Tài liệu tiếng Việt

Bản quyền báo chí trên các nền tảng mạng xã hội và nền tảng sử dụng tin bài báo chí - kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Trần Bảo Sơn, Nguyễn Thị Lan Anh 13/06/2024 10:18

Trong bài viết này, tác giả phân tích khái quát lý luận về bản quyền báo chí trên các nền tảng mạng xã hội và nền tảng sử dụng tin bài báo chí, chỉ ra thực trạng hành vi xâm phạm quyền tác giả với tác phẩm báo chí, nghiên cứu kinh nghiệm một số quốc gia trong việc bảo vệ quyền cho tác giả, nhà xuất bản, tổ chức báo chí từ đó đề xuất kiến nghị hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi trên thực tế.

Từ khoá: Bản quyền, quyền tác giả, tác phẩm báo chí, mạng xã hội.

1. Đặt vấn đề

Trong thời đại công nghệ số hiện nay, mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của mọi người. Sức ảnh hưởng của chúng không chỉ dừng lại ở việc kết nối con người mà còn mở ra những cơ hội mới cho các cơ quan báo chí để tiếp cận độc giả. Tuy nhiên, một vấn đề nổi bật mà ngành báo chí phải đối mặt là việc mạng xã hội và các nền tảng này sử dụng tin tức từ các cơ quan báo chí mà không trả tiền bản quyền. Hiện nay, việc sử dụng tin tức từ các cơ quan báo chí trên mạng xã hội và các nền tảng số đã trở thành một thực trạng phổ biến. Các nền tảng này thu thập, phân phối và hiển thị tin tức mà không cần phải trả tiền bản quyền cho các cơ quan báo chí, gây ra một loạt các vấn đề liên quan đến công bằng và bền vững của ngành báo chí. Tác giả mong muốn thông qua bài viết có thêm cơ hội để thảo luận, đánh giá và đề xuất giải pháp cho vấn đề bản quyền báo chí trong thời đại số hóa cũng như trong bối cảnh Luật Báo chí đang trong giai đoạn chuẩn bị sửa đổi.

2. Tổng quan về bản quyền báo chí trên các nền tảng mạng xã hội và nền tảng sử dụng tin bài báo chí

2.1. Một số khái niệm liên quan

Trước hết, “báo chí” hiểu theo nghĩa rộng bao gồm báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử, hiểu theo nghĩa hẹp bao gồm báo và tạp chí. Khoản 1 Điều 3 Luật Báo chí năm 2016 tiếp cận từ hình thức thể hiện, từ đó đưa ra định nghĩa “Báo chí là sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội thể hiện bằng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được sáng tạo, xuất bản định kỳ và phát hành, truyền dẫn tới đông đảo công chúng thông qua các loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử”. “Tác phẩm báo chí” là thuật ngữ để chỉ sản phẩm trí tuệ được sáng tạo ra và được đăng tải trên báo chí. Tuy nhiên không phải tác phẩm nào được đăng tải trên báo chí cũng được coi là “tác phẩm báo chí” mà tuỳ thuộc vào nội dung thông tin mà tác phẩm muốn truyền đạt. Báo chí là một phương tiện thông tin, sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong xã hội, do đó để được xem là một tác phẩm báo chí, tác phẩm đó phải có nội dung nhằm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong xã hội. Những tác phẩm được đăng tải trên báo chí nhưng nội dung lại về Trí tưởng tượng hay mang tính nghệ thuật như truyện ngắn, tản văn, thơ… hoặc để quảng cáo, giới thiệu việc làm…thì không được coi là tác phẩm báo chí mà gọi là tác phẩm văn học, tác phẩm nghệ thuật hoặc tác phẩm làm dịch vụ.

Khoản 7 Điều 3 Luật Báo chí năm 2016 quy định: “Tác phẩm báo chí là đơn vị cấu thành nhỏ nhất của sản phẩm báo chí, có nội dung độc lập và cấu tạo hoàn chỉnh, gồm tin, bài được thể hiện bằng chữ viết, âm thanh hoặc hình ảnh”. Điều 14 Luật SHTT quy định về các loại hình tác phẩm được bảo hộ, trong đó có tác phẩm báo chí. Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, đặc biệt với sự ra đời và phát triển của Internet – đã và đang trở thành phương tiện hữu hiệu giúp con người tiếp cận, trao đổi với nhau một kho dữ liệu khổng lồ trong đó có các tác phẩm báo chí. Mặc dù vậy, chính Internet lại đặt ra một vấn đề hết sức nan giải xung quanh công tác chống vi phạm quyền tác giả nói chung và quyền tác giả đối với tác phẩm báo chí riêng. Điển hình là sự khó khăn và phức tạp trong công tác kiểm soát các hành vi công bố, sao chép, phân phối tác phẩm khi chưa có sự cho phép của chủ thể quyền.

Thuật ngữ "mạng xã hội" được hiểu theo nhiều cách khác nhau: Trước hết, cụm từ này bắt nguồn từ cụm từ "Social Network" trong tiếng Anh. Theo định nghĩa Từ điển Cambridge thì mạng xã hội là một website hoặc chương trình máy tính cho phép người dùng giao tiếp và chia sẻ thông tin lên mạng xã hội lên internet thông qua máy tính hoặc điện thoại di động[1]. Các trang mạng xã hội cũng được định nghĩa bằng việc hiện các chức năng; Mạng xã hội là những dịch vụ dựa trên trang web cho phép các cá nhân (i) xây dựng hồ sơ công khai trong một hệ thống có giới hạn, (ii) kết nối với những người dùng khác và (iii) xem và duyệt qua danh sách các kết nối của họ với những người khác trong hệ thống[2]. Theo pháp luật Việt Nam, Nghị định 72/2013/NĐ - CP về quản lý cung cấp sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đưa ra cách giải thích tại khoản 22 Điều 3: “Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác”. Hiện nay, mạng xã hội đã và đang có tác động sâu sắc tới lĩnh vực bảo vệ bản quyền cho các tác phẩm báo chí. Những tác động đó có cả hai mặt. Ở mặt tích cực, có thể nói mạng xã hội có thể góp phần quảng bá các tác phẩm một cách rộng rãi và trực tiếp hơn tới công chúng thông qua việc tiếp cận không phải trả phí, chia sẻ các tác phẩm một cách dễ dàng và nhanh chóng. Hỗ trợ chuyển thể một cách đầy sáng tạo, đem lại lợi ích nhiều hơn cho các tác giả, các nhà xuất bản, tổ chức báo chí. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực thì mạng xã hội cũng đem lại nhiều thách thức cho vấn đề bảo vệ bản quyền.

Nền tảng sử dụng tin báo chí có thể hiểu là tất cả nền tảng mà người dùng có thể tiếp cận tin tức như: Báo giấy, Báo mạng điện tử,… Hay nói cách khác, trong tương lai, để có thể tồn tại, một tờ báo buộc phải “biến đổi” để công chúng có thể tiếp cận thông tin bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào họ muốn, trên bất cứ nền tảng nào mà họ có[3].

Tổng quát, bản quyền báo chí trên các nền tảng mạng xã hội và nền tảng sử dụng tin bài báo chí có thể hiểu là có thể hiểu là các tác phẩm báo chí gồm tin, bài được thể hiện bằng chữ viết, âm thanh hoặc hình ảnh chứa đựng các thông tin về sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội, được sáng tạo, xuất bản định kỳ và phát hành, truyền dẫn tới đông đảo công chúng thông qua các trang mạng xã hội hoặc hình thức tiếp cận thông tin khác mà công chúng có thể tiếp cận được, được pháp luật bảo hộ quyền tác giả.

2.2. Pháp luật Việt Nam về bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm báo chí

Trước hết, quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu[4]. Căn cứ vào những quy định của pháp luật về quyền tác giả thì quyền tác giả được hiểu theo hai phương diện: Đối tượng của quyền tác giả là các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; tác phẩm phải do tác giả trực tiếp thực hiện lao động trí tuệ của mình mà không phải sao chép từ tác phẩm của người khác.

Quyền tác giả được xác lập theo cơ chế bảo hộ tự động mà không cần phải đăng ký. Chỉ cần tác giả có hành vi sáng tạo ra tác phẩm, tác phẩm đó đã được ghi nhận thuộc quyền sở hữu của tác giả. Quyền này khác với quyền sở hữu công nghiệp như nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng, được xác lập dựa trên quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua việc xét và cấp văn bằng bảo hộ.

Theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam thì quyền tác giả cũng bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả đối với tác phẩm do mình sáng tạo: (i) Quyền nhân thân gồm các quyền: Đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; công bố, phổ biến hoặc cho người khác công bố, phổ biến tác phẩm của mình; bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho phép người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả; (ii) Quyền tài sản gồm: Quyền được hưởng nhuận bút; thù lao khi tác phẩm được sử dụng; hưởng lợi ích vật chất từ việc cho người khác sử dụng tác phẩm dưới các hình thức như xuất bản, tái bản, trưng bày, triển lãm, biểu diễn, phát thanh, truyền hình, ghi âm, ghi hình, chụp ảnh; dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, cho thuê; nhận giải thuởng đối với tác phẩm mà mình là tác giả. Về cơ bản, nội dung quyền tác giả quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam phù hợp với thông lệ chung của luật pháp quốc tế.

Không phải mọi tác phẩm báo điện tử nào cũng đều được bảo hộ mà chỉ có những tác phẩm báo chí đáp ứng một số tiêu chí nhất định mới là đối tượng bảo hộ của quyền tác giả. Tác phẩm báo điện tử được bảo hộ khi nội dung của tác phẩm báo điện tử không vi phạm pháp luật, không vi phạm thuần phong mỹ tục, đạo đức, không có hại cho quốc phòng, an ninh quốc gia.

Khoản 3 Điều 6 Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định tác phẩm báo chí là một trong các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, với điều kiện “là tác phẩm có nội dung độc lập và cấu tạo hoàn chỉnh, bao gồm các thể loại: Phóng sự, ghi nhanh, tường thuật, phỏng vấn, phản ánh, điều tra, bình luận, xã luận, chuyên luận, ký báo chí và các thể loại báo chí khác nhằm đăng, phát trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các phương tiện khác”.

Như vậy để được bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm báo điện tử thì phải đáp ứng các điều kiện sau: (i) Tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm báo điện tử phải bảo đảm tính nguyên gốc tức là tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ bất cứ một tác phẩm của người khác; (ii) Chỉ bảo hộ hình thức thể hiện tác phẩm báo điện tử chứ không bằng nội dung ý tưởng, điều này có nghĩa là tác phẩm báo điện tử về bảo hộ phải được thể hiện dưới một hình thức nhất định, những tác phẩm báo điện tử mới chỉ là ý tưởng chưa được sáng tạo cụ thể thì không được bảo hộ.

Cơ chế bảo hộ tác phẩm báo điện tử được xác lập tự động sau khi tác phẩm được hoàn thành, không cần được đánh giá và công nhận, cũng không cần thông qua thủ tục cấp bằng bảo hộ. Việc nộp đơn để được cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả không phải là thủ tục bắt buộc để hưởng quyền tác giả.

3. Thực trạng hành vi xâm phạm bản quyền báo chí trên các nền tảng mạng xã hội và nền tảng sử dụng tin bài báo chí tại Việt Nam

Theo báo cáo Digital 2023 của We are social, tính đến tháng 01/2023, Việt Nam có khoảng 78 triệu người dùng mạng xã hội, chiếm 73,7% tổng dân số[5]. Việt Nam cũng được xếp vào nhóm 20 nước có số người dùng mạng xã hội cao nhất thế giới. Các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới được đông đảo người dùng tại Việt Nam có thể kể đến như Facebook, Instagram, Tiktok,... bên cạnh đó, những trang mạng xã hội nội địa cũng chiếm tỉ lệ không nhỏ. Một số liệu thống kê mới đây cho thấy, 70% người Việt sử dụng Internet với thời lượng trung bình 7 giờ mỗi ngày. Công nghệ 4G, 5G tiếp tục phát triển, giúp mọi người dễ dàng sử dụng Internet để giải trí, học tập và phục vụ các nhu cầu khác. Tuy nhiên, đa phần họ đều sử dụng những nội dung vi phạm bản quyền[6].

Việt Nam đã có hệ thống các quy định pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, tuy nhiên tình trạng vi phạm bản quyền các tác phẩm báo chí vẫn diễn ra khá phổ biến. Tốc độ và quy mô vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí ngày càng phức tạp và tinh vi. Thực tế, chỉ cần một đơn vị đăng tải bài báo về một vấn đề “nóng” đưa tin bất kỳ, ngay sau đó, không khó để tìm kiếm các bài đăng y hệt về nội dung cũng như hình ảnh trên nhiều trang tin điện tử. Thậm chí, nhiều website, fanpage còn giả thương hiệu các đơn vị báo chí chính thống để đưa những thông tin chưa được xác thực. Tình trạng này được thực hiện dễ dàng trên môi trường internet, bởi việc truy cập thông tin nhanh và dễ dàng trong việc sao chép, chỉ cần một, hai “cú nhấp chuột” là đã sao chép được.

Trên thực tế, có thể dễ dàng bắt gặp các bài báo được sao chép sử dụng một phần hay toàn bộ tin, bài, ảnh của các bài báo khác mà không trích dẫn hoặc trích dẫn không đầy đủ nguồn và rất khó để kiểm soát tình trạng các báo lấy bài của nhau có thể ở dạng xin phép hoặc không xin phép, lấy toàn bộ, lấy một phần, hay chỉ lấy hình ảnh hoặc câu trích. Vi phạm bản quyền có thể đến từ những trang website có địa chỉ rõ ràng đến trang website không rõ nguồn gốc, không rõ cơ quan chủ quản, mạng xã hội. Nhiều sản phẩm vừa được xuất bản đã bị các trang website khác, các tài khoản mạng xã hội… tự ý lấy lại, khai thác, sử dụng trái phép mà không trích dẫn nguồn, dẫn đường link. Khó khăn nhất trong xử lý vấn đề vi phạm bản quyền đến từ những trang website, tài khoản mạng xã hội bởi: Không rõ địa chỉ, không rõ người quản lý cũng như cơ quan chủ quản, không có giấy phép. Các trang mạng này tự ý lấy lại sản phẩm báo chí, khai thác sử dụng nhưng cơ quan báo chí cũng “lúng túng” để xử lý vấn đề bản quyền[7].

Khảo sát thực trạng vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ tại Báo Tuổi trẻ - cơ quan ngôn luận của Thành đoàn TP Hồ Chí Minh – một trong những tờ báo có lượng độc giả đông nhất cả nước. Hiện nay, tình trạng copy “có xào nấu” từ tin tức của Báo Tuổi Trẻ là rất nhiều. Các “thủ đoạn” được một bộ phận các cơ quan báo chí khác sử dụng là copy từng phần, copy nội dung chính, copy tin tức và copy nguyên bài… Chưa hết, trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến như YouTube, Facebook, TikTok, Instagram,… xảy ra rất nhiều tình trạng vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ của báo Tuổi Trẻ bằng nhiều hình thức. Cụ thể, hình ảnh (video) được phóng to ra nhằm làm mất logo của chủ sở hữu (Báo Tuổi trẻ). Hình ảnh (video) bị lật ngược chiều so với bản gốc ban đầu, chia cắt hình ảnh gốc thành nhiều đoạn rồi “chế biến” lại[8].

Internet đã mang lại rất nhiều lợi ích cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và người sử dụng. Tuy nhiên, môi trường internet cũng tạo điều kiện cho các hành vi xâm phạm quyền tác giả được thực hiện một cách dễ dàng với mức độ thiệt hại rất cao và đặt ra rất nhiều thách thức đối với việc bảo hộ quyền tác giả, trong đó có nhiều thách thức về mặt pháp lý đối với tác phẩm báo điện tử như tình trạng vi phạm bản quyền vẫn còn rất phổ biến, đa dạng, việc vi phạm ngày càng tinh vi hơn với việc khai thác sự phát triển của công nghệ (Pear to Pear: P2P, Bit Torrent, Cyberlockers…).

Nguyên nhân là do sự phát triển mạnh mẽ của internet và các thiết bị cho phép truy cập internet đã giúp việc truyền tải và sao chép các tác phẩm trở nên dễ dàng. Nguyên nhân nữa là trình độ hiểu biết và ý thức của tổ chức, cá nhân về vấn đề này còn hạn chế. Nhiều người có quyền không nhận thức được quyền của mình, không biết cách để bảo vệ quyền khi bị xâm phạm. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, luật pháp chưa thực sự bắt kịp với sự phát triển của công nghệ, vẫn còn “lỗ hổng” trong việc bảo vệ bản quyền tác giả một cách hiệu quả trong môi trường internet của tác phẩm báo chí.

4. Kinh nghiệm quốc tế về bảo vệ và chống hành vi xâm phạm bản quyền báo chí

4.1. Pháp

Pháp là quốc gia đi đầu trong việc bảo vệ quyền lợi của tác giả. Luật Bản quyền đầu tiên của Pháp được ban hành vào năm 1793 mô phỏng theo Đạo luật Anne số 9 của Anh và Đạo luật bản quyền đầu tiên của Hoa Kỳ năm 1790[9]. Bộ luật trao cho tác giả các đặc quyền tài sản và quyền nhân thân đối với các tác phẩm nguyên gốc. Về quyền tài sản, tác giả có toàn quyền cho phép hoặc cấm mọi sự sao chép và truyền thông tác phẩm của mình đến công chúng, trừ một số trường hợp ngoại lệ được quy định trong luật. Tác giả cũng có quyền bán lại các tác phẩm đồ họa hoặc nghệ thuật tạo hình và nhận thù lao. Về quyền nhân thân, tác giả của tác phẩm gốc quyền quyết định ban đầu về việc tác phẩm sẽ được công bố ra công chúng (quyền công bố) hay không, khi nào và như thế nào. Luật cũng quy định quyền thu hồi tác phẩm sau khi nó đã được phát hành, nhưng vì các điều kiện pháp lý bắt buộc để thực hiện đặc quyền này, nên nó hầu như không được áp dụng trong thực tế.

Quyền độc quyền

Ngày 24/07/2019, Pháp là quốc gia châu Âu đầu tiên thông qua Chỉ thị DSM53[10] và nội luật hóa bằng quy định trong Luật số 2019-775 về quyền liên quan vì lợi ích của các cơ quan và nhà xuất bản báo chí. Khoản 1 Điều 15 của Chỉ thị DSM được cụ thể hoá trong các điều khoản mới trong Bộ luật Sở hữu trí tuệ Pháp[11]. Theo đó, các cơ quan báo chí tại Pháp có quyền độc quyền với các tác phẩm báo chí của mình trong hai năm kể từ ngày 01 tháng 01 năm sau năm xuất bản đầu tiên. Các quy định này có hiệu lực từ ngày 25 tháng 10 năm 2019. Đồng thời, quyền của nhà xuất bản cũng được sửa đổi theo Điều 4 Luật 2019-77555[12] rằng, nhà xuất bản có quyền tái bản và công bố tác phẩm tới công chúng dưới bất kỳ phương thức nào, bao gồm cả dạng kỹ thuật số. Các chủ thế khác chỉ thực hiện các quyền trên khi có sự cho phép của nhà xuất bản thông qua giấy phép.

Quyền hưởng thù lao

Thù lao của tác giả được quy định tại Điều L218-4 và L218-5 Luật Sở hữu trí tuệ Pháp. Các trang mạng xã hội cũng phải trả thù lao cho các cơ quan báo chí dựa trên doanh thu từ việc khai thác trực tiếp hoặc gián tiếp tác phẩm. Quy định này buộc các nền tảng mạng xã hội phải trả phí bản quyền cho các "tác phẩm báo chí có chất lượng"[13]. Facebook là một phương tiện truyền thông xã hội và dịch vụ mạng xã hội trực tuyến thành lập vào năm 2004 của Mỹ thuộc sở hữu của Meta Platforms có trụ sở tại Menlo Park, California[14]. Đây là nền tảng phổ biến nhất tại Pháp với hơn 44 triệu người dùng, chiếm 67.1% dân số nước này[15]. Theo Luật số 2019-775, Facebook là một trong các nền tảng trực tuyến phải trả tiền cho nhà cung cấp nội dung gốc, điển hình là các báo điện tử khi người dùng Internet tham khảo các nội dung được trích hoặc đăng tải lại trên mạng xã hội này. Mặc dù số tiền Facebook trả cũng như phương pháp tính toán số tiền không được các bên tiết lộ nhưng đây được xem là một thắng lợi với nhiều tờ báo tại Pháp, mở đường cho việc trả phí bản quyền tại Liên minh châu Âu cũng như trên toàn thế giới.

4.2. Úc

Tháng 4 năm 2020, Chính phủ Úc đã yêu cầu Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc (ACCC) soạn thảo một dự luật để giải quyết sự mất cân bằng trong thương lượng cũng như việc trả phí cho nhà xuất bản báo chí giữa các doanh nghiệp truyền thông báo chí của Úc và các nền tảng kỹ thuật số, đặc biệt là Google và Facebook. Dự luật này nhận được sự ủng hộ đa số trong Quốc hội nhưng bị phản đối kịch liệt bởi Facebook và Google. Vào ngày 31/7/2020, ACCC đã công bố dự thảo quy tắc, lấy ý kiến cộng đồng và đặt ra một loạt các câu hỏi về dự luật. Sau khi lấy ý kiến, ACCC đã đưa ra các khuyến nghị với Chính phủ dựa trên quan điểm của các bên liên quan. Chính phủ đã xem xét các khuyến nghị này và xây dựng đạo luật cuối cùng để trình Quốc hội.

Ngày 23/2/2021, Facebook đồng ý trả tiền cho báo chí khi hiển thị nội dung tin tức trên nền tảng của họ. Đổi lại, Chính phủ Úc đồng ý sửa đối Bộ quy tắc thương lượng truyền thông, cho phép các công ty công nghệ như Facebook có thể chủ động hơn trong quá trình đàm phán với các cơ quan báo chí về vấn đề bản quyền, trước khi đưa vụ việc ra Hội đồng trọng tài. Cuối cùng, Luật Tài sản sửa đổi 2021 (Bộ luật thương lượng bắt buộc về nền tảng truyền thông tin tức và kỹ thuật số) được cả hai viện thông qua vào ngày 25/2/2021 và được phê chuẩn vào ngày 02/3/2021[16].

Thù lao của nhà xuất bản được quy định tại khoản 52ZZ1 Điều 9 Luật Tài sản sửa đổi Úc năm 202161. Theo đó, các công ty cung cấp nền tảng kỹ thuật số phải thoả thuận thù lao với nhà xuất bản báo chí thông qua các đề nghị tiêu chuẩn. Tại khoản 52ZL của bộ luật cũng quy định trong trường hợp không thể đạt được thoả thuận về thù lao liên quan đến việc cung cấp nội dung tin tức trên các dịch vụ nền tảng kỹ thuật số, các bên sẽ đưa ra hai đề nghị cuối cùng để hội đồng trọng tài quyết định. Các bên sẽ nộp bản đề nghị cuối cùng không dài quá 30 trang, và một khi đã đệ trình thì không thể rút lại hoặc sửa đổi[17]. Ban hội thẩm phải chấp nhận một trong những lời đề nghị cuối cùng mà các bên đưa ra, trừ trường hợp hội đồng xét thấy các bản đề nghị cuối cùng đó không vì lợi ích công cộng và có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng cho: (a) việc cung cấp nội dung tin tức ở Úc; hoặc (b) người tiêu dùng Úc[18].

4.3. Một số quốc gia khác

Đứng trước tình trạng vi phạm bản quyền ngày càng gia tăng, những năm gần đây, nhiều quốc gia trên thế giới đã siết chặt các biện pháp nhằm bảo vệ tác giả. Bên cạnh cơ chế thu phí bản quyền của các nền tảng mạng xã hội, một số quốc gia đã đưa sở hữu trí tuệ và vấn đề bản quyền vào giáo dục trong các cấp học phổ thông. Tại Canada, từ năm 2009 đến 2019, có 80% đến 90% người dân được giáo dục về Luật Bản quyền[19]. Đạo luật Tin tức Trực tuyến của Canada (Dự luật C-18) có hiệu lực vào ngày 19/12/2023 nhằm mục đích quản lý các trung gian tin tức kỹ thuật số để đảm bảo bồi thường công bằng cho các hãng tin tức. C-18 yêu cầu các “gã khổng lồ” công nghệ như Meta và Google phải đàm phán với nhiều hãng tin tức Canada về việc trả phí cho nội dung các tin tức báo chí xuất hiện trên các nền tảng của mình. Theo thỏa thuận, Google sẽ thanh toán số tiền 100 triệu CAD (khoảng 74 triệu USD) mỗi năm cho các hãng tin tức Canada đối với nội dung những tin tức báo chí xuất hiện trên các nền tảng của mình[20].

Tại Nhật, bảo hộ quyền tác giả là một vấn đề rất quan trọng không riêng của một cơ quan nào. Chính phủ Nhật Bản đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật cũng như có nhiều hành động thiết thực để bảo vệ và thúc đầy bảo vệ chất xám, sức sáng tạo của con người. Nhật Bản cũng đã thực hiện nhiều biện pháp công nghệ để đẩy lùi vấn nạn vi phạm bản quyền. Chẳng hạn, đối với các trang web UGC là những web có người quản lý, biện pháp được áp dụng là gửi yêu cầu xóa vi phạm đối với người quản lý. Nếu người quản lý biết web có xâm phạm mà không tiến hành xóa bỏ, họ sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự liên đới[21]. Tại Nhật Bản, để đối phó với các vi phạm bản quyền ở nước ngoài, nước này đã thành lập Hiệp hội xúc tiến lưu hành sản phẩm văn hóa ở nước ngoài (CODA).

Chỉ thị về bản quyền của EU (Điều 15) cho phép các nhà xuất bản báo chí yêu cầu trả thù lao cho việc sử dụng trực tuyến nội dung của họ trên các nền tảng. Ở Đức, Luật bản quyền của Đức, được ban hành vào năm 2013, đã cấp cho các nhà xuất bản quyền độc quyền thương mại hóa nội dung của họ trực tuyến. Tại Brazil, năm 2022, Quốc hội Brazil đã thông qua dự luật yêu cầu các nền tảng phải bồi thường cho các tổ chức tin tức về việc xâm phạm bản quyền báo chí.

5. Kiến nghị giải pháp phòng ngừa và xử lý hành vi xâm phạm bản quyền báo chí

Thứ nhất, Việt Nam cần ban hành các quy định riêng biệt điều chỉnh vấn đề bảo vệ bản quyền cho tác giả, các nhà xuất bản, tổ chức báo chí trên mạng xã hội theo hướng đơn giản, hiệu quả và nhanh chóng. Hiện nay, có 7 quốc gia, vùng lãnh thổ là: Mỹ, Canada, EU, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức đã buộc Facebook phải trả tiền cho các hãng tin để hiển thị nội dung tin tức[22]. Tuy nhiên các chuyên gia nhìn nhận, để thực hiện các điều khoản này đòi hỏi một nỗ lực không ngừng của chính phủ và không thể tránh khỏi các tranh chấp, điển hình như tại Úc và Pháp. Thành công bước đầu trong việc yêu cầu các hãng công nghệ trả phí bản quyền tại Úc cho thấy, đây không phải là yêu cầu bất khả thi, và hoàn toàn có thể là bước tiến lớn cho ngành truyền thông tin tức tại Việt Nam.

Tiếp thu kinh nghiệm từ Úc và Pháp, Việt Nam cần quy định rằng các trang mạng xã hội phải trả thù lao cho các nhà xuất bản, tổ chức báo chí để có thể hiển thị nội dung của các chủ sở hữu này, mức thù lao có thể do hai bên thương lượng. Thỏa thuận trả thù lao thường có thời hạn 2 đến 3 năm, bao gồm việc chia sẻ nội dung thông tin từ các báo lớn, sau thời hạn đó, các bên nên tiến hành đàm phán đi đến thỏa thuận mới, căn cứ vào tình hình thực tiễn cũng như mức thù lao.

Bên cạnh đó, cần quy định các chủ sở hữu tác phẩm có quyền độc quyền đối với tác phẩm của mình, bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản quy định tại Điều 19, Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005. Khi không được sự đồng ý của chủ sở hữu, hoặc chủ sở hữu không đồng ý kí kết các thỏa thuận cấp phép, các nền tảng mạng xã hội sẽ không được quyền công bố, chia sẻ, phát tán,.. tác phẩm sách, tác phẩm báo chí; mặt khác, các nền tảng này cũng cần cam kết ngăn chặn khả năng cung cấp các nội dung vi phạm bản quyền. Theo đó nhà xuất bản, tổ chức báo chí có quyền tái bản và công bố tác phẩm tới công chúng dưới bất kỳ phương thức nào, bao gồm cả dạng kỹ thuật số. Các chủ thể khác chỉ thực hiện các quyền sao chép, phân phối, công bố... tác phẩm khi có sự cho phép của chủ sở hữu thông qua giấy phép.

Thứ hai, cần tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo hộ và bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm báo chí. Theo Giáo sư Raymond Titus thuộc Đại học Quebec (Canada), ngoài việc cải cách các thủ tục, quy định, pháp luật để theo kịp và hỗ trợ cho công tác bảo vệ bản quyền, quyền tác giả và quyền liên quan, các nước cần tăng cường đối thoại chính sách mang tính quốc tế, phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và các tổ chức quốc tế khác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; phát huy hiệu lực của các biện pháp và chính sách thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Ngày 9/12/2021, Trung tâm Bản quyền nội dung số Việt Nam thuộc Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) được chính thức ra mắt. Đồng thời, Trang thông tin điện tử tổng hợp banquyen.gov.vn cũng được khai trương. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động bảo vệ bản quyền, cũng như công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về bản quyền, góp phần xây dựng thị trường phát thanh, truyền hình và nội dung số phát triển lành mạnh, công bằng. Tiếp thu kinh nghiệm của Nhật Bản, Việt Nam nên thành lập Hiệp hội xúc tiến bảo vệ bản quyền ở nước ngoài. Hành vi xâm phạm bản quyền của nhà xuất bản, tổ chức báo chí tại Việt Nam chủ yếu diễn ra trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Do đó, việc tăng cường hợp tác quốc tế để tạo hành lang pháp lý rộng, chặt chẽ hơn trong việc bảo vệ quyền cho chủ sở hữu là điều cần thiết. Bên cạnh những hành vi xâm phạm bản quyền trên mạng xã hội diễn ra ở trong nước, còn phải kể đến sự bắt tay giữa các cá nhân, tổ chức ở trong nước với các cá nhân, tổ chức ở nước ngoài nhằm xâm phạm bản quyền, thu tiền từ quảng cáo. Trong khi đó, không ít cá nhân, tổ chức lại rơi vào tình trạng gián tiếp, vô tình tiếp tay cho hành vi vi phạm bản quyền. Bên cạnh đó, có thể nghiên cứu thực hiện một số giải pháp: Một là, tăng cường việc tham gia ký kết điều ước quốc tế về thực thi quyền tác giả, đồng thời, nghiêm chỉnh thực thi các điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Việt Nam đã ký kết và tham gia. Hai là, tiếp tục tăng cường việc đào tạo đội ngũ chuyên gia về sở hữu trí tuệ tại nước ngoài nhất là ở các nước tiên tiến như Mỹ, Nhật. Ba là, tạo điều kiện thuận lợi để hợp tác với các quốc gia và tổ chức nước ngoài về sở hữu trí tuệ, trong đó có quyền tác giả đối với tác phẩm báo điện tử, tích cực thực hiện các dự án hợp tác quốc tế liên quan đến việc tăng cường bảo vệ, xử lý vi phạm đối với tác phẩm báo điện tử[23].

Thứ ba, sử dụng công nghệ trong việc phát hiện và ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền tác giả. Việc áp dụng công nghệ trong việc phát hiện và ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền tác giả là cần thiết, vừa tăng hiệu suất, vừa bù đắp sự thiếu hụt nhân lực[24]. Một trong số đó là các công cụ giám sát trực tuyến sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để theo dõi các trang web hoặc trang mạng xã hội có chứa nội dung chứa quyền tác giả được bảo hộ. Trung tâm bản quyền số cũng đã đưa ra 02 giải pháp là sử dụng Giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung video cho báo chí (Video Digital Right Management - DCC VDRM) giúp ngăn chặn tình trạng tải hoặc truy xuất tự do các nội dung video và livestream thông qua việc mã hóa luồng dữ liệu video và truyền hình. Phương pháp trên giúp bảo vệ nội dung khỏi việc sử dụng trái phép, kiểm soát băng thông, kiểm soát chi phí truyền dẫn trên internet; sử dụng giải pháp hệ thống lắng nghe, dò quét, phát hiện, cảnh báo vi phạm bản quyền báo chí, âm nhạc, ấn bản điện tử (DCC Watcher) sử dụng công nghệ lõi gồm Kỹ thuật thu thập lắng nghe dò quét thông tin trên báo điện tử, trang tin và mạng xã hội. Kỹ thuật xử lý lưu trữ, phân tích mô hình hóa và đối chiếu dữ liệu[25]. Một phương pháp khác là sử dụng blockchain trong việc xác lập, khai thác, thực hiện quyền tác giả cũng như ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền tác giả. Với việc ứng dụng blockchain, việc xác định tác giả của tác phẩm báo chí cũng trở nên dễ dàng hơn, từ đó thuận lợi trong việc giải quyết tranh chấp với các bên liên quan. Mặt khác, blockchain giúp cho việc bảo mật nội dung thông tin, được lưu trữ tại hệ thống tải nội dung tác phẩm[26]. Dù vậy, việc sử dụng công nghệ đang gặp nhiều khó khăn do công nghệ chưa hoàn thiện, trong khi số lượng vi phạm ngày càng tăng, việc áp dụng kết hợp công nghệ và thủ công vẫn được ưu tiên tại Việt Nam trong tương lai gần. Ngoài ra, Việt Nam cần đảm bảo khung pháp lý cần thiết cho việc áp dụng các công nghệ được sử dụng được minh bạch và rõ ràng, ví dụ như trường hợp của blolckchain. Hiện nay, hầu hết các mạng xã hội như Facebook, đều có trung tâm trợ giúp nơi tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm có quyền báo cáo về hành vi vi phạm quyền tác giả dù cho tỉ lệ và tốc độ xử lý vụ việc còn mất nhiều thời gian và rắc rối. Dù vậy, việc hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quản lý mạng xã hội hay website cũng góp phần nâng cao khả năng phát hiện và xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Kết luận

Xâm phạm quyền tác giả đối với các tác phẩm báo chí đang trở nên phổ biến hiện nay đòi hỏi cần có những giải pháp thực thi ngay từ bây giờ. Việt Nam bước đầu đã có những biện pháp góp phần đẩy lùi tình trạng xâm phạm này. Tuy nhiên, đã đến lúc cần có sự nỗ lực mạnh mẽ, thực thi đồng bộ, quyết liệt của Nhà nước, các cơ quan báo chí và ý thức của người dân nhằm đẩy lùi vấn nạn này. Bài nghiên cứu đã khái quát lý luận về vấn đề bản quyền báo chí đối với các nền tảng tảng mạng xã hội và nền tảng sử dụng tin bài báo chí, chỉ ra thực trạng hành vi xâm phạm này tại Việt Nam, nghiên cứu quy định pháp luật của một số quốc gia trên thế giới trong việc bảo vệ quyền cho tác giả, nhà xuất bản, tổ chức báo chí từ đó đưa ra các kiến nghị phù hợp với điều kiện phát triển và thực tiễn vi phạm của Việt Nam.


TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

[1] Cambridge dictionary, https://dictionary.cambridge.org/vi/dictionary/english/social-network?q=social-%2Bnetwork, truy cập lần cuối ngày 10/05/2024

[2] ili Liu, Xian-hui Ying (2010), A review of social network sites: Definition, experience and applications, Scientific Research.

[3] PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang (2017), Báo chí và truyền thông đa phương tiện – NXB Đại học Quốc gia Hà nội

[4] Khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019

[5] We Are Social: Vietnam Digital 2023, https://www.brandsvietnam.com/library/doc/64cae7b9a9ec2-We-Are-Social-Vietnam-Digital-2023, truy cập lần cuối ngày 10/05/2024.

[6] Tuấn Linh (2021), Vi phạm bản quyền tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, Báo Lao động, https://laodong.vn/cong-nghe/vi-pham-ban-quyen-tai-viet-nam-thuc-trang-va-giai-phap-986897.ldo, truy cập lần cuối ngày 10/05/2024

[7] Tạp chí Xây dựng Đảng: Bảo vệ bản quyền báo chí trong môi trường số: Vấn đề cấp bách, https://xaydungdang.org.vn/van-hoa-xa-hoi/bao-ve-ban-quyen-bao-chi-trong-moi-truong-so-van-de-cap-bach-19667, truy cập lần cuối ngày 10/05/2024.

[8] Thời báo Ngân hàng, Vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí ngày càng tinh vi, https://thoibaonganhang.vn/vi-pham-ban-quyen-tac-pham-bao-chi-ngay-cang-tinh-vi-143868.html, truy cập ngày 10/05/2024

[9] Calvin D. Peele (1999), From The Providence Of Kings To Copyrights Things, Trang 429

[10] Tháng 4 năm 2019, Nghị viện EỰ đã thông qua Chỉ thị 2019/790 về bản quyền và các quyền liên quan trong Thị trường chung kỹ thuật số và sửa đổi Chi thị 96/9/EC và 2001/29/EC (gọi tắt là Chi thị DSM). Chi thị yêu cầu các quốc gia thành viên phải luật hóa việc trá phí bản quyền tin tức trước ngày 7 tháng 6 năm 2021

[11] Simmons & Simmons (2021), The DSM Directive two years on: is it in force?, https://www.simmons-simmons.com/en/publications/cktct3gfi1tls0b02r8s9vgfb/the-dsm-directive-two-years-on-is-it-in-force-, truy cập lần cuối ngày 10/05/2024

[12] "Điều L218-2. Cần có sự cho phép của nhà xuất bản báo chí hoặc cơ quan báo chí trước khi tái bản hoặc công bố đến công chúng, toàn bộ hoặc một phần, các ấn phẩm báo chí của mình dưới dạng kỹ thuật số bằng dịch vụ truyền thông công cộng trực tuyến"

"Điều L218-3. Các của nhà xuất bản báo chí và cơ quan báo chí có được từ điều L218-2 có thê được chuyển nhượng hoặc là đối tượng của giấy phép"

[13] Luật quyền tác giả đổi với báo chí và truyền thông của Pháp quy định, chỉ các tác phẩm báo chí có chất lượng mới là đối tượng đàm phán đề được trả thù lao. Các bản trích dẫn quá ngắn, nội dung sơ sài sẽ không được xem xét. Theo Tuấn Nghĩa (2019), Báo Đầu tư, "Pháp: Facebook, Google sẽ phải trả tiền cho các bài báo đăng trên Internet".

[14] Mark Hall (2021), Facebook, Britannica, https://www.britannica.com/topic/Facebook, truy cập lần cuối ngày 10/05/2024

[15] Số liệu thống kê đến tháng 2 năm 2024, Facebook users in France February 2024, NapoleonCat, https://napoleoncat.com/stats/facebook-users-in-france/2024/02/#:~:text=There%20were%2044%20800%20000,group%20(11%20300%20000), truy cập lần cuối ngày 10/05/2024

[17] Điểm 3,4 Điều 52ZX Luật Tài sản sửa đổi Úc 2021

[18] Điểm 7 Điều 52ZX Luật Tài sản sửa đổi Úc 2021

[19] Quỳnh Dương (2021), Bảo vệ bản quyền sách - ''cuộc chiến'' gian nan, Báo Hà Nội mới, truy cập từ: https://hanoimoi.vn/bao-ve-ban-quyen-sach-cuoc-chien-gian-nan-466933.html, truy cập lần cuối ngày 10/05/2024

[20] Hoàng Vũ (2023), Chính phủ Canada và Google đạt thỏa thuận "lịch sử", Báo Quân Đội nhân dân, https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/chinh-phu-canada-va-google-dat-thoa-thuan-lich-su-753685#:~:text=C%2D18%20s%E1%BA%BD%20ch%C3%ADnh%20th%E1%BB%A9c,c%C3%A1c%20n%E1%BB%81n%20t%E1%BA%A3ng%20c%E1%BB%A7a%20m%C3%ACnh, truy cập lần cuối ngày 10/05/2024

[21] Quỳnh Dương (2021), Bảo vệ bản quyền sách - ''cuộc chiến'' gian nan, Báo Hà Nội mới, truy cập từ: https://hanoimoi.vn/bao-ve-ban-quyen-sach-cuoc-chien-gian-nan-466933.html, truy cập lần cuối ngày 10/05/2024

[22] Theo Martin Coulter (2021), INSIDER, "Facebook took the nuclear option in Australia. It may be on a collision course with at least 7 other countries", https://www.businessinsider.com/facebook-australia-news-ban-battles-7-other-countries-2021-2?fbclid=IwAR32xqFOLVM0gk2Zs_7SifSecj9dl7eWTiHqg7W_p8zwXKvjhQ7hVRBju64, truy cập lần cuối ngày 10/05/2024

[23] Nguyễn Thu Trang (2021), Bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm báo điện tử ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Dân chủ và pháp luật, Bộ tư pháp, 2021, Số 11 (356)

[24] Quang Linh (2024), Ngăn chặn xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm báo chí, Tạp chí Điện tử Người làm báo, https://nguoilambao.vn/ngan-chan-xam-pham-quyen-tac-gia-doi-voi-tac-pham-bao-chi, truy cập lần cuối ngày 10/05/2024

[25] Hà Thanh (2021), Đẩy mạnh triển khai công nghệ số: Lời giải cho bảo vệ bản quyền báo chí, Báo Kinh tế và Đô thị, https://kinhtedothi.vn/day-manh-trien-khai-cong-nghe-so-loi-giai-cho-bao-ve-ban-quyen-bao-chi.html, truy cập lần cuối ngày 10/05/2024

[26] Nguyễn Quỳnh Xuân Mai - Vũ Thị Hồng & Hoàng An (2021), Ứng dụng công nghệ blockchain vào bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, https://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/thi-hanh-phap-luat.aspx?ItemID=1029, truy cập lần cuối ngày 10/05/2024

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019.
  2. Nghị định 72/2013/NĐ-CP quản lý cung cấp sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.
  3. Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.
  4. Quỳnh Dương (2021), Bảo vệ bản quyền sách - ''cuộc chiến'' gian nan, Báo Hà Nội mới, truy cập từ: https://hanoimoi.vn/bao-ve-ban-quyen-sach-cuoc-chien-gian-nan-466933.html, truy cập lần cuối ngày 10/05/2024.
  5. PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang (2017), Báo chí và truyền thông đa phương tiện – NXB Đại học Quốc gia Hà nội.
  6. Hà Thanh (2021), Đẩy mạnh triển khai công nghệ số: Lời giải cho bảo vệ bản quyền báo chí, Báo Kinh tế và Đô thị, https://kinhtedothi.vn/day-manh-trien-khai-cong-nghe-so-loi-giai-cho-bao-ve-ban-quyen-bao-chi.html, truy cập lần cuối ngày 10/05/2024.
  7. Nguyễn Quỳnh Xuân Mai - Vũ Thị Hồng & Hoàng An (2021), Ứng dụng công nghệ blockchain vào bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, https://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/thi-hanh-phap-luat.aspx?ItemID=1029, truy cập lần cuối ngày 10/05/2024.
  8. Tạp chí Xây dựng Đảng: Bảo vệ bản quyền báo chí trong môi trường số: Vấn đề cấp bách, https://xaydungdang.org.vn/van-hoa-xa-hoi/bao-ve-ban-quyen-bao-chi-trong-moi-truong-so-van-de-cap-bach-19667, truy cập lần cuối ngày 10/05/2024.
  9. Thời báo Ngân hàng, Vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí ngày càng tinh vi, https://thoibaonganhang.vn/vi-pham-ban-quyen-tac-pham-bao-chi-ngay-cang-tinh-vi-143868.html, truy cập ngày 10/05/2024.
  10. Hoàng Vũ (2023), Chính phủ Canada và Google đạt thỏa thuận "lịch sử", Báo Quân Đội nhân dân, https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/chinh-phu-canada-va-google-dat-thoa-thuan-lich-su-753685#:~:text=C%2D18%20s%E1%BA%BD%20ch%C3%ADnh%20th%E1%BB%A9c,c%C3%A1c%20n%E1%BB%81n%20t%E1%BA%A3ng%20c%E1%BB%A7a%20m%C3%ACnh, truy cập lần cuối ngày 10/05/2024.
  11. Nguyễn Thu Trang (2021), Bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm báo điện tử ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Dân chủ và pháp luật, Bộ tư pháp, 2021, Số 11 (356).
  12. Tuấn Linh (2021), Vi phạm bản quyền tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, Báo Lao động, https://laodong.vn/cong-nghe/vi-pham-ban-quyen-tai-viet-nam-thuc-trang-va-giai-phap-986897.ldo, truy cập lần cuối ngày 10/05/2024
  13. Quang Linh (2024), Ngăn chặn xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm báo chí, Tạp chí Điện tử Người làm báo, https://nguoilambao.vn/ngan-chan-xam-pham-quyen-tac-gia-doi-voi-tac-pham-bao-chi, truy cập lần cuối ngày 10/05/2024.
  14. Tuấn Nghĩa (2019), Báo Đầu tư, "Pháp: Facebook, Google sẽ phải trả tiền cho các bài báo đăng trên Internet".
  15. Mark Hall (2021), Facebook, Britannica, https://www.britannica.com/topic/Facebook, truy cập lần cuối ngày 10/05/2024.
  16. Facebook users in France February 2024, NapoleonCat, https://napoleoncat.com/stats/facebook-users-in-france/2024/02/#:~:text=There%20were%2044%20800%20000,group%20(11%20300%20000), truy cập lần cuối ngày 10/05/2024.
  17. News media bargaining code, https://www.accc.gov.au/by-industry/digital-platforms-and-services/news-media-bargaining-code/news-media-bargaining-code, truy cập lần cuối ngày 10/05/2024
  18. Martin Coulter (2021), INSIDER, "Facebook took the nuclear option in Australia. It may be on a collision course with at least 7 other countries", https://www.businessinsider.com/facebook-australia-news-ban-battles-7-other-countries-2021-2?fbclid=IwAR32xqFOLVM0gk2Zs_7SifSecj9dl7eWTiHqg7W_p8zwXKvjhQ7hVRBju64, truy cập lần cuối ngày 10/05/2024.
  19. Cambridge dictionary, https://dictionary.cambridge.org/vi/dictionary/english/social-network?q=social-%2Bnetwork, truy cập lần cuối ngày 10/05/2024 .
  20. ili Liu, Xian-hui Ying (2010), A review of social network sites: Definition, experience and applications, Scientific Research.
  21. Calvin D. Peele (1999), From The Providence Of Kings To Copyrights Things.
  22. Simmons & Simmons (2021), The DSM Directive two years on: is it in force?, https://www.simmons-simmons.com/en/publications/cktct3gfi1tls0b02r8s9vgfb/the-dsm-directive-two-years-on-is-it-in-force-, truy cập lần cuối ngày 10/05/2024.
  23. We Are Social: Vietnam Digital 2023, https://www.brandsvietnam.com/library/doc/64cae7b9a9ec2-We-Are-Social-Vietnam-Digital-2023, truy cập lần cuối ngày 10/05/2024.
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bản quyền báo chí trên các nền tảng mạng xã hội và nền tảng sử dụng tin bài báo chí - kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO