc giải trí bằng máy tính hoặc Internet, không phải bằng các phương pháp truyền thống như truyền hình và báo chí (dẫn theo: Đỗ Thị Thanh Hà, 2021). Nguyễn Thị Thu Hường (2016) cho rằng, phương tiện truyền thông mới là sự kết hợp của ba yếu tố: công nghệ điện toán, mạng truyền thông, và nội dung thông tin. Cũng có thể được hiểu là phương tiện truyền thông kỹ thuật số, là nội dung tích hợp dữ liệu (âm thanh, hình ảnh, chữ...), được lưu trữ trong các định dạng kỹ thuật số, được phân phối thông qua các mạng lưới như cáp quang, vệ tinh, hệ thống truyền tải siêu thanh... (Nguyễn Thị Thu Hường, 2016, Thời đại của các phương tiện truyền thông mới).
Lievrouw và Livingstone (2006) tổng hợp tính chất của các phương tiện truyền thông mới và đưa ra kết luận rằng, các phương tiện truyền thông mới thường hội tụ 3 yếu tố: các thiết bị cho phép mở rộng khả năng giao tiếp; tham gia phát triển và thực hành các hoạt động giao tiếp và góp phần hình thành các cộng đồng hoặc tổ chức xã hội (Lievrouw, Livingstone, 2006, Handbook of new media Hand book of New Media). Dưới góc độ vai trò, Martin Lister, Jon Dovey, Seth Giddings, Ianin Grant và Kieran Kelly (2009) đưa ra quan điểm, phương tiện truyền thông mới có vai trò (i) góp phần lớn vào sự thay đổi mang tính lịch sử của toàn cầu, (ii) như một nhà cải cách đầy quyền lực và mạnh mẽ cho khái niệm “mới” và (iii) là sự lai ghép hữu ích, toàn diện và cân bằng giữa kỹ thuật và chuyên môn (Martin Lister, 2009, New Media A Critical Introduction, 2nd Edition).
Nhìn chung, phương tiện truyền thông mới là hệ thống các phương tiện truyền thông sử dụng công nghệ số để sản xuất và chuyển tải thông tin, làm thay đổi phương thức tiếp nhận và tạo ra một hệ sinh thái mới về nội dung, kênh truyền và người tiếp nhận, trong đó nổi bật là những phương tiện sử dụng mạng thông tin toàn cầu để sản xuất chuyển tải nội dung thông tin.
2.2. Cơ sở thực tiễn ban hành các qui phạm pháp luật về truyền thông mới
2.2.1. Sự ra đời và phát triển các phương tiện truyền thông mới vượt ra khỏi sự quản lý, chế tài của pháp luật hiện hành
Sự ra đời và phát triển của các thiết bị công nghệ đã làm thay đổi hàng loạt các phương thức sản xuất và tiếp nhận thông tin của công chúng. Harcup và Tony (2017) cho rằng, “các công nghệ số mới xuất hiện đã báo hiệu một sự thay đổi mang tính triệt để vai trò của người quản lý thông tin, kinh nghiệm và nguồn lực” (Harcup và Tony, 2017, What is News?: News values revisited), còn W. Russell Neuman (2020) thì khẳng định, “chúng ta đang chứng kiến sự phát triển của một mạng lưới có tính kết nối toàn cầu. Sự kết nối này có thể làm mờ đi ranh giới giữa giao tiếp cá nhân và giao tiếp đại chúng, giữa giao tiếp mang tính cộng đồng và giao tiếp mang tính riêng tư” (W. Russell Neuman, 2020, Media and Journalism: Theory to Practice).
Dưới góc độ quản lý điều này cần một hành lang pháp lý mới phù hợp hơn để chế tài và hướng các phương tiện truyền thông mới đi vào qui cũ để “tạo dựng một thế giới thông tin trở nên phong phú đa dạng, tích cực phục vụ con người nhưng phải tuân thủ những qui tắc, định chế và pháp luật”(Dickson Oluwasina, 2020, What is News Media).
Các phương tiện truyền thông mới (internet, mạng xã hội, blog) ra đời đáp ứng nhu cầu thông tin, cách thức tiếp cận và tạo điều kiện cho công chúng được thỏa mãn những thị hiếu cá nhân. Mạng thông tin toàn cầu cùng với các thiết bị cầm tay như điện thoại thông minh, máy tính bảng... đã chuyển tải các tác phẩm truyền thông đi thẳng, trực tiếp đến người tiếp nhận mà không cần phải qua bất kỳ một trung gian nào như giới thiệu, phê bình, kiểm duyệt. Chính điều đó rất khó kiểm soát thông tin và tạo điều kiện để thông tin bị chệch hướng, thậm chí số phận thông tin không một khi được xuất bản không còn được quyết định bởi nguồn phát mà tính quyết định lại phụ thuộc vào cộng đồng/ người dùng.
Ở góc độ tổ chức, rất khó để quản lý tất cả các phương tiện truyền trông mới hiện nay. Nếu trước đây, việc xây dựng và cho ra đời một cơ quan truyền thông là không dễ, bởi ngoài qui định về pháp lý còn có một rào cản lớn là cơ sở vật chất, kỹ thuật. Không có cá nhân hay doanh nghiệp nào có đủ khả năng đầu tư về vật chất, kỹ thuật để xây dựng nên một kênh thông tin độc lập. Khi công nghệ phát triển, mạng xã hội ra đời, mọi cá nhân, tổ chức đều có thể tự tạo cho mình một kênh thông tin riêng.
Các hoạt động truyền thông ngoài khu vực các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội và Nhà nước ngày càng phát triển rộng lớn dưới sự hỗ trợ tích cực của các phương tiện truyền thông mới. Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp, cá nhân đã phát triển được hệ thống truyền thông dựa trên nền tảng các phương tiện truyền thông mới với tốc độ và chất lượng vượt xa các đơn vị truyền thông do các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể và cơ quan nhà nước làm chủ quản. Các phương tiện truyền thông mới do cá nhân, doanh nghiệp kiểm soát với khả năng vượt trội hơn về quy mô, trình độ tổ chức hoạt động, nghiệp vụ, hiệu quả kinh tế so với hệ thống phương tiện truyền thông nếu không được kiểm soát và quản lý bằng hệ thống pháp luật chung sẽ có khả năng gây ra tác hại lớn cho xã hội.
2.2.2 Qui phạm pháp luật đã được ban hành nhưng chưa đủ để chế tài và quản lý toàn bộ các phương tiện truyền thông mới tại Việt Nam
Trong những năm qua, các phương tiện truyền thông mới đã có những bước phát triển nhanh chóng, làm thay đổi mạnh mẽ hệ thống thông tin trên nhiều lĩnh vực khác nhau như sản xuất, phát hành hay tiếp nhận. Để quản lý tốt các hoạt động của các phương tiện thông tin mới, Đảng và Nhà nước cũng đã ban hành nhiều văn bản qui phạm riêng cho các loại phương tiện truyền thông này. Đáng chú ý là Chỉ thị 52/CT-TW của Ban Bí thư về phát triển và quản lý báo điện tử ở nước ta hiện nay; Nghị định số 97/2008/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT về Quản lý sử dụng tài nguyên Internet, tên miền; Chỉ thị số 03/2007/CT-BBCVT ngày 23/02/2007 về việc tăng cường an ninh thông tin trên mạng Internet; Chỉ thị số 07/2004/CT-BBCVT ngày 19/8/2004 của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông về việc tăng cường công tác quản lý đại lý Internet công cộng; Quyết định số 71/2004/QĐ-BCA (A11) ngày 29/01/2004 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành quy định về đảm bảo an toàn an ninh trong hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet tại Việt Nam; Quyết định số 28/2006/QĐ-BTC ngày 05/5/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2005/QĐ-BTC ngày 13/5/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Biểu mức thu phí, lệ phí cấp phép và quản lý tên miền, địa chỉ Internet ở Việt Nam; Thông tư 07/2008/TT-BTTTT Hướng dẫn một số nội dung về hoạt động cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân, Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28/8/2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet. Đặc biệt là 02 bộ luật quan trọng chế tài trực tiếp đến các phương tiện thông tin nói chung và phương tiện truyền thông mới nói riêng là Luật Báo chí 2016 và Luật An ninh mạng (2018).
Có thể nói, những văn bản qui phạm trên đã thực hiện căn bản những yêu cầu về quản lý hoạt động của các phương tiện truyền thông mới, cụ thể:
Thứ nhất, giữ vững sự định hướng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Chỉ thị 52/CT-TW của Ban Bí thư chỉ rõ: nâng cao nhận thức, tác động của mạng thông tin toàn cầu và các báo điện tử đến sản xuất và đời sống. Đổi mới nội dung, phương thức chỉ đạo, quản lý của các cơ quan nhà nước đối với báo điện tử, Internet; xây dựng các báo điện tử có kỹ thuật và công nghệ hiện đại thực sự là vũ khí chính trị tư tưởng quan trọng sắc bén của Đảng và Nhà nước.
Thứ hai, nội dung các văn bản đã bám sát hoạt động của các phương tiện truyền thông mới. Các phương tiện truyền thông mới được đề cập và quản lý bằng qui phạm pháp luật rõ ràng, kịp thời. Nhiều loại hình, hình thức thông tin mới xuất hiện cũng được đưa rà soát đưa vào quản lý. Những hình thức thông tin trên Internet liên quan đến phương tiện truyền thông mới như Blog, mạng xã hội, trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp... đều được định nghĩa, giải thích và qui phạm ở các điều 11,12,13,14 của Nghị định 97/2008/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet.
Thứ ba, tạo điều kiện để các phương tiện truyền thông mới phát triển, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện truyền thông mới để cập nhật và chuyển tải thông tin. Nghị định 97/2008/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet khuyến khích việc ứng dụng Internet trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội văn hóa để nâng cao năng suất lao động, mở rộng dịch vụ thương mại, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tuy nhiên trong tình hình mới, việc ban hành các văn bản qui phạm pháp luật liên quan đến các phương tiện truyền thông mới của nước ta còn nhiều vấn đề phải giải quyết.
2.3. Giải pháp xây dựng pháp luật cho các phương tiện truyền thông mới
2.3.1. Mục đích:
Thứ nhất, mục đích của việc sửa đổi, bổ sung những điều luật liên quan đến các phương tiện truyền thông mới là nhằm đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho truyền thông phát triển, đi đúng định hướng, đúng pháp luật, phục vụ có hiệu quả công cuộc công nghiệp, hiện đại hóa đất nước.
Thứ hai, khắc phục những mặt chưa đầy đủ, chưa hoàn chỉnh, chưa đáp ứng được yêu cầu của pháp luật về truyền thông do sự phát triển nhanh chóng các phương tiện truyền thông mới.
Thứ ba, mở rộng hành lang pháp pháp lý toàn diện cho các phương tiện truyền thông, vừa để quản lý vừa tạo điều kiện bình đẳng cho các loại hình truyền thông phát triển góp phần thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách của Đảng vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
2.3.2. Nguyên tắc:
Việc xây dựng qui phạm pháp luật cho các phương tiện truyền thông mới nói riêng phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
Một là, truyền thông mới phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, hoạt động theo đúng pháp luật, phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt báo chí.
Hai là, pháp luật về truyền thông mới phải nằm trong hệ thống pháp luật Việt Nam và pháp luật về báo chí, truyền thông Việt Nam, phù hợp, đồng bộ với Hiến pháp năm 2013 và các văn bản pháp luật hiện hành. Đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các phương tiện truyền thông nhưng cũng đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Ba là, pháp luật dành cho các phương tiện truyền thông mới phải thể chế hoá các nguyên tắc, quan điểm của Đảng thể hiện qua các văn bản: Chỉ thị 22-CT/TW, Thông báo số 162-TB/TW, Thông báo số 41-TB/TW, Thông báo số 68-TB/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa X) về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới.
Bốn là, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp qui về pháp luật về truyền thông để tăng cường hiệu lực quản lý của nhà nước nhưng vẫn bảo đảm sự ổn định trong hoạt động báo chí, truyền thông mới. Bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc, quy trình trong tổ chức thực hiện.
Năm là, Xây dựng các điều khoản về truyền thông mới trong các văn bản qui phạm pháp luật phải trên cơ sở tổng kết thực tiễn hoạt động báo chí, các phương tiện truyền thông mới và công tác quản lý nhà nước về truyền thông; bổ sung những vấn đề mới do thực tiễn và sự phát triển đặt ra chưa được quy định trong luật hiện hành.
2.3.3. Một số giải pháp xây dựng qui phạm pháp luật cho các phương tiện truyền thông mới
1/ Tổng kết thực tiễn hoạt động và quản lý các phương tiện truyền thông mới để xây dựng, điều chỉnh, bổ sung vào luật:
Các phương tiện truyền thông mới ra đời và phát triển trong một thời gian khá ngắn, tuy vậy, tốc độ và sự biến đổi của nó rất nhanh chóng và có tác động lớn đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong tình hình thực tế hiện nay khi pháp luật về các phương tiện truyền thông mới còn chung chung, còn nhiều khoảng trống chưa áp dụng tới hoặc áp dụng nhưng đã lạc hậu, không theo kịp, các cơ quan quản lý, nhất là Bộ Thông tin và Truyền thông cần thiết phải khảo sát, tổng kết thực tiễn, theo sát diễn biến của các phương tiện truyền thông mới để đề xuất, tham mưu và đưa ra các văn bản qui phạm hoàn thiện hơn, đi vào thực tế hơn.
Một ví dụ điển hình là trong những năm gần đây, báo chí trên điện thoại di động đã trở thành một một phương tiện truyền thông mới với nhiều ưu điểm, đã thu hút hầu hết công chúng, nhất là công chúng trẻ tuổi. Để đáp ứng nhu cầu này, nhiều phần mềm đọc báo, các trang thông tin tổng hợp đã ra đời. Hầu hết các kho ứng dụng không quan tâm đến việc phần mềm đọc báo sẽ lấy nguồn tin từ đâu, nhưng khi người sử dụng phần mềm ấy tiếp cận thông tin sẽ mất phí và những chủ thể phần mềm được chia lợi nhuận từ đó. Không chỉ tự động tổng hợp từ các tờ báo, mà còn lấy cả tin bài từ những trang thông tin tổng hợp đang “hot” trên mạng chỉ nhằm mục đích "câu view", gây sự chú ý của dư luận. Thực tế tác giả đã sử dụng chúng để “sao - chép” và “bán” thông tin cho người sử dụng.
Vấn đề này hiện vẫn còn đang rất mới và chưa có một quy định rõ ràng. Rất nhiều trang tin online đã chuyển hướng, tìm kiếm bạn đọc qua việc đọc báo trên điện thoại, tuy vậy họ vẫn có sự liên kết chặt chẽ với các trang tin chính của họ và dẫn nguồn tin từ các cơ quan báo chí chính thống. Và sẽ rất khó kiểm soát được những thông tin đăng tải, nhiều thông tin "lá cải" được xen lẫn với những bài báo khác được tạo thành một "luồng" thông tin mới.
Bên cạnh những phần mềm tự sao chép, một số trang thông tin tự ý lấy bài của nhà báo thay đổi nội dung và dẫn nguồn từ một trang thông tin khác. Các phần mềm tổng hợp tin trích dẫn nguồn từ các trang thông tin điện tử thì chưa có văn bản nào để kiểm soát vấn đề này. Bởi vì đến thời điểm hiện tại, ngoài những trang tin tức tổng hợp đã đăng ký với Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử còn rất nhiều website tổng hợp tin tức không rõ nguồn gốc. Như vậy, không khó để các phần mềm này “lách luật” để tránh việc khiếu nại liên quan đến vấn đề bản quyền… Đáng bàn hơn, hiện có nhiều phần mềm đang được nâng cấp để liên kết với nhiều trang mạng xã hội, kèm chức năng chia sẻ thông tin và đăng tải ý kiến cá nhân. Như vậy, nhiều thông tin sai lệch có thể sẽ được người sử dụng nhầm tưởng là các bài báo và phát tán gây hoang mang cho dư luận và ảnh hưởng đến uy tín của người làm báo.
Một số phần mềm khác hoặc đã mặc định trên điện thoại hoặc tự động cài đặt hoặc gọi mời người dùng cài đặt trên điện điện thoại, tự ý sử dụng lại các chương trình truyền hình ăn khách, các bản tin "nóng" của các đài truyền hình để tính view nhằm thu phí từ quảng cáo. Trong khi đó ở một số nước khác vấn đề kiểm soát phần mềm đã được luật hóa và được quản lý nghiêm ngặt, chẳng hạn tại Singapore, những phần mềm đọc báo trên điện thoại đều phải được chấp thuận từ các tờ báo, nếu không người chủ tờ báo sẽ khởi kiện và yêu cầu các kho ứng dụng không được trưng bày sản phẩm. Việc sử dụng các chương trình và các bài báo khi chưa được sự đồng ý của các cơ quan báo chí là hành vi xâm phạm các quyền tác giả và các quyền liên quan của tòa soạn.
Đây là vấn đề vi phạm bản quyền nghiêm trọng và mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn số 897/BTTTT-PHTH-TTĐT yêu cầu các trang thông tin tổng hợp thực hiện nghiêm các quy định về báo chí, bản quyền khi cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều cần phải nghiên cứu, tổng kết trong đó, bản quyền của các bài báo khi được sử dụng trên các phần mềm điện thoại cũng là điều cần sớm phải bàn tới. Trong thời gian tới, để tránh việc vi phạm bản quyền đang có chiều hướng "biến tấu" sang một hình thức mới, cần sớm có một văn bản hướng dẫn cụ thể dành cho các kho ứng dụng và tác giả để bảo vệ quyền lợi của người làm báo.
2/ Dự báo những xu hướng phát triển mới để xây dựng qui phạm pháp luật phù hợp trong từng giai đoạn
Pháp luật về phương tiện truyền thông mới không chỉ dừng lại ở việc quản lý truyền thông hiện tại mà còn phải hướng đến tương lai, có tầm nhìn trong khoảng thời gian nhất định. Sự bùng nổ của truyền thông mới đã làm thay đổi phương thức làm báo, tiếp cận, hưởng thụ thông tin và đặc biệt hơn, phương tiện này có những biến đổi, thay đổi nhanh chóng. Để có thể tầm soát và quản lý tốt loại hình báo chí truyền thông này, các văn bản pháp qui của Nhà nước nhất thiết phải đi trước để kịp quản lý.
Các phương tiện truyền thông của chúng ta hiện nay đang ở giai đoạn truyền thông đa phương tiện, nhưng thế giới đã bắt đầu bước sang một kỷ nguyên truyền thông nhúng, truyền thông thực tại ảo. Chỉ trong vòng vài năm tới, loại hình truyền thông này sẽ phát triển tại Việt Nam và có sự tác động lớn đến công chúng và cả những lĩnh vực liên quan khác như viễn thông, công nghệ thông tin. Nếu ngay từ bây giờ, qui phạm pháp luật của Việt Nam chưa đề cập đến vấn đề này thì rất có thể trong thời gian tới loại hình truyền thông này hoặc là sẽ rất khó quản lý hoặc là không thể phát triển khi chưa thực sự có hành lang pháp lý rõ ràng.
3/ Sửa đổi toàn diện, cụ thể hoá các quy định còn chung chung, khái lược, giản đơn của một số điều luật hiện hành.
Một trong những vấn đề hết sức cấp bách hiện nay cần phải thay đổi là không vận dụng những điều khoản chung liên quan đến truyền thông truyền thống cho các hoạt động truyền thông mới. Thực tế yêu cầu cần cụ thể hóa các điều luật, qui phạm pháp luật một cách khoa học, chính xác, chi tiết cho từng hình thức truyền thông trong đó có truyền thông mới. Bởi trong bối cảnh truyền thông số, các phương tiện truyền thông mới có những đặc trưng, hoạt động rất khác biệt so với các phương tiện truyền thông truyền thống.
Hiện nay các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động báo chí - truyền thông, đặc biệt là truyền thông mới dù đã sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn còn mang tính chung chung của luật khung. Trong tình hình hiện nay, có nhiều trường hợp không có điều khoản qui định trong luật, các văn bản dưới luật để xử lý. Chẳng hạn việc phát triển ào ạt các dịch vụ gia tăng (nhắn tin, dự đoán, dịch vụ văn hóa, giải trí...) làm nảy sinh nhiều lệch lạc, nhưng không dễ xử lý vì không có những quy định tương ứng để áp dụng. Hoặc tự ý xây dựng các tài khoản không cần định danh người dùng và tự ý sản xuất nội dung đăng phát trên các trang mạng xã hội rất có thể sẽ điều hướng người dùng đến những thông tin sai trái nhưng không có điều khoản cụ thể để chế tài.
3. Kết luận
Cùng với những chuẩn mực chung của xã hội, mỗi nghề nghiệp lại có các chuẩn mực, qui tắc chuyên biệt đòi hỏi người làm nghề phải tuân thủ nhằm bảo đảm nghề nghiệp luôn có ý nghĩa, hoạt động đúng trật tự. Trong đó, quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của giai cấp cầm quyền, luật định của nhà nước đã trở thành một yếu tố quan trọng không chỉ giúp nâng cao chất lượng, mà còn tạo nên uy tín, lòng tin của xã hội đối với các phương tiện truyền thông.
Những năm qua, cùng với sự phát triển về cả số lượng và chất lượng, các văn bản qui phạm pháp luật về báo chí cũng được Đảng và Nhà nước ban hành đảm bảo hành lang pháp lý cho báo chí hoạt động hiệu quả. Nhờ có một hệ thống quan điểm anh minh, rõ ràng, phù hợp của Đảng và hệ thống pháp luật văn minh, hiện đại, khách quan của Nhà nước, các phương tiện truyền thông ở Việt Nam đã phát triển nhanh chóng về mọi mặt.
Tuy nhiên trong những năm qua do sự tác động của công nghệ, nhất là công nghệ số, sự phát triển mạnh mẽ của nhiều loại hình truyền thông mới, pháp luật về truyền thông của Việt Nam cũng còn nhiều bất cập cần phải hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung. Một số qui định, văn bản liên quan đến hoạt động truyền thông bộc lộ những hạn chế, không còn phù hợp với với thực tiễn đời sống truyền thông trong giai đoạn hiện nay, nhiều vấn đề đã vượt ra ngoài các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, sự phát triển và hội tụ về công nghệ giữa viễn thông, truyền thông và Internet diễn ra mạnh mẽ, đặt ra nhiều vấn đề mới và phức tạp cần được điều chỉnh phù hợp.
Vì lẽ đó, trong tương lai gần, các cơ quan có thẩm quyền cần phải tập trung xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật, nhất là những qui định cụ thể đối với các hoạt động truyền thông mới. Hoàn thiện được hệ thống pháp luật tạo hành lang pháp lý cùng với việc thực hiện nghiêm túc quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác truyền thông, các phương tiện truyền thông mới ở Việt Nam sẽ có điều kiện phát triển và nâng cao chất lượng, góp phần vào sự hình thành một nền truyền thông hiện đại, văn minh, phù hợp với định chế và văn hoá xã hội Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Công Dũng (2012), Định hướng chính trị tư tưởng báo điện tử ở Việt Nam hiện nay, luận án tiến sĩ, Học viện Hành chính Quốc gia, Hà Nội.
2. Đỗ Thị Thanh Hà (2021), “Phương tiện truyền thông mới - một thế giới thu nhỏ”, Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, số 12/2021, Trích đăng lại tại https://lyluanchinhtrivatruyen.... Thứ Sáu, 08:25 10-3-2023.
3. Nguyễn Thị Thu Hường (2016), “Thời đại của các phương tiện truyền thông mới”, Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, tháng 10/2016, Trích đăng lại tại https://ajc.hcma.vn/Pages/nghi....
4. Lievrouw và Livingstone (2002), Handbook of new media: Student edition, tr.23.
5. Martin Lister (2009), New Media A Critical Introduction, 2nd Edition, Routledge.
6. Harcup, Tony; O’Neill, Deirdre (2 December 2017). "What is News?: News values revisited)". Journalism Studies. 18 (12): 1470–1488.
7. W. Russell Neuman 2008), Media and Journalism: Theory to Practice, Melbourne: OUP, p.45.
8. Bùi Hoài Sơn(2008), Phương tiện truyền thông mới và những thay đổi văn hóa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.