Chính sách và chiến lược phát triển

Một số vấn đề sửa đổi Luật Báo chí 2016

PGS,TS. Đinh Thị Thu Hằng 01/04/2024 01:05

Việc sửa đổi và ban hành Luật Báo chí 2016 khẳng định Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao vai trò của báo chí; đồng thời cũng trao trách nhiệm cao cả, to lớn cho những người làm báo Việt Nam.

Sự phát triển, hoàn thiện Luật Báo chí qua các thời kỳ đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng cho sự phát triển bền vững của báo chí cách mạng Việt Nam và trở thành chỗ dựa của những người làm báo để thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ xã hội và nhân dân. Hơn 6 năm qua, Luật Báo chí năm 2016 đã trở thành nền tảng, cơ sở pháp lý để những người làm báo dựa vào để phục vụ xã hội tốt hơn, đóng góp vào sự phát triển của báo chí, thực hiện quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của đời sống xã hội dưới sức tác động mạnh mẽ, toàn diện của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, quá trình chuyển đổi số, sự lớn mạnh và phổ biến của mạng xã hội, nhu cầu và trình độ tiếp nhận thông tin của công chúng ngày càng cao, sự phát triển của chính lĩnh vực báo chí cùng những vấn đề trong thực tiễn đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc cập nhật, bổ sung, sửa đổi Luật Báo chí 2016 nhằm tạo điều kiện cho báo chí tiếp tục phát triển mạnh mẽ theo tinh thần nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.

1. Luật Báo chí năm 2016 và những điểm mới tích cực

Luật Báo chí được hiểu là hệ thống các quy tắc xử sự do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận, điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực báo chí nhằm đảm bảo quyền công dân trong lĩnh vực báo chí. Luật Báo chí sửa đổi năm 2016 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 5-4-2016, Chủ tịch nước công bố Luật vào ngày 29-4-2016, có hiệu lực từ ngày 01-01-2017. Việc sửa đổi và ban hành Luật Báo chí 2016 khẳng định Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao vai trò của báo chí; đồng thời cũng trao trách nhiệm cao cả, to lớn cho những người làm báo Việt Nam. Luật Báo chí 2016 gồm 6 chương với 61 điều (tăng 25 điều), trong đó có 32 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí 1999.

Từ Sắc lệnh 41 (29/3/1946) quy định chế độ báo chí, đến Luật số 100/SL- L.002 ngày 20/5/1957 quy định chế độ báo chí, đến Luật Báo chí 1989, đến Luật Báo chí 1999 và Luật Báo chí 2016 tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí 1999, Luật Báo chí Việt Nam đã có những bước phát triển dài, tạo điều kiện để báo chí phát triển với tư cách là phương tiện truyền thông gắn bó với sự nghiệp cách mạng của dân tộc và còn là một công cụ chính trị tư tưởng, vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh tư tưởng với kẻ thù, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Những quy định của Luật Báo chí luôn đảm bảo rằng “báo chí hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ, không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động” nhưng cũng “không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí để xâm hại lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân”.

So với Luật Báo chí 1989 và Luật sửa đổi, bổ sung 1999, Luật Báo chí 2016 có những điểm mới, thể hiện trong quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; thể hiện trong quy định về đối tượng thành lập cơ quan báo chí, bổ sung một số đối tượng được thành lập tạp chí khoa học; bổ sung quy định về liên kết trong hoạt động báo chí, về quyền tác nghiệp của báo chí; quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm; quy định giới hạn việc cơ quan báo chí, nhà báo chỉ phải tiết lộ người cung cấp thông tin. Bên cạnh đó, Luật Báo chí 2016 còn bổ sung, luật hoá những quy định bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; quy định mở hơn về hoạt động kinh doanh, dịch vụ của cơ quan báo chí. Luật Báo chí 2016 cũng quy định cụ thể và rõ ràng hơn những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí so với Luật Báo chí 1999, bổ sung một số hành vi như: Thông tin quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án, thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em, thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng... Luật Báo chí 2016 còn bổ sung một số quy định về cải chính và bổ sung quy định về xử lý vi phạm, đã pháp điển hóa quy định tại các nghị định của Chính phủ để đưa vào luật, đồng thời bổ sung một số quy định để điều chỉnh hoạt động báo chí, như quy định về Chính sách của Nhà nước về phát triển báo chí, thay đổi cơ quan chủ quản của cơ quan báo chí, hoạt động hợp tác của báo chí Việt Nam với nước ngoài, hoạt động báo chí của báo chí nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, bảo vệ nội dung các chương trình phát thanh, chương trình truyền hình, báo điện tử; phản hồi thông tin...

2. Sửa đổi Luật Báo chí 2016 nhìn từ những vấn đề thực tiễn

Những thành công:

Luật Báo chí (sửa đổi, bổ sung năm 2016) đã có nhiều quy định cho thấy, sự tiến bộ, trên thực tế đã mang đến một môi trường thuận lợi và là công cụ hết sức quan trọng để đảm bảo cho công dân thực hiện quyền tự do báo chí, đảm bảo việc quản lý nhà nước về báo chí được tốt hơn và nâng cao hiệu quả hoạt động báo chí.

Về cơ bản, các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước; thông tin kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước, quốc tế và là diễn đàn tin cậy của nhân dân.

Quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong điều kiện khoa học và công nghệ và sự hội nhập quốc tế của Việt Nam tăng lên.

Luật Báo chí 2016 quy định khá rõ ràng, chi tiết, tạo điều kiện cho hoạt động nghiệp vụ báo chí, đồng thời tạo hành lang pháp lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu và hợp tác, hỗ trợ cơ quan báo chí, hỗ trợ hoạt động tác nghiệp của phóng viên.

Một trong những điểm nổi bật của Luật Báo chí 2016 là quyền tác nghiệp của nhà báo và nguồn tin được tăng cường bảo vệ, tạo điều kiện để nhà báo xâm nhập thực tế, bám sát đời sống để thông tin đầy đủ, kịp thời. Luật Báo chí 2016 quy định nhà báo có quyền hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp; được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật; được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật. Luật Báo chí nghiêm cấm cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.

Để bảo vệ nguồn tin báo chí, Luật Báo chí đã quy định giới hạn việc cơ quan báo chí, nhà báo chỉ phải tiết lộ người cung cấp thông tin khi có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, cùng với quy định tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin.

Từ việc quy định và tăng cường bảo vệ quyền tác nghiệp của nhà báo và bảo vệ nguồn tin của Luật Báo chí 2016, đội ngũ nhà báo từ trung ương đến địa phương được tạo điều kiện tốt để hoạt động nghề nghiệp, tạo ra diện mạo báo chí phong phú, đa dạng trong những năm qua.

Bên cạnh đó, những quy định của Luật Báo chí tạo điều kiện để nhà báo thu thập thông tin, thúc đẩy công khai thông tin, dân chủ hóa đời sống. Các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Cơ quan báo chí phải sử dụng chuẩn xác nội dung thông tin được cung cấp. Cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm cử người phát ngôn, thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí định kỳ và đột xuất, bất thường…

Các cơ quan báo chí và người làm báo bước đầu thực hiện nghiêm chỉnh Luật Báo chí. Các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp và người dân đã tham gia cung cấp thông tin cho báo chí tương đối kịp thời và thường xuyên hơn. Vai trò, vị thế và trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của người làm báo được nâng cao. Nhà báo Việt Nam được hoạt động trong môi trường pháp lý phù hợp với báo chí quốc tế.

Những hạn chế:

Tuy nhiên, thực tế báo chí những năm qua cho thấy, những điểm tồn tại cần có sự sửa đổi Luật để điều chỉnh và thích ứng.

Một số tờ báo thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích, không đúng đối tượng phục vụ; thông tin không đúng sự thật, thiếu nhạy cảm về chính trị, không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân, tiết lộ bí mật Nhà nước.

Mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí chưa được quy định một cách rõ ràng. Thời gian qua, không ít cơ quan chủ quản buông lỏng vai trò, trách nhiệm của mình, để cho tờ báo hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích, không hoàn thành nhiệm vụ.

Báo chí vẫn tiếp tục đăng tải quá nhiều thông tin về mặt trái của xã hội; một số nhà báo chưa thực hiện nghiêm quy định tác nghiệp, quy trình biên tập của một số báo còn có những sơ suất, thiếu sót, lỏng lẻo.

Thông tin trên báo chí còn chậm hơn so với tình hình diễn biến thực tế. Báo chí chính thống có nguy cơ tụt hậu, có biểu hiện chạy theo và ít độc giả hơn mạng xã hội nên chưa phát huy được vai trò định hướng dư luận xã hội.

Vi phạm về quảng cáo trên báo chí vẫn xảy ra, chủ yếu vẫn là vi phạm thông tin quảng cáo quá tính năng, tác dụng của hàng hóa; quảng cáo thực phẩm chức năng có nội dung không rõ ràng gây hiểu lầm.

Một số cộng tác viên báo chí hoạt động không đúng chức năng, nhiệm vụ, vi phạm đạo đức nghề nghiệp; còn những phóng viên soi mói, tìm những sơ hở, hạn chế của tổ chức, doanh nghiệp, địa phương để gây áp lực với động cơ không lành mạnh.

Việc quán triệt, phổ biến Luật Báo chí kết hợp với việc giáo dục các Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin… cho lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở địa phương và người sử dụng mạng xã hội chưa rộng rãi, chưa thường xuyên nên đôi khi có hiện tượng nhiễu loạn thông tin.

3. Một số đề xuất

Luật Báo chí tạo các điều kiện để phát triển sự nghiệp báo chí cả về nội dung và hình thức nhằm đạt được yêu cầu báo chí thực sự là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân. Báo chí phải thực hiện tốt vai trò phản ánh, định hướng, hướng dẫn dư luận, làm lành mạnh xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Mục tiêu chung là việc sửa đổi, hoàn thiện Luật Báo chí là phải thể hiện tầm nhìn, phù hợp và thích ứng với tốc độ phát triển của báo chí hiện đại. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Luật Báo chí bổ sung, sửa đổi cần cụ thể hóa đường lối của Đảng về mục tiêu này.

Cần có sự phân biệt và cụ thể hóa rõ ràng để tránh dẫn đến tình trạng “báo hóa” Tạp chí điện tử, Trang thông tin điện tử.

Có quy định thêm về Hội nhà báo, cơ quan báo chí trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ báo chí .

Ngoài quy định về nhà báo và phóng viên thường trú, cần bổ sung quy định chặt chẽ về Văn phòng đại diện, về nhiệm vụ, quyền hạn của cộng tác viên ở văn phòng đại diện ở các địa phương để tránh những kẽ hở trong phối hợp với địa phương trong thu nhận, cung cấp thông tin.

Luật cần quy định chặt chẽ việc tuyển dụng phóng viên của các cơ quan báo chí (về nhận thức về chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ báo chí, ngoại ngữ, tin học) để nâng cao chất lượng, hạn chế những sai sót của phóng viên. Cần quy định hoạt động của các đối tượng đang thực hiện nghiệp vụ phóng viên trong cơ quan báo chí dưới 2 năm, chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo...

Cần có những quy định cụ thể trong ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động báo chí để góp phần định hướng truyền thông trên môi trường số, đồng thời ngăn chặn những tiêu cực có thể nảy sinh từ xu hướng đang phát triển mạnh mẽ này.

Cần có quy định về sản phẩm của cơ quan báo chí đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội. Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển, thu hút sự tham gia của đông đảo công chúng (Theo We are social, Việt Nam hiện có 70 triệu người dân sử dụng mạng xã hội, chiếm 71% dân số), xu hướng các cơ quan báo chí phát triển dòng thông tin, sản phẩm trên mạng xã hội sẽ gia tăng mạnh. Cần có quy định để việc thực hiện đúng, phù hợp với mục tiêu chung của báo chí, phát huy tính tích cực trong đáp ứng nhu cầu của công chúng và định hướng dư luận xã hội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII
  2. PGS,TS. Nguyễn Thị Trường Giang (chủ biên), Pháp luật và đạo đức báo chí, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2020.
  3. PGS,TS. Nguyễn Văn Dững, Cơ sở lý luận báo chí, Nxb. Lao động, 2012.
  4. https://baochinhphu.vn/so-ket-3-nam-thi-hanh-luat-bao-chi-2016-102265099.htm
  5. http://dukcqtw.dcs.vn/phat-huy-vai-tro-cua-bao-chi-cach-mang-trong-su-nghiep-doi-moi-dat-nuoc-duk15615.aspx
  6. https://datareportal.com/reports/digital-2023-vietnam

PGS,TS. Đinh Thị Thu Hằng