Chính sách và chiến lược phát triển

Hành lang pháp lý trong quản lý báo chí ở một số quốc gia và gợi mở cho Việt Nam

TS Trần Quang Diệu 31/03/2024 23:19

Trong xu thế của công nghệ số và chuyển đổi số hiện nay, sự khác nhau về chính sách quản lý truyền thông đại chúng ở các quốc gia được căn cứ từ chính hệ thống luật pháp quản lý nội dung thông tin trên báo chí ở mỗi nước.

1. Quản lý báo chí ở một số quốc gia trên thế giới

Trên thế giới, ở hầu hết các quốc gia luôn có những hệ thống tư tưởng chính trị chi phối báo chí ở các cách thức khác nhau. Thực tế cho thấy, báo chí của một quốc gia đều thể hiện hình thức và đặc thù của cấu trúc xã hội cũng như thể chế chính trị của quốc gia đó. Bên cạnh đó, mối quan hệ của cá nhân và các định chế xã hội đều được báo chí phản ánh. Vấn đề quản lý báo chí truyền thông đều được các quốc gia quan tâm, nghiên cứu. Ở một số nước, các hiệp hội nghề nghiệp và quy tắc báo chí được đề cao trong quản lý báo chí; tuy nhiên, vai trò quản lý của Nhà nước cũng ngày càng được tăng cường. Một ví dụ cụ thể là Thụy Điển sử dụng các đạo luật về quyền tự do báo chí nhưng thực tế thì lại sử dụng các quy tắc đạo đức để điều chỉnh hành vi của các phóng viên, biên tập viên và người quản lý các cơ quan báo chí truyền thông như Luật Tự do báo chí năm 1949 của Thụy Điển quy định cấm mọi hình thức kiểm duyệt trước khi xuất bản; tạp chí xuất bản từ 4 lần một năm trở lên phải có biên tập viên và người này phải chịu hoàn toàn trách nhiệm pháp lý về nội dụng ấn phẩm. Nguyên tắc cơ bản nhất của Luật Tự do báo chí Thụy Điển là báo chí có quyền tự do cao nhất để thực hiện hữu hiệu nhất chức năng của nó trong xã hội.

Bên cạnh đó, theo Hiến pháp nước Mỹ thì Chính phủ không quản lý hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng các doanh nghiệp tư nhân quản lý để đảm bảo quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí. Tuy nhiên, các nhà báo phải tuân theo Quy tắc Báo chí (ban hành bởi Hội các Chủ bút nước Mỹ) và Quy tắc về Vô tuyến truyền hình. Quy tắc Báo chí ở Mỹ dựa trên lý thuyết trách nhiệm xã hội của báo chí truyền thông là các yêu cầu đối với hoạt động nghề nghiệp, bao gồm: 1/ Sự trách nhiệm; 2/ Tự do báo chí; 3/ Sự độc lập; 4/ Tính chính xác và sự thật; 5/ Sự vô tư; 6/ Bảo đảm tôn trọng thanh danh; 7/ Giữ thuần phong, mỹ tục [1].

Đối với Nhật Bản thì chính phủ Nhật không có cơ quan chức năng quản lý báo chí, tuy nhiên Hiệp hội báo chí Nhật Bản thực hiện chức năng giám sát báo chí truyền thông. Hội đồng báo chí quốc gia của Nhật Bản gồm thành viên là những nhà báo có uy tin, có vai trò giám sát, hướng dẫn nếu có cơ quan báo chí hay nhà báo vi phạm đạo đức nhà báo. Hoạt động báo chí ở Nhật Bản được xây dựng trên cơ sở đạo đức báo chí, theo đó, các phóng viên báo chí phải tôn trọng sự thật khách quan, tự chịu trách nhiệm đối với thông tin cung cấp ở các cơ quan báo chí.

Đối với Singapore, theo nghiên cứu của một số học giả, Bộ Truyền thông và Thông tin, Singapore là đơn vị quản lý nội dung đối với cơ quan báo chí và các nhà cung cấp thông tin trên internet, theo đó, Singapore quản lý chặt chẽ báo chí trong đó quy định các thông tin gây ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh quốc gia, sự ổn định và thông tin gây ảnh hưởng không tốt tới chỉnh phủ và xã hội sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Từ tháng 6 năm 2013, những trang thông tin đưa tin định kỳ về Singapore phải đăng ký để được cấp phép hoạt động và tuân thủ hướng dẫn về hoạt động cung cấp thông tin trên internet[2]. Việc làm này nhằm mục đích xây dựng các cơ quan báo chí truyền thông phải cung cấp thông tin chính xác, khách quan, có trách nhiệm, tôn trọng thể chế nhà nước trên cơ sở của pháp luật.

Qua nghiên cứu về mô hình quản lý nội dung thông tin trên báo chí của một số nước trên thế giới cho thấy một đặc điểm chung, đó là các chính thể của các quốc gia có thể chế chính trị, điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ dân trí khác nhau nhưng bằng hình thức này hay hình thức khác các quốc gia đều thể hiện vai trò chi phối, nắm giữ đối với hoạt động truyền thông. Ở một khía cạnh khác, không một quốc gia nào lại không có các quy định để hạn chế những thông tin sai sự thật, xâm phạm đời tư công dân, xúc phạm uy tín của tổ chức, ảnh hưởng tới lợi ích chung của cộng đồng…

Trong xu thế của công nghệ số và chuyển đổi số hiện nay, sự khác nhau về chính sách quản lý truyền thông đại chúng ở các quốc gia được căn cứ từ chính hệ thống luật pháp quản lý nội dung thông tin trên báo chí ở mỗi nước. Có thể khái quát ở các nhóm dưới đây:

- Nhóm thứ nhất là các quốc gia có hành lang pháp lý và quy định quản lý nội dung thông tin, các quy định này được thể hiện trong Hiến pháp, Luật báo chí và các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật khác hay trong các Luật chuyên ngành khác hoặc thông qua các quy chế, công văn chỉ đạo như Nga, Trung Quốc, Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á khác.

- Nhóm thứ hai là các quốc gia không xây dựng Luật Báo chí mà quy định quản lý về nội dung thông tin được thể hiện trong Hiến pháp và các quy định của các đạo luật chuyên ngành, trong đó đề cao trách nhiệm cá nhân như phóng viên, biên tập viên, lãnh đạo các cơ quan báo chí thông qua các điều lệ và nội quy của các cơ quan báo chí như Mỹ, Anh, Thụy Điển…

- Nhóm thứ ba là các quốc gia có các đạo luật về truyền thông và đa phương tiện để quản lý hoạt động báo chí truyền thông như Malaysia, Singapore…

Thực tế cho thấy thể chế chính trị cũng như điều kiện phát triển chính trị, kinh tế, xã hội và trình độ dân trí, cơ sở hạ tầng, mức độ và nhu cầu truy cập thông tin của công chúng, mỗi quốc gia đều có hành lang pháp lý, chính sách và quy định khác nhau. Ví dụ như ở Mỹ, Anh, Pháp, Thụy Điển và nhiều quốc gia khác có quy định về quyền tiếp cận thông tin dành cho phóng viên báo chí. Quy định này thông thường được thể hiện trong Luật về quyền tiếp cận thông tin hoặc Đạo luật về quyền được thông tin của công dân. Theo Luật quyền tiếp cận thông tin thì mọi công dân đều có quyền được biết những thông tin mà nhà nước không cấm và các cơ quan hành chính nhà nước có nghĩa vụ cung cấp mọi thông tin mà theo Luật pháp không hạn chế quyền tiếp cận. Tiếp cận từ mô hình thể chế chính trị và đặc điểm tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của từng nước, có thể phân loại như sau: nhóm các nước có báo chí tư nhân như Anh, Pháp, Mỹ, Đức…; nhóm các nước không có báo chí tư nhân; tư nhân và nước ngoài chỉ được phép liên kết về nội dung trong một phạm vi nhất định hoặc không được liên kết về nội dung - chủ yếu là các nước như Việt Nam, Triều Tiên, Cu Ba, Trung Quốc... Tiếp cận từ chủ thể quản lý thấy rằng, hiện nay các nước tư bản phát triển tồn tại ba loại chủ thể quản lý truyền thông đại chúng là tư nhân (kinh doanh), nhà nước và tổ chức xã hội.

2. Quản lý báo chí ở Việt Nam

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí cách mạng Việt Nam qua mỗi thời kỳ cách mạng đều có sự phát triển mạnh mẽ, cho đến nay, báo chí cách mạng Việt Nam là một hệ thống mang tầm cỡ quốc gia thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ở nhiều loại hình, nhiều cấp, nhiều cơ quan và được phát hành ở nhiều thứ tiếng với những chức năng, nhiệm vụ đa dạng, hướng tới nhiều đối tượng với nhiều thay đổi theo mỗi thời kỳ phát triển. Thể chế hóa các quan điểm, định hướng và chủ trương, đường lối của Đảng, chúng ta đã xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm xây dựng hiệu quả nền báo chí cách mạng Việt Nam như Luật Báo chí 2016; Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025… nhằm thực hiện tốt các quy định của Đảng và Nhà nước về báo chí, xuất bản, hướng tới một hệ thống báo chí thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả và tháo gỡ các rào cản, vướng mắc để hoạt động báo chí, xuất bản phát triển.

Qua các kỳ đại hội, đặc biệt là Đại hội XIII của Đảng, quan điểm định hướng phát triển báo chí cách mạng Việt Nam càng quan tâm, chỉ đạo sâu sắc. Theo đó, cần “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” và “Rà soát quy hoạch ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa”[3], đồng thời nắm bắt, đánh giá tình hình hoạt động báo chí, xuất bản trong hoạt động tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và chỉ đạo, định hướng nhiệm vụ trong thời gian tới. Tăng cường phát triển, quản lý và định hướng các loại hình truyền thông, đặc biệt là thông tin trên Internet, đồng thời kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, các thông tin xuyên tạc, độc hại ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị xã hội và thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Đồng thời, hoạt động báo chí, xuất bản có vai trò quan trọng trong giáo dục, tuyên tuyền và tạo sự thống nhất từ nhận thức đến hành động của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong việc quán triệt và thực hiện nghị quyết, thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện và nâng cao nhận thức, phát huy năng lực, tính sáng tạo để đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.

Đến năm 2022, về cơ cấu, số lượng các cơ quan báo chí (bao gồm cả báo chí in và điện tử), cả nước có 815 cơ quan báo chí, trong đó có 138 báo và 677 tạp chí, trong đó có 29 cơ quan báo chí chỉ thực hiện loại hình điện tử. Bên cạnh đó, cả nước có 72 cơ quan hoạt động phát thanh, truyền hình với 02 đài truyền hình quốc gia là Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam; 64 đài phát thanh truyền hình địa phương; 01 Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam và 05 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng riêng với 79 kênh phát thanh; 198 kênh truyền hình. Về nhân lực, cả nước có khoảng 18.000 nhà báo được cấp thẻ. Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, báo chí nước ta đã và đang từng bước phù hợp với xu thế phát triển của khoa học công nghệ, thông tin và truyền thông thế giới đồng thời kết hợp chặt chẽ nhiều lại hình, nhiều phương tiện, có định hướng và từng bước tăng diện bao phủ cả trong nước và quốc tế, hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, từng bước đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ thông tin, truyền thông trong tình hình mới[4].

Bước vào giai đoạn phát triển mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, qua hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, báo chí cách mạng Việt Nam đang đứng trước các khó khăn, thách thức mới, trong đó có sự ảnh hưởng vừa tích cực vừa có nhiều biến động của tiến trình chuyển đổi số trên thế giới và tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Dự báo trước các tác động đó, ngày 6 tháng 4 năm 2023, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, theo đó mục tiêu của chiến lược là: “Chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số[5].

Thực hiện các nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao phó, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu phát triển hệ thống báo chí truyền thông đa nền tảng, mang tính định hướng dư luận và phát triển sản phẩm báo chí số, thay đổi cách thức sản xuất nội dung, nâng cao trải nghiệm của công chúng để người dân, doanh nghiệp và tổ chức tiếp cận thông tin trên môi trường số một cách tốt nhất, đồng thời đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng như nhu cầu cá nhân hóa và tùy biến, nhu cầu tiếp cận thông tin mọi lúc mọi nơi không phụ thuộc vào không gian, thời gian hay khoảng cách địa lý. Bên cạnh đó, chiến lược cũng tập trung dịnh hướng thúc đẩy các mô hình kinh tế báo chí, chuyển đổi về cơ cấu và đa dạng hóa nguồn thu của cơ quan báo chí. Các cơ quan báo chí cần đảm bảo đúng tôn chỉ, mục đích và tối đa hóa năng suất, tối thiểu hóa chi phí, tối ưu hóa hiệu quả quản lý và hoạt động thông tin, truyền thông trong tình hình mới của cách mạng Việt Nam.

Thực hiện chuyển đổi số các cơ quan báo chí truyền thông là sự thay đổi tổng thể và toàn diện của cơ quan báo chí truyền thông, của nhà báo về cách sống, phương thức làm việc, mô hình tổ chức tòa soạn và phương thức tổ chức sản xuất các sản phẩm báo chí truyền thông. Chính vì thế, vấn đề làm sáng tỏ các căn cứ pháp lý để thực hiện quản lý báo chí truyền thông ở Việt Nam là cần thiết.

3. Một số gợi mở trong quản lý báo chí ở Việt Nam

Một là, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo thống nhất của Đảng đối với báo chí. Nền báo chí các mạng Việt Nam cần đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần thực hiện sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trên mọi mặt, tập trung trong công tác bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, mọi mặt từ công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển và quản lý hệ thống báo chí truyền thông đến công tác tổ chức, cán bộ và hệ thống cơ sở đảng tại các cơ quan báo chí truyền thông và công tác định hướng tư tưởng, chính trị.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế cũng như văn bản quy phạm pháp luật báo chí truyền thông thông với quan điểm quản lý tốt hệ thống báo chí truyền thông là để tạo điều kiện cho báo chí phát triển tốt, phát triển tốt đi đôi với quản lý tốt.

Ba là, thực hiện tốt quản lý báo chí truyền thông bằng pháp luật. Cần hoàn thiện khung pháp lý về quản lý báo chí truyền thông theo hướng xác định rõ trách nhiệm, chứng năng, thẩm quyền của các chủ thể tham gia công tác quản lý báo chí truyền thông và hoạt động báo chí truyền thông, từ cơ quan quản lý báo chí truyền thông đến các cơ quan chủ quản báo chí truyền thông và người đứng đầu các cơ quan báo chí truyền thông … trên cơ sở bảo đảm quyền tự do báo chí của công dân, đồng thời cần có cơ chế quản lý để triệt để chống biểu hiện xa rời tôn chỉ mục đích, “thương mại hóa” và cổ súy cho tư tưởng “tự do báo chí” thái quá.

Bốn là, xây dựng các quy định cụ thể, điều chỉnh tốt hơn chức năng, nhiệm vụ và cơ chế phối hợp trong công tác quản lý báo chí truyền thông giữa Ban Tuyên giáo trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như các cơ quan quản lý khác.

Năm là, sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định về quản lý thông tin truyền thông dựa trên môi trường số, đặc biệt là truyền thông internet, truyền thông xã hội. Trong đó cần bổ sung các nội dung về xây dựng mô hình quản lý thông tin trên mạng xã hội và truyền thông xã hội. Cẩn bổ sung các hành lang pháp lý về mô hình quản lý thông tin trên mạng xã hội và truyền thông xã hội theo hướng chủ động, thống nhất, kịp thời và hiệu quả. Trong đó các cơ quan quản lý nhà nước sử dụng hành lang pháp lý để thực hiện quản lý nhà nước trên không gian mạng theo nguyên tắc “quản lý như thế giới thực”. Bên cạnh đó cần bổ sung các hành lang pháp lý đối với các cơ quan, tổ chức cung cấp thông tin trên mạng xã hội và truyền thông xã hội kể cả về nội dung đến tổ chức, nhân sự.

Sáu là, cần tăng cường hơn nữa công tác hợp tác quốc tế trong quản lý nhà nước về báo chí để học hỏi các mô hình quản lý quốc tế trong lĩnh vực báo chí truyền thông, xây dựng hành lang pháp lý để đảm bảo nguyên tắc độc lập chủ quyền, độc lập dân tộc và bình đẳng, các bên cùng có lợi. Nhất là công tác quản lý các cơ quan báo chí nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

Bảy là, tăng cường và nghiêm túc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Bổ sung các nội dung liên quan đến hoạt động thanh tra, giám sát cũng như phân công trách nhiệm tham gia hoạt động thanh tra, giám sát của các cơ quan có liên quan.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

[1] Bộ quy tắc đạo đức của The New York Times, https://www.nytimes.com/editorial-standards/ethical-journalism.html

[2] Nguyễn Minh Thắng, Quản lý nhà nước về báo chí, báo chí điện tử ở một số nước và những gợi mở cho Việt Nam trong công tác quản lý nhà nước về báo chí điện tử, https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/quan-ly-nha-nuoc-ve-bao-chi-bao-chi-dien-tu-o-mot-so-nuoc-va-nhung-goi-mo-cho-viet-nam-trong-cong-tac-quan-ly-nha-nuoc-ve-bao-chi-dien-tu-58295.htm

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021.

[4] Chính sách, pháp luật thông tin và truyền thông, https://cspl.mic.gov.vn/

[5] Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.
2. Chính sách, pháp luật thông tin và truyền thông, https://cspl.mic.gov.vn/
3. Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
4. Bộ quy tắc đạo đức của The New York Times, https://www.nytimes.com/editor...
5. Nguyễn Minh Thắng, Quản lý nhà nước về báo chí, báo chí điện tử ở một số nước và những gợi mở cho Việt Nam trong công tác quản lý nhà nước về báo chí điện tử, https://tapchicongthuong.vn/ba...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hành lang pháp lý trong quản lý báo chí ở một số quốc gia và gợi mở cho Việt Nam
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO