Chính sách và chiến lược phát triển

Luật Báo chí năm 2016: Bước phát triển và sự cần thiết phải bổ sung, hoàn thiện

TS. Nguyễn Thị Thúy Hằng 01/04/2024 01:20

Trải qua 7 năm áp dụng thực tiễn, Luật Báo chí 2016 đã thể hiện những bất cập nhất định. Bộ Thông tin và Truyền thông đã nghiên cứu, rà soát Luật Báo chí năm 2016 và “thực hiện rà soát tổng số 128 văn bản có liên quan (bao gồm 41 luật, 58 nghị định, 27 thông tư và 02 thông tư liên tịch văn bản quy phạm pháp luật) và đã phát hiện ra 8 nhóm vấn đề với 27 nội dung có quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp với thực tiễn báo chí”.

Tóm tắt: Luật Báo chí được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp số 11 thông qua ngày 5-4-2016 là một thành tựu trong quá trình hình thành, phát triển luật báo chí ở Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, trải qua 7 năm áp dụng thực tiễn, Luật Báo chí 2016 đã thể hiện những bất cập nhất định. Bộ Thông tin và Truyền thông đã nghiên cứu, rà soát Luật Báo chí năm 2016 và “thực hiện rà soát tổng số 128 văn bản có liên quan (bao gồm 41 luật, 58 nghị định, 27 thông tư và 02 thông tư liên tịch văn bản quy phạm pháp luật) và đã phát hiện ra 8 nhóm vấn đề với 27 nội dung có quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp với thực tiễn báo chí” (Hồ Hồng Hải, 2022). Trong bài viết nhỏ này, tác giả tập trung làm rõ những bước phát triển của Luật Báo chí 2016 trong quá trình hình thành, phát triển luật báo chí ở Việt Nam. Đồng thời, bài viết phân tích một số điểm cần bổ sung, hoàn thiện để đáp ứng điều kiện thực tiễn của hoạt động báo chí. Phương pháp được sử dụng chủ yếu là phương pháp nghiên cứu tài liệu, phương pháp so sánh-lịch sử và phương pháp quan sát tham dự.

1. Luật Báo chí năm 2016 - Bước phát triển trong quá trình hình, phát triển luật báo chí ở Việt Nam

Sắc lệnh đầu tiên về báo chí: Sắc lệnh số 41 ngày 29-3-1946

Trong suốt quá trình thống trị Việt Nam, thực dân Pháp đã áp dụng một chế độ báo chí hà khắc với sự kiểm duyệt gắt gao, nhân dân Việt Nam không có quyền tự do báo chí. Vậy nên, vừa giành được độc lập, trong những ngày đầu của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến hoạt động báo chí. Ngày 29-3-1946, Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 41 quy định về chế độ báo chí. Sắc lệnh gồm 14 điều, trong đó khẳng định những nội dung cơ bản: Các báo hàng ngày, hoặc ấn hành theo thời hạn nhất định được xuất bản 48 giờ sau khi đã khai với Ủy ban hành chính kỳ. Mỗi tờ báo phải có một người quản lý phụ trách. Các bài báo sẽ được ấn hành sau khi Ty Kiểm duyệt cấp kỳ đã duyệt. Nếu bài báo bị Ty Kiểm duyệt bỏ thì chủ nhiệm hoặc quản lý tòa báo có thể gửi đơn khiếu nại lên Hội đồng Kiểm duyệt. Hôi đồng Kiểm duyệt đặt tại Bộ Nội vụ, gồm có năm hội viên do Bộ trưởng Bộ Nội vụ cử ra. Sắc lệnh cũng nêu rõ nhiệm vụ của Hội đồng Kiểm duyệt. Trong bối cảnh đất nước vừa giành được độc lập, Chính phủ sớm có một sắc lệnh về báo chí đã thể hiện sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đối với lĩnh vực này. Sự kiểm duyệt đối với hoạt động báo chí lúc này cũng là điều cần thiết trong bối cảnh thù trong, giặc ngoài, đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”. Sắc lệnh mới đã định hướng hoạt động báo chí, góp phần giữ vững độc lập và đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi năm 1954.

Sắc lệnh số 282-SL năm 1956 kèm theo Luật về chế độ báo chí

Ngày 14-12-1956, Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký sắc lệnh số 282/SL kèm theo Luật về chế độ báo chí. Ngay sau đó, Sắc lệnh 282/SL nói trên đã được trình ra Quốc hội để thảo luận từ ngày 29-12-1956 đến 26-4-1957 tại Hà Nội. Sắc lệnh sau khi được Quốc hội chuẩn y và Chủ tịch nước ban bố ngày 20-5-1957 đã trở thành sắc luật có giá trị một đạo luật của Nhà nước. “Việc Quốc hội thông qua Luật về chế độ báo chí lúc này cho thấy báo chí có tầm quan trọng đặc biệt, Nhà nước tạo hành lang pháp lý cho báo chí hoạt động và phát triển” (Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa, 2019, tr. 311). Bởi do hoàn cảnh đất nước chiến tranh, ngoài bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946, trong hơn 10 năm kể từ 1946-1956, Quốc hội chỉ mới thông qua được Luật Lao động (tháng 11-1946) và Luật Cải cách ruộng đất (tháng 12-1953).

Luật về chế độ báo chí số 100-SL/L.002 ngày 20-5-1957 gồm có 3 chương, 19 điều. Chương 1 khẳng định tính chất và nghĩa vụ của báo chí. Chương 2 quy định về quyền lợi và hoạt động của báo chí. Chương 3 về điều khoản thi hành. Mục đích của đạo luật đã được nhấn mạnh “nhằm đảm bảo quyền tự do ngôn luận của nhân dân trên báo chí và ngăn cấm hành vi lợi dụng quyền ấy để làm phương hại đến công cuộc đấu tranh cho hòa bình, thống nhất. độc lập và dân chủ của nước nhà” (Điều 1). “Báo chí dưới chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bất kỳ là của một cơ quan chính quyền, đảng phái chính trị, đoàn thể nhân dân hoặc của tư nhân cũng đều là công cụ đấu tranh của nhân dân, phải phục vụ quyền lợi của Tổ quốc, của nhân dân, bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, ủng hộ chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” (Điều 2).

Luật về chế độ báo chí số 100-SL/L.002 ngày 20-5-1957 đã có những bước phát triển mới so với Sắc lệnh năm 1946, đặc biệt là việc nhấn mạnh quyền tự do ngôn luận, không phải kiểm duyệt trước khi in. Vai trò của báo chí trong việc phản ánh ý kiến, nguyện vọng của nhân dân đối với các cơ quan nhà nước, các đoàn thể nhân dân, góp ý kiến vào việc xây dựng và thực hiện đường lối, chính sách của Chính phủ cũng đã được khẳng định. Luật về chế độ báo chí năm 1957 đã góp phần vào việc định hướng hoạt động báo chí, góp phần vào công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, cách mạng dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, thực tiễn đã trải qua nhiều thời kỳ, với nhiều biến đổi sâu sắc, vì vậy về phương diện quản lý nhà nước, Luật Báo chí 1957 đã không còn phù hợp với yêu cầu thực tế. Trước những đòi hỏi của thực tiễn, nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã lần lượt ban hành Luật Báo chí ngày 28-12-1989, Luật ngày 12-6-1999 sửa đổi một số điều của Luật Báo chí năm 1989 và Luật Báo chí ngày 5-4-2016,

Luật Báo chí ngày 28-12-1989 được Quốc hội Khóa VIII, kỳ họp thứ sáu thông qua ngày 28-12-1989, gồm 7 chương, 31 điều. Trong đó, những nội dung chủ yếu bao gồm: Những quy định chung; Quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; Nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí; Tổ chức báo chí và nhà báo; Quản lý nhà nước về báo chí; Khen thưởng và xử lý vi phạm; Điều khoản cuối cùng. Nói chung “Luật Báo chí năm 1989 đã xác định rõ tính chất xã hội chủ nghĩa của chế độ báo chí, sự kế thừa liên tục của chế độ báo chí cách mạng, đồng thời phản ánh những thay đổi trong đời sống kinh tế xã hội ở Việt Nam ở thời điểm sau gần 30 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1960-1989) và hơn 10 năm (1976-1989) trong phạm vi cả nước, hướng đến xây dựng cương lĩnh cho báo chí cách mạng Việt Nam những năm tiếp theo (Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa, 2019, tr.338).

Luật Báo chí được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 12/1999/QH10 ngày 12-6-1999

Sự phát triển không ngừng của đất nước đã buộc Luật Báo chí phải bổ sung, hoàn thiện để đáp ứng với thực tiễn. Thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 17-10-1997 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý công tác báo chí, xuất bản, Nhà nước đã ban hành Luật ngày 12-6-1999 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 1989. Luật Báo chí được bổ sung, sửa đổi năm 1999 gồm có 36 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-9-1999. Luật Báo chí mới đã kịp thời luật hóa một số nội dung mới trong hoạt động báo chí như quy định thêm loại hình báo chí mới (báo điện tử), mở rộng nhiệm vụ báo chí (“Góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, tiếng các dân tộc thiểu số Việt Nam”- Điều 6); quy định rõ hơn về việc cải chính trên báo chí; bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chủ quản báo chí; nhà báo có nghĩa vụ cải chỉnh, xin lỗi và bồi thường thiệt hai; nêu rõ quyền và nghĩa vụ của nhà báo; bổ sung, nêu rõ nội dung quản lý nhà nước về bào chí; quy định bổ sung về cơ quan đại diện, cơ quản thường trú của cơ quan báo chí; quy định cơ quan chủ quản phải chịu trách nhiệm đối với sai phạm của cơ quan báo chí, v.v.. Như vậy, Luật số 12/1999/QH10 ngày 12-6-1999 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 1989 đã góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi hơn cho báo chí hoạt động.

Luật Báo chí năm 2016

Luật Báo chí năm 2016 đã ra đời sau hơn 10 năm chuẩn bị, với các văn bản chỉ đạo của Đảng từ năm 2006 nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển của báo chí và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về báo chí. Luật Báo chí năm 2016 gồm có 6 chương, 61 điều, trong đó 32 điều được xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật số 12/1999/QH10 ngày 12-6-1999. Luật Báo chí năm 2016 là một bước phát triển trong quá trình hình thành, phát triển luật báo chí ở Việt Nam với những điểm mới căn bản so với các luật trước đó, thể hiện cụ thể như sau:

Thứ nhất, quy định chi tiết về quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Cả Luật Báo chí năm 1989 và Luật Báo chí sửa đổi, bổ sung năm 1999 đều đã nêu khái niệm về hai quyền tự do này nhưng chưa xác định rõ nội dung từng quyền, nay Luật Báo chí 2016 đã quy định rõ ở Điều 10 và Điều 11.

Thứ hai, bổ sung những hành vi bị cấm thông tin trên báo chí. Một số hành vi bị cấm được bổ sung cụ thể như: Thông tin quy kết tội danh khi chưa bản án của tòa án (khoản 8 Điều 9); Thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em (khoản 9 Điều 9); Thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng (khoản 6 Điều 9), v.v..

Thứ ba, luật hóa việc tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp thành một nghĩa vụ pháp lý đối với nhà báo. Luật Báo chí năm 2016 đã bổ sung thêm một nghĩa vụ mới ngoài 5 nghĩa vụ được nêu Luật sửa đổi, bổ sung năm 1999 là “Tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo” (điểm e khoản 3 Điều 25). Kể từ ngày 01-01-2017, Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo mang tính pháp lý bắt buộc, vì vậy nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp sẽ bị chế tài theo quy định của pháp luật, bị thu hồi thẻ nhà báo.

Thứ tư, bổ sung đối tượng được thành lập cơ quan báo chí. Luật Báo chí năm 1989 quy định “Báo chí là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội” (Điều 1). Luật Báo chí 2016 quy định cụ thể hơn: “Cơ quan của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo từ cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên, hoạt động hợp pháp theo quy định pháp luật Việt Nam được thành lập cơ quan báo chí” (khoản 1 Điều 14); bổ sung các đối tượng được thành lập tạp chí khoa học (khoản 2 Điều 14).

Thứ năm, thay đổi thời gian liên quan đến giấy phép hoạt động báo chí. Thời gian cấp giấy phép (“trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động báo chí; trường hợp từ chối cấp phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do”, khoản 2 Điều 18), thời gian thành lập cơ quan báo chí, thời gian chuẩn bị tạm ngừng hoặc chấm dứt hoạt động đều được Luật Báo chí năm 2016 quy định cụ thể.

Thứ sáu, luật hóa việc cấp, đổi, thu hồi thẻ nhà báo. Luật Báo chí năm 2016 đã dành trọn 4 điều của Mục 4 quy định cụ thể những vấn đề liên quan về thẻ nhà báo. Thẻ nhà báo có giá trị xác định: “Nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo” (khoản 1 Điều 25); mở rộng đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn được cấp thẻ nhà báo, đồng thời bổ sung quy định mới: “Người được cấp thẻ nhà báo bị thu hồi thẻ nhà báo trong trường hợp vi phạm quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo” (khoản 6 Điều 28).

Thứ bảy, luật hóa, mở rộng việc liên kết trong hoạt động báo chí. Cụ thể, Luật Báo chí năm 2016 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Đối tượng liên kết, lĩnh vực liên kết, nội dung chương trình liên kết, thời lượng liên kết đều được mở rộng (Điều 37).

Thứ tám, quy định đầy đủ, chi tiết hơn việc cải chính, xin lỗi. Luật Báo chí năm 2016 đã kế thừa các quy tắc được thực hiện từ trước đến nay, đồng thời quy định lại và bổ sung một số điểm mới về cải chính như nghĩa vụ cải chính, xin lỗi; cách thức đăng, phát thông tin cải chính, xin lỗi; nội dung cải chính, xin lỗi; thời gian cải chính, xin lỗi. Ví dụ, Luật Báo chí năm 2016 nêu rõ: “Cơ quan báo chí thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức; danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phải đăng, phát lời cải chính, xin lỗi trên báo chí và thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đó” (khoản 1 Điều 42). Đồng thời Luật Báo chí 2016 bỏ quy định về việc khi cơ quan báo chí đã cải chính, xin lỗi theo đúng luật báo chí rồi thì người bị xúc phạm không có quyền khởi kiện tại Tòa án nữa như các quy định tại các luật báo chí trước đây, dễ dẫn đến việc hiểu lầm.

Thứ chín, mở rộng hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế trong hoạt động báo chí. Cụ thể những điều luật liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu báo in (Điều 54), hoạt động hợp tác của cơ quan báo chí Việt Nam với nước ngoài (Điều 55) và hoạt động báo chí của báo chí nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam (Điều 56) đều được quy định chi tiết. Với sự hỗ trợ về phương diện pháp lý, cơ quan báo chí Việt Nam ngày càng chủ động, phát huy các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế.

Như vậy, có thể thấy, Luật Báo chí năm 2016 đã có những bước phát triển vượt bậc so với các bộ luật báo chí trước đây, vừa kế thừa hoạt động truyền thống của báo chí cách mạng, đồng thời phát triển báo chí Việt Nam trong điều kiện đổi mới, hội nhập quốc tế.

2. Sự cần thiết sửa đổi, hoàn thiện Luật Báo chí năm 2016

Luật Báo chí năm 2016 đã thể hiện rõ một bước phát triển so với các bộ luật báo chí trước đây, và về cơ bản đã đảm bảo hiệu lực trong quản lý, điều hành các hoạt động báo chí, tạo hành lang pháp lý cho báo chí phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh đó Luật Báo chí năm 2016 vẫn còn có những bất cập, cần tiếp tục được sửa đổi, hoàn thiện. Bài viết nhỏ này chỉ tập trung vào một số khía cạnh mà Luật Báo chí năm 2019 cần chỉnh sửa để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Thứ nhất, quy định về báo in, tạp chí in, báo điện tử và tạp chí điện tử. Khoản 15 Điều 3 quy định “Tạp chí điện tử là sản phẩm báo chí xuất bản định kỳ, đăng tin, bài có tính chất chuyên ngành, được truyền dẫn trên môi trường mạng”. Với định nghĩa này, chưa có sự phân biệt giữa báo và tạp chí điện tử, gây khó khăn trong công tác quản lý. Luật cũng chưa quy định về báo in và tạp chí in, gây lúng túng cho cơ quan báo chí khi thực hiện. Việc Luật Báo chí năm 2016 quy định “báo in là…, gồm báo in và tạp chí in”, “Báo điện tử là…, gồm báo điện tử và tạp chí điện tử” dễ gây nhầm lẫn, nên chăng ghi rõ báo chí in, báo chí điện tử để rõ ràng hơn.

Thứ hai, quy định về đối tượng thành lập cơ quan báo chí. Khoản 2 Điều 14 quy định: “Cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật Giáo dục đại học; tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đươc tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ; bệnh viện cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên được thành lập tạp chí khoa học”. Tuy nhiên, việc thành lập các viện còn dễ dãi, chưa đảm bảo điều kiện nghiên cứu khoa học, có những viện được lập ra chỉ để có tạp chí. Vì vậy, cần có quy định cụ thể về đối tượng được thành lập tạp chí khoa học và tạp chí chuyên về giải trí.

Thứ ba, quy định về văn phòng đại diện, phóng viên thường trú. Khoản 2 Điều 22 quy định “Phóng viên thường trú hoạt động độc lập phải có thẻ nhà báo được cấp tại cơ quan báo chí cử phóng viên thường trú”, Tuy nhiên, trên thực tế ở nhiều văn phòng đại diện chỉ có trưởng văn phòng có thẻ nhà báo, còn các phóng viên còn lại không có, hoặc thậm chí có cơ quan báo chí đưa nhân viên hợp đồng làm nhân sự tại văn phòng đại diện ở địa phương. Vì vậy, “nhiều địa phương cho rằng cần sửa đổi, bổ sung quy định Điều 22 về văn phòng đại diện, phóng viên thường trú cho chặt chẽ hơn” (Nguyễn Thị Trường Giang chủ biên, 2020, tr.88). Luật Báo chí năm 2016 cũng chưa quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cộng tác viên, trong khi đây là đội ngũ đông đảo ở các địa phương.

Thứ tư, quy định về việc bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí. Khoản 2 Điều 23 quy định người đứng đầu cơ quan báo chí phải “Có thẻ nhà báo còn hiệu lực. Người đứng đầu cơ quan báo chí thuộc các tổ chức tôn giáo, tạp chí khoa học không áp dụng tiêu chuẩn này”. Tuy nhiên, trong thực tế ở nhiều địa phương, nhiều bộ, ngành bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí không theo tiêu chuẩn này, nhất là các cơ quan báo chí địa phương. Việc bổ nhiệm người không có chuyên môn báo chí, chưa có thẻ nhà báo, làm Tổng biên tập, người đứng đầu cơ quan báo chí khiến cho người làm báo và công chúng sụt giảm niềm tin vào việc thực thi pháp luật. Cần quy định rõ chế tài xử phạt nếu vi phạm quy định này.

Thứ năm, về quyền và nghĩa vụ của nhà báo.

Khoản 1 Điều 25 quy định: “Nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo” chưa bao quát hết các đối tượng đang thực hiện nghiệp vụ trong cơ quan báo chí. Điều 25, khoản 2, điểm c ghi quyền của nhà báo là” “Được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo”. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều cơ quan, tổ chức yêu cầu nhà báo phải có thư giới thiệu hoặc giấy mời mới làm việc. Hoặc các cơ quan, tổ chức ở Trung ương, địa phương căn cứ vào tôn chỉ, mục đích của các tờ báo để lấy cớ từ chối tiếp nhà báo. Điều này gây khó khăn đối với quá trình tác nghiệp của nhà báo. Mặt khác, có những nhà báo lại dựa vào quy định này để đòi hỏi những điều trái với công việc của họ. Như vậy, Điều 25 cần được quy định cụ thể và chặt chẽ hơn.

Thứ sáu, điều kiện, quy định được cấp thẻ nhà báo. Ngoài thẻ nhà báo, Luật Báo chí năm 2016 không quy định về bất cứ thẻ nào trong hoạt động tác nghiệp của cơ quan báo chí. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều phóng viên, cộng tác viên của các cơ quan báo chí tác nghiệp bằng các loại thẻ khác nhau, dễ gây nhầm lẫn với thẻ nhà báo, Cần có chế tài để xử lý vi phạm này. Đồng thời, việc những phóng viên chưa đủ điều kiện được cấp thẻ nhà báo được cấp giấy giới thiệu theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông cần được quy định cụ thể trong Luật Báo chí.

Thứ bảy, quy định về cải chính trên báo chí. Điều 42 về cải chính trên báo chí quy định: “Khi có văn bản kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về vụ việc mà báo chí đã đăng, phát là sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì cơ quan báo chí phải đăng, phát phần nội dung kết luận đó và nội dung cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả tác phẩm báo chí”. Tuy nhiên, Luật Báo chí năm 2016 chưa quy định cụ thể về việc gửi văn bản kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đến cơ quan báo chí để thực hiện cải chính theo quy định. Trên thực tế có nhiều trường hợp cải chính không đúng quy định nhưng chưa có chế tài để xử lý cụ thể.

Ngoài ra, những vấn đề về công nghệ truyền thông mới như chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, báo chí dữ liệu,... chưa được đưa vào trong Luật Báo chí năm 2016, đòi hỏi luật báo chí mới cần bổ sung thêm nhiều nội dung thông tin.

Có thể kết luận Luật Báo chí năm 2016 mặc dù đạt được những thành tự quan trọng, là một bước phát triển trong quá trình hoàn thiện luật báo chí ở Việt Nam, song, thực tế vẫn còn tồn tại những bất cập. Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi, hoàn thiện Luật Báo chí năm 2016 nhằm khắc phục những tồn tại nêu trên, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh mẽ của báo chí trong bối cảnh mới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Thị Trường Giang (chủ biên) (2020): Pháp luật và đạo đức báo chí. Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
  2. Hồ Hồng Hải (2022), Kết quả nghiên cứu, rà soát Luật Báo chí 2016. Kết quả nghiên cứu, rà soát Luật Báo chí năm 2016 (mic.gov.vn). Truy cập 02/6/2022.
  3. Luật Báo chí (2016), Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  4. Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa (2019), Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam (tập II): Sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay. Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Luật Báo chí năm 2016: Bước phát triển và sự cần thiết phải bổ sung, hoàn thiện
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO