Chính sách và chiến lược phát triển

Luật báo chí truyền thông: Lịch sử - hiện tại và tương lai trong thời đại khoa học công nghệ thông tin kết nối toàn cầu

TS. Hà Thị Lan Phương 03/04/2024 00:34

Nhìn vào lịch sử để nhận thức rõ hơn về hiện tại, kế thừa truyền thống cha ông, xây dựng, củng cố nền báo chí truyền thông Việt Nam phát triển trong tương lai đi cùng thời đại, theo nguyên tắc: dân tộc, khoa học và đại chúng. Sự nghiệp đó cần rất nhiều công sức, trí tuệ và quyết tâm của các nhà lãnh đạo Nhà nước và Pháp luật Việt Nam..

Tóm tắt: Luật báo chí truyền thông và đóng góp của ngành báo chí truyền thông trên thế giới và Việt Nam là một trong những thành tựu vô giá của nhân loại toàn cầu. Báo chí truyền thông đôi khi có sức mạnh làm thay đổi con người, nền chính trị, kinh tế, quân sự, an ninh, và an sinh thế giới. Các hãng thông tấn, báo chí, truyền thông trên thế giới có bề dày lịch sử hơn 200 trăm năm. Báo chí truyền thông cách mạng Việt Nam cũng có khoảng gần 100 năm hình thành và phát triển.“Luật Báo chí năm 2016” đã có nhiều đóng góp trong khoảng 6 năm qua. Tuy nhiên, khi nhìn vào thực tiễn, cần phải có một cuộc cải tổ lớn cả về thiết kế hệ thống, cơ cấu tổ chức, phương thức vận hành, sự kết nối đồng bộ dữ liệu, tiết kiệm và đào tạo nguồn nhân lực mới trong ngành báo chí truyền thông chuyên nghiêp, hội nhập, phát triển, theo kịp thời đại công nghệ hóa toàn cầu.

1. Lịch sử Pháp luật báo chí truyền thông Việt Nam

1.1. Luật truyền thông thời quân chủ (X- XIX)

Trong lịch sử thời quân chủ, khi báo chí chưa hình thành, thông tin truyền thông chủ yếu do các cơ quan nhà nước điều chỉnh. Thời trung cổ thường thông qua các sứ giả của vua, các quan kinh lược sứ, các mõ làng và “cơ chế tin đồn” truyền miệng. Thời Lý, Trần, Hồ quản lý thông tin điều hành quốc gia chủ yếu từ “Trung thư sảnh”. Là cơ quan xây dựng và ban hành văn bản pháp luật, biểu dụ đến quân dân như: chiếu, lệnh, sắc, chỉ, chế, cáo. Thời Lê Thánh Tông, nhận thức được tầm quan trọng của truyền thông và giáo huấn, năm 1470, nhà vua ban hành 24 điều “Huấn dân đại cáo”, theo đó, quy định trách nhiệm của quan phủ huyện là giảng đọc luật lệnh, tuyên truyền, giáo hóa chúng dân, dạy dân theo phong tục tốt, từ bản thân, gia đình đến xã hội cộng đồng. Năm 1471, Lê Thánh Tông cải cách bộ máy nhà nước, xây dựng cơ quan quản lý về thông tin là “Thông chính sứ ty”. “Tháng 9, ngày 26, Hiệu định “Hoàng triều quan chế” quy định về đặt quan chia chức. Vua dụ các quan viên văn võ và trăm họ rằng: “Đất đai bờ cõi ngày nay so với trước kia khác nhau nhiều lắm, không thể không thân hành nắm quyền chế tác, làm trọn đạo biến thông. Cho lậpThông chính sứ ty để tuyên đức hóa của vua và đề đạt nguyện vọng của dân[1]. Một khi phép tắc đã định ra, phải kính cẩn duy trì và thực hiện, ngõ hầu muôn đời sau này hiểu được ý nghĩa sâu xa của việc sáng lập điển chương chế độ. Năm 1484, Lê Thánh Tông giải oan cho các khai quốc công thần, dựng văn bia mở mang văn hóa. Năm 1495, Lê Thánh Tông xây dựng hiệp hội văn học nghệ thuật lấy tên là “Hội Tao Đàn”. Thời Lê Trịnh, năm 1663, vua Lê Huyền Tông ban hành 47 điều “Lê triều giáo huấn điều luật”, hướng dẫn đến luân lý, nền nếp gia phong, thuần hậu, hiếu nghĩa, thành tín. Năm 1834, Minh Mệnh ban “Thánh dụ Huấn địch Thập điều” là 10 điều tuyên hóa đức sáng trong dân. Nhà vua khẳng định: “Nước nhà vững bền có quan hệ với nhân tâm, phong tục tốt chính vì giáo hóa. Đó là kế sách lâu dài của nước nhà vậy” [2]. Triều Nguyễn, thời Minh Mệnh, xây dựng cơ quan“Bưu chính ty”, chủ yếu quản lý thông tin hành chính và truyền đạt văn bản pháp luật nhà nước. Thẩm quyền quản lý truyền thông đã được quy định trong một số điều ở các bộ luật. Trong bộ “Quốc triều hình luật” [3] và “Hoàng Việt Luật lệ” [4], quan lại thừa hành công vụ, phải nắm chắc luật lệnh để thi hành đúng chức phận, nghiêm cấm việc thông tin, tuyên truyền sai lệch, giả trá, làm rối loạn lòng dân và quân sỹ; kiểm soát và hạn chế ảnh hưởng của Phật lão, sư tăng. Đó là những điều khoản phản ánh định hướng tư tưởng và học thuật trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và mục đích thông tin, truyền thông thời bấy giờ.

Theo quy định, thông tin hành chính, thông tin xã hội đều quy tụ về một mối quản lý nhà nước thống nhất, tập trung. Chính vì vậy, các vị vua chúa luôn nắm rõ tình hình đất nước, hệ thống trạm dịch thời Lê - Nguyễn được đặc cách trong giao thông giữa các vùng miền, đưa tin hỏa tốc cấp báo để đảm bảo thông tin được thông suốt, nhanh chóng, kịp thời. Sự thiết lập cơ quan “Thông chính ty” và “Bưu chính ty” đều mang tính nhà nước, tính công quyền. Các cơ quan đó đã đảm nhiệm công việc thông tin, truyền thông trong cả nước, đem luật pháp và chính sách giáo hóa của vua đến với dân chúng.

Như vậy khi nhìn từ góc độ văn hóa thông tin truyền thống trong nghìn năm quân chủ, địa bàn cho “báo chí tư nhân” ở Việt Nam thực sự khó có điều kiện phát triển.

1.2. Luật Báo chí truyền thông Việt Nam thời thuộc Pháp (1858 - 1945)

Năm 1852, tại Pháp, thế lực quân sự lên nắm quyền đẩy nhanh các cuộc viễn chinh.

Từ 1858, bằng con đường quân sự và chính trị, Pháp dần can thiệp vào thể chế chính trị pháp lý Việt Nam. Các bản Hòa ước ký với triều đình năm 1862, 1874, 1883, đã mở đường cho báo chí Pháp đứng chân tại An Nam. Năm 1884, với “Đạo luật không thay đổi nền Cộng hòa” nền chính trị trong nước dần ổn định, Pháp đẩy nhanh công cuộc xâm lược thực dân tại Đông Dương và Việt Nam. Với bản “Hòa ước 6/6/1884” gồm 19 điều khoản, Việt Nam chính thức trao chủ quyền và nền độc lập tự chủ của mình cho nước Pháp dưới danh nghĩa “Bảo trợ”. “Nước Pháp sẽ thay mặt nước An Nam trong mọi quan hệ đối ngoại” [5].

Báo chí Việt Nam ra đời trong giai đoạn đầu khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, năm 1861 với những tờ báo tuyên truyền đầu tiên viết bằng chữ Pháp: Nam Kỳ viễn chinh công báo (Bulletin Officiel de l’Expédition de la Cochinchine);Tin tức Sài Gòn (Courrier de Saigon); Tập san của Ủy ban Nông nghiệp và Kỹ nghệ xứ Nam Kỳ (Bulletin du Comité Agricole et Industriel de la Cochinchine); Chữ Hán (Xã thôn công báo); Chữ quốc ngữ (Gia Định Báo). Gia định Báo (1865 - 1810) là tờ báo Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam được thành lập theo Nghị Định 01/4/1865 của quyền Thống Đốc Nam Kỳ Pierre Roze. Tòa báo đặt tại Chợ Quán - Sài Gòn.

Những nhà báo Việt Nam đầu tiên là những cây viết nổi danh như: Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Diệp Văn Cương. Chính quyền thừa nhận báo chí truyền thông ở Việt Nam với ba loại ngôn ngữ Pháp, Việt, Hán. Trong thời kỳ đó, báo chí Việt Nam mở rộng, phong phú, tuyên truyền cho nhiều đảng phái chính trị, bộ phận lớn để phục vụ cho công cuộc thực dân ở “xứ Đông Dương thuộc Pháp” trên nhiều phương diện [6].

Đạo luật Tự do báo chí Pháp năm 1881” Ngày 29-7-1881, Quốc hội Pháp thông qua “Đạo luật Tự do báo chí” sau gần 100 năm Cách mạng tư sản (1789) và 10 năm Công xã Pari (1871). Ngày 22-9-1881, Tổng thống Pháp Jules Grévy ký Sắc luật cho phép áp dụng Đạo luật Tự do báo chí tại thuộc địa Nam Kỳ. “Đạo luật Tự do báo chí Pháp 1881” quy định: Tất cả các loại báo được phát hành không cần sự cho phép trước và không cần ký quỹ, sau khi được công bố và tuân theo điều 7.

Điều 7 qui định: Trước khi phát hành, tờ báo phải được khai báo ở Sở Biện lý những gì có liên quan đến: Tên báo, loại báo; Tên họ, địa chỉ người quản lý; Ghi rõ nơi in báo; tất cả những thay đổi về những điều trên đều phải được khai báo trước 5 ngày. Người quản lý phải là người thành niên, có hưởng đủ quyền lợi dân sự, không mất quyền công dân bởi một hành vi phạm pháp. Sau khi các điều kiện được thực hiện thì tờ báo nào cũng được tự do phát hành, kể cả trên toàn cõi xứ thuộc địa. Ngược lại, khi điều kiện chưa thỏa mãn mà phát hành báo thì luật pháp sẽ có một số hình phạt truy tố những ai vi phạm [7].

Sắc lệnh ngày 30/12/1898: quy định về chế độ báo chí ở Đông Dương.

Sắc lệnh quy định “Báo chữ Việt phải xin phép trước”; Albert Sarraut và chính sách “Pháp - Việt đề huề” cho phép thành lập và phổ biến báo chí. Các tờ báo điển hình ở Nam Kỳ như: Nông cổ mín đàm; Lục tỉnh tân văn; Nữ giới chung; La Cloche Fêlée; L’Annam; ở Bắc Kỳ như: Đại Việt tân báo; Nam Phong; Đại Nam đăng cổ tùng báo; ở Trung Kỳ như: Tiếng dân; Thần kinh tạp chí; Bulletin des Amis du Vieux Huế.

Sắc lệnh ngày 4/10/1927: xác lập chế độ báo chí độc tài, chuyên chế với chính sách kiểm soát chặt chẽ của Toàn quyền Alexandre Varenne ở Đông Dương. Tuy vậy, những tờ báo cách mạng điển hình chữ Pháp như (Le Travail), chữ Việt (Dân chúng; Cờ giải phóng; Hồn trẻ tập mới; Hà Thành thời báo; Sông Hương tục bản) [8] vẫn tiếp tục xuất bản, lưu hành.

Năm 1922, tờ báo Le Paria [9] - Người cùng khổ do Nguyễn Ái Quốc sáng lập tại Pháp để đấu tranh cho quyền của những người nghèo khổ cùng cực trong chế độ thống trị thực dân. Đặc biệt là sự ra đời của báo chí bí mật (Thanh Niên; Kông Nông, Lính Kách mệnh) với vai trò của chủ báo Nguyễn Ái Quốc. Ngày 21/6/1925, với sự ra đời của tờ báo cách mạng đầu tiên, tờ báo“Thanh niên” [10] đã mở ra một giai đoạn phát triển mới của con đường cách mạng Việt Nam, từ cuộc đấu trên diễn đàn thông tin, tuyên truyền cách mệnh. Các nhà báo điển hình như Nguyễn Ái Quốc, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điềm, Trương Văn Vĩnh đã có nhiều đóng góp. Với nguồn nhân lực từ các lớp đào tạo cán bộ cách mạng đầu tiên của tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội (1927) sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam (3/2/1930) tính tổ chức của báo cách mạng dần có ảnh hưởng lớn trong nước và quốc tế. Giai đoạn 1936 - 1939, 1939 - 1945, cùng với Mặt trận dân chủ nhân dân chống chủ nghĩa phát xít trên thế giới [11], Đông Dương và Việt Nam đã thay đổi lịch sử với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH), nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

1.3. Luật Báo chí nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945 - 1975)

Quy định pháp luật về báo chí của nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được ban hành cùng với quá trình xây dựng nhà nước dân chủ đầu tiên ở Việt Nam và Đông Nam Á. Trên cơ sở thực hiện những nguyên tắc Hiến định và bảo đảm quyền tự do dân chủ của nhân dân.

Theo Hiến pháp 1946, ba nguyên tắc cơ bản là:

Nguyên tắc 1: Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo;

Nguyên tắc 2: Đảm bảo các quyền tự do, dân chủ;

Nguyên tắc 3: Xây dựng chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân.

Điều 10, Hiến pháp 1946 quy định: Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận; Tự do xuất bản; Tự do tổ chức và hội họp; Tự do tín ngưỡng; Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài.

Quy định ngắn gọn trong Hiến pháp nước VNDCCH, lần đầu tiên xác lập nguyên tắc cơ bản cho nền báo chí truyền thông cách mạng Việt Nam. Mở ra con đường cho công dân Việt Nam bước ra thế giới. Quy định này đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Nguyên tắc đảm bảo các quyền tự do, dân chủ, quyền tự do báo chí đã được triển khai thực hiện một cách rộng rãi. Tính từ cuối tháng 9/1945 đến trung tuần tháng 12/1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ký các Nghị định cho phép hàng chục tờ báo được xuất bản. Có thể kể tên các tờ báo quan trọng được hoạt động trong giai đoạn này như: Cờ giải phóng, Sự thật, Cứu quốc, Độc lập, Văn hóa, Ý dân, Thanh niên, Tự do, Dân quốc, Tân thế kỷ, Văn mới, Việt Nam hồn, Dân nguyện, Hồn nước, Quốc gia, Thời mới, Dân sinh, Tri tân, Kiến Quốc, Quyết chiến, Tiên phong, Kiến thiết, Ngày mới, Đồng ruộng, Tấc Đất, Việt Nam thời báo, Lao động, Tiến hóa, Nói thẳng, Công dân, Tương Lai, Gái nước Nam, Thanh niên Việt Nam, Xung phong, Đồng minh, Thăng Long. Báo tiếng nước ngoài có tờ The Republic (Chính thể Cộng hòa - Bản tiếng Anh) và La Republique (Chính thể Cộng hòa - Bản tiếng Pháp) [12]. Có thể nói rằng, thời kỳ này luật Việt Nam đã thực hiện mở rộng quyền tư do tư tưởng (Freedom of thought) [13], tự do báo chí truyền thông, tờ báo Việt Nam viết bằng tiếng Anh của Trần Tử Anh thuộc “đảng Việt quốc”cũng được phép xuất bản theo Nghị định số 128 - Bộ Nội vụ ký ngày 4/12/1945. Ngay khi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, trong chỉ thị thành lập, Lãnh tụ Hồ Chí Minh khẳng định nhiệm vụ của quân đội là: “Chính trị trọng hơn quân sự. Tuyên truyền trọng hơn tác chiến”. Nghĩa là phải giác ngộ cho dân, làm cho dân hiểu, làm cho dân tin tưởng, dân đi theo, tạo nên đường lối chiến tranh nhân dân, đoàn kết toàn dân thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Thiết lập chủ quyền dân tộc quốc gia, xây dựng một nền chính trị pháp lý tự do và độc lập.

Ngày 29/3/1946, Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh 41-NV quy định Chế độ báo chí của nước VNDCCH. Ngày 14/12/1956, ban Sắc lệnh 282/SL, kèm theo Luật về chế độ báo chí [14]. Luật số 100/SL/L.002 của Quốc hội: Luật về Chế độ báo chí, ban hành ngày 20/5/1957 quy định về chế độ báo chí VNDCCH trên cơ sở SL/282. Là Luật báo chí thời chiến nên các quy định chủ yếu phục vụ cho kháng chiến, mục tiêu là đoàn kết dân tộc, thống nhất nước nhà. Tinh thần đó tiếp tục được Hiến pháp 1959 thừa nhận và bảo vệ.

1.4. Luật báo chí Việt Nam Cộng hòa (1954 - 1975)

Luật báo chí Việt Nam Cộng hòa (VNCH) cũng được xây dựng trên nguyên tắc Hiến định của bản Hiến pháp 1956 - Nền Đệ nhất cộng hòa và Hiến pháp 1967 - Nền Đệ nhị cộng hòa. Nhìn nhận một cách khách quan, Luật Báo chí thời VNCH thể hiện khá rõ tư tưởng tự do dân chủ kiểu Mỹ.

Luật Báo chí Số 019/69 ban hành ngày 30/12/1969 gồm 8 chương 69 điều [15].

Dưới góc độ pháp lý, đây là một đạo luật khá tiến bộ về xuất bản báo chí.

Năm 1972, để tiêu diệt những tờ báo đối lập, chính quyền Sài Gòn cho ban hành một luật báo chí mới gọi là Sắc luật 007/72. Sắc luật này được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ký vào ngày 5/8/1972. Sắc luật 007/72 bắt buộc mỗi tờ Nhật báo phải đóng kí quỹ 20 triệu đồng (lúc ấy tương đương 47.000USD), còn báo định kì tuần báo, nguyệt san, thì đóng kí quỹ 10 triệu đồng. Nếu chủ bút nào không nộp đủ số tiền đó, tờ báo bị rút giấy phép. Đến Sắc luật 007/72 quy định nghiêm ngặt hơn về số tiền ký quỹ lớn; theo luật nếu bị tịch thu 2 lần vì có bài viết xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự cộng cộng, tòa báo sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn. Theo nguồn tư liệu lưu trữ, từ 12/1969 đến 8/1972 có khoảng 5.000 vụ vi phạm Luật báo chí; từ 18/8/1972 đến cuối năm 1973 có 228 vụ tịch thu và truy tố báo chí [16].

Năm 1972, để tiêu diệt những tờ báo đối lập, chính quyền Sài Gòn cho ban hành một luật báo chí mới gọi là Sắc luật 007/72. Sắc luật này được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ký vào ngày 5/8/1972. Sắc luật 007/72 bắt buộc mỗi tờ Nhật báo phải đóng kí quỹ 20 triệu đồng (lúc ấy tương đương 47.000USD), còn báo định kì tuần báo, nguyệt san, thì đóng kí quỹ 10 triệu đồng. Nếu chủ bút nào không nộp đủ số tiền đó, tờ báo bị rút giấy phép. Đến Sắc luật 007/72 quy định nghiêm ngặt hơn về số tiền ký quỹ lớn; theo luật nếu bị tịch thu 2 lần vì có bài viết xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự cộng cộng, tòa báo sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn. Theo nguồn tư liệu lưu trữ, từ 12/1969 đến 8/1972 có khoảng 5.000 vụ vi phạm Luật báo chí; từ 18/8/1972 đến cuối năm 1973 có 228 vụ tịch thu và truy tố báo chí [16].

Như vậy, có thể thấy rõ, quyền tự do báo chí công hay tư cho dù ở thời nào, cũng chịu sự kiểm duyệt của Nhà nước theo những nguyên tắc cơ bản.

1.5. Luật báo chí nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1975-2016)

Lịch sử pháp luật báo chí trên thế giới hình thành phát triển với những đặc trưng của một nền dân chủ phổ quát. Đặc biệt ở các nước Âu - Mỹ bởi truyền thống tôn trọng tư hữu, tư quyền. Cho đến nay, một số hãng báo chí truyền thông hiệp hội và tư nhân có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới, liên quốc gia, xuyên quốc gia, siêu quốc gia. Theo đó, từ khái niệm “tư hữu” đã dần hoán đổi thành “công hữu”, phục vụ xã hội công cộng, tính liên kết ảnh hưởng đến nhiều quốc gia với đa dạng loại hình và nhiều lĩnh vực trong xã hội.

Dưới góc nhìn văn hóa, báo chí truyền thông cũng là một công cụ để tuyên truyền, phát triển xã hội, đưa ra những kế sách phát triển, mở rộng ảnh hưởng của văn hóa Âu - Mỹ ra toàn thế giới. Những ông chủ trong ngành báo chí, các hãng truyền thông, công nghệ như: CNN, BBC, AP, Reuters, AFP, TASS, Google, Apple, Facebook, Amazon với sự kết nối truyền thông và công nghệ Internet đã dần thay đổi thế giới lao động, việc làm, giải trí, kinh doanh, khoa học. Hàng nghìn hãng thông tấn, báo chí, truyền thông đã lan tỏa tri thức trên khắp địa cầu. Rất nhiều các nhà báo, các phóng viên đã cống hiến cả cuộc đời cho ngành báo chí. Nhất là các nhà báo, các phóng viên chiến trường, họ ngày đêm bám sát vùng chiến sự, gửi tin nóng về cho các tòa báo, hãng thông tấn của mình. Và cũng có những phóng viên nhà báo hy sinh ngoài mặt trận. Bức ảnh “Hành quyết tại Sài Gòn” của Eddie Adams, “Em bé Napalm” của phóng viên hãng AP Nick Ut, “Kền kền chờ đợi” của Kevin Carter, hình ảnh “Cậu bé Syria trên bờ biển” Aylan Kurdi, 3 tuổi, một trong những nạn nhân di cư bởi chiến sự Syria, “bức ảnh khiến thế giới chết lặng” khi lan rộng khắp toàn cầu. Trong khoảng 200 năm hình thành và phát triển, có thể khẳng định, những đóng góp của báo chí truyền thông đã làm thay đổi nhận thức của nhân loại, chuyển hướng quyết định của nhà cầm quyền và lịch sử thế giới.

Với Việt Nam, trải qua hơn trăm năm lịch sử thăng trầm, Luật báo chí luôn gắn với chế độ chính trị song hành kinh tế, quân sự, văn hóa và xã hội. Năm 1975, sau khi thống nhất nước nhà, Luật báo chí quốc gia Việt Nam đã từng bước phát triển. Sau thời kỳ “Đổi mới” 1986, Luật báo chí bước chân vào cơ chế thị trường, từng bước vững vàng và đạt nhiều thành tựu. Luật báo chí 28/12/1989, gồm 7 chương, 31 điều; Sau khi sửa đổi, bổ sung, Luật báo chí 1999 có 36 điều [17]. Luật báo chí 2016 là một bước tiến phù hợp với yêu cầu phát triển của khoa học công nghệ.

2. Luật báo chí năm 2016 - Những thành tựu và hạn chế (2016 - 2022)

Luật báo chí năm 2016 [18] gồm 6 chương với 61 điều (tăng 25 điều), trong đó có 32 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, so với Luật báo chí 1999.

Luật báo chí năm 2016 đã pháp điển hóa những quy định tại các Nghị định của Chính phủ để đưa vào luật, đồng thời bổ sung một số quy định mới để điều chỉnh hoạt động báo chí, cụ thể là các quy định về: Chính sách của Nhà nước về phát triển báo chí; Hoạt động hợp tác của báo chí Việt Nam với nước ngoài; Hoạt động báo chí của báo chí nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam; Bảo vệ nội dung các chương trình phát thanh, chương trình truyền hình, báo điện tử; Luật đã có những tiến bộ nhất định đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học công nghệ trong ngành báo chí truyền thông.

Luật đã có những điểm mới như: quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của người dân; quy định về các chủ thể được quyền thành lập cơ quan báo chí (Luật không quy định về báo chí tư nhân); mở rộng tính liên kết trong hoạt động báo chí, mở rộng các loại hình báo chí truyền thông; về quyền tác nghiệp của báo chí; quy định quyền, trách nhiệm và đạo đức của người làm báo, hội nhà báo; về hoạt động kinh doanh, dịch vụ của cơ quan báo chí truyền hình; về những hành vi bị cấm; về cải chính và xử lý vi phạm trong một số trường hợp. Cấu trúc 6 chương với 61 điều về cơ bản có nhiều tiến bộ, quy định rõ ràng về những vấn đề chung, về quyền tự do báo chí, về tổ chức và hoạt động của cơ quan báo chí, về hợp tác quốc tế, khen thưởng, thanh tra và xử lý vi phạm.

Có thể nhận thấy, vị trí, vai trò “Luật báo chí năm 2016” và các văn bản hướng dẫn thi hành tạo lập hành lang pháp lý để hoạt động báo chí phát triển vượt bậc trong những năm qua, thực hiện quy định của Hiến pháp, mở rộng hơn quyền tự do báo chí trong nhân dân.

Những yêu cầu đổi mới ngành báo chí truyền thông

Những yêu cầu xã hội và sự phát triển công nghệ nhanh chóng đặt ra nhiều thách thức đối với việc cải tổ toàn diện hệ thống báo chí truyền thông theo mô hình quốc gia, định hướng hành vi trên báo chí truyền thông mạng xã hội, bảo vệ và bảo đảm quyền và nghĩa vụ của con người, quy định rõ các chế tài khi vi phạm

Từ Năm 2018, hoạt động lập pháp của các bộ ngành và Quốc hội đã từng bước bổ sung tính tương thích, đồng bộ liên thông với các yêu cầu xây dựng và sửa đổi các ngành luật mới như: Luật An ninh mạng, Luật Viễn thông, Thương mại điện tử, Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông công nghệ thông tin và sàn giao dịch điện tử; Luật số 27/VBHN- VPQH (10/12/2018); Luật số 35/2018/ QH (20/11/2018). Theo đó, có khoảng 37 Luật liên quan đến đến lĩnh vực báo chí. Nhưng khi nhìn vào thực tế đời sống, có thể nhận thấy, Luật và thực tiễn ngành báo chí truyền thông, hàng ngày, hàng giờ ảnh hưởng đến Quốc gia và Quốc dân trực tiếp và nhanh chóng. Từ Quốc hội, Chính phủ đến các Bộ, Ban, Ngành; từ trung ương đến cơ sở, người dân; từ trong nước đến toàn thế giới, các tổ chức quốc tế. Do vậy, Luật pháp và tổ chức Báo chí truyền thông, phát thanh truyền hình Việt Nam cần có sự thống nhất, hệ thống, chuyên nghiệp, tốc độ nhanh chóng hơn nữa. Công nghệ thông tin, công nghệ AI sẽ làm thay đổi và phát triển mở rộng báo chí, phát thanh, truyền hình và truyền thông trên thế giới và ở Việt Nam. Kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống trong thời đại công nghệ 5.0 để phát triển ngành báo chí truyền thông, phát triển dân tộc quốc gia là tất yếu lịch sử.

Đến năm 2019 đến 2021, Dịch covid 19 đã làm thay đổi thế giới. Sự bùng nổ của công nghệ thông tin, chủ thể báo chí, thông tin, truyền thông ngày càng mở rộng. Rất nhiều cá nhân đã tham gia vào những hoạt động tích cực trên cộng đồng mạng. Họ vừa là ký giả, vừa là tác giả, vừa là nhà truyền thông trực tiếp trên mạng xã hội. Tuy nhiên, kỹ năng và nhận thức về luật báo chí và truyền thông còn thiếu sót. Nhiều vụ việc truyền thông[19] đã gây ảnh hưởng rất lớn trong suy nghĩ, tâm thức của nhân đân. Đúng sai thực sự khó thể phân biệt, nhưng ảnh hưởng xã hội lại rất to lớn và sâu sắc.

Năm 2022 - 2023, sự bùng nổ của công nghệ AI (Artificial Intelligence), Internet kết nối vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud Computing), Dữ liệu lớn (Big data), chuỗi khối (Block chain), các loại hình Chatbot, OpenAI, ChatGPT, và hệ quả là: nhiều công việc trong lĩnh vực báo chí, thông tin truyền thông, nghệ thuật, chế tạo, xử lý dữ liệu có thể được thực hiện với tốc độ cao bởi OpenAI. Các loại báo cổ điển, báo in đã dần phải chuyển đổi kết nối sang Báo điện tử, Báo mạng. Các ông lớn trong ngành truyền thông như: Google, Youtube, Twitter, Tiktok, các hãng lớn như: AP (Associated Press), Reuters, AFP (Agence France-Presse), CNN, TASS, The NewYork Times, Tân Hoa Xã, Thông Tấn xã Việt Nam, các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học buộc phải có nhiều chuyển đổi [20]. Tính liên kết giữa các hãng thông tấn với các loại hình báo điện tử, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình, phương tiện truyền thông ngày càng trở nên gắn kết chặt chẽ. Các hợp đồng mua bán bản quyền phát sóng, đưa tin, mua lẻ hoặc trọn gói, theo từng thể loại với mục đích thiết kế, xây dựng chương trình, truyền đạt thông tin như: kênh thời sự, thể thao, kinh doanh, chứng khoán, tiền tệ, tài chính, ngân hàng, bất động sản, du lịch, nông nghiệp, công nghiệp, khám phá thế giới, giáo dục, tòa án, thời trang, mua sắm, quảng cáo,… mỗi hãng truyền thông, mỗi Tòa báo, Tạp chí đều gắng sức xây dựng thương hiệu, phát triển để thu hút khán thính giả và đông đảo bạn đọc trong nước và trên thế giới. Báo chí truyền thông tiếp tục đóng vai trò định hướng cơ bản về con đường tiến lên của thời đại, định hướng hành vi xã hội, giúp cho con người nhận thức, hiểu biết để vươn lên, do vậy rất là quan trọng [21].

Các loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử đã có nhiều thay đổi, xuất hiện hàng loạt các mô hình mới, tính liên kết, liên thông, tính hệ thống ngày càng trở nên tất yếu. Yêu cầu đổi mới hệ thống các loại hình thông tin, xử lý đồng bộ các nguồn tư liệu như: Sản phẩm báo chí là ấn phẩm, phụ trương của báo in; nội dung hoàn chỉnh của báo điện tử; bản tin thông tấn; kênh phát thanh, kênh truyền hình; chuyên trang của báo điện tử. Trang thông tin điện tử tổng hợp đăng đường dẫn truy cập tới các nguồn tin báo chí hoặc trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin báo chí theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Tạp chí điện tử sản phẩm báo chí xuất bản định kỳ, đăng tin, bài có tính chất chuyên ngành, được truyền dẫn trên môi trường mạng. Tạp chí khoa học sản phẩm báo chí xuất bản định kỳ để công bố kết quả nghiên cứu khoa học, thông tin về hoạt động khoa học chuyên ngành. Hệ thống Tạp chí khoa học điện tử hiện nay cần có một sự chuyển đổi lớn về hệ thống hóa dữ liệu và phát hành. Đây là một yêu cầu quan trọng để thúc đẩy nền khoa học Việt Nam tiến nhanh hơn, phổ biến hơn. Lợi ích từ tri thức mở sẽ tiết kiệm công sức, thời gian của rất nhiều người. Sản phẩm thông tin được thể hiện bằng các thể loại báo chí, được đăng trên bản tin, đặc san, trang thông tin điện tử tổng hợp của cơ quan, tổ chức, pháp nhân, doanh nghiệp [22].

Rõ ràng thời đại công nghệ số đã đang và sẽ làm thay đổi toàn bộ nền kinh tế, từ đó thay đổi toàn bộ cách thức lao động, vui chơi, giải trí, hưởng thụ, nghệ thuật và chuyển đổi số ngành báo chí truyền thông kết nối địa cầu. Báo chí cũng buộc phải cải cách, chuyển đổi, tích hợp và hội tụ trong một chỉnh thể mới, liên kết đồng bộ, thông suốt, tối ưu.

Về vấn đề chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan báo chí, có tầm quan trọng đặc biệt: Chuyển đổi số là nói đến con người kết hợp với công nghệ. Công nghệ thúc đẩy sự phát triển và là phương tiện hỗ trợ quan trọng cho sự tiếp cận kiến thức và hiểu biết của con người với tốc độ nhanh chóng, kịp thời, chuyên nghiệp, hiện đại và văn minh.

3. Sửa đổi Luật báo chí đáp ứng mục tiêu “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Thiết kế mới ngành báo chí truyền thông trong thời đại Khoa học Công nghệ kết nối quốc gia, khu vực và toàn cầu

3.1. Sửa đổi Luật báo chí đáp ứng mục tiêu “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”

Nghị quyết ĐH Đảng XIII yêu cầu: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, định hướng hành vi xã hội liên quan đến báo chí truyền thông ở Việt Nam, yêu cầu sửa đổi và ban hành Luật Báo chí trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, bởi một số lý do sau:

Một là, sửa đổi Luật Báo chí 2016 hiện hành là để tiếp tục thi hành Hiến pháp năm 2013; tiếp tục cải cách những quy định pháp luật về báo chí đáp ứng yêu cầu sự chuyển đổi số phù hợp với sự tiến triển của nền công nghệ thông tin trên thế giới.

Hai là, quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn về quyền và nghĩa vụ của công dân trong hoạt động báo chí truyền thông. Định hướng cho các công dân thực hiện quyền tự do của mình và tránh gây ảnh hưởng lớn đến cá nhân, cộng đồng, xã hội. Các giới hạn quyền đã được quy định trong luật quốc tế và điều 14 - Hiến pháp 2013. Theo đó: quyền tự do ngôn luận báo chí truyền thông của người dân là một quyền có giới hạn, các hạn chế quyền này cần phải được quy định cụ thể hơn ở luật. Nếu vi phạm phải chịu chế tài.

Một số thiết kế cụ thể về sửa đổi “Luật Báo chí 2016” như sau:

Sửa đổi Tên gọi: Dự án thành “Luật Báo chí truyền thông 2025[23]

Thứ nhất, sửa đổi tại phần quy định chung;

Thứ hai, sửa đổi quy định rõ quyền và nghĩa vụ công dân trong hoạt động báo chí truyền thông văn minh, hiệu quả;

Thứ ba, quy định rõ ràng hơn về các chế tài khi công dân vi phạm;

Thứ tư, định rõ mối quan hệ của luật báo chí truyền thông với các lĩnh vực luật khác và các Luật có mối quan hệ trực tiếp như: Luật Viễn thông, Luật An ninh mạng; Luật Giao dịch điện tử; Luật Công nghệ thông tin, Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Bộ luật Dân sự; Bộ luật Hình sự; Bộ luật Tố tụng dân sự; Bộ luật Tố tụng hình sự;

Thứ năm, về quan hệ Quốc tế cần mở rộng hơn với các hãng truyền thông lớn, đặt các văn phòng mở rộng tại các địa bàn trọng yếu; kết nối với trung tâm hàng ngày.

Đồng bộ với Luật Báo chí truyền thông sửa đổi là tổ chức và vận hành, xây dựng hàng truyền thông quốc gia, theo cấu trúc mô hình kim tự tháp. Kết nối vận hành như các hãng truyền thông lớn, xây dựng Hội đồng quản trị Báo chí truyền thông, lấy thương hiệu Quốc gia Việt Nam làm chuẩn.

Dự án thiết kế mới:Luật Báo chí truyền thông 2025”

- Chương I: Những quy định chung, 10 điều

Bổ sung: Thể hiện rõ Nguyên lý và Chiến lược phát triển (The Rules of Law)

Quốc gia, Công dân, Nội dung: Hoạt động Báo chí truyền thông tôn trọng pháp luật quốc gia và quốc tế

Nên đưa vào: Bộ quy tắc về Báo chí truyền thông: Pháp quyền; Nhân quyền, Nhân văn; Dân tộc, Khoa học, Đại chúng [24]; Chủ quyền, An ninh quốc gia; An toàn xã hội; Trung thực, công bằng, công lý; Hợp tác quốc tế, đoàn kết, bình đẳng, tôn trọng, cùng có lợi; văn hóa, văn minh, hiện đại, vì hòa bình thế giới.

Thể hiện rõ mục tiêu chiến lược của Luật Báo chí truyền thông trong thời đại kết nối quốc gia, khu vực và toàn cầu nhưng vẫn bảo lưu giá trị truyền thống văn hóa dân tộc.

- Chương II: Quyền và Nghĩa vụ của công dân về tự do ngôn luận, tự do báo chí truyền thông,10 điều

+ Mục 1: Các quyền cơ bản của công dân về tự do ngôn luận, tự do báo chí truyền thông: 5 điều

Quyền công dân về tự do báo chí truyền thông theo khả năng, hiểu biết và nhân phẩm của mình

+ Mục 2: Các nghĩa vụ cơ bản của công dân về tự do ngôn luận, tự do báo chí truyền thông: 5 điều [25]

Nghĩa vụ: Tôn trọng quyền của người khác, không xúc phạm, lăng mạ người khác, không chống lại trật tự Hiến pháp và thuần phong mỹ tục dân tộc, tôn trọng phong tục tập quán và truyền thống văn hóa gia đình, phong tục tập quán dân tộc.

Nghĩa vụ: Chịu trách nhiệm về những thông tin trên báo chí truyền thông, mạng xã hội về tính trung thực, chính xác, khách quan, minh bạch, trách nhiệm giải trình, bảo vệ công lý, công bằng xã hội.

Nghĩa vụ: Tôn trọng hòa bình, an ninh, an toàn, an sinh của các dân tộc, quốc gia và loài người trên thế giới.

- Chương III: Tổ chức cơ quan báo chí và truyền thông, 20 điều

+ Mục 1: Cơ quan báo chí truyền thông Quốc gia, 3 điều [26]

Xây dựng trung tâm Báo chí truyền thông Quốc gia: Coi trọng trung tâm công nghệ thông tin và kết nối

Tổ chức thành viên

Nguyên tắc tổ chức và hoạt động

+ Mục 2: Các cơ quan báo chí truyền thông, 6 điều

Theo mô hình quản trị công mới, mô hình quản trị của các Hãng truyền thông kết nối các tòa báo tại các Bộ, Ban, Ngành, Các tỉnh, thành phố, các cấp quản lý, các Cục vụ viện, các trung tâm và các Tòa Báo, các Tạp chí;

+ Mục 3: Người đứng đầu cơ quan báo chí truyền thông, 3 điều

Thành lập Hội đồng quản trị:

Chủ nhiệm hoặc Giám đốc

Tổng biên tập: Tiêu chuẩn nghiệp vụ rõ ràng

+ Mục 4: Nhà báo chuyên nghiệp, 5 điều

Cần quy chuẩn trong luật: Nghiệp vụ chuyên ngành, thẻ, kỹ năng, đạo đức, trách nhiệm

+ Mục 5: Nhà báo nghiệp dư và các công dân hoạt động trên mạng xã hội 3 điều

Nhà báo nghiệp dư: Quyền và nghĩa vụ

Công dân: Quyền và Nghĩa vụ trong hoạt động báo chí truyền thông

- Chương IV: Hoạt động báo chí truyền thông, 36 điều

+ Mục 1: Thực hiện thêm loại hình, sản phẩm báo chí, liên kết trong hoạt động báo chí,

Gồm có 8 điều: Bổ sung loại hình công nghệ mới: OpenAI, Chat GPT [27], công nghệ mới trong hoạt động báo chí thông tin truyền thông trong tương lai (Quy định mở: Dự liệu các kỹ thuật, kỹ năng mới… Giao quyền cho Chính phủ và Bộ KHCN, Bộ TT TT, các bộ ngành có liên quan bổ sung văn bản Nghị Định - Thông tư thực hiện)

+ Mục 2: Thông tin trên báo chí truyền thông, 8 điều

+ Mục 3: In, phát hành và truyền dẫn phát sóng, 5 điều

+ Mục 4: Lưu chiểu báo chí, 2 điều

+ Mục 5: Hệ thống dữ liệu số hóa - Quản lý và sử dụng 3 điều

+ Mục 6: Vấn đề tài chính - kinh doanh trong hoạt động báo chí truyền thông 3 điều

- Chương V: Hợp tác quốc tế trong hoạt động báo chí, 5 điều

Nguyên tắc; Tổ chức; Nhân sự; Quản lý; Xử lý tranh chấp QT

- Chương VI: Khen thưởng, kỷ luật, giám sát, thanh tra 5 điều

Khen thưởng; Kỷ luật; Giám sát hệ thống; Thanh tra chuyên ngành;

- Chương VII: Xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí, 6 điều

Xử lý kỷ luật; Xử lý hành chính; Xử lý Hình sự; trách nhiệm bồi thường dân sự; Thi hành án [28]

- Chương VIII: Điều khoản thi hành, 3 điều

Hiệu lực thi hành; Quy định chi tiết; Trách nhiệm tổ chức và công dân Công dân

(Tổng cộng khoảng 95 điều)

3.2. Thiết kế mới ngành báo chí truyền thông trong thời đại Khoa học Công nghệ kết nối quốc gia, khu vực và toàn cầu

Thiết kế mới ngành báo chí truyền thông trong thời đại Khoa học Công nghệ là một công việc quan trọng cấp thiết hiện nay. Bởi những lý do sau đây:

Thứ nhất, tốc độ phát triển công nghệ số [29] Mô hình quản trị thời đại số (Digital Era Governance), kết hợp giá trị công (Public Value Management), dịch vụ công mới (New Public Service) phục vụ con người và xã hội dân sự, là quản trị công phục vụ nhân dân, coi trọng sự hài lòng của người dân. Mô hình quản trị công mới (New Public Governance)(1995 - 2008) quản trị báo chí truyền thông hướng đến hài hòa lợi ích xã hội công cộng và bảo vệ quyền con người.

Thứ hai, hệ thống quản trị công quốc gia (Neo - Weberian - STATE) đang là một Mô hình quản trị Quốc gia mới (Neo - Weberian - STATE)

Quản trị công mới “Weber mới”, theo đó nhà nước - như một trung tâm kết nối, là nhiệm sở điều tiết, điều phối, điều hành dựa trên pháp luật và công nghệ, các chỉ số, thang đo nhu cầu xã hội, huy động nguồn lực quốc gia, khu vực và quốc tế, quản trị, kinh doanh, dựa trên đội ngũ chuyên nghiệp, minh bạch, khách quan; Liên thông lập pháp, hành pháp, tư pháp, hành chính quản trị hệ thống thông minh, ứng dụng công nghệ, tinh gọn, kiến tạo, liêm chính, phục vụ nhân dân hiệu quả [30];

Đây là một mô hình đáp ứng nhu cầu của một hệ thống quản trị các giá trị chung, lấy nhà nước làm trung tâm điều hành, lấy sự hài lòng, bình yên của người dân làm đối tượng phục vụ. Một nền quản trị công lý tính, có chủ đích, bảo vệ nhân quyền, nhân văn, chống độc quyền, tước đoạt, bóc lột, hướng đến một nền dân chủ, tự do thực sự.

Quản trị công mới, [31] đòi hỏi ngành báo chí truyền thông cải tổ sâu rộng đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, chuyên nghiệp, hiệu quả và mang tính Quốc gia.

Thứ ba, thực tiễn của hoạt động báo chí truyền thông trong khoảng hơn 2 năm (2020 - tháng 6/2023) cho thấy, còn rất nhiều vấn đề về báo chí truyền thông cần phải được thay đổi. Nhất là việc giáo hóa cho dân hiểu về truyền thông, về trách nhiệm báo chí, thông tin trên mạng xã hội, tránh có những hành vi xâm hại đến quyền con người do nhận thức chưa đầy đủ, chưa đo lường được về những ảnh hưởng đến toàn thể nhân dân, làm cho đời sống tinh thần và niềm tin xã hội bị ảnh hưởng.

Đó là những vụ việc đến nay còn đang để ngỏ, việc xử lý đã không dễ dàng và còn gây ảnh hưởng lâu dài đến quyền cá nhân công dân và xã hội: như vụ việc Hoàng Thùy Linh, Nguyễn Phương Hằng, Hồ Hoài Anh, Hồng Đăng, Hoài Linh, Thủy Tiên. Các vụ án chống tham nhũng, việc xử lý các cán bộ cấp cao như: Đinh La Thăng, Vũ Đức Đam, Phạm Bình Minh, Nguyễn Đức Chung. Qua đó cho thấy, việc định hướng hành vi xã hội, rèn luyện đạo đức liêm chính trong đội ngũ cán bộ, đề cao phẩm chất nhà báo, giáo hóa dân về cách tiếp cận mạng xã hội vẫn còn nhiều khoảng trống.

Do vậy, “Luật Báo chí” phải mở rộng hơn thành “Luật Báo chí truyền thông”. Để hướng đến tính đại chúng, tạo lập quyền tự do dân chủ trong báo chí. Định hướng cho công dân trong xã hội biết tự quản lý chính mình. Tham gia vào hoạt động báo chí truyền thông trên mạng xã hội, đo lường được hậu quả hành vi của mình, thực hiện quyền và nghĩa vụ một cách nghiêm minh và cẩn trọng. Qua đó cũng cần xác định rõ hơn quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể khi tham gia vào đời sống của báo chí truyền thông.

Từ những lý do chính yếu trên, có thể thấy ngành báo chí truyền thông cần sửa đổi pháp luật nhanh chóng, lấy ý kiến nhân dân như đã thực hiện với Luật đất đai sửa đổi 2023. Có thể vẫn còn nhiều ý kiến xung quanh Luật báo chí, phát thanh, truyền hình, truyền thông trên mạng xã hội, song cũng là một sự cố gắng của các Bộ, Ban, Ngành của giới nghiên cứu, các phóng viên, các nhà báo đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam và thế giới.

Một số ý tưởng thiết kế ngành báo chí truyền thông mới:

Về thiết kế mô hình: Kim tự tháp - Mô hình Công ty

Tên miền: “Hãng thông tấn báo chí truyền thông quốc gia Việt Nam”

(Vietnam National Press and Media Agency) - VNPMA

TTX VN (VN News Agency) or News VN Times” – Thời báo VN

HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ

Trụ sở chính HN

Ban Đối ngoại
Ban Tài chính kinh doanh
Trung tâm công nghệ kết nối hệ thống
Ban chuyên môn
Ban Quản lý nhân sự

Văn phòng Đại diện tại TP HCM

& ĐÀ NẴNG

Báo chí TT
Các VP đại diện ở
các quốc gia
Báo chí TT
Các tỉnh thành phố
Báo chí TT Các Bộ, Ban Ngành
Báo chí TT
Quốc Hội
Báo chí TT
Chính phủ
Báo chí TT Tòa Án ND TC
Báo chí TT Các ban chuyên đề
Báo chí TT Các tổ chức MTTQ Việt Nam
Báo chí TT Các Viện Nghiên cứu
Báo chí TT Các VP ở các Tổ chức quốc tế

Hội đồng quản trị: Gồm 1-2 đại diện của Bộ chính trị, Trung ương Đảng; Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công An, Bộ Quốc Phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Công thương (18 Bộ) và các cơ quan ngang bộ; Đài phát thanh truyền hình; MTTQVN; Có Chủ tịch HĐQT, Các Phó CT HĐQT, các thành viên HĐQT phụ trách các lĩnh vực, vùng miền.

Ban điều hành: Bầu theo định kỳ, nhiệm kỳ của Bộ máy Nhà nước; Gồm các Giám đốc điều hành, các phó Giám đốc và các Trưởng, phó bộ phận => Trưởng phó, phòng chuyên trách => Chủ nhiệm các Tòa báo, Giám đốc các chi nhánh;

Thiết kế hệ thống quản lý điều hành: Xây dựng: “Hãng thông tấn Báo chí truyền thông Quốc gia Việt Nam” trụ sở tại Hà Nội [32]; kết nối 2 chiều đến các quốc gia và vùng lãnh thổ; các tổ chức quốc tế, các Hiệp hội; Kết nối 2 chiều với 63 tỉnh thành phố, từ Trung ương đến các Bộ, Ban, Ngành, cục, vụ, viện; Kết nối theo Tòa báo, hãng Thông tấn; Thiết kế theo lĩnh vực, chủ đề: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; An ninh, Quốc phòng, Thể thao, Du lịch, Tòa án; Liên kết với các trung tâm phát thanh truyền hình trong nước và quốc tế; Dựa trên hệ thống đã có để cải tổ và Hợp nhất, kết nối thống nhất, mang thương hiệu quốc gia.

Xây dựng Bộ quy tắc nghiệp vụ báo chí truyền thông đảm bảo nguyên tắc: Pháp quyền, Dân chủ, Nhân quyền, Nhân văn, Đổi mới, Sáng tạo; Tôn trọng độc giả, chuyên sâu Nghệ thuật và Công nghệ báo chí truyền thông;

Đào tạo nghiệp vụ: 2 chiều, 2 kỹ năng: Đào tạo tri thức toàn diện, Đạo đức, Tâm lý;

Nghiệp vụ báo chí và Kỹ năng sử dụng công nghệ;

Xây dựng Trung tâm hệ thống dữ liệu báo chí Quốc gia

Kết nối TTXVN, VTC News, VNEWS.gov.vn, Báo Nhân dân, Báo CAND, Báo QĐND, Tòa Báo & Tạp chí trong nước; Các Tòa Báo & Tạp chí địa phương; Tạp chí Các Trường, Viện; Các trung tâm Khoa học; Hình thành trung tâm Hội tụ Báo chí truyền thông Việt Nam, đảm bảo thông tin chính xác, thông suốt, bảo mật;

Quản lý điều hành theo mô hình Quản trị công mới, quản trị doanh nghiệp, quản trị doanh thu, tài chính vững chắc; hợp đồng quảng cáo, kinh doanh truyền thông có chọn lọc, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Xây dựng hệ thống dữ liệu: Tạp chí khoa học điện tử chuyên đề phục vụ nghiên cứu khoa học trong nước và trên thế giới; bảo vệ bản quyền theo Luật sở hữu trí tuệ.

Xây dựng đội ngũ nhân sự Chất Lượng Cao (CLC): Lãnh đạo cấp cao chọn người tài đức; phân cấp Tòa soạn báo và Hãng thông tấn; xây dựng quy chế làm việc chuyên nghiệp, kỷ luật, kỷ cương, nghiêm minh và chặt chẽ; bổ nhiệm, luân chuyển, linh hoạt, hiệu quả.

Trình độ đào tạo toàn diện (CLC), tri thức liên thông giữa các ngành: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự, an ninh, tôn giáo, y tế, giáo dục,...; Thị trường, cổ phiếu, tiền tệ, hàng hóa, Bất động sản, ngân hàng, thương gia, Luật chuyên ngành, Luật An ninh mạng, Luật Viễn thông, Luật Internet, Luật tiền điện tử, Luật Công nghệ AI, các Luật về Blockchain, Bigdata, Cloud, ChatGPT, Chatbot, cập nhật các luật về Công nghệ mới, liên kết với các hãng truyền thông lớn trên thế giới, tôn trọng bản quyền về thông tin, chương trình, bài viết, hình ảnh, đồ họa, âm thanh, video, phóng sự.

Chế độ đãi ngộ cần nâng cao chế độ đãi ngộ, khu vực công ngang bằng với khu vực tư. Khen thưởng, động viên, khuyến khích những cán bộ, công chức, viên chức, các nhà báo, các phóng viên, biên tập viên ngành báo chí truyền thông. Họ đang từng ngày, từng giờ hy sinh thầm lặng đóng góp cho đất nước, quốc gia dân tộc. Để thu hút được nhân tài, cần có chế độ đãi ngộ thực sự cân đối với giá trị sức lao động và có khả năng tích lũy.

Để đồng bộ hóa từ đường lối, cương lĩnh, chính sách đến tổ chức bộ máy, xây dựng và thực thi pháp luật, thêm một sự đổi mới từ quá trình đào tạo mở rộng phạm vi truyền thông số. Vậy nên có thể đổi tên “Học viện Báo chí tuyên truyền” thành “Học viện Báo chí truyền thông”. Tên gọi thực ra cũng cần phù hợp với xu thế hiện đại, truyền thông số hóa và cũng hàm chứa được giá trị truyền thống dân tộc.

Lời kết

Nhìn vào lịch sử để nhận thức rõ hơn về hiện tại, kế thừa truyền thống cha ông, xây dựng, củng cố nền báo chí truyền thông Việt Nam phát triển trong tương lai đi cùng thời đại, theo nguyên tắc: dân tộc, khoa học và đại chúng. Sự nghiệp đó cần rất nhiều công sức, trí tuệ và quyết tâm của các nhà lãnh đạo Nhà nước và Pháp luật Việt Nam./.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

[1] Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb KHXH, 1993, tr. 453, 454.

[2] Minh Mệnh chính yếu, Tập 2, Nxb Thuận Hóa, 1994, tr. 242. [10 điều là: 1. Đôn nhân luân: đề cao đạo đức nhân nghĩa, luân thường; 2. Vụ bản nghiệp: chuyên cần nghề nghiệp; 3. Thượng tiết kiệm: tiết kiệm là thượng sách; 4. Hậu phong tục: phong tục bền vững cho hậu thế; 5. Huấn tử đệ: giáo huấn, dạy bảo anh em, con cháu; 6. Sùng chính học: coi trọng, tôn sùng việc học là chính đạo; 7. Giới dâm thắc: không được gian dối tà dâm; 8.Thận pháp thủ: thận trọng pháp luật là hàng đầu; Quảng thiện hành: mở rộng việc hành thiện. Hành thiện, tích đức hàng ngày, gắng sức tiến đến cõi thiện, tính thiện mới có thể quảng bá âm đức, tự nhiên tai ương không xảy ra, phúc lộc tìm đến hàng ngày, phúc thừa dư sẵn có, phát triển thịnh đại đến vô cùng.

[3] Quốc triều Hình luật, Nxb. Pháp lý, HN, 1991. [Các điều như: 116, 117, 119, 215, 219, 220, 250, 278, 288, 413, 557; Quy định về bảo vệ bí mật nhà nước; tuyên truyền ý đức của vua; để lọt tin tức an ninh biên ải; bói toán, tuyên truyền, nói việc tốt xấu; tuyên truyền, xúi giục, phao tin đồn nhảm; quản lý việc in ấn sách Phật Lão, lưu hành sách cấm.

[4] Hoàng Việt luật lệ, Tập 2,3, Nxb. Văn hóa Thông tin, 1996. [Các điều 59: giảng đọc Luật lệnh; 65,69: văn thư, lưu trữ; 75: quản lý Tăng đạo; 147: sách cấm; 158, 159: bói toán, tuyên truyền mê tín; 213-218: trạm dịch, truyền tin; 225: tạo yêu thư, yêu ngôn: bịa đặt, soạn yêu thư lừa bịp lòng người, truyền sâu vào dân chúng với ý đồ chống đối nhà nước, tà đạo gây rối lòng dân, kẻ cầm đầu chém cổ, kẻ tòng phạm trảm giam chờ; 341: phá hư Thân minh đình: phạt 100 trượng, lưu đày 3000 dặm, Điều lệ:“Phàm vâng lệnh vua giáo hóa dân, những sắc dụ vua ban thì quan doanh trấn đốc xuất thuộc viên chép dán lên, khắc vào ván gỗ, kính cẩn treo lên nơi Thân minh đình để dạy dỗ dân chúng”.

[5] Hòa ước 6/6/1884 - Hiệp ước Patenotre, gồm 19 điều khoản, các quy định về sự can dự của Pháp vào Đại Nam.

[6] Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa, Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam, Tập 1,2, 2017 - 2019.

Xin xem thêm Lịch sử báo chí Việt Nam và những nhà báo tiêu biểu.

[8] Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa, Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam, Tập 1, 2017, tr.15 - 25.

[9] “Le Paria”: là từ chỉ thành phần xã hội thấp kém nhất trong xã hội đẳng cấp ở Ấn Độ. Người Paria như nô lệ bị đặt dưới 4 đẳng cấp: Braman, Ksatria, Vaisia, Sudra; chế độ đẳng cấp Varna xác lập sự phân biệt người Aryan thống trị thần quyền với người Dravia là cư dân bản địa. Chế độ đẳng cấp Varna tồn tại rất bền vững trong xã hội Ấn Độ và còn lưu dấu đến tận thời nay.

[10] https://www.baosoctrang.org.vn/chinh-tri/ky-niem-100-nam-ngay-bao-chi-cach-mang-viet-nam-that-bai-ban-trang-trong-va-giau-y-nghia-65015.html

Về kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh đây là sự kiện chính trị nghề nghiệp có ý nghĩa quan trọng của báo chí cách mạng nước ta. Vì vậy, cần phải xây dựng đề án tổ chức các hoạt động kỷ niệm một cách thật bài bản, trang trọng và giàu ý nghĩa; triển khai kế hoạch kỷ niệm với phương châm như Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam, đã nhiều lần khẳng định: “Báo chí là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa”, “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”; thiết thực xây dựng nền báo chí truyền thông ngày càng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại như tinh thần văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

[12] Lịch sử chính phủ Việt Nam, Tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2008, tr. 71.

[13] Viện nghiên cứu quyền con người, Một số văn kiện của Liên hợp quốc về quyền con người trong quản lý tư pháp. Nxb. CAND, 2009, tr. 40. [Freedom of thought: Là một trong những quyền quan trọng được công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị ghi nhận tại Khoản 1 Điều 18].

[14] https://thuvienphapluat.vn/van....

Điều 1. Sắc lệnh này nhằm đảm bảo quyền tự do ngôn luận của nhân dân trên báo chí và ngăn cấm những kẻ lợi dụng quyền ấy để làm phương hại đến công cuộc đấu tranh cho hoà bình, thống nhất, độc lập và dân chủ của nước nhà.

Điều 4. Quyền tự do ngôn luận của nhân dân trên báo chí được bảo đảm. Tất cả các báo chí đều được hưởng quyền tự do ngôn luận. Không phải kiểm duyệt trước khi in; trong trường hợp khẩn cấp, xét cần phải tạm thời đặt kiểm duyệt, hội đồng Chính phủ sẽ quyết định.

Điều 5. Báo chí có thể phản ánh ý kiến, nguyện vọng của nhân dân đối với các cơ quan nhà nước, các đoàn thể nhân dân, góp ý kiến vào việc xây dựng và thực hiện đường lối, chính sách của Chính phủ.

Điều 6. Quyền lợi của những người viết báo chuyên nghiệp sẽ do nghị định của Thủ tướng Chính phủ quy định.

Điều 10. Báo nào đăng bài vu khống, xúc phạm đến danh dự của một tổ chức hay một cá nhân, thì đương sự có quyền yêu cầu báo ấy cải chính hoặc đăng bài cải chính của đương sự, ngoài ra đương sự có quyền yêu cầu toà án xét xử.

Chủ tịch Hồ Chí Minh (Đã ký)

[15]https://vi.wikipedia.org/wiki/Lu%E1%BA%ADt_b%C3%A1o_ch%C3%AD_c%E1%BB%A7a_Vi%E1%BB%87t_Nam_C%E1%BB%99ng_h%C3%B2a

Chương 1: Điều khoản căn bản: Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do báo chí, bảo vệ thuần phong mỹ tục. Báo chí không thể bị đóng cửa nếu không có quyết định của cơ quan Tư pháp.

Chương 2: Xuất bản báo chí: Các cá nhân, thể nhân, pháp nhân có quốc tịch Việt Nam đều được xuất bản báo, họ chỉ cần làm thủ tục khai báo tại Bộ thông tin VNCH, các quy định về chủ bút, chủ nhiệm và các thủ tục về xuất bản.

Chương 3: Quyền hạn và trách vụ của báo chí: bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, các nguồn thông tin hợp pháp; không công bố tư liệu về án từ khi tòa chưa tuyên án; không xâm phạm danh dự các nhân vật cao cấp, nhân viên chính phủ, quy định về các vụ kiện tòa không cho phép đăng tải thông tin.

Chương 4. Phát hành báo chí: Khai báo đầy đủ, phải ký quỹ tại Tổng nha ngân khố là 500.000 đồng.

Chương 5: Hội đồng báo chí: Hội đồng đại diện cho báo giới, mỗi báo ít nhất có 2 người gồm Chủ nhiệm tòa báo và ký giả. Theo luật định: Nhà báo là người nhận thù lao và cộng tác thường xuyên với báo chí. Nhà báo phải có Thẻ hành nghề, do tòa báo cấp và đăng bộ ở Bộ thông tin.

Chương 6: Chế tài hình sự: Quy định mức hình phạt với việc vi phạm mỗi điều khoản trong luật.

Chương 7: Thủ tục truy tố: Theo thủ tục đúng quy trình và phù hợp với các Luật khác.

Chương 8: Điều khoản tổng quát: về thi hành luật.

[18] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Van-ban-hop-nhat-27-VBHN-VPQH-2018-Luat-Bao-chi-410302.aspx. (Xem toàn văn: Luật báo chí hợp nhất 2018 trên thư viện Pháp luật)

[19] Nguyễn Phương Hằng và những ảnh hưởng xã hội truyền thông; Thủy Tiên cứu trợ miền Trung;

[20] Luật Viễn thông sửa đổi, đưa OTT, điện toán đám mây & trung tâm dữ liệu vào dự án luật. Xem thêm, Hà Thị Lan Phương, “Sự kết nối giữa Luật Quốc gia và Luật Quốc tế trong thời đại CMCN 4.0 - Những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra cho nghiên cứu và đào tạo Luật học ở Việt Nam từ góc nhìn lịch sử”. Kỷ yếu Hội thảo KH cấp Bộ, “Những vấn đề lý luận hiện đại về Nhà nước và Pháp luật”- Tiểu ban 1, tr. 251, 259, 265, 269.

[21] https://chatgptvietnam.vn/. Bill Gates: “Chat GPT – Phát minh mang tính bước ngoặt của nhân loại – Thế kỷ công nghệ mới của xã hội loài người đã tới”.

https://nhandan.vn/luat-vien-thong-sua-doi-nen-tang-phat-trien-kinh-te-so-xa-hoi-so-post755793.html

https://vneconomy.vn/sua-luat-vien-thong-de-tao-nen-tang-cho-phat-trien-kinh-te-so-xa-hoi-so.htm

[23] Do thời gian có hạn, Dự án sửa đổi“Luật Báo chí truyền thông 2025” mới là phác họa bước đầu, nếu có điều kiện, tác giả sẽ nghiên cứu thiết kế cụ thể hơn. Mục tiêu để đáp ứng yêu cầu thời đại công nghệ số v Hướng đến kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025).

[24] Đề cương về Văn hóa Việt Nam, 1943, Qua Ninh Vân Đình.

[25] Vương Tấn Việt, Nghĩa vụ con người trong pháp luật Quốc tế và pháp luật Việt Nam, Nxb Thế giới, 2022, tr 90, 91, 96,101, 102, 115, 119, 122, 127,130, 141, 159.161, 183 – Sơ đồ quyền tư hữu và nghĩa vụ thực thi pháp luật.

[26] Ngày 5/6/2023, Chính thức nâng tầm “VTVgo Quốc gia Việt Nam”, một bước phát triển mới của ngành truyền hình VN, dự kiến đến 2024, từ 7 kênh phát triển thêm VTVgo các chương trình của 63 tỉnh thành phố;

[28] Quy định này nhằm hướng đến cấu trúc pháp luật chuyên ngành, chuyên sâu, thống nhất, đồng bộ, dễ hiểu, dễ áp dụng; Đảm bảo liên thông: Nguyên lý, Chính sách, Quy phạm, điều chỉnh, xử lý vi phạm, phục hồi giá trị Pháp luật.

[29] Dunleavy, p., Margetts, H., Bastow, s., &Tinkler, J: New public managementis dead longlive digitalera governance, Journal of Public Administration Research and Theory, 16(3), 2005, pp. 467- 494.

[30] Narathip Sriram, Chaleomphong Misomnai, Jirawat Metasuttirat, Chamnian Rajphaetyakhom: A comparative analysis ofnew public management new public service and new public governance, Asian Political Science Review, 3(2)- 2019, pp. 32 - 39.

[31] Lê Ngọc Hùng, Cải cách hành chính công: từ mô hình truyền thống đến mô hình hậu quản lý công mới, Tạp chí Lý luận chính trị, Số 535, 6/2022, tr.128 -136.

[32] https://vtv.vn/truyen-hinh/vtv...

VTVgo Quốc gia 5.6.2023, hiện có 7 kênh chính yếu, dự kiến mở rộng đưa 63 kênh lên hệ thống thông minh, bảo đảm và bảo vệ chủ quyền, an ninh trên không gian số.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Văn kiện đại hội Đảng XIII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021.
2. Hiến pháp 1946.
3. Hiến pháp 2013.
4. Luật Báo chí 2016.
5. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, 1993.
6. Đề cương về Văn hóa Việt Nam, Trung ương,1943, Văn kiện Đảng Toàn tập.
7. Dunleavy, p., Margetts, H., Bastow, s., &Tinkler, J: New public managementis dead longlive digitalera governance, Journal of Public Administration Research and Theory, 16(3), 2005.
8. Hoàng Việt luật lệ, Tập 2,3, Nxb. Văn hóa thông tin, 1996.
9. Lê Ngọc Hùng, Cải cách hành chính công: từ mô hình truyền thống đến mô hình hậu quản lý công mới, Tạp chí Lý luận chính trị, Số 535, tháng 6/2022.
10. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học cấp Bộ, Đại học Quốc gia Hà Nội - Đại học Luật Hà Nội, “Những vấn đề lý luận hiện đại về Nhà nước và Pháp luật”- Tiểu ban 1.
11. Lịch sử chính phủ Việt Nam, Tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2008.
12. Minh Mệnh chính yếu, Tập 2, Nxb. Thuận Hóa, 1994,
13. Narathip Sriram, Chaleomphong Misomnai, Jirawat Metasuttirat, Chamnian Rajphaetyakhom: A comparative analysis ofnew public management new public service and new public governance, Asian Political Science Review, 3(2)- 2019.
14. Quốc triều Hình luật, Nxb. Pháp lý, Hà Nội, 1991.
15. Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa, Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam, Tập 1,2, 2017 - 2019.
16. Vương Tấn Việt, Nghĩa vụ con người trong pháp luật Quốc tế và pháp luật Việt Nam, Nxb. Thế giới, 2022.
17. Viện nghiên cứu quyền con người, Một số văn kiện của Liên hợp quốc về quyền con người trong quản lý tư pháp. Nxb. Công an nhân dân, 2009.
18. Các tài liệu trên Internet.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Luật báo chí truyền thông: Lịch sử - hiện tại và tương lai trong thời đại khoa học công nghệ thông tin kết nối toàn cầu
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO