Chính sách và chiến lược phát triển

Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong hoạt động báo chí: Một số kiến nghị hoàn thiện luật báo chí

Hồ Bảo 31/03/2024 11:34

Trong thời đại số hóa nhanh chóng, việc thu thập, lưu trữ và sử dụng thông tin cá nhân trở thành một vấn đề nổi cộm trong ngành báo chí. Điều này làm phát sinh các vấn đề như việc thu thập thông tin cá nhân mà không có sự đồng ý, việc lưu trữ dữ liệu cá nhân không an toàn và việc chia sẻ thông tin cá nhân không đúng cách. Bài viết này tập trung vào vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân trong hoạt động báo chí và đưa ra một số khuyến nghị cụ thể cho Việt Nam, tập trung đến việc xây dựng và thực thi các quy định rõ ràng về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cá nhân, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm của các tổ chức báo chí, cũng như nâng cao nhận thức và giáo dục cho công chúng về quyền riêng tư và an ninh mạng.

  1. Đặt vấn đề

Với đặc điểm là hoạt động sáng tạo, cung cấp, xuất bản, truyền dẫn thông tin về các sự kiện, nhân vật, tình hình diễn biến của đời sống xã hội,... báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự minh bạch, phối hợp và tạo ra nhận thức đúng đắn trong xã hội, được thực hiện bởi cơ quan báo chí và người làm báo. Từ đó, cơ quan báo chí và người làm báo xử lý rất nhiều dữ liệu cá nhân (DLCN) khi họ thu thập, biên tập và xuất bản các ấn phẩm báo chí, đưa tin, truyền thông. Nhiều DLCN như thông tin tác giả, thông tin độc giả và các dữ liệu liên quan đến những nhân được đề cập trong nội dung bản tin chắc chắn có liên quan đến hoạt động báo chí, đặc biệt là trong thời đại kỹ thuật số phát triển với dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI) và các cơ quan báo chí cũng đang thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số ở các mức độ khác nhau. Smith, J., & Johnson, A. (2022) cho rằng, bảo vệ DLCN đồng nghĩa với việc tôn trọng và tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức trong việc xử lý thông tin của người làm báo [1].

Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ DLCN ngày 17/4/2023 do Chính phủ ban hành (có hiệu lực từ ngày 01/7/2023) là bước tiến quan trọng đánh dấu sự quan tâm của Nhà nước trong việc quản lý nhà nước chặt chẽ đối với việc bảo vệ DLCN, trong bối cảnh đó, các quy định pháp luật về báo chí cần phải nghiên cứu nhằm sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các quy định về bảo vệ DLCN trong tình hình mới (hiện nay tại Luật Báo chí năm 2016 vẫn chưa có quy định nào cụ thể về nghĩa vụ bảo vệ DLCN của báo chí). Theo Nghị định số 13/2023/NĐ-CP, cơ quan báo chí có thể là Bên Kiểm soát dữ liệu, Bên Xử lý dữ liệu, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu, do đó, các cơ quan này phải thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ DLCN, đặc biệt là đối với các trường hợp xử lý DLCN tự động.

Tuy nhiên, với vai trò luật định là “phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội” (Khoản 1 Điều 4 Luật Báo chí năm 2016), báo chí có vai trò vô cùng quan trọng trong việc truyền tải thông tin, phát triển văn hóa, hướng dẫn dư luận xã hội, nhất là trong những thời điểm nhạy cảm, khẩn cấp và phức tạp như dịch bệnh nguy hiểm, thảm hoạ, thiên tai,... do đó, trong việc bảo vệ DLCN, báo chí cần được hưởng một số quyền miễn trừ phù hợp nhằm tạo điều kiện để thực hiện chức năng, sứ mệnh ngành báo chí vì lợi ích quốc gia, dân tộc và cộng đồng.

Vấn đề cân bằng giữa quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do và nghĩa vụ bảo vệ DLCN đã đặt ra nhu cầu cần nghiên cứu về bảo vệ DLCN trong lĩnh vực báo chí. Từ đó, có những phát hiện, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016 đúng tinh thần nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Garcia, R., & Kim, S. (2020) cho rằng, khi giới báo chí bảo vệ DLCN, họ xây dựng niềm tin và tín nhiệm từ công chúng [2].

2. Bảo vệ DLCN trong hoạt động báo chí

2.1. Xác định DLCN trong hoạt động báo chí

Điều 1 Nghị định số 13/2023/NĐ-CP cho thấy, các quy định tại Nghị định này có phạm vi và đối tượng áp dụng rất rộng, đối với hầu hết cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước Việt Nam, không phân biệt quốc tịch hay vị trí hoạt động. Trong khi đó, Điều 2 Luật báo chí năm 2016 có phạm vi và đối tượng áp dụng hẹp, cụ thể là cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động báo chí tại Việt Nam. Do đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động báo chí tại Việt Nam cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 13/2023/NĐ-CP.

Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 13/2023/NĐ-CP định nghĩa DLCN là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự trên môi trường điện tử gắn liền với một con người cụ thể hoặc giúp xác định một con người cụ thể (thể nhân). Theo định nghĩa này, bất kỳ thông tin nào có thể giúp xác định hoặc đã được xác định bởi một thể nhân đều được xem là DLCN. Tại châu Âu, những phần thông tin rời rạc có thể xác định một con người cụ thể cũng được coi là DLCN [3]. Thực tiễn trong hoạt động báo chí, các DLCN thường xuyên được thu thập và xử lý bao gồm: DLCN của tác giả, DLCN của độc giả và DLCN có trong nội dung sản phẩm báo chí.

Thứ nhất, đối với DLCN của tác giả. Trong quy trình sáng tác, biên tập và xuất bản các sản phẩm báo chí, ngay khi tổ chức, cơ quan báo chí tiến hành đàm phán, thương lượng với nhà báo hay cộng tác viên (gọi chung là tác giả) về bản thảo tác phẩm đến khi các bên ký kết hợp đồng, thanh toán tiền bản quyền hoặc thù lao sản phẩm,... thì DLCN của tác giả đã được thu thập, xử lý bởi cơ quan, tổ chức báo chí. Ngày nay, nhiều tổ chức, cơ quan báo chí đã thành lập và nhận bài thông qua hòm thư điện tử, mạng xã hội hay hệ thống nộp bài trực tuyến. Khi tác giả tiến hành nộp bản thảo tác phẩm, hệ thống sẽ yêu cầu tác giả điền trung thực các DLCN như họ tên, giới tính, địa chỉ, thông tin liên hệ và các thông tin khác. Một số tổ chức, cơ quan báo chí khi tiến hành thanh toán thù lao cho tác giả còn yêu cầu tác giả cho biết về số tài khoản ngân hàng, số căn cước công dân và mã số thuế. Không chỉ các cơ quan, tổ chức báo chí có hệ thống nộp bài trực tuyến, các cơ quan, tổ chức báo chí khác cũng đề cập đến trách nhiệm cung cấp các thông tin trên như là điều kiện bắt buộc để tiếp nhận bản thảo.

Thứ hai, đối với DLCN của độc giả (bạn đọc). Với sự tích hợp sâu rộng các công nghệ mới trong việc xây dựng các kênh thông tin, trang thông tin điện tử báo chí, việc phổ biến và quảng bá thông tin báo chí không còn được tiến hành bằng cách truyền thông tập trung, một chiều với trung tâm là các hãng in ấn, xuất bản báo, tạp chí giấy mang tính chất bị động. Ngày nay, việc phân phối sản phẩm báo chí được tiến hành qua các kênh tương tác phi tập trung, các công cụ tìm kiếm thông minh với các thuật toán thu thập, phân tích thói quen và hành vi người dùng để chủ động cung cấp cho bạn đọc các nội dung mà họ quan tâm (cá nhân hoá). Để tiến hành các chiến dịch quảng bá nhắm mục tiêu hoặc xây dựng công cụ cung cấp nội dung đến đúng độc giả quan tâm, việc thu thập sở thích, thói quen đọc, lịch sử tìm kiếm của bạn đọc là một khía cạnh quan trọng để xây dựng dữ liệu. Đồng thời, các tổ chức, cơ quan báo chí đã khởi động tiến trình chuyển đổi số và xây dựng trang thông tin điện tử (website) và ứng dụng di động của riêng mình, điều này thúc đẩy khả năng thu thập thông tin bạn đọc rất lớn (các dữ liệu được thu thập có thể bao gồm cả các dữ liệu trực tiếp như lộ trình di chuyển hay vị trí địa lý của bạn đọc chứ không chỉ đơn thuần là các dữ liệu cố định như họ tên, năm sinh,...).

Thứ ba, đối với DLCN của các thể nhân được đề cập trong nội dung tác phẩm báo chí. Ngoài DLCN của tác giả và người đọc, nội dung tác phẩm báo chí cũng có thể đề cập đến DLCN của các thể nhân, thường thấy nhất là các bài báo về tình hình, tin tức tội phạm, trong đó có nêu rõ họ tên và miêu tả hành vi, lời nói,... của các cá nhân có trong vụ án, nhất là các vụ án liên quan đến người nổi tiếng.

2.2. Nguyên tắc bảo vệ DLCN trong hoạt động báo chí

Các điều 3, 9 Nghị định số 13/2023/NĐ-CP nêu một số nguyên tắc và quyền của chủ thể dữ liệu mà cơ quan, tổ chức, cá nhân (bao gồm tổ chức, cơ quan báo chí) cần tuân thủ khi xử lý DLCN, bao gồm nguyên tắc được biết; nguyên tắc giới hạn (DLCN được thu thập phải phù hợp và giới hạn trong phạm vi, mục đích cần xử lý) và nguyên tắc bảo mật DLCN.

2.2.1. Nguyên tắc được biết

Nguyên tắc “chủ thể dữ liệu được biết về hoạt động liên quan tới xử lý DLCN của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác” (khoản 2 Điều 3 Nghị định số 13/2023/NĐ-CP) là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của xử lý thông tin cá nhân. Việc “được biết” về hoạt động liên quan tới xử lý DLCN chính là tiền đề quan trọng cho quyền được biết, quyền đồng ý và các quyền khác tại Điều 9 Nghị định này. Nghị định số 13/2023/NĐ-CP tiếp tục nhấn mạnh tại khoản 1 Điều 9 “chủ thể dữ liệu được biết về hoạt động xử lý DLCN của mình,...”.

Từ nguyên tắc “được biết” và quyền được biết, Nghị định số 13/2023/NĐ-CP cho phép chủ thể dữ liệu có “quyền đồng ý”, cụ thể: chủ thể dữ liệu được đồng ý hoặc không đồng ý cho phép xử lý DLCN của mình, trừ trường hợp quy định tại Điều 17 Nghị định này (bao gồm các trường hợp ngoại lệ của quyền bảo vệ DLCN vì lý do khẩn cấp). Các quy định này dẫn đến nghĩa vụ thông báo của Bên Kiểm soát DLCN, Bên Kiểm soát và xử lý DLCN (khoản 1 Điều 13 Nghị định số 13/2023/NĐ-CP). Điều này đặt ra yêu cầu sửa đổi Luật báo chí theo hướng bổ sung nghĩa vụ thông báo đến cá nhân chủ thể dữ liệu về việc cơ quan, tổ chức báo chí thu thập, xử lý DLCN. Trách nhiệm thông báo các thông tin về việc xử lý DLCN cần có các yêu cầu cụ thể về nội dung, hình thức và thủ tục để các tổ chức xuất bản tuân thủ, thực hiện.

Đầu tiên, các yêu cầu về nội dung thông báo phải đầy đủ, khoản 2 Điều 13 Nghị định số 13/2023/NĐ-CP đã liệt kê một số thông tin phải được thông báo như: Mục đích xử lý; Loại DLCN được sử dụng có liên quan tới mục đích xử lý; Cách thức xử lý; Thông tin về các tổ chức, cá nhân khác có liên quan tới mục đích xử lý; Hậu quả, thiệt hại không mong muốn có khả năng xảy ra; Thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc xử lý dữ liệu.

Tiếp đến, đối với hình thức thông báo, khoản 3 Điều 13 Nghị định số 13/2023/NĐ-CP quy định thông báo phải được thể hiện ở một định dạng có thể được in, sao chép bằng văn bản, bao gồm cả dưới dạng điện tử hoặc định dạng kiểm chứng được. Riêng đối với DLCN nhạy cảm, chủ thể dữ liệu phải được thông báo rằng dữ liệu cần xử lý là DLCN nhạy cảm. Căn cứ điều này, các tổ chức, cơ quan báo chí có thể đánh dấu nổi bật nội dung quan trọng bằng cách in đậm và gạch chân trong văn bản thỏa thuận/hợp đồng hoặc sử dụng các phương pháp như “cửa sổ bật lên” (pop-up window) hoặc “âm thanh gợi ý” (hint sound) trên các website hoặc ứng dụng điện tử để thu hút chú ý của chủ thể dữ liệu.

Cuối cùng, chủ thể dữ liệu có quyền rút lại sự đồng ý của họ. Khi chủ thể dữ liệu rút lại sự đồng ý, khoản 3 Điều 12 Nghị định số 13/2023/NĐ-CP yêu cầu Bên Kiểm soát DLCN, Bên Kiểm soát và xử lý DLCN thông báo cho chủ thể dữ liệu về hậu quả, thiệt hại có thể xảy ra khi rút lại sự đồng ý.

2.2.2. Nguyên tắc giới hạn

Điều 3 Nghị định số 13/2023/NĐ-CP quy định DLCN được thu thập phải phù hợp và giới hạn trong phạm vi, mục đích cần xử lý và chỉ được xử lý DLCN đúng với mục đích đã được đăng ký, tuyên bố. Điều này có nghĩa là việc xử lý thông tin cá nhân phải chỉ ở mức tối thiểu có giới hạn về phạm vi và cần áp dụng phương pháp ít ảnh hưởng nhất đến quyền và lợi ích của cá nhân. Đồng thời, điểm a khoản 6 Điều 9 Nghị định trên cũng cho phép chủ thể dữ liệu được yêu cầu hạn chế xử lý DLCN của mình.

Đối với mỗi tổ chức, cơ quan báo chí khác nhau có mục đích xử lý DLCN khác nhau, do đó cũng có sự khác biệt về mức độ thu thập, xử lý DLCN. Ví dụ, khi một tờ báo đăng thông báo tìm kiếm người mất tích, để phản ánh chính xác các thông tin liên quan và nhanh chóng tìm thấy người mất tích, nội dung bản tin cần phải sử dụng ảnh chân dung và các mô tả về đặc điểm nhận dạng của họ cho nên họ có quyền xử lý DLCN liên quan đến hình ảnh cá nhân. Tuy nhiên, đối với các tạp chí bao gồm nhiều tác phẩm thường được trình bày dưới dạng văn bản, số liệu, bảng thống kê thì không cần hiển thị chân dung hay các đặc điểm nhận dạng tác giả cho nên nếu các tạp chí buộc tác giả phải cung cấp hình ảnh cá nhân thì rõ ràng đã vượt quá mục đích xử lý DLCN.

Do đó, Luật Báo chí cần được bổ sung các quy định yêu cầu tổ chức, cơ quan báo chí chỉ được thu thập, xử lý DLCN phù hợp với mục đích xử lý, xuất bản theo đúng tôn chỉ, mục đích và lĩnh vực đăng ký hoạt động. Đơn cử như mục đích chính của việc thu thập DLCN của các tạp chí là để tạo điều kiện liên lạc với tác giả, trao đổi vấn đề biên tập, giải quyết việc thanh toán thù lao cho tác giả và các vấn đề liên quan. Từ mục đích này, các cơ quan tạp chí có cần thiết thu thập các thông tin về giới tính, dân tộc, độ tuổi, hình ảnh hay chức vụ, tài khoản mạng xã hội của tác giả hay không.

Để thực hiện tốt các nguyên tắc đồng ý và giới hạn, Luật Báo chí cần bổ sung điều khoản yêu cầu tổ chức, cơ quan báo chí thiết lập chính sách, biện pháp quản lý quy trình xử lý DLCN theo các hướng: Một là, việc thu thập DLCN phải đúng với mục đích xuất bản, không thu thập các dữ liệu vượt quá mục đích (như sở thích, độ tuổi,…); Hai là, thiết lập quy trình quản lý xử lý DLCN theo các giai đoạn của hoạt động báo chí và xuất bản, như tại giai đoạn tiếp nhận bản thảo không cần thu thập thông tin về tải khoản ngân hàng và căn cước công dân. Tương tự, tại giai đoạn thanh toán thù lao thì không cần thu thập các dữ liệu liên quan đến quá trình học tập và công tác.

2.3. Miễn trừ trách nhiệm bảo vệ DLCN trong hoạt động báo chí

Điều 85 của Quy định chung về bảo vệ dữ liệu của EU quy định rằng, khi xử lý dữ liệu nhằm mục đích báo chí hoặc cho mục đích biểu đạt học thuật, nghệ thuật hoặc văn học, nếu quyền kết hợp hài hòa giữa bảo vệ DLCN với quyền tự do ngôn luận và thông tin. Tại Việt Nam, khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 và khoản 2 Điều 2 Bộ luật Dân sự năm 2015 đều quy định quyền con người (bao gồm quyền về DLCN) bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Điều 17 Nghị định số 13/2023/NĐ-CP cho phép xử lý DLCN trong trường hợp không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu. Theo đó, một số trường hợp tổ chức, cơ quan báo chí được quyền xử lý DLCN mà không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu, bao gồm:

Thứ nhất, để thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của chủ thể dữ liệu với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của luật. Trong hoạt động xuất bản báo chí, do nhu cầu của hoạt động kinh doanh như ký kết hợp đồng xuất bản, hợp đồng chuyển giao quyền tác giả, khấu trừ thuế…, DLCN của tác giả như họ tên, số căn cước công dân, mã số thuế,... sẽ được sử dụng để thực hiện hợp đồng các bên đã ký kết. Trong trường hợp này, việc sử dụng DLCN để đảm bảo việc thực hiện hợp đồng diễn ra suôn sẻ và không làm tổn hại đến quyền đối với DLCN, vì vậy, việc miễn trừ trách nhiệm đối với bảo vệ DLCN là hợp lý.

Thứ hai, việc xử lý dữ liệu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm (gọi chung là vì lợi ích công cộng). Trong trường hợp vì lợi ích công cộng, các cơ quan báo chí (là cơ quan nhà nước có thẩm quyền) có thể xử lý DLCN trong phạm vi hợp lý nhằm giám sát, điều hướng dư luận và truyền tải thông tin kịp thời đến cộng đồng mà không phải chịu trách nhiệm pháp lý. Tuy vậy, cần lưu ý rằng việc miễn trừ trách nhiệm bảo vệ DLCN của các tổ chức, cơ quan báo chí vì lợi ích công cộng phải nằm trong phạm vi hợp lý, đây cũng là biểu hiện của nguyên tắc cần thiết trong xử lý DLCN.

2.4. Xử lý dữ liệu tự động trong hoạt động báo chí

Trong thời đại kinh tế số, hiện tượng “đọc rời rạc” ngày càng trở nên phổ biến, tức là sử dụng thời gian ngẫu nhiên trong ngày để đọc các đoạn văn bản ngẫu nhiên (trong cùng tác phẩm hoặc hai tác phẩm khác nhau). Nhịp sống hối hả, sự phổ biến của thiết bị đầu cuối di động và sự phát triển của công nghệ mạng thông tin đã khiến việc đọc rời rạc trở thành một phần bình thường của cuộc sống. Điều này góp phần tạo nên nhu cầu đọc của độc giả ngày càng được cá nhân hóa, đa dạng và linh hoạt.

Nhằm đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của lượng lớn bạn đọc, các cơ quan báo chí đã chủ động tìm tòi, xây dựng các nền tảng số, trên cơ sở đó có thể sử dụng DLCN của bạn đọc để đưa ra các quyết định tự động dựa trên kết quả xử lý DLCN tự động. Xử lý DLCN tự động là hoạt động tự động phân tích và đánh giá thói quen hành vi, sở thích hoặc tình trạng kinh tế, sức khỏe và tín dụng của một cá nhân thông qua các chương trình máy tính và đưa ra quyết định đối với cá nhân đó. Với sự phát triển của khoa học và công nghệ, có thể thu thập và xử lý tất cả dữ liệu, kết quả thu được từ phân tích dữ liệu đầy đủ chính xác hơn, đó cũng là giá trị khai thác của dữ liệu lớn. Nghị định số 13/2023/NĐ-CP định nghĩa xử lý DLCN tự động là hình thức xử lý DLCN được thực hiện bằng phương tiện điện tử nhằm đánh giá, phân tích, dự đoán hoạt động của một con người cụ thể, như: thói quen, sở thích, mức độ tin cậy, hành vi, địa điểm, xu hướng, năng lực và các trường hợp khác.

Hiện nay, nội dung Nghị định số 13/2023/NĐ-CP chưa có quy định cụ thể về các yêu cầu bắt buộc đối với việc xử lý dữ liệu tự động, tuy nhiên, các tổ chức, cơ quan báo chí cần tuân thủ các nguyên tắc chung về xử lý DLCN, đặc biệt là nguyên tắc về giới hạn phạm vi, nhất là trong bối cảnh xây dựng dữ liệu lớn đang trở thành lợi thế cạnh tranh.

Kết luận

Việc ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP có tác động quan trọng đến việc sử dụng và bảo vệ DLCN, và DLCN chắc chắn sẽ liên quan đến các hoạt động báo chí. Với tư cách là Bên Kiểm soát và xử lý DLCN, các tổ chức, cơ quan báo chí trước tiên phải thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ DLCN, tuân tủ nguyên tắc được biết, nguyên tắc giới hạn và xây dựng cơ chế quản lý quy trình xử lý dữ liệu. Ngoài ra, các cơ quan báo chí có thể căn cứ vào nhu cầu kinh doanh hoặc vì lợi ích công cộng, các nghĩa vụ liên quan mà có thể được miễn trừ nghĩa vụ bảo vệ DLCN ở một mức độ nhất định. Ngoài ra, trong kỷ nguyên dữ liệu lớn, các tổ chức, cơ quan báo chí nên tận dụng tối đa giá trị tiềm năng của DLCN, xây dựng và khai thác tài nguyên dữ liệu nhằm triển khai các dịch vụ cá nhân hóa và ra quyết định tự động, đồng thời đảm bảo tuân thủ quy định về bảo vệ DLCN.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

[1] Smith, J., & Johnson, A. (2022). Protecting Personal Data in Journalism: A Comparative Analysis of Legal Frameworks. P.12-13.

[2] Garcia, R., & Kim, S. (2020). Investigative Journalism and Data Privacy: Ethical Dilemmas and Journalistic Practices. In L. Nguyen (Ed.), Ethical Considerations in Journalism (pp. 311-328).

[3] European Commission, “What is personal data?”, https://ec.europa.eu/info/law/...
/what-personal-data_en.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Smith, J., & Johnson, A. (2022). Protecting Personal Data in Journalism: A Comparative Analysis of Legal Frameworks. pp.12-13;
  2. Garcia, R., & Kim, S. (2020). Investigative Journalism and Data Privacy: Ethical Dilemmas and Journalistic Practices. In L. Nguyen (Ed.), Ethical Considerations in Journalism, pp. 311-328;
  3. European Commission, “What is personal data?”, https://ec.europa.eu/info/law/... /what-personal-data_en.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong hoạt động báo chí: Một số kiến nghị hoàn thiện luật báo chí
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO