Tài liệu tiếng Việt

Hội thảo Kinh tế báo chí truyền thông việt nam Trong bối cảnh phát triển kinh tế số

SJC 13/06/2024 13:31

Ngày 14/6/2024 tại Khách sạn Quân đội (Army), số 1A Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn tổ chức Hội thảo “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số”. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi sự kiện thường niên mang tên “DIỄN ĐÀN BÁO CHÍ THÁNG SÁU” do Tạp chí Thông tin và Truyền thông, Báo Vietnamnet (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) đồng chủ trì tổ chức.

“Diễn đàn báo chí tháng Sáu” lần thứ ba (năm 2024) là Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số” được tổ chức trong 1 ngày làm việc, với 3 phiên họp, thảo luận.
+ Phiên toàn thể: Nhận diện bức tranh kinh tế báo chí báo chí Việt Nam.
+ Phiên thảo luận chuyên đề: Đổi mới cơ chế quản lý để phát triển kinh tế báo chí truyền thông số.
+ Phiên thảo luận chuyên đề: Bài toán kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam, những gợi mở và kết nối ý tưởng.
Các phiên thảo luận nhằm làm rõ những vấn đề sau:
+ Những thành công, hạn chế, những vấn đề bất cập trong kinh tế báo chí tại Việt Nam.
+ Những mô hình, ý tưởng, cơ chế phát triển kinh tế báo chí, đúc kết từ những bài học kinh nghiệm quốc tế và những bước tiến mới tại Việt Nam.
+ Phân tích về những dự báo, vấn đề cần quan tâm chú trọng trong hoạt động kinh tế báo chí truyền thông trong bối cảnh phát triển kinh tế số trong thời gian tới.
+ Sự đồng hành của hệ thống cơ sở đào tạo báo chí truyền thông trong lĩnh vực kinh tế báo chí nói riêng cũng như trong sự phát triển bền vững lâu dài của báo chí Việt Nam.
Hội thảo đã nhận được hơn 50 tham luận của các học giả hàng đầu về kinh tế và báo chí, truyền thông đến từ Việt Nam và nhiều nước trên thế giới như Đức, Áo, Trung Quốc, Thái Lan, Malaixia…, chuyên gia đến từ các tập đoàn Google, Viettel, VieOn, Le Bross… Các tham luận và ý kiến đã tiếp cận phong phú theo nhiều góc độ, nhiều chiều cạnh về vấn đề kinh tế báo chí truyền thông trong bối cảnh kinh tế số.
Dự và phát biểu tại Hội thảo có các vị lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, các cơ quan của Ban Tuyên giáo TW, Văn phòng Quốc hội, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính; các đại biểu, chuyên gia đến từ nhiều cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trực tiếp tới hoạt động báo chí truyền thông. Lãnh đạo của các cơ quan báo chí truyền thông trung ương và địa phương toàn quốc.
Theo PGS.TS Bùi Chí Trung, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông: “Việc phát triển kinh tế báo chí truyền thông không chỉ cần nhìn từ góc độ một vài trường hợp cụ thể, từ riêng một lĩnh vực hay loại hình riêng biệt mà cần được nhìn nhận ở quy mô tổng thể, chiến lược và toàn diện của hệ thống báo chí quốc gia, gắn với bối cảnh phát triển kinh tế số mạnh mẽ hiện nay. Từ đó có bước phát triển đột phá nhằm thực hiện tốt vai trò, chức năng báo chí cách mạng, của hệ thống truyền thông Việt Nam chuyên nghiệp và nhân văn”.
Hội thảo được sự đồng hành của: Tập đoàn TH, Tập đoàn GELEX, Tập đoàn Viettel./.
Liên hệ:
- PGS.TS Bùi Chí Trung, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông. Email: buichitrung@ussh.edu.vn; ĐT: 0904169899.
- Nhà báo Trần Anh Tú, Phó TBT Tạp chí Thông tin và Truyền thông. Email: tuta@gmail.com; ĐT: 0913309593.

Báo chí muốn phát triển thì cần không gian mới, cần lực lượng sản xuất mới, cần nguồn lực sản xuất mới, cần yếu tố sản xuất mới và cần động lực mới. Không gian mới là không gian số. Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số. Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số. Bởi vậy, đầu tư vào công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số và đổi mới sáng tạo số sẽ là đầu tư vì tương lai của báo chí.

Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

(Phát biểu tại diễn đàn Báo chí toàn quốc diễn ra chiều ngày 15/3 trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc năm 2024, tổ chức tại TP. HCM).

Mỗi cơ quan báo chí hãy tìm ra phân khúc, phần sức mạnh của mình, để tạo ra mô hình kinh doanh phù hợp. Nhìn chung không có cái mô hình kinh doanh nào là đúng với tất cả mọi cơ quan báo chí, nhưng mà nếu biết tận dụng cái phân khúc của mình thì sẽ rất hiệu quả. Báo chí nên quay trở lại với cái bản chất ban đầu đó là phải xây dựng mối quan hệ trực tiếp với độc giả, phải gắn bó với họ, phải hiểu họ là ai để đưa ra những nội dung phù hợp.
Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam
phát biểu tại Hội thảo chuyên đề "Tương lai của Báo chí và trí tuệ nhân tạo" tổ chức ngày 13/3/2024 tại Hà Nội

Sự khác biệt về môi trường chính trị - xã hội khiến chúng ta không thể “bê” nguyên xi các lý thuyết của thế giới để áp dụng vào việc điều hành, tổ chức, quản lý hoạt động kinh tế báo chí ở Việt Nam.
Trong quá trình chuyển đổi số, bên cạnh việc hỗ trợ cho các cơ quan báo chí, Chính phủ cần nghiên cứu tổng thể về kinh tế báo chí trong bối cảnh truyền thông số, đồng thời, xây dựng các nền tảng số Việt Nam, để Việt Nam không bị lệ thuộc hoàn toàn vào các nền tảng số sẵn có của nước ngoài.
PGS.TS. Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng trường Đại học KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hội thảo Kinh tế báo chí truyền thông việt nam Trong bối cảnh phát triển kinh tế số
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO