Cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế, công nghệ bùng nổ, và nhất là tác động từ Cách mạng công nghiệp 4.0, báo chí Việt Nam được đặt vào một bối cảnh mới với nhiều cơ hội và thách thức. Những quy định cùng hành lang pháp lý trong lĩnh vực báo chí từng tạo môi trường thuận lợi cho báo chí có điều kiện phát triển, phục vụ đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước khi đứng trước những điều kiện lịch sử mới, thời cơ vận hội mới cũng cần có những điều chỉnh, cập nhật cho phù hợp.
Trải qua gần một thế kỷ kể từ khi báo chí cách mạng Việt Nam ra đời, vai trò, vị trí của báo chí đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc ngày càng được tăng cường, củng cố. Cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế, công nghệ bùng nổ, và nhất là tác động từ Cách mạng công nghiệp 4.0, báo chí Việt Nam được đặt vào một bối cảnh mới với nhiều cơ hội và thách thức. Những quy định cùng hành lang pháp lý trong lĩnh vực báo chí từng tạo môi trường thuận lợi cho báo chí có điều kiện phát triển, phục vụ đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước khi đứng trước những điều kiện lịch sử mới, thời cơ vận hội mới cũng cần có những điều chỉnh, cập nhật cho phù hợp. Từ Luật Báo chí năm 1989 đến những sửa đổi, điều chỉnh bổ sung năm 1999, năm 2002 và tiếp tục hoàn thiện trong Luật Báo chí năm 2016 đã chủ động, tích cực từng bước trong vấn đề quy phạm hoạt động của báo chí, bên cạnh những điều khoản quy định tạo điều kiện cho báo chí phát triển, luật cũng quy định và bao quát các nội dung, lĩnh vực thể hiện của báo chí trong khuôn khổ của pháp luật và hiến pháp Việt Nam. Sau 7 năm ra đời, đi vào hoạt động, đứng trước tình hình chính trị xã hội có nhiều thay đổi lớn dưới tác động của toàn cầu hóa, công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế với nhiều loại hình báo chí, truyền thông mới, vấn đề bổ sung, sửa đổi Luật Báo chí năm 2016 trở nên cấp thiết và cần sớm được xem xét, điều chỉnh.
Một hành lang pháp lý quan trọng cần tiếp tục hoàn thiện
Luật Báo chí được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 05/4/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017 để thay thế Luật Báo chí năm 1999, gồm 6 chương, 61 điều, trong đó có 32 điều mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung. Thời điểm khi được Quốc hội thông qua, Luật Báo chí 2016 cho thấy sự phù hợp với tình hình đất nước, thực tế xã hội Việt Nam, tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí cho rằng, đây là nền tảng quan trọng để xây dựng nền báo chí lành mạnh, tích cực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế. Khung khổ pháp lý này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan báo chí, các nhà báo, các cơ quan, tổ chức liên quan tuân thủ pháp luật, hoạt động trong môi trường kỷ cương; nâng cao vị thế và trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của người làm báo; từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về báo chí trong giai đoạn vừa qua; tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ.
Tuy nhiên, trải qua hơn sáu năm triển khai vào thực tiễn, một số quy định của Luật Báo chí 2016 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu trong lĩnh vực báo chí, dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện[1]. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó có nguyên nhân chủ quan và khách quan, trước yêu cầu bổ sung, sửa đổi bộ luật, trước tiên là từ những yêu cầu trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí và đòi hỏi của xã hội về lĩnh vực báo chí ngày càng cao, bức thiết hơn. Đặc biệt với sự phát triển vượt bậc, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại dẫn đến những yêu cầu, đòi hỏi cao hơn trong lĩnh vực báo chí, cần phải hoàn thiện quy định pháp luật để điều chỉnh, quản lý kịp thời, phù hợp, tạo hành lành cho báo chí phát triển trong thời đại số. Và, cũng không loại trừ nguyên nhân một số lãnh đạo cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên đã tìm cách lợi dụng kẽ hở của pháp luật về báo chí để “lách luật” với mục đích tư lợi cá nhân.
Trên thực tế, Luật Báo chí 2016 cũng được xây dựng theo những như quy trình làm luật bài bản, công phu theo cách thức, trình tự xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, dựa trên sự theo dõi tác động thực tế của văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành để cơ quan chủ trì là Bộ Thông tin và Truyền thông kịp thời có sự đánh giá, điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu điều chỉnh mà nó phúc đáp. Việc bổ sung sửa đổi luật trước hết xuất phát từ lợi ích của các chủ thể mà bộ luật điều chỉnh, hướng đến một trình độ phát triển về chất mới của hệ thống báo chí cách mạng và của toàn xã hội. Sau hơn sáu năm triển khai Luật Báo chí 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông với vai trò cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã thực hiện các bước sơ kết, rà soát, đánh giá việc tổ chức triển khai thi hành, hiệu quả, hiệu lực thực tế của văn bản quy phạm pháp luật này và tổng hợp vấn đề sửa đổi, bổ sung có thể được đặt ra. Như vậy cần phải khẳng định rằng, việc bổ sung, sửa đổi Luật báo chí 2016 không phải xuất phát từ lý do thiếu tích cực mà không ít người quy chụp, là “luật đã lỗi thời”. Cần nhận thức rằng, quá trình xây dựng pháp luật nói chung, pháp luật trong lĩnh vực báo chí nói riêng không phải sự đứt đoạn, đó là sự vận động liên tục cùng với sự thay đổi, phát triển của đất nước và xã hội.
Trong thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước, hệ thống báo chí và người làm báo đã có nhiều ý kiến về vấn đề bổ sung, sửa đổi Luật báo chí 2016, trong đó tập trung vào các nhóm vấn đề: (1) Nhóm vấn đề liên quan đến các quy định về cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam, cơ quan chủ quản báo chí; (2) Nhóm vấn đề liên quan đến quy định về đối tượng, điều kiện thành lập; mô hình hoạt động, cơ cấu tổ chức, cơ chế kinh tế - tài chính của cơ quan báo chí; (3) Nhóm quy định về văn phòng đại diện, phóng viên thường trú không còn phù hợp, bất cập. (4) Nhóm vấn đề quy định về tạp chí khoa học: (5) Nhóm vấn đề quy định khác trong Luật Báo chí 2016. (6) Nhóm những nội dung liên quan đến khó khăn, vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật về báo chí.
Ngoài ra, còn có những vấn đề cần sửa đổi để phù hợp với định hướng phát triển chung mang tầm quốc gia, ví dụ như quy định về phân cấp quản lý nhà nước về báo chí, một số thủ tục có thể phân cấp cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương giải quyết nhằm bảo đảm sát cơ sở và nguyên tắc quản lý ngành, lãnh thổ để phù hợp với Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030. Có vấn đề cần sửa đổi đề “tường minh” trách nhiệm quản lý, ví dụ như trong quy định về quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương, các cơ quan báo chí của địa phương (có cơ quan chủ quản là cơ quan, tổ chức của địa phương) hay các cơ quan báo chí có trụ sở đặt trên địa bàn (kể cả của trung ương và địa phương khác).
Việc bổ sung, sửa đổi cũng xuất phát từ một một số điều khoản chưa thực sự hoàn thiện, hay nói đúng hơn là mới “được nửa chừng”. Điều 18, Điều 31 Luật Báo chí 2016 quy định về việc cấp các loại giấy phép trong hoạt động báo chí; tuy nhiên luật lại chưa có quy định về việc thu hồi giấy phép khi cơ quan báo chí không còn bảo đảm các điều kiện hoạt động. Hay việc quy định quyền hạn và nhiệm vụ của cơ quan chủ quản báo chí, làm thế nào để quy định cụ thể về việc xử lý trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí. Điều này này dẫn đến việc cơ quan chủ quản chưa có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời các vi phạm của cơ quan báo chí. Trong triển khai, sắp xếp và quy hoạch còn có lúc chậm trễ. Thực tế cho thấy, còn có tình trạng cơ quan chủ quản can thiệp quá sâu vào hoạt động của cơ quan báo chí, trái quy định pháp luật và trái quy định nội bộ, tuy nhiên cần có hành lang pháp lý để điều chỉnh.
Một văn bản pháp luật hoàn chỉnh cần đạt được yêu cầu về tính “hợp pháp” và “tính hợp lý”, trong đó càng hợp lý thì mới có khả năng thực thi cao. Tính “hợp lý” trong một số điều khoản của Luật Báo chí 2016 cũng cần được điều chỉnh hoàn thiện hơn. Một minh chứng cụ thể là trong quy phạm pháp luật báo chí ở Việt Nam hiện nay chưa có quy định liên quan đến việc “chấm dứt, giải thể pháp nhân của cơ quan báo chí” sau khi cơ quan báo chí bị Bộ Thông tin và Truyền thông thu hồi giấy phép hoạt động. Quy định này khi áp dụng trên thực tế lại tách biệt hoàn toàn với chuyên môn nghiệp vụ về báo chí. Sự “hợp pháp” thể hiện rõ khi đặt vấn đề thu hồi giấy phép hoạt động báo chí, nhưng lại chưa thực “hợp lý” khi không giải quyết được trọn vẹn vấn đề, cơ quan báo chí trên thực tế không còn giấy phép hoạt động vẫn còn tồn tại pháp nhân để giải quyết các nghĩa vụ liên quan như tài chính, tài sản, lao động, bảo hiểm, nghĩa vụ thuế, v.v.. Trên thực tế, có nhiều trường hợp, việc giải quyết dứt điểm các vấn đề phát sinh sau khi đã chấm dứt hoạt động báo chí có thể kéo dài nhiều năm, cũng có trường hợp, cơ quan báo chí lợi dụng tư cách pháp nhân, sử dụng con dấu để thực hiện vào các mục đích khác. Hoạt động xây dựng pháp luật nói chung và trong lĩnh vực báo chí nói riêng thể hiện rõ quá trình nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn các quy luật xã hội, nhất là quy luật về lợi ích, đánh giá đúng tầm quan trọng các quan hệ xã hội cơ bản cần pháp luật điều chỉnh; từ đó, xác định phạm vi, phương pháp điều chỉnh cho phù hợp với từng loại quan hệ xã hội. Nhiều vấn đề cần được đánh giá toàn diện, thấu đáo hơn như: “Đối tượng, điều kiện thành lập cơ quan báo chí, quy định về tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí, quy định về văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, quy định về hoạt động tác nghiệp báo chí (đội ngũ phóng viên, điều kiện - tiêu chuẩn của nhà báo, trình tự cấp đổi thẻ, quy định về báo in, tạp chí in, báo điện tử, tạp chí điện tử…”. Đi vào chi tiết và mối liên hệ tổng thể, thực tiễn những vấn đề đặt ra cho thấy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 để phù hợp với thực tế là cần thiết, điều này góp phần tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho báo chí hoạt động và phát triển; đồng thời hoạt động sửa đổi, bổ sung còn khắc phục những tồn tại, bất cập về quy định quy định từ đó kịp thời điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn.
Vì vậy, không thể cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 là việc “cập nhật”, “bịt những khe hở”, “lấp đi khoảng trống” “gỡ những nút thắt”, v.v. một cách cơ học, vì nếu chỉ tiếp cận như vậy sẽ không tránh khỏi một kết quả thu nhận những văn bản yếu kém, khó đi vào đời sống báo chí nói riêng, đời sống xã hội nói chung hoặc sớm bị đào thải. Đó phải là một quá trình sáng tạo, căn cứ từ mục tiêu cơ bản là kiến thiết nền quản trị quốc gia bền vững,
Sửa luật để bao quát các mô hình và vấn đề của truyền thông hiện đại
Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”[2]. Trong đó, có mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. Đồng thời, chiến lược còn góp phần làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của đảng, sự nghiệp đổi mới đất nước. Chuyển đổi số báo chí còn góp phần đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; từng bước đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả. Tạo ra nguồn thu mới, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số phát triển cũng là một trong những mục tiêu hướng tới của chiến lược này. Trong tiến trình chuyển đổi số, nhiều phương thức truyền thông hiện đại mà Luật Báo chí 2016 chưa phản ánh và bao quát được toàn diện. Mô hình toàn soạn hội tụ (nhân lực, hạ tầng, công nghệ, nguồn dữ liệu), báo chí công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo, cung cấp nội dung xuyên biên giới, v.v. cần được nghiên cứu bổ sung vào đối tượng quy phạm của luật.
Luật Báo chí 2016 hiện mới quy định bốn loại hình báo chí cơ bản (báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử), nhưng trên thực tế còn có nhiều loại hình hoạt động thông tin đại chúng có tính chất như báo chí hoặc có liên quan, tác động sâu rộng tới hoạt động báo chí (như: mạng xã hội, trang thông tin điện tử (web), ứng dụng (app) trong nước và xuyên biên giới cung cấp thông tin, video, chương trình phát thanh, truyền hình, v.v.). Bên cạnh đó, với xu thế hội tụ công nghệ, truyền thông đa phương tiện, truyền dẫn đa nền tảng (truyền dẫn trên các hạ tầng mạng viễn thông như cáp (cable), di động, truyền hình vệ tinh (DTH) và đặc biệt là sự nở rộ của các dạng thức truyền phát trên môi trường internet qua các website, ứng dụng trong nước và thế giới vào Việt Nam (OTT); những nền tảng mới này có ưu thế hơn các dạng thức truyền thống là cho phép tương tác với người đọc, người nghe, người xem tại thời điểm phát thực.
Trong môi trường Internet “không biên giới”, có những xu thế mới đặt ra nhiều vấn đề cho công tác quản lý báo chí, ví dụ như trường hợp các cơ quan báo chí chủ động xây dựng ứng dụng (app), tự phân phối nội dung trên Internet, hoặc mở thêm kênh phân phối nội dung báo chí trên các nền tảng mạng xã hội trong nước xuyên biên giới (mở kênh trên Youtube, TikTok, mở fanpage trên Facebook, Lotus, Zalo, v.v.). Trong quá trình hoạt động, có những trường hợp xảy ra sai sót hoặc tranh chấp, vi phạm trên những nền tảng xuyên biên giới, chưa tuân thủ pháp luật Việt Nam. Sự phát triển của công nghệ vận động liên tục, sẽ khó có một hành lang pháp lý nào có thể bao quát trọn vẹn trong một thời gian dài, tuy nhiên, để quá trình chuyển đổi số báo chí được triển khai mạnh mẽ hơn, để nội dung thông tin lan tỏa tới công chúng đa dạng, thuận tiện, mọi nơi, mọi lúc và đặc biệt là có cơ sở để các cơ quan báo chí triển khai những mô hình kinh doanh và đa dạng hóa nguồn thu, v.v. cần có những quy định mới nhằm đảm bảo mặt bằng phát triển chung và công bằng giữa báo chí với các loại hình truyền thông khác, cũng như điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh của sự phát triển.
Có hàng loạt những câu hỏi xuất phát từ thực tiễn cần có hành lang pháp lý phù hợp hơn, ví dụ như việc ngày càng nhiều báo điện tử phát triển các chuyên trang media, video, chuyên trang phát thanh (radio podcast), thậm chí tổ chức sản xuất các bản tin/chuyên đề (giống hệt như dạng bản tin thời sự, chuyên đề truyền hình) để phát trên Internet tại địa chỉ tên miền được cấp phép hoạt động là đúng hay chưa đúng, là phù hợp hay chưa phù hợp? Nếu chưa đúng hay chưa phù hợp thì tiêu chí nào, cơ sở cứ nào để thẩm định, đánh giá? Các dạng thức đó có tạo ra xung đột, cạnh tranh trực tiếp với hoạt động của các đài phát thanh - truyền hình hay không? Nhìn từ bức tranh tổng thể của hệ thống báo chí truyền thông, sự “nở rộ” các trang media này có tạo ra sự lãng phí nguồn lực xã hội, chạy theo “trào lưu” hay đúng là địa hạt mới để báo chí phát triển? Những câu hỏi này cần được nhận thức và trả lời thấu đáo để tạo sự phát triển cho báo chí trong khuôn khổ của quy định, của pháp luật Việt Nam.
Trong thời gian qua, cơ quan quản lý nhà nước ở Việt Nam đã gặp không ít khó khăn trong việc quản lý dịch vụ cung cấp nội dung truyền hình (gồm: phim truyện, chương trình âm nhạc, chương trình truyền hình - TV show, v.v.) theo yêu cầu trên Internet (gọi là OTT VOD) của doanh nghiệp nước ngoài có thu phí như: Netflix, iFlix, Wetv, Spotify, v.v. cung cấp xuyên biên giới vào lãnh thổ Việt Nam[3]. Những hoạt động vi phạm quy định của Việt Nam về quản lý báo chí đã bị cơ quan quản lý nhà nước phát hiện và kiên quyết xử phạt[4]. Một số sai phạm được phát hiện trên những nền tảng mạng xã hội có chia sẻ video như: Zing TV, Keeng Movies, v.v.. Nguyên nhân xuất phát từ đơn vị chủ quản thực hiện không đúng giấy phép, cung cấp dịch vụ OTT VOD (gồm chủ yếu là phim, các chương trình phát thanh, truyền hình), không được cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động biên tập, kiểm duyệt trước khi công chiếu[5]. Trong khi đó, một số mạng xã hội có tính phí người xem thông qua hình thức “nâng cấp thành viên” lại bị một số đối tượng lợi dụng quy định chỉ cung cấp VOD để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ theo Nghị định số 06/2016/NĐ-CP của Chính phủ Việt Nam.
Mâu thuẫn tiếp tục xuất hiện khi nhiều đơn vị sự nghiệp có năng lực và uy tín (Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh) có nhu cầu được cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền - OTT TV để kinh doanh các sản phẩm của đài nhưng lại không thuộc đối tượng được cấp phép theo quy định tại Điều 51 Luật Báo chí 2016. Để đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí ở Việt Nam hiện nay, cần hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các nền tảng công nghệ số trong nước, phân phối nội dung thông tin báo chí. Cùng với đó, cần mở rộng cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, tổ hợp báo chí - truyền thông, báo chí trên nền tảng số. Tiếp đó, cần xây dựng công cụ, nền tảng thu thập, xử lý dữ liệu, đánh giá, dự báo, phản ánh chất lượng báo chí. Các chỉ số đánh giá truyền thông xã hội dựa trên tác động của các nội dung thông tin trên không gian mạng từ các báo nhằm bảo đảm tính khách quan, trung thực phục vụ công tác quản lý báo chí cũng cần được nghiên cứu, đầu tư cho phù hợp. Luật Báo chí 2016 nếu được sửa đổi cũng cần đề cập về những vấn để đang được sự quan tâm ở cấp độ toàn cầu như: sở hữu trí tuệ, vấn đề dữ liệu độc giả, vấn đề quyền trải nghiệm của người sử dụng, v.v..
Cũng cần lưu ý rằng, bộ luật hiện hành đang nhìn nhận báo chí như hoạt động “của con người tạo ra”, chưa đề cập đến những điểm mới từ sự phát triển công nghệ như “robot hóa”, “tự động hoá” quy trình sản xuất, biên tập nội dung. Khuôn khổ pháp lý hiện nay cũng rất khó áp dụng trong thực tiễn triển khai các mô hình liên kết giữa báo chí với công ty công nghệ, nhà mạng viễn thông, doanh nghiệp quảng cáo, các nền tảng xuyên biên giới, v.v..
Sửa luật để phát triển kinh tế báo chí
Cần nhận thức rằng, kinh tế báo chí là một trong những động lực cơ bản và quan trọng nhất để phát triển báo chí. Một mặt, báo chí là sản phẩm văn hóa, cũng là sản phẩm chính trị, không thể bằng mọi giá để có nguồn thu, nhưng mặt khác để báo chí phát triển cần xây dựng cơ chế, chính sách về kinh tế báo chí một cách khoa học, khả thi, phù hợp với xu hướng phát triển truyền thông hiện đại. Đó cũng là bài toán đặt ra cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016. Chúng ta cũng cần tính đến những khó khăn, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 từ năm 2020 tới nay, cùng với sự chi phối, cạnh tranh của các nền tảng xuyên biên giới, mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới tới hệ thống báo chí quốc gia. Từ năm 2017 đến năm 2020, là thời điểm kinh tế báo chí “chạm đáy”, lượng báo in phát hành và các hợp đồng quảng cáo của một số cơ quan báo chí giảm, nhiều tòa soạn phải giảm số lượng trang, kỳ xuất bản, trong khi đó một số khác phải tạm ngừng xuất bản bản in. Hậu quả của tình trạng này làm cho doanh thu của nhiều cơ quan báo chí, nhà đài giảm mạnh, trong đó, có đài sụt giảm từ 50-70% doanh thu từ quảng cáo, tài trợ, hợp tác truyền thông[6].
Trong các quy định liên quan tới vấn đề kinh tế báo chí, trước tiên cần định nghĩa lại rõ hơn đặc tính, chức năng của một số cơ quan báo chí trong mối liên hệ với cơ quan chủ quản. Khoản 1 Điều 21 của Luật Báo chí 2016 quy định: “Cơ quan báo chí hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu”. Theo quy định pháp luật, cơ quan báo chí là đơn vị thuộc các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội là đơn vị sự nghiệp công lập. Những tạp chí của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, viện nghiên cứu (không thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội) thì không phải là đơn vị sự nghiệp công lập. Như vậy, về bản chất, đây là những cơ quan báo chí có cơ chế hoạch định tài chính theo doanh nghiệp, như vậy cần có quy định riêng về loại hình hoạt động cho các cơ quan báo chí thuộc nhóm này.
Đánh giá 5 năm thực hiện Luật Báo chí 2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông đã ghi nhận sự tham gia điều tiết của nhà nước bằng nguồn lực tài chính cho báo chí còn thấp, chưa được đồng đều, thường xuyên[7]. Trong quá trình vận hành, có ít cơ quan chủ quản bố trí ngân sách, nguồn lực để đặt hàng hoặc hỗ trợ cơ quan báo chí thực hiện các nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền. Bên cạnh đó, có một số cơ quan chủ quản không những không giúp các đơn vị báo chí về nguồn lực tài chính để hoạt động mà còn áp đặt cho các cơ quan này phải đóng góp một số khoản tài chính trái pháp luật để bổ sung kinh phí cho hoạt động của cơ quan chủ quản. Làm thế nào để việc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí từ nguồn ngân sách nhà nước cấp cho các bộ, ngành bám sát theo chức năng, tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, để đạt hiệu quả cao trong công tác thông tin tuyên truyền? Làm thế nào nào để có sự công bằng, hợp lý trong đặt hàng của nhà nước? Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này được thể hiện như thế nào trong luật?
Nếu như trước đây, các cơ quan báo chí chỉ trông đợi nguồn thu lớn nhất từ quảng cáo, thì thời điểm này “chiếc bánh” quảng cáo lại rơi vào các doanh nghiệp sở hữu nền tảng xuyên biên giới, chuyển dịch từ các loại hình báo chí truyền thống sang không gian số. Vấn đề thu phí nội dung đang nổi lên giải pháp kinh doanh mới, một mô hình kinh tế báo chí hợp lý và phù hợp xu thế, giúp các tòa soạn đa dạng nguồn thu, sáng tạo những nội dung hấp dẫn và chất lượng để duy trì hoạt động và tái đầu tư những sản phẩm chất lượng cao. Tuy nhiên, quy định về thu phí nội dung như thế nào, ai được thu và thu như thế nào cho công bằng lại cần có cơ sở và căn cứ pháp lý rõ ràng. Chính vì vậy, luật và các quy định quy phạm pháp luật trong lĩnh vực báo chí trong bối cảnh hiện nay cần sớm bổ sung quy định, quy chế để thúc đẩy các mô hình kinh tế báo chí mới, góp phần chuyển đổi cơ cấu và đa dạng hóa doanh thu báo chí. Từ đó, đóng góp tích cực vào phát triển mô hình báo chí điện tử thu phí nội dung, gắn kết chặt chẽ với những hạ tầng công nghệ mới.
Các quy định pháp luật cũng cần điều chỉnh chặt chẽ hơn để ngăn chặn biểu hiện “tư nhân hoá” báo chí, thể hiện chủ yếu ở việc giao chuyên trang, chuyên mục cho văn phòng đại diện, nhóm phóng viên hoặc đối tác hợp tác chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động, thành lập và khoán doanh thu tùy tiện cho các văn phòng đại diện cơ quan báo chí, thực hiện liên doanh, liên kết theo hướng người đứng đầu cơ quan báo chí buông lỏng quản lý, chuyển giao quyền kiểm soát nội dung trên thực tế cho đối tác để đổi lấy lợi ích[8]. Chính vì vậy, cần có quy định cơ quan chủ quản không được phép áp đặt nghĩa vụ tài chính đối với cơ quan báo chí trái quy định. Bên cạnh biện pháp nêu trân cũng cần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí trong phân cấp, phân quyền, duyệt đăng tin, bài, quản lý nội dung chuyên trang, chuyên mục, quản lý hoạt động của văn phòng đại diện, v.v.; có chế tài và quy định nghiêm cấm đối với các hành vi giao khoán chuyên trang, chuyên mục cho văn phòng đại diện, nhóm phóng viên hay đối tác hợp tác chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động, kiểm soát nội dung để đổi lấy quyền lợi kinh tế.
Một nội dung khác cũng cần được quan tâm là việc liên kết sản xuất, phối hợp sản xuất hay còn gọi là hoạt động “xã hội hóa” đã được triển khai mạnh mẽ trong hơn một thập kỷ qua ở Việt Nam. Trên thực tế, hoạt động này góp phần để công chúng và các thành phần xã hội tham gia ngày một nhiều hơn vào các công đoạn sản xuất thông tin, giúp cơ quan báo chí có thêm điều kiện thuận lợi để phát triển, giữ được ưu thế cạnh tranh trong bối cảnh thông tin bùng nổ hiện nay. Tuy nhiên, các quy định về hoạt động này chưa được chặt chẽ. Trong nội dung Điều 37 về liên kết trong hoạt động báo chí có quy định trách nhiệm của cơ quan báo chí trong liên kết còn chung chung, chưa quy định cụ thể về hình thức (hợp đồng liên doanh hay hợp tác kinh doanh, v.v.), yêu cầu về điều kiện, năng lực của đối tác liên kết, quy trình, thủ tục liên kết. Trong quá trình vận dụng vào thực tế, đã có không ít những chương trình liên kết trên truyền hình (các chương trình giải trí, trò chơi truyền hình như game show, truyền hình thực tế, v.v.) chưa được quản lý chặt theo quy định, dẫn đến xảy ra một số sai sót trong nội dung chương trình, như hình ảnh, lời thoại phản cảm, thiếu tính thẩm mỹ, giáo dục, v.v... Thậm chí, trong hoạt động liên kết có một số đối tác còn lợi dụng các kẽ hở trong quy định tự ý thiết lập các kênh truyền thông trên nền tảng Internet, mạng xã hội có biểu tượng (logo) giống kênh truyền hình của đài, sau đó thực hiện sản xuất, cung cấp chương trình trên các kênh truyền thông này, gây ra nhầm lẫn cho xã hội. Cũng có trường hợp, một số kênh, chương trình liên kết lại được đối tác liên kết của các đài phát thanh, truyền hình trong quá trình làm truyền thông, quảng bá kênh chương trình theo hướng làm cho người xem nhầm tưởng là kênh thuộc sở hữu của đối tác liên kết. Những biểu hiện này cần được quan tâm, điều chỉnh phù hợp hơn trên cơ sở khung khổ pháp lý chặt chẽ, theo hướng quy định rõ trách nhiệm của cơ quan báo chí trong việc liên kết; yêu cầu về điều kiện, năng lực, kế hoạch hợp tác kinh doanh và những cam kết cần phải có của đối tác liên kết. Cần bổ sung quy định và giao cho cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết về hình thức, quy trình, thủ tục và nội dung đối với hoạt động liên kết trong đối với cơ quan báo chí.
Chúng ta cũng cần lưu ý thêm về một số vấn đề đã được lãnh đạo cơ quan báo chí đề cập trong thời gian dài nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng như: quy định thời gian đóng/mở quảng cáo hay chính sách thuế đối với báo chí, khi các cơ quan báo chí hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp, thực hiện việc thông tin tuyên truyền theo nhiệm vụ chính trị, nhưng vẫn phải chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp tương đối cao, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động báo in là 10%; đối với hoạt động báo nói, báo hình, báo điện tử là 20%. Những chính sách nhằm hỗ trợ, ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ quan báo chí đối với cả bốn loại hình để tái đầu tư nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm thông tin, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị cần được xem xét, sửa đổi cho phù hợp. Các quy định về loại hình đơn vị sự nghiệp là cơ quan báo chí cũng cần được nghiên cứu, điều chỉnh, cân nhắc chính sách cho phép cơ quan báo chí được hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận (được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp).
Để việc sửa đổi, hoàn thiện Luật Báo chí 2016 theo kịp tốc độ phát triển của báo chí hiện đại cần thiết phải có sự tham gia đồng hành tích cực trên cả phương diện lý luận và thực tiễn của đông đảo chuyên gia nghiên cứu, các chuyên gia xây dựng chính sách, các nhà quản lý và đội ngũ những người làm báo hiện nay ở Việt Nam. Việc bổ sung, sửa đổi cần bám sát theo đúng tinh thần nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”./.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
[1] Từ Hội nghị sơ kết 3 năm thi hành Luật Báo chí 2016 (ngày 4/12/2019) đã nêu ra 27 nội dung, nhóm nội dung có quy định bất cập, không phù hợp với thực tiễn của pháp luật báo chí.
[2] Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
[3] Báo cáo số 57/BC-BTTTT (ngày 30/3/2022) của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, nội dung cung cấp trên các dịch vụ này được chuyển ngữ tiếng Việt, không qua cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình biên tập, kiểm soát theo quy định của Luật Báo chí hiện hành ở Việt Nam, Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 của Chính phủ Việt Nam về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.
[4] Xem thêm: https://congthuong.vn/diem-mat...
[5] Xem thêm: https://doanhnghiepvn.vn/chuye...
[6] Báo cáo tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 diễn ra tại tỉnh Quảng Ninh, tháng 12 năm 2020.
[7] Chi thường xuyên hiện chiếm 0,5% tổng chi thường xuyên ngân sách nhà nước, chi đầu tư phát triển báo chí chiếm 0,3% tổng chi đầu tư ngân sách nhà nước.
[8] Bộ Thông tin và Truyền thông: Báo kết quả Giai đoạn 1 xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí, biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí (9/2022).