Báo chí Việt Nam đang chịu tác động từ tầm nhìn chuyển đổi số quốc gia với áp lực rằng: nếu không bắt kịp yêu cầu này sẽ trở thành nhân tố cản trở sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều cơ quan báo chí chưa hiểu rõ về chuyển đổi số khi cho rằng chỉ cần đầu tư thiết bị công nghệ, một số chương trình phần mềm và cho đó là mình đã thực hiện chuyển đổi số. Vấn đề không phải như vậy.
1. Thay đổi tư duy trong chuyển đổi số lĩnh vực báo chí
Trước tiên, đặt vấn đề về chuyển đổi số, xin được trích dẫn một định nghĩa của Clint Boulton (CIO 2021): “Chuyển đổi kỹ thuật số đánh dấu sự suy nghĩ lại về cách thức một tổ chức sử dụng công nghệ, con người và quy trình để theo đuổi các mô hình kinh doanh mới và dòng doanh thu mới. Được thúc đẩy bởi những thay đổi trong kỳ vọng của khách hàng về sản phẩm dịch vụ”[1].
Ông Marc Benioff, Chủ tịch kiêm đồng Tổng Giám đốc Điều hành, Salesforce có một định nghĩa khác: “Chuyển đổi kỹ thuật số là quá trình sử dụng các công nghệ kỹ thuật số để tạo mới - hoặc sửa đổi các quy trình kinh doanh, văn hóa và trải nghiệm khách hàng hiện có nhằm đáp ứng các yêu cầu thay đổi của thị trường và kinh doanh”[2]. Những định nghĩa này phù hợp với mọi ngành nghề trong chuyển đổi số, không riêng gì báo chí.
Trong thời gian gần đây, chuyển đổi số là một xu hướng không thể đảo ngược mà tất cả các cơ quan báo chí đều đã đề cập. Tại Hội báo toàn quốc năm 2022, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân dân Lê Quốc Minh đã khẳng định: "Chuyển đổi số là con đường của cả nước và báo chí cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Trong bối cảnh kỷ nguyên số với rất nhiều sự thay đổi về công nghệ nói chung, thay đổi công nghệ làm báo, thay đổi hành vi của độc giả, khán thính giả, chúng ta không có cách nào khác là phải tích cực số hoá"[3].
Tuy nhiên, dường như chúng ta vẫn chưa phân biệt rõ ràng giữa khái niệm Số hóa – digitalization và Chuyển đổi số – digital transformation. Nhiều người vẫn nghĩ về chuyển đổi số rất đơn giản, tương tự như những gì đã làm ở thập niên 90 cho đến bây giờ. Họ cho rằng chuyển đổi số là giảm bớt sự tập trung vào truyền thông truyền thống, đưa lên online và sử dụng các hệ thống CMS để điều tiết hoạt động và kiểm soát nội dung trong tòa soạn, sử dụng các công nghệ kết nối, quản lý khách hàng hay là công nghệ để tác nghiệp như mobile phone… Đúng, nhưng như thế chưa đủ.
Chuyển đổi số không chỉ là vấn đề về công nghệ, mà còn là vấn đề về con người, tư duy. Bên cạnh yếu tố CẦN là lãnh đạo các cơ quan báo chí am hiểu về chuyển đổi số sẽ giúp quá trình này diễn ra nhanh chóng và thành công hơn, yếu tố ĐỦ là các tòa soạn cần đào tạo một đội ngũ nhân lực có khả năng sử dụng thành thạo các công cụ digital cũng như tạo được môi trường để phóng viên phát triển sáng tạo, thực hiện đúng chiến lược mà cơ quan mong muốn.
2. Ở VOV, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và cần thiết
Trong chương trình chuyển đổi số do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, Chính phủ sẽ đầu tư xây dựng những nền tảng chuyển đổi số lớn dùng chung, đặc biệt là đầu tư nền tảng lớn cho 6 cơ quan báo chí chủ lực. “Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ là một trong những cơ quan báo chí đi đầu trong việc chuyển đổi số”- Đó là khẳng định của ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.
Trước sự phát triển không ngừng của dòng chảy thông tin, sự phát triển của công nghệ truyền thông mới, đặc biệt là sức ép cạnh tranh thông tin từ truyền thông xã hội, các cơ quan báo chí nói chung, Đài Tiếng nói Việt Nam nói riêng đã và đang tiếp tục đổi mới. Ngoài nền tảng là các báo điện tử, Đài Tiếng nói Việt Nam còn tận dụng không gian số để đưa nội dung lên phục vụ công chúng như Facebook, Twitter, Tik tok. Bên cạnh đó, một số nền tảng chuyên dùng cho phát thanh (các chương trình podcast), một dạng thức phát thanh trên các nền tảng streaming đang ngày càng trở nên phổ biến và được nhiều cơ quan báo chí triển khai. Đơn cử, chuyên trang đọc truyện đêm khuya Đài phát triển trên Youtube chỉ trong một thời gian ngắn đã đạt nút bạc, thu hút rất nhiều người theo dõi.
Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, từ một cơ quan báo chí chuyên ngành phát thanh, đến này Đài Tiếng nói Việt Nam đã trở thành cơ quan truyền thông đa phương tiện hội đủ các loại hình báo chí như: báo nói, báo hình, báo in và báo điện tử. Và để hoàn thiện hệ sinh thái của mình, ngày 4/9/2020, Đài Tiếng nói Việt Nam đã ra mặt bộ nhận diện thương hiệu mới và ra mắt nền tảng nội dung số VOVLive. (https://vovlive.vn/)
Thương hiệu VOV đã có một diện mạo mới với 2 chữ V cách điệu được lấy cảm hứng từ hình tượng chim hạc trên trống đồng của Việt Nam, ở giữa là một chữ O với biểu tượng nút "Play" chính giữa được sử dụng hai màu đỏ - xanh dương. Cùng với đó, Đài tiếng nói Việt Nam đã ra mắt hệ thống nội dung số VOVLive được sử dụng trên cả hai nền tảng iOS và Android. Đây được xem là một sự phát triển trong xu thế chuyển đổi số của VOV, là hình thức, trải nghiệm mới, lần đầu tiên kho nội dung số của Đài Tiếng nói Việt Nam với đa dạng về âm nhạc, về tin tức được đưa lên trực tuyến để phục vụ công chúng.
"Mục tiêu lớn hơn là bảo vệ bản quyền của đài, các tác phẩm của đài. Trên cơ sở một công chúng đủ mạnh, đủ lớn, chúng tôi phát triển mô hình kinh doanh phù hợp với xu hướng hiện nay" - ông Phạm Mạnh Hùng- Phó TGĐ Đài TNVN cho biết[4].
Thông qua ứng dụng VOVLive, công chúng sẽ được thưởng thức kho nội dung phát thanh từ các lĩnh vực: tin tức, đọc truyện đến âm nhạc được lưu trữ trong hàng chục năm qua. Trong đó, trọng tâm là các nội dung về âm thanh Podcast - một xu hướng đang phát triển rất nhanh trong hệ sinh thái nội dung số toàn cầu.
Và ngày 17-5-Ngày Viễn thông và Xã hội thông tin thế giới vừa qua, nền tảng tư vấn khám chữa bệnh trực tuyến VOV Bacsi24- được Bộ Thông tin và truyền thông công nhận đạt tiêu chí nền tảng số phục vụ người dân. Thông qua nền tảng này, người dân được kết nối với các chuyên gia y tế, bác sĩ của các bệnh viện và có thể nhận được ý kiến tư vấn sức khỏe mọi lúc, mọi nơi, bất cứ khi nào có nhu cầu. Nền tảng VOV Bacsi24 đã cụ thể hóa sáng kiến "mỗi người dân một bác sĩ riêng" được nêu trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.
Năm 2022, Liên minh Viễn thông thế giới lấy chủ đề “Các công nghệ số cho người lớn tuổi và quá trình già hoá lành mạnh”, ITU kêu gọi và tập trung các nỗ lực, sáng kiến thúc đẩy việc tiếp cận các công nghệ và nền tảng số cho các đối tượng người cao tuổi nhằm thu hẹp khoảng cách về thế hệ, tuổi tác và hỗ trợ quá trình già hoá lành mạnh hơn. Đây không chỉ là trách nhiệm đạo đức đối với cộng đồng người cao tuổi (khoảng hơn 1 tỷ người trên thế giới) có cơ hội tham gia và đóng góp tích cực vào công cuộc chuyển đổi số mà còn là vấn đề thiết yếu cho sự phát triển thịnh vượng và bền vững toàn cầu.
Bên cạnh đó, chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Việt Nam đã được chính phủ phê duyệt, trong đó xác định, chuyển đổi số trong y tế góp phần xây dựng hệ thống y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời.
Sớm nắm bắt được xu thế chuyển đổi số đó, từ năm 2017, Đài Tiếng nói Việt Nam đã cho ra mắt ứng dụng tư vấn khám chữa bệnh trực tuyến trên điện thoại thông minh và máy tính với tên gọi VOV Bacsi24.
Chỉ cần tìm từ khoá VOV Bacsi24 trên kho ứng dụng của Google Play hoặc Apple Store và nhấn cài đặt trên điện thoại của mình, tạo tài khoản; lúc này sẽ có hơn 1000 bác sỹ chuyên khoa II, trưởng khoa, phó khoa tại các bệnh viện hang đầu trên cả nước chăm sóc sức khoẻ 24/24h cho người dân Việt Nam trong và ngoài nước.
Kể từ khi ra đời cho đến này, ứng dụng VOV Bacsi24 đã trở thành một cầu nối thiết thực đem lại những thông tin hữu ích cho người dân, những người thầy thuốc và ngành Y tế; góp phần giải quyết vấn đề quá tải cho các bệnh viện tuyến trung ương, giúp người dân vùng sâu vùng xa có cơ hội tiếp cận với nền y tế hiện đại và các bác sỹ đầu ngành mà không phải mất thời gian đi lại.
Đặc biệt, trong 2 năm đại dịch COVID-19 vừa qua, VOV Bacsi24 đã trở thành một tiện ích quan trọng, kịp thời hỗ trợ chăm sóc, sức khỏe cho người dân, đặc biệt là người dân ở các vùng phong tỏa, không thể đến bệnh viện để thăm khám định kỳ. PGS TS Lương Ngọc Khuê, Cục Trưởng cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đánh giá cao các tảng khám bệnh trực tuyến như VOV Bacsi24 trong việc hỗ trợ người dân chăm sóc sức khoẻ từ xa, giúp giảm tải cho ngành y tế, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.
“Báo chí Việt Nam đang đứng trước những cơ hội rất lớn nhưng cũng rất nhiều thách thức. Cơ hội chính là chúng ta được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự tin cậy của công chúng, nhưng thách thức cũng rất nhiều. Đó là việc phải cạnh tranh trực tiếp, trực diện trên chính “sân nhà” bởi rất nhiều phương tiện truyền thông nước ngoài, bởi mạng xã hội... Hoạt động kinh tế báo chí của phần lớn các cơ quan báo chí đều gặp khó khăn, thách thức đáp ứng các nhu cầu của công chúng đang thay đổi, quảng cáo của doanh nghiệp đang chuyển dần từ nền tảng truyền thống sang các nền tảng số... Trước những thách thức này, các cơ quan báo chí phải thích nghi với sự thay đổi rất nhanh chóng về công nghệ cũng như việc tiếp cận thông tin của công chúng… để khẳng định vai trò, vị thế ngày càng quan trọng của báo chí cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc” (Nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam)[5].
3. Chiến lược chuyển đổi số = công nghệ +vốn đầu tư + con người
Dẫn chứng từ VOV và rất nhiều cơ quan báo chí khác cho thấy: Chuyển đổi số không chỉ đơn giản là số hoá nội dung đưa lên nền tảng số mà phải tạo ra cả một quy trình sản xuất mới, sản phẩm thông tin mới mẻ, thậm chí tạo ra văn hoá trong toà soạn phù hợp với môi trường chuyển đổi số. Các cơ quan báo chí phải có suy nghĩ hết sức nghiêm túc về vấn đề này, phải đánh giá được nhu cầu của mình, phải xác định được con đường mình muốn đi, xác định mục tiêu hướng tới, từ đó lựa chọn công nghệ phù hợp. Bên cạnh đó, muốn chuyển đổi số thành công cần giải quyết vấn đề bảo vệ bản quyền riêng của các cơ quan báo chí; vai trò quản lý của Nhà nước trong chuyển đổi số với các cơ quan báo chí…
Mặt khác, chuyển đổi số không phải khi đạt được một chu kỳ sẽ dừng lại mà phải liên tục đổi mới không ngừng. Thậm chí, cả các cơ quan chủ lực cũng mới chỉ xây dựng được chiến lược phát triển kinh tế số, chuyển đổi số ở giai đoạn đầu, cần có những chiến lược cụ thể hơn. Chỉ khi có chiến lược tốt thì quá trình thực hiện mới thực sự đạt được những kết quả quan trọng. Để chuyển đổi số cần có sự đồng bộ từ những người xây dựng chiến lược đến những người trực tiếp triển khai, thậm chí từng phóng viên phải thấm nhuần tư duy về chuyển đổi số thì quá trình này mới có thể thành công.
Chuyển đổi số báo chí là xu thế tất yếu. Bên cạnh những cơ quan báo chí đã có bước đi mạnh mẽ trong chuyển đổi số như một nhu cầu cấp thiết thì nhiều cơ quan báo chí lại chưa hề có bất kỳ kế hoạch nào. Các chuyên gia cho rằng, đây là một nguy cơ bởi nếu không bắt kịp với quá trình chuyển đổi số, các cơ quan báo chí sẽ không kết nối được với độc giả, mất độc giả.
Theo các chuyên gia, khi bạn đọc đã thay đổi thói quen và cách tiếp cận báo chí, báo chí không thể làm như trước mà phải thay đổi để thích ứng và phục vụ bạn đọc hiệu quả hơn. Một số khảo sát về xu hướng báo chí thế giới gần đây cho thấy có tới 44% người trả lời khẳng định thúc đẩy chiến lược chuyển đổi số là sự thay đổi quan trọng nhất và phải coi độc giả là trung tâm.
Báo chí muốn giữ chân độc giả, khán thính giả, muốn tồn tại thì cần phải chuyển đổi số. Nếu không chuyển đổi số, các cơ quan báo chí sẽ mất độc giả, mất nguồn thu và tờ báo không thể hoạt động được. Tuy nhiên, không phải cứ mua công nghệ thì sẽ chuyển đổi số mà quan trọng là một tư duy đúng đắn sẽ thúc đẩy việc sử dụng công nghệ. Mấu chốt là ở con người, tư duy và tự thân các cơ quan báo chí phải nhận thức rõ sự cấp bách chứ không phải làm theo trào lưu...
Hiện nay công nghệ đã đáp ứng các nhu cầu chuyển đổi số cho báo chí. Nhưng thực tế nhiều cơ quan báo chí chưa hiểu rõ thế nào là chuyển đổi số. Không ít cơ quan cho rằng đầu tư mua sắm trang thiết bị, công nghệ, phần mềm hiện đại là đã đi trên con đường chuyển đổi số. Nhiều cơ quan báo chí nói đến chuyển đổi số nhưng thực chất mới chỉ dừng ở bước số hóa. Tại các cơ quan báo chí, nếu không thay đổi quy trình làm việc, văn hóa công sở, cách trao đổi, cách xây dựng bộ máy..., thì việc đầu tư công nghệ sẽ không mang lại nhiều lợi ích.
Đánh giá về mức độ chuyển đổi số của các cơ quan báo chí, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, cho rằng hiện nay nhiều cơ quan báo chí vẫn chỉ nghĩ đơn giản có một trang web, có tờ báo điện tử là đã lên không gian số. Một số báo có mở chức năng bình luận cho độc giả và bắt đầu web 2.0 nhưng không nắm được dữ liệu của người đọc. Như vậy chuyển đổi số chưa thành công, mới chỉ ở bề mặt.
Thực tế chuyển đổi số là tạo thêm giá trị cho mọi tương tác với người dùng; là thay đổi cách vận hành của cả đơn vị và trong một số trường hợp còn tạo ra mô hình kinh doanh mới.
“Trong chuyển đổi số, quan trọng là thay đổi từ mô hình tổ chức đến cách làm báo. Làm báo hiện nay phải chấp nhận sự tương tác và giám sát, thậm chí phản biện rất mạnh của cộng đồng. Đồng thời cần phải chuẩn bị một tâm thế cho cách làm báo kiểu khác. Có những bộ phận nếu không thay đổi sẽ không có chỗ trong một cuộc chơi mới mang tên chuyển đổi số báo chí”, ông Lâm nói[6].
Một thuận lợi không hề nhỏ khi Bộ Thông tin và Truyền thông công bố rằng khi chiến lược chuyển đổi số các cơ quan báo chí được phê duyệt, Bộ sẽ phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức các hội nghị phổ biến và triển khai theo hướng chủ trương xây dựng các nền tảng lớn, để đảm bảo độc lập chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Với tinh thần dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có định hướng cụ thể những vấn đề liên quan nền tảng cho quản lý sản xuất, lưu trữ nội dung. Bộ sẽ đồng hành cùng các cơ quan báo chí trong hành trình chuyển đổi số để đảm bảo hiệu quả.
Muốn vậy, trước hết các cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí, phóng viên cần có hiểu biết sâu về công nghệ để biết được nên bắt đầu chuyển đổi số từ đâu, định hướng thế nào. Cùng với đó là tìm nguồn lực cho triển khai chuyển đổi số. Khi chuyển đổi số, nếu muốn hiệu quả thì bộ máy, quy trình cung cấp dịch vụ bắt buộc phải thay đổi.
Vậy còn chần chừ gì nữa? Mỗi phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên hãy trang bị trước cho mình “nền tảng số” trong chính chúng ta. Tự mình đào tạo, cập nhật kiến thức thường xuyên để quen với môi trường làm việc số, tự mình thích nghi được với kỹ năng sản xuất sản phẩm nội dung số để có thể đóng gói, phân phối trên nhiều nền tảng khác nhau…Muốn thách thức biến thành cơ hội, bạn cần phải có đủ kiến thức để có thể tự tin, vững chãi trong suốt quá trình chuyển đổi số.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
[1] https://nguoilambao.vn/chuyen-doi-so-trong-bao-chi-la-phai-giai-duoc-bai-toan-den-voi-doc-gia-bang-cach-nao-n53716.html
[2] https://nguoilambao.vn/chuyen-doi-so-trong-bao-chi-la-phai-giai-duoc-bai-toan-den-voi-doc-gia-bang-cach-nao-n53716.html
[3] https://www.mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/153576/Chuyen-doi-so-la-xu-huong-tat-yeu-cua-bao-chi.html
[4] https://vovlive.vn/dai-vov-ra-mat-bo-nhan-dien-thuong-hieu-moi-va-he-thong-noi-dung-so-vovlive-17079.html