Báo chí Cách mạng Việt Nam có chiều dài lịch sử phát triển gần 100 năm qua với nhiều thành tựu to lớn, đóng góp đáng kể đối với sự phát triển của đất nước. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, bùng nổ thông tin, đặc biệt thành tựu vĩ đại của cuộc Cách mạng mang công nghiệp lần thứ tư, nền Báo chí cách mạng Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển chuyên nghiệp; đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức, cần có sự bứt phá. Báo chí văn học - nghệ thuật là một phận quan trọng, tinh tế trong hệ thống Báo chí cách mạng Việt Nam. Để phát huy tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm và thể hiện tính chuyên nghiệp cao, báo chí văn học - nghệ thuật cần có sự đổi mới mạnh mẽ, hòa nhịp vào “dòng chảy” chuyển đổi số để phát triển.
Tóm tắt: Báo chí Cách mạng Việt Nam có chiều dài lịch sử phát triển gần 100 năm qua với nhiều thành tựu to lớn, đóng góp đáng kể đối với sự phát triển của đất nước. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, bùng nổ thông tin, đặc biệt thành tựu vĩ đại của cuộc Cách mạng mang công nghiệp lần thứ tư, nền Báo chí cách mạng Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển chuyên nghiệp; đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức, cần có sự bứt phá. Báo chí văn học - nghệ thuật là một phận quan trọng, tinh tế trong hệ thống Báo chí cách mạng Việt Nam. Để phát huy tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm và thể hiện tính chuyên nghiệp cao, báo chí văn học - nghệ thuật cần có sự đổi mới mạnh mẽ, hòa nhịp vào “dòng chảy” chuyển đổi số để phát triển. Tại Hội thảo khoa học “Diễn đàn báo chí tháng sáu: Chuyển đổi số báo chí - một số vấn đề lý luận và thực tiễn” tác giả bài viết nêu ra một số vấn đề về nội dung báo chí văn học - nghệ thuật trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Cụ thể: Báo chí văn học - nghệ thuật trong sự phát triển của nền Báo chí cách mạng Việt Nam; báo chí văn học - nghệ thuật hòa nhịp “dòng chảy” chuyển đổi số hiện nay.
Từ khóa: Chuyển đổi số, báo chí, văn học, nghệ thuật, phát triển…
1. Báo chí văn học - nghệ thuật trong sự phát triển của nền Báo chí cách mạng Việt Nam
Thanh Niên là tờ báo Cách mạng đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, ra đời ngày 21/6/1925, đánh dấu sự ra đời của nền Báo chí cách mạng Việt Nam. Nền Báo chí cách mạng Việt Nam đã trải qua 97 năm xây dựng và phát triển. Báo chí Cách mạng Việt Nam đồng hành, phát triển cùng đất nước. Mỗi một thời kỳ cách mạng, Báo chí cách mạng của chúng ta luôn là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, Nhà nước và của Nhân dân.
Từ thuở sơ khai cho đến nay, chúng ta đã có một hệ thống báo chí lớn mạnh, với gần một ngàn cơ quan báo chí và hàng ngàn sản phẩm báo chí ở đủ 4 loại hình báo chí, bao gồm: báo in, phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử. Báo chí cách mạng Việt Nam có một lực lượng đông đảo các nhà báo chuyên nghiệp, với gần 20 ngàn nhà báo được cấp Thẻ. Các nhà báo đều được đào tạo chính quy, bài bản, thích ứng nhanh với xu hướng phát triển của báo chí hiện đại trên thế giới. Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp và là nơi sinh hoạt chuyên môn, nghiệp vụ, bảo vệ quyền lợi hoạt động nghề nghiệp hợp pháp của hàng chục ngàn nhà báo, hội viên báo chí.
Tiền thân là lớp đào tạo đội ngũ người làm báo cách mạng mang tên Huỳnh Thúc Kháng ở chiến khu Việt Bắc, đến nay, chúng ta đã có nhiều cơ sở đào tạo báo chí có uy tín như: Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học khoa học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học khoa học Thái Nguyên… Các nhà báo của chúng ta không chỉ được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp ở trình độ đại học, bồi dưỡng ở trong vào ngoài nước, mà nhiều nhà báo còn có trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ ngành Báo chí học; đội ngũ này đóng góp quan trọng trong tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận báo chí cách mạng Việt Nam…
Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tiễn để lãnh đạo, quản lý hệ thống báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm. Đặc biệt, gần đây, Chính phủ ban hành Quyết định về quy hoạch phát triển báo chí, đồng thời ban hành chủ trương, chiến lược chuyển đổi số quốc gia - đây là cơ hội để nền Báo chí cách mạng Việt Nam đổi mới để phát triển chuyên nghiệp, hiện đại trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay.
Báo chí văn học - nghệ thuật là một bộ phận quan trọng, tinh tế trong hệ thống Báo chí cách mạng Việt Nam. Ngay từ thời kỳ đầu của lịch sử báo chí tiếng Việt ở Việt Nam đã xuất hiện nhiều tờ báo và tạp chí chuyên biệt thông tin về lĩnh vực văn học – nghệ thuật. Nhiều nhà báo xuất thân là các nhà văn, nghệ sĩ. Ở chiến khu Việt Bắc hay ở Nam bộ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cũng có nhiều tờ báo, tạp chí văn nghệ ra đời, trở thành diễn đàn quan trọng của các văn nghệ sĩ, trí thức, đóng góp đáng kể cho sự phát triển văn hóa, nghệ thuật của đất nước.
Hiện nay, cả nước có hơn 80 cơ quan báo chí văn học - nghệ thuật. ở Trung ương, chúng ta có các sản phẩm báo, tạp chí văn học – nghệ thuật của Trung ương Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Việt Nam như tờ Văn Nghệ. Hội đồng Lý luận Văn học - Nghệ thuật Trung ương có Tạp chí Phê bình Lý luận Văn học Nghệ thuật. Báo, tạp chí văn nghệ của các lực lượng vũ trang như: Văn nghệ Quân đội, Văn hóa Văn nghệ Công an…
Ở địa phương, hầu khắp 63 tỉnh, thành phố từ Bắc vào Nam đều có các Hội Văn học - Nghệ thuật và có các sản phẩm báo, tạp chí. Đây là cơ quan ngôn luận của tổ chức, là diễn đàn thông tin, giới thiệu sáng tác, phê bình lý luận của đội ngũ văn nghệ sĩ, nhà báo, nhà nghiên cứu về lĩnh vực văn học - nghệ thuật.
Bên cạnh đó, hệ thống phát thanh, truyền hình từ Trung ương đến địa phương cũng đều dành thời lượng nhất định để tổ chức sản xuất, phát sóng các chương trình, chuyên mục về lĩnh vực văn học - nghệ thuật, được công chúng yêu thích. Chưa kể, nhiều cơ quan báo chí văn học - nghệ thuật còn xuất bản sản phẩm điện tử và sử dụng các kênh mạng xã hội để cập nhật tin tức, quảng bá thông tin, giới thiệu và phát hiên các tác giả cùng các sáng tác mới cùng như công bố các nghiên cứu lý luận phê bình văn học - nghệ thuật…
Chúng ta cũng có một đội ngũ tác giả báo chí về văn học - nghệ thuật đông đảo, đó là những người có chuyên môn, uy tín trong giới văn nghệ. Hằng ngày, họ nỗ lực, trách nhiệm tham góp sáng tạo nội dung cho các tác phẩm, sản phẩm báo chí văn học - nghệ thuật phong phú, đa dạng; góp phần làm giàu thêm đời sống văn hóa - nghệ thuật của nước nhà…
Có thể khẳng định, cùng với hệ thống Báo chí cách mạng Việt Nam, báo chí văn học - nghệ thuật từ Trung ương đến địa phương đã đóng góp tích cực cho sự lớn mạnh của nền báo chí; đồng thời, góp phần quan trọng thực hiện chức năng thông tin giao tiếp, chức năng tư tưởng, chức năng giám sát, phản biện xã hội; đồng thời làm lạnh mạnh hóa đời sống xã hội, đặc biệt là đối với đời sống văn học - nghệ thuật, một lĩnh vực đặc biệt quan trọng, tinh tế của văn hóa.
2. Báo chí văn học - nghệ thuật hòa nhịp “dòng chảy” chuyển đổi số hiện nay
Chuyển đổi số là vấn đề tất yếu khách quan, báo chí văn học - nghệ thuật không thể đứng ngoài cuộc. Tuy nhiên, trong “dòng chảy” chuyển đổi số tạo cơ hội lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ đối với các cơ quan báo chí.
Cơ hội, đó là các cơ quan quan báo chí nói chung, báo chí văn học - nghệ thuật nói riêng có điều kiện để làm mới mình. Thành tựu vĩ đại của cuộc Cách mạng số đã thay đổi tư duy, nhận thức và sức ì của mọi ngành nghề, lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực báo chí. Nếu như con chữ, giấy và công nghệ in typo ra đời đã quyết định sự ra đời của báo chí hiện đại vào những năm đầu của thế kỷ 17, giờ đây, báo chí thế giới đã chuyển sang thời kỳ mới, đó là thời kỳ của báo chí số. Phương thức làm báo kỹ thuật số đã thay thế phương thức làm báo thủ công, truyền thống. Công nghệ thông tin, kỹ thuật điện toán, internet đã giúp cho khoảng cách thông tin tin tức gần hơn, nhanh hơn, đa dạng hơn để đáp ứng thị hiếu đa dạng của công chúng.
Thách thức, đó là chuyển đổi số là vấn đề mới, lớn và khó; ngay cả những nước tiên tiến, nôi của văn minh công nghệ cũng đang trong lộ trình của công cuộc chuyển đổi số, chưa có nhiều tổng kết, đánh giá những kết quả, hạn chế và nguyên nhân, giải pháp của vấn đề này. Mặt khác, vấn đề tiếp cận, làm chủ kỹ thuật, công nghệ hiện đại không phải muốn là làm và làm được nếu chúng ta thiếu các điều kiện về nhân lực (chưa được đào tạo, huấn luyện chuyên nghiệp), vật lực (phương tiện, tài chính…) và chính sách (chưa kịp thời, phù hợp thực tiễn)…
Để báo chí văn học - nghệ thuật hòa nhịp nhanh chóng vào “dòng chảy” chuyển đổi số, cần:
Một là, bên cạnh chủ trương, chiến lược chuyển đổi số quốc gia của Đảng và Nhà nước, lãnh đạo các cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí văn học - nghệ thuật cần nhận thức đầy đủ, đúng đắn về xu hướng phát triển của báo chí và tầm quan trọng của chuyển đổi số trong hoạt động báo chí trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Từ nhận thức đúng đắn, kịp thời về xu thế phát triển và tầm quan trọng của việc chuyển đổi số sẽ có thái độ và hành vi ứng xử đúng đắn, đưa ra chiến lược và chiến thuật phù hợp để phát triển báo chí văn học - nghệ thuật theo hướng hiện đại, phù hợp với điều kiện thực tiễn của nền Báo chí cách mạng hiện nay. Tư duy làm báo Cách mạng của ngày hôm nay phải là tư duy sản xuất báo chí để phục vụ công chúng và phụng sự đất nước; là tư duy quản trị cơ quan báo chí và hoạt động kinh tế báo chí - truyền thông dựa trên nền tảng công nghệ số. Nếu chúng ta không thay đổi tư duy, phương thức làm báo trong thời đại số, báo chí của chúng ta sẽ tụt hậu, bị truyền thông mạng xã hội đẩy lại phía sau và Báo chí cách mạng sẽ mất vai trò, sứ mệnh là những phương tiện truyền thông chính yếu của Đảng và Nhà nước về mọi mặt, trong đó có lĩnh vực văn học - nghệ thuật.
Hai là, các cơ quan báo chí văn học - nghệ thuật cần lựa chọn một mô hình tổ chức hoạt động tòa soạn phù hợp, hiện đại, tinh gọn, cấu trúc theo hướng hội tụ, tích hợp, đa phương tiện. Đề án quy hoạch báo chí của Chính phủ đã khai mở để từ các đơn vị báo chí chủ lực đến các cơ quan báo chí Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương đề xuất, lựa chọn cho mình một mô hình tổ chức hoạt động phù hợp, hiệu quả. Xu hướng hiện nay là các cơ quan báo chí lựa chọn mô hình tổ chức hoạt động tòa soạn hội tụ, đa phương tiện. Tuy nhiên, hiểu đầy đủ cả về mặt học thuật lẫn thực tiễn của cái gọi là “tòa soạn hội tụ, đa phương tiện” trong tổ chức hoạt động cơ quan báo chí hiện nay là rất khác nhau, do đó mỗi cơ quan báo chí có một cách cơ cấu tổ chức và hoạt động sáng tạo báo chí theo cách riêng, chưa mang tính hệ thống, bài bản, hiện đại, chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, để giải mã được vấn đề này, về mặt học thuật, cần phải tường minh thuật ngữ “đa phương tiện” trong lĩnh vực báo chí theo hướng cấu trúc tòa soạn hội tụ sáng tạo tác phẩm và tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí đa loại hình báo chí, sản phẩm truyền thông; tác phẩm, sản phẩm báo chí, truyền thông tích hợp đa mã ngôn ngữ để biểu đạt nội dung thông điệp bao gồm ngôn ngữ văn tự (chữ) và ngôn ngữ phi văn tự (hình ảnh chụp, đồ họa, âm thanh, video…); tương tác đa chiều, điều mà các tòa soạn, loại hình, sản phẩm báo chí truyền thống chưa làm được tốt; tận dụng tối đa kỹ thuật, công nghệ hiện đại, đặc biệt là kỹ thuật, công nghệ số, internet…; hình thành mô hình nhà báo đa năng, tức là thông thạo tất cả các kỹ năng làm báo như: sáng tạo tác phẩm báo chí ở các thể loại, loại hình, đa nền tảng; sử dụng thông thạo các mã ngôn ngữ; làm chủ các công việc trong quy trình xuất bản báo; làm tốt công tác lãnh đạo, quản lý, sản xuất và kinh doanh báo chí trong điều kiện nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay…
Có quan điểm cho rằng, các nhà báo, cộng tác viên báo chí văn học - nghệ thuật đậm “chất nghệ” nên dễ chậm hòa nhịp “dòng chảy” chuyển đổi số, nhất là về vấn đề làm chủ kỹ thuật, công nghệ hiện đại và vấn đề kinh tế báo chí, truyền thông. Nói như vậy như vậy là chủ quan, bởi đã là nhà báo, dù là ở lĩnh vực nào thì họ cũng có tố chất, tư duy sáng tạo, thích ứng với cái mới, hiện đại. Nhà báo hoạt động trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật là những người có kiến thức sâu, rộng, am tường về đời sống văn học - nghệ thuật. Nhiều nhà báo hoạt động trong lĩnh vực này rất năng động, thích ứng nhanh với kỹ thuật làm báo hiện đại, tôi tin là hệ thống báo chí văn học - nghệ thuật sẽ hòa nhịp nhanh chóng vào “dòng chảy” chuyển đổi số để phát triển bền vững.
Ba là, các cơ quan báo chí văn học - nghệ thuật cần thực hiện tốt hơn nữa vai trò đảm trách “mặt trận” tư tưởng - văn hóa của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực văn học - nghệ thuật. Báo chí văn học - nghệ thuật phải thực sự là nơi hội tụ, trở thành diễn đàn sáng tác, phê bình lý luận văn học - nghệ thuật của đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ, đồng thời là nơi phát hiện, bồi dưỡng, ươm mầm các tài năng văn nghệ của nước nhà. Muốn vậy, Ban Biên tập các cơ quan báo chí văn học - nghệ thuật phải có kế hoạch tuyển dụng phóng viên, biên tập viên, người làm công tác lãnh đạo, quản lý có kiến thức, kỹ năng sâu rộng về lĩnh vực văn học - nghệ thuật; đồng thời tăng cường kết nối, sử dụng hiệu quả mạng lưới công tác viên là các văn nghệ sĩ, người làm công tác phê bình, lý luận để cùng sáng tạo các tác phẩm, sản phẩm báo chí văn học - nghệ thuật hiệu quả.
Bốn là, trong tiến trình thực hiện quy hoạch báo chí, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục có sự chỉ đạo, ban hành các chính sách báo chí kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tiễn để khuyến khích các đơn vị báo chí hoạt động trách nhiệm, hiệu quả, nhất là vấn đề về mô hình tổ chức, ngân sách đầu tư và cơ chế tự chủ tài chính... Như trên đã nói, báo chí văn học - nghệ thuật là một bộ phận quan trọng, tinh tế trong hệ thống Báo chí cách mạng Việt Nam, do đó cần có những chính sách hỗ trợ để các nhà báo thực hiện sứ mệnh, trách nhiệm cao cả là những “chiến sĩ” trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng.
3. Kết luận
Báo chí văn học - nghệ thuật là một bộ phận quan trọng, tinh tế trong hệ thống Báo chí cách mạng Việt Nam. Cùng với hệ thống Báo chí cách mạng Việt Nam, báo chí văn học - nghệ thuật từ Trung ương đến địa phương đã đóng góp tích cực cho sự lớn mạnh của nền báo chí; đồng thời, góp phần quan trọng thực hiện chức năng thông tin giao tiếp, chức năng tư tưởng, chức năng giám sát, phản biện xã hội; đồng thời làm lạnh mạnh hóa đời sống xã hội, đặc biệt là đối với đời sống văn học - nghệ thuật, một lĩnh vực đặc biệt quan trọng, tinh tế của văn hóa. Để báo chí văn học - nghệ thuật hòa nhịp nhanh chóng vào “dòng chảy” chuyển đổi số, cần lãnh đạo các cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí văn học - nghệ thuật cần nhận thức đầy đủ, đúng đắn về xu hướng phát triển của báo chí và tầm quan trọng của chuyển đổi số trong hoạt động báo chí trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí văn học - nghệ thuật cần lựa chọn một mô hình tổ chức hoạt động tòa soạn phù hợp, hiện đại, tinh gọn, cấu trúc theo hướng hội tụ, tích hợp, đa phương tiện. Các cơ quan báo chí văn học - nghệ thuật cần thực hiện tốt hơn nữa vai trò đảm trách “mặt trận” tư tưởng - văn hóa của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực văn học - nghệ thuật. Đảng và Nhà nước cần tiếp tục có sự chỉ đạo, ban hành các chính sách báo chí kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tiễn để khuyến khích các đơn vị báo chí nói chung, trong đó có báo chí văn học – nghệ thuật hoạt động trách nhiệm, hiệu quả.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới
2. Nguyễn Thị Triều, Định hướng của Đại hội XIII về văn học nghệ thuật, https://hcma3.hcma.vn/tintuc/P...
3. Đan Thanh, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổng kết công tác năm 2019, 2020,http://www.baolamdong.vn
4. Đại hội Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam lần thứ X nhiệm kỳ 2020 - 2025,http://baovannghe.com.vn/.
5. Nguyễn Huy Phòng, Chất lượng đội ngũ cán bộ văn hóa - nhân tố quan trọng để phát triển bền vững đất nước, 2021,http://tapchimattran.vn/.
6. Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, 2018,http://tuanbaovannghetphcm.vn/.
7. Vương Lê, Phú Đức, Các tác phẩm báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, https://dangcongsan.vn/thoi-su...
8. Trần Minh Tú, Nhận diện "tự diễn biến" trên lĩnh vực báo chí, văn học, nghệ thuật, https://hanoimoi.com.vn/ban-in...
9. HNM, Phê bình văn học, nghệ thuật trên báo chí: Đổi mới để bám sát thực tiễn, http://www.hanoimoi.com.vn/tin...
10. TG, Báo chí văn học nghệ thuật cần tăng cường giới thiệu các tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, https://tuyengiao.vn/nghien-cu...