Sửa đổi Luật Báo chí 2016 nhằm phát triển báo chí số - Từ lý thuyết xã hội thông tin
Báo chí số mang đặc tính của báo chí trên nền tảng số và báo chí đa phương tiện, bao gồm: tính thời gian thực, tính tương tác, tính đồng bộ trên nền tảng số và trong hệ sinh thái số. Đặc tính này tạo ra sự khác biệt giữa báo chí số và các loại hình báo chí truyền thống, trọng tâm là công nghệ số - công cụ số - công chúng số.
Tóm tắt: Đích đến của chuyển đổi số báo chí là báo chí số. Nghiên cứu này đề cập đến báo chí số - tiếp cận nghiên cứu lý thuyết xã hội thông tin, cơ sở thực tiễn báo chuyển đổi từ báo chí tích hợp các loại hình đến báo chí đa nền tảng, đa phương tiện, báo chí dữ liệu và báo chí tự động, từ đó đề xuất kiến nghị sửa đổi Luật Báo chí 2016 nhằm phát triển báo chí số ở Việt Nam.
1. Báo chí số: khái niệm, đặc điểm, mô hình, phân loại
1.1 Khái niệm và đặc điểm báo chí số
Báo chí số (digital journalism) là loại hình báo chí “sử dụng công nghệ số vận hành, đồng thời sáng tạo nội dung, sản xuất các dòng sản phẩm số, kinh doanh, phát hành trên các nền tảng số, trong một hệ sinh thái số” [1].
Khác với tác phẩm báo chí truyền thống, tác phẩm báo chí số bao gồm những đặc điểm sau đây:
Một là, tác phẩm, sản phẩm báo chí số là thông điệp truyền thông đa phương tiện, trong đó việc mã hóa và giải mã được thực hiện dựa trên sự kết hợp của nhiều phương tiện.
Hai là, sáng tạo tác phẩm và sản xuất sản phẩm các chỉ số dựa trên dữ liệu số: Thông tin cần được số hoá, phân tích, xử lý, lưu trữ thành dữ liệu số, được sử dụng thông qua mạng máy tính và môi trường truyền dẫn Internet chất lượng cao. Sau quá trình phân tích, xử lý, dữ liệu đầu ra luôn được đồng bộ hóa.
Ba là, tác phẩm, sản phẩm báo chí số gắn liền với công nghệ số, luôn “sống” trong hệ sinh thái truyền thông số. Nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (2022) nhấn mạnh: “Digital đã trở nên quá quan trọng tới mức xóa nhòa biên giới giữa báo chí và công nghệ. Để phát triển, các cơ quan báo chí không có cách nào khác là phải tiếp tục đặc công nghệ ở trung tâm của mọi chiến lược, sử dụng công nghệ để tạo ra những nội dung hấp dẫn và chinh phục được những nhóm độc giả mới, phân phối nội dung hiệu quả hơn và kiếm tiền được nhiều hơn”[2].
Bốn là, báo chí số chỉ có thể vận hành trong hệ sinh thái số được xây dựng trên cơ sở phối hợp 5 thành phần: Phần cứng (harward), phần mềm (software), mạng lưới (network), các dịch vụ (services), nội dung (content).
Báo chí số mang đặc tính của báo chí trên nền tảng số và báo chí đa phương tiện, bao gồm: tính thời gian thực, tính tương tác, tính đồng bộ trên nền tảng số và trong hệ sinh thái số. Đặc tính này tạo ra sự khác biệt giữa báo chí số và các loại hình báo chí truyền thống, trọng tâm là công nghệ số - công cụ số - công chúng số.
Các thành tố của báo chí số và phân loại báo chí số
Mô hình dưới đây mô tả các thành tố và mối quan hệ giữa các thành tổ của báo chí số, bao gồm: nhà báo/robot, nội dung số, nền tảng số - công cụ số, công chúng số, dữ liệu lớn- chương trình tương tác.
Chủ thể báo chí số: Bao gồm nguồn phát và công chúng số - người tiếp nhận tác phẩm, sản phẩm báo chí số. Cả nguồn phát của báo chí số và công chúng số đều có thể là cá nhân, nhóm nhỏ, đại chúng, hoặc máy/ robot. Nguồn phát bao gồm nhà báo, máy/robot hoặc cả hai. Đó là các nhà báo có kiến thức kỹ năng báo chí số, là chủ thể sáng tạo nội dung số, tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí truyền thông số. Việc “đổi vai” giữa hai nhóm nguồn phát và đối tượng tiếp nhận tác phẩm, sản phẩm báo chí dẫn tới sự đan chéo trong các chủ thể báo chí số.
Chủ thể báo chí số có quyền tạo và xuất bản nội dung, tương tác với công chúng qua các bình luận hay live chat. Thành quả của trí tuệ nhân tạo cho phép robot trở thành chủ thể báo chí số, và sự tham gia của robot và các công cụ số khác cho phép chủ thể sáng tạo nội dung số vừa có chức năng nhận thông điệp, phân tích thông điệp, xây dựng nội dung và tạo tương tác.
Công chúng số: Có năng lực sử dụng kỹ thuật và công nghệ, các nền tảng số, chủ động trong tiếp cận và tiếp nhận thông tin, có khả năng cao hơn trong tham gia và tương tác truyền thông với nhiều nhóm đối tượng, ở nhiều mức độ, cấp độ, nhiều hình thức biểu hiện khác nhau. Nhờ có máy/robot, tin tức báo chí có thể “tự tìm” đến công chúng, tạo ra cá nhân hoá tin tức. Chatbot và các chương trình tương tác giúp tự động hoá tương tác.
Với 3.600 mẫu công chúng thế hệ Z ở Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ vào tháng 9/2022, Nguyễn Đồng Anh (2023) trong đề tài nghiên cứu luận án “Tương tác của công chúng thế hệ Z với tin tức trên ứng dụng di động tại Việt Nam”[3] đã nghiên cứu mô tả tần suất của từng dấu hiệu bản chất của tương tác giữa công chúng thế hệ Z với tin tức báo chí trên 3 ứng dụng thuộc diện khảo sát với các nhóm đối tượng chính, với các dấu hiệu như: có liên hệ, chịu sự tác động, tác động và đồng thời vừa tác động vừa chịu sự tác động. Đặc biệt là tương tác đồng thời và chủ động tác động được ghi nhận hầu hết trên 10%. Điều đó cho thấy, công chúng thế hệ Z thể hiện năng lực tương tác với hầu hết các đối tượng tương tác (7 nhóm đối tượng tương tác), có tính chủ động và tình hai chiều trong tương tác với các đối tượng, tuy tần suất từng dấu hiệu tương tác chưa cao. Kết quả nghiên cứu này cũng cho thấy: Có 9 tình huống tương tác của công chúng thế hệ Z với tin tức báo chí trên ứng dụng di động bao gồm: 1/Tin tức đơn lẻ do hệ thống tương tác gợi ý, mời đọc, nghe, xem; 2/ Theo chủ đề bạn chủ động tìm kiếm; 3/ Theo nhóm chủ đề được được nền tảng ứng dụng thiết kế; 4/ Tương tác qua mục bình luận; 5/ Tương tác qua chatbot (nhắn tin trao đổi tự động); 6/ Đánh sao bình chọn đánh giá tác giả, tác phẩm; 7/ Phản hồi trực tiếp với tác giả; 8/ Gửi đánh giá, góp ý và trao đổi nội dung ở khung phản hồi với admin nền tảng ứng dụng; 9/ Gửi email đến tòa soạn. Có 12 kiểu hành vi trao đổi ý nghĩa về tin tức báo chí trên 3 ứng dụng di động Báo Mới, ZingNews và Thanh Niên News, bao gồm: 1/ Nhấn vào các nút thể hiện thái độ, cảm xúc; 2/ Report (Báo cáo nội dung không phù hợp); 3/ Nhấn vào nút đánh giá tác phẩm, tác giả; 4/ Bình luận ngay về nội dung và hình thức tin tức trên các ứng dụng di động; 5/ Bình luận ngay trong đó tag các tài khoản khác để họ cùng tham gia bình luận cùng mình; 6/ Lưu trữ đường dẫn, nội dung để liên hệ, trao đổi, tạo nội dung mới khi có tình huống tương tác mới; 7/ Tìm kiếm và nghiên cứu thêm trước khi quay lại bình luận; 8/ Bình luận để tương tác với các tài khoản khác về chủ đề, nội dung và hình thức tin tức; 9/ Phản hồi và trao đổi thông tin với tác giả và tòa soạn qua các nút tương tác trên giao diện tin tức; 10/ Gửi phản hồi về tin tức đến tác giả và cơ quan báo qua địa chỉ email hay đường dây nóng được thông tin trên ứng dụng di động yêu cầu chỉnh sửa nội dung hoặc dỡ tin tức đã đăng tải; 11/ Gửi phản hồi về tin tức đến tác giả và cơ quan báo qua chatbot; 12/ Cung cấp thông tin, dữ liệu thêm cho tác giả và cơ quan báo tin tức liên quan đến tin tức đã đọc, nghe xem qua địa chỉ email hay đường dây nóng.
Nội dung số - nền tảng số - công cụ số: Nội dung số là nội dung chéo dựa trên các yếu tố đa phương tiện, các chương trình tương tác, sử dụng các công cụ số (bao gồm phần mềm hệ thống, phần mềm ứng dụng là thành quả của cách mạng công nghệ), được tạo lập, phát hành, trên các nền tảng số, ứng dụng và phát triển trong hệ sinh thái số. Nội dung số được sáng tạo theo nhiều cách khác nhau, trong đó nổi bật nhất hiện nay là kỹ thuật kể chuyện đa phương tiện, kể chuyện thị giác và kể chuyện bằng dữ liệu.
Các nền tảng số cơ bản hiện nay bao gồm: (1). Website (nền tảng số cung cấp không gian cho việc đăng tải bài viết, hình ảnh, video và nội dung tương tác khác; người dùng có thể truy cập thông qua trình duyệt web); (2). Mạng xã hội (nền tảng số trên mạng Internet, bao gồm một mạng lưới các tương tác và quan hệ xã hội của con người trên nền tảng công nghệ trên môi trường Internet. Nó cho phép người dùng tương tác, giao tiếp, chia sẻ dữ liệu, thông tin, đồng thời cung cấp các dịch vụ cho phép các thành viên tương tác, phản hồi thông qua các tin nhắn, góp ý...; (3). Phần mềm ứng dụng trên thiết bị di động (gọi tắt là Ứng dụng di động, hoặc Ứng dụng (Mobile application hoặc Mobile app hoặc app) là phần mềm được thiết kế để chạy trên điện thoại thông minh, máy tính bảng và các thiết bị di động cho phép người dùng truy cập nhanh chóng và thuận tiện vào nội dung và dịch vụ trên thiết bị di động của mình; (4). Podcast: một hình thức phân phối nội dung âm thanh, cho phép người dùng nghe các chương trình, talkshow, hội thảo, và nhiều loại nội dung khác thông qua các ứng dụng podcast hoặc mạng xã hội, trang web chuyên dụng; (5) OTT VOD: nền tảng OTT cung cấp viedeo theo yêu cầu, gồm: phim, chương trình âm nhạc, chương trình truyền hình - TV show) theo yêu cầu trên mạng internet như: Netflix, iFlix, Wetv…; (6). Email: là một công cụ phân phối nội dung quan trọng, thông qua việc gửi email tới danh sách đăng ký. Nó cung cấp khả năng gửi thông điệp cá nhân và giữ liên lạc với khách hàng hoặc độc giả quan tâm.
Các thể loại báo chí số
Từ sự phối hợp các thành tố theo các kiểu khác nhau mà hình thành các loại báo chí số khác nhau. Cho tới nay có 5 loại báo chí số cơ bản sau:
Báo chí tự động (automation journalism) hay còn gọi là báo chí robot (robot journalism): Là thể loại báo chí số mà chủ thể là robot và các phần mềm trí tuệ nhân tạo thông qua việc “tự động hóa” một số quy trình mà trước đây các nhà báo, phóng viên hay nhân viên truyền thông phải thực hiện một cách thủ công. Báo chí tự động ra đời năm 2016, với phần mềm viết tin tự động Heliograf của The Washington Post.
Báo chí dữ liệu (data journalism): Là thể loại báo chí số dựa trên quá trình phân tích, xử lý, lưu trữ thành dữ liệu số.
Báo chí đa phương tiện (Multimedia journalism): Là thể loại báo chí số trong đó mô phỏng và sử dụng đồng thời nhiều dạng phương tiện chuyển hoá thông tin như: văn bản, hình ảnh, âm thanh, video, đồ họa, hoạt hình và bất kỳ phương tiện nào khác…
Báo chí đa nền tảng (multi-plasform): Là thể loại báo chí số trong đó nội dung báo chí được thiết kế phù hợp để phát hành ở các nền tảng số khác nhau tin tức của VTV có thể phát sóng trên các kênh VTV1, trên VTVgo, VTVNews, các nền tảng mạng xã hội khác nhau.
Báo chí đa loại hình (integrated journalism): Các tác phẩm, sản phẩm báo chí xuất bản trên các nền tảng số, được tổ chức theo cách tích hợp các loại hình báo chí, phổ biến nhất là chương trình phát thanh, truyền hình xuất bản trên các giao diện báo điện tử, hay podcast.
2. Phát triển và quản lý báo chí số - từ góc nhìn lý thuyết xã hội thông tin
Năm 1999, nghiên cứu về Xã hội thông tin, việc làm và thế hệ của các hình thức mới (Information Society, Work and the Generation of New Forms of Social Exclusion (SOWING)) của G. Shcienstock được coi là một trong những nghiên cứu đề cập sâu đến khái niệm “xã hội thông tin”, tiền khởi cho sự phát triển lý thuyết về xã hội thông tin. Năm 2014, Frank Webster trong cuốn sách “Các lý thuyết của xã hội thông tin” [4] (Theories of information society), đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được sử dụng như là những lý thuyết cơ bản về xã hội thông tin. Frank Webster đã đưa ra 6 quan điểm về xã hội thông tin, trong đó thông tin được coi là một tính năng đặc biệt của thế giới đại chúng. Cuốn sách Phê phán, truyền thông xã hội và xã hội thông tin (Critique, social media and the information society) của Fuch.C (2014) nghiên cứu về những kiểu xã hội và loại xã hội truyền thông nào là cần thiết, làm thế nào để chủ nghĩa tư bản, cấu trúc quyền lực và truyền thông xã hội kết nối với nhau, làm cách nào các cuộc đấu tranh chính trị kết nối được với truyền thông xã hội; những phát triển của Internet hiện tại và của xã hội sẽ cho ta biết những gì có thể diễn ra trong tương lai và làm sao để một xã hội thông tin bền vững có thể tồn tại [5].
“Xã hội thông tin (Information Society) là một hình thái xã hội được thông tin hoá, mọi quá trình xã hội đều dựa trên tri thức và thông tin, trong đó thông tin tác động và tạo ra những dạng thức sản xuất kinh tế khác nhau, các dạng thức tương tác xã hội mới, những ngành nghề mới thuộc ngành công nghiệp dựa trên thông tin, truyền thông…, từ đó tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, an ninh, quốc phòng của các quốc gia, dân tộc trên toàn cầu. Xã hội thông tin là một hình thái xã hội trong đó công chúng sử dụng thông tin trong đời sống với diện rộng và sâu hơn, thông qua đó thực thi quyền công dân và trách nhiệm dân sự của họ” [6].
Năm đặc điểm cơ bản của xã hội thông tin bao gồm: (1). Thông tin được sử dụng như là một nguồn tài nguyên kinh tế: (2). Sự phát triển của xã hội thông tin thúc đẩy sự ra đời của nền kinh tế truyền thông, là tiền đề của ngành công nghiệp truyền thông, thu lợi nhuận kinh tế cao từ các dòng sản phẩm hàng hoá, dịch vụ từ thông tin và truyền thông, đặc biệt là sản phẩm số và công nghệ truyền thông. Sự phát triển của ngành công nghiệp truyền thông có mối quan hệ chặt chẽ với các thiết chế truyền thông trong xã hội; (3). Xã hội thông tin là tạo ra “không gian công cộng” và “truyền thông xã hội”, thông qua đó tác động đến mọi tầng lớp xã hội, mọi lĩnh vực trong đời sống kinh tế xã hội của từng cá nhân, cơ quan tổ chức, doanh nghiệp nói riêng, với các quốc gia và các châu lục nói chung; (4). Xã hội thông tin là: sự phát triển xã hội thông tin đòi hỏi yêu cầu mới về năng lực truyền thông với công chúng và mô hình tổ chức, quản lý, nguyên tắc quản lý ngành thông tin, truyền thông; quản lý công, quản lý tư tưởng - văn hoá, quản lý giáo dục… trên toàn xã hội; (5). Xã hội thông tin gắn với nền tảng kỹ thuật công nghệ cao và dựa trên nền tảng của thành tựu khoa học công nghệ.
Thực tiễn nền báo chí truyền thông cho thấy, xã hội thông tin ở Việt Nam đang trong tiến trình hình thành và phát triển, chính sách quốc gia hướng đến việc giải quyết các nhiệm vụ của giai đoạn quá độ sang xã hội thông tin và sử dụng hợp lý nguồn lực thông tin quốc gia, có ý nghĩa hết sức đặc biệt. Có thể hiểu “chính sách thông tin quốc gia” là hoạt động điều tiết của các cơ quan nhà nước đối với sự phát triển môi trường thông tin của xã hội. Môi trường này không chỉ bao gồm viễn thông, các hệ thống thông tin và các phương tiện thông tin đại chúng mà còn bao gồm toàn bộ sản xuất và các công việc liên quan đến tạo lập, bảo quản, xử lý, trình diễn, chuyển giao thông tin bằng tất cả các dạng thức của nó như: công việc, giải trí, khoa học giáo dục, tin tức… Tất cả các nước kinh tế phát triển đều hiểu rõ sự cần thiết phải có định hướng nhà nước vào thị trường thông tin và đã ban hành những văn bản pháp luật chấn chỉnh các hoạt động của các cơ quan quyền lực nhà nước, những cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng và thực hiện chính sách thông tin quốc gia. Do đó, để phát triển và quản lý báo chí số - nền báo chí truyền thông gắn với chủ thể số, nội dung số, nền tảng số, công cụ số thì việc tiếp cận lý thuyết xã hội thông tin để phân tích, tìm ra những vấn đề đặt ra với sự phát triển của báo chí số - từ góc nhìn pháp lý là cần thiết và hữu dụng.
Theo Đỗ Thị Thu Hằng (2019), sự hình thành và phát triển xã hội thông tin tạo sự thay đổi lớn cho nền báo chí truyền thông ở 5 bình diện cơ bản bao gồm: Kinh tế truyền thông, cách mạng công nghệ và khuếch tán công nghệ, sự biến đổi cơ cấu và tính chất các nghề trong xã hội; dòng chảy thông tin và các dấu hiệu mở rộng như mô hình dưới đây.
Mô hình trên cho thấy, trong xã hội thông tin, báo chí và truyền thông đại chúng trên nền tảng số đã chiếm vai trò quan trọng trên nền tảng Internet. Cấu trúc 4 loại hình báo chí đơn lẻ trở nên lạc hậu. Báo in muốn được công chúng tiếp cận thì phải tìm cách số hoá để xuất hiện trên “không gian công cộng” và hệ sinh thái số. Nền báo chí đơn loại hình truyền thống dựa trên dòng thông tin báo chí với 4 loại hình truyền thống và các phương tiện tuyên truyền, cổ động, quảng cáo truyền thống, nay thay xuất hiện nhiều dòng thông tin trong sự đan chéo về nội dung và hình thức thông tin. Theo đó, trong xã hội thông tin hình thành 3 dòng chảy thông tin lớn nhất bao gồm: 1/ Các loại hình và phương tiện truyền thông liên cá nhân; 2/ Báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng; 3/ Truyền thông xã hội. Ba thành phần này có quan hệ chặt chẽ với nhau và có mối quan hệ biện chứng, qua lại và tương tác với nhau. Mô hình trên cho thấy, báo chí số khi phát hành trên nền tảng mạng xã hội, sẽ tác động qua lại vói xã hội thông tin theo 5 chiều, bao gồm: 1/ phát triển kinh tế số, với khời nguồn là kinh tế truyền thông số; 2/ thúc đẩy công nghệ và khuếch tán khoa học công nghệ; 3/ Tạo sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội; 4/ Tạo ra các dòng chảy thông tin đa dạng, phong phú, với 3 dòng chảy thông tin cơ bản ứng với các nhóm sản phẩm báo chí và truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội như đã nêu trên, song hành với truyền thông liên nhân cách và truyền thông xã hội, với sự cạnh tranh gay gắt để chiếm vị trí chủ đạo thu hút công chúng và dẫn dắt dư luận; 5/ Các dấu hiệu mở rộng, trong đó quan trong nhất là các dấu hiệu mỏ rộng nền dân chủ, văn hoá truyền thông, an toàn và an ninh truyền thông, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội… Vì vậy, thay vì cách tiếp cận theo phương pháp đáp ứng nhu cầu và thị hiếu, các nhà sáng tạo nội dung và quản lý báo chí truyền thông cần quan tâm đến phương pháp tiếp cận quyền, nhấn mạnh mối quan hệ giữa quyền và trạch nhiệm đổi với tất cả các chủ thể phát thông điệp và công chúng số.
Để chuyển đổi từ mô hình tòa soạn truyền thống sang mô hình tòa soạn số, mỗi cơ quan báo chí cần xác định được mô hình tòa soạn số - là đích của sự chuyển đổi số. Sửa Luật Báo chí theo hướng xem xét báo chí số trong mối quan hệ biện chứng, không thể tách rời là điều kiện tiên quyết để xây dựng mô hình toà soạn số, hội tụ Nội dung số + Công nghệ số + Công chúng số + Kinh tế số. Ứng với sự hội tụ này là mô hình hội tụ 4 khu vực của tòa soạn số, bao gồm: 1/Khu vực Sản phẩm số (hoạch định chiến lược nội dung số); 2/ Khu vực Hoạt động Nghiệp vụ số (Bao gồm: Xác định các vị trí nghiệp vụ chính, nhân lực và vật lực bên trong tòa soạn đảm trách tổ chức sản xuất, phân phối sản phẩm báo chí số và dịch vụ giá trị gia tăng; các đối tác chính của cơ quan báo chí; 3/ Khu vực công chúng số (Phân khúc công chúng, khách hàng số, quan hệ khách hàng, tiếp thị, thực hiện chiến lược phát triển công chúng/ khách hàng số); 4/ Khu vực kinh tế số - quản trị, kinh doanh sản phẩm báo chí số và các dịch vụ giá trị gia tăng. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để giải quyết các vấn đề đặt ra với các thành tố của báo chí số, bao gồm: chủ thể báo chí số (nhà báo, máy/robot, công chúng số), nội dung số, nền tảng số, công cụ số, hệ sinh thái số.
3. Vấn đề đặt ra - từ góc nhìn pháp lý
Bản chất của báo chí số là sử dụng công nghệ số vận hành, đồng thời sáng tạo nội dung, sản xuất các dòng sản phẩm số, kinh doanh, phát hành trên các nền tảng số, trong một hệ sinh thái số. Ngày 06/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là văn bản pháp lý quan trọng đổi với việc thúc đẩy thực tiễn chuyển đổi số báo chí ở nước ta - quá trình chuyển đổi từ báo chí đơn loại hình sang nền báo chí số lấy báo mạng điện tử làm trung tâm, ứng dụng công nghệ số trong toàn bộ hoạt động của tòa soạn số. Chuyển đổi số báo chí thực chất là chuyển đổi từ nền báo chí truyền thống với 4 loại hình báo chí căn bản (được đề cập một cách có hệ thống trong các điều khoản tại Luật Báo chí) sang một nền báo chí gắn liền với các loại hình truyền thông mới, trên nền tảng số. Nói cách khác là, mô hình báo chí số đòi hỏi hành lang pháp lý và báo chí mà cốt lõi là Luật Báo chí phải có những thay đổi lớn có tính hệ thống, chứ không đơn thuần chỉ là bổ sung một vài điều khoản cụ thể gắn với công nghệ, hay gắn với truyền thông xã hội, mạng xã hội… Thực tiễn chuyển đổi số báo chí và phát triển báo chí số cho thấy mấy vấn đề đặt ra sau đây:
Hầu hết các cơ quan báo chí đều có nỗ lực lớn trong chuyển đổi số. Lãnh đạo các cơ quan báo chí cả Trung ương và địa phương đều nhận thức đúng về tính sống còn trong chuyển đổi số, phát triển các dòng sản phẩm báo chí số, xây dựng và quản trị toà soạn số. Tuy nhiên, chuyển đổi số báo chí vẫn còn chậm về tiến độ, chưa đi vào thực chất. Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này bao gồm:
Một là, nhiều cơ quan báo chí còn mơ hồ về “đích đến” của chuyển đổi số là nền báo chí số, chưa tường minh về mô hình toà soạn báo chí số, dẫn tới hầu hết các cơ quan báo chí chưa xây dựng được mô hình toà soạn báo chí số đáp ứng được sự hội tụ Nội dung số + Công nghệ số + Công chúng số + Kinh tế số + hệ sinh thái số.
Hai là, về phát triển nội dung số: Một số cơ quan báo chí như Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo điện tử Vietnamplus.vn, Zing.vn… đã thực thi chiến lược đổi mới Khu vực sản phẩm số, hoạch định và thực thi chiến lược nội dung số, phát triển các dòng sản phẩm đổi mới sáng tạo, xác định các vị trí nghiệp vụ chính, nhân lực và vật lực bên trong tòa soạn đảm trách tổ chức sản xuất, phân phối sản phẩm báo chí số và dịch vụ giá trị gia tăng; có chiến lược rõ ràng trong việc tìm kiếm và thiết lập thoả thuận hợp tác với các đối tác chính của cơ quan báo chí để phát triển các dòng sản phẩm báo chí số. Điển hình là trường hợp Báo Nhân dân, với dòng sản phẩm báo chí dữ liệu, báo chí đa phương tiện, báo chí đa nền tảng. Hạn chế dễ thấy nhất của các cơ quan chí trong phát triển báo chí số là công cụ số, nền tảng số và công chúng số. Phỏng vấn sâu lãnh đạo 10 cơ quan báo chí đại diện cho 10 cụm Hội Nhà báo địa phương trong cả nước, cho thấy, chỉ có 3/10 trường hợp hiểu và mô tả được một số lớp chức năng của toà soạn báo chí số. Trong thực tế, hầu hết các cơ quan báo chí chưa chú trọng phát triển khu vực công chúng số. Kinh tế số chính là điểm nghẽn lớn nhất, cả về nhận thức, mô hình và cơ sở pháp lý để thực hiện. Khảo sát bằng phiếu hỏi với 100 học viên cao học quản lý báo chí truyền thông tháng 5 năm 2022 tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho kết quả: 72/100 ý kiến đánh giá ở mức trung bình và dưới trung bình về cơ sở pháp lý cho sự phát triển kinh tế số ở các cơ quan báo chí. Khảo sát này cũng cho những dữ liệu về nhu cầu được tập huấn về báo chí số, ứng dụng công nghệ trong sáng tạo nội dung, quản trị toà soạn số là rất cao (65% ở cơ quan báo chí trung ưuong, 82% ở cơ quan báo chí địa phương). Trích dẫn ý kiến phỏng vấn nhóm người trả lời công tác ở các cơ quan báo chí địa phương: “Chúng tôi cần được chỉ dẫn cụ thể là cần mua sắm, lắp đặt cơ sở hạ tầng kỹ thuật gì, làm báo chí dữ liệu là làm những việc gì, phân phối trên các nền tảng là những nền tảng nào, cụ thể ra sao, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ, sự khác biệt của các nền tảng là như thế nào. Chúng tôi chưa có nhân lực lãnh đạo và người tổ chức thực hiện được công nghệ số chất lượng và đồng bộ”.
Nhân lực và vật lực cho báo chí số
Thực tiễn báo chí cho thấy, ngoài việc xây dựng mô hình báo chí số và chuyển đổi số ở các cơ quan báo chí, cần phải chú trọng vào yếu tố có tính mấu chốt: nhân lực và vật lực cho chuyển đổi số báo chí này. Nhân lực cho báo chí số hiện nay còn rất thiếu và yếu, trong thực tế thì yêu cầu đối với chủ thể báo chí số là rất cao: Họ cần có phẩm chất và năng lực thực hiện 7 khối chức năng của mô hình toà soạn số bao gồm: (1) Lớp chức năng quản lý, chỉ đạo; (2) Lớp Hạ tầng kỹ thuật; (3) Lớp các dịch vụ dùng chung; (4) Lớp ứng dụng và cơ sở dữ liệu; (5) Lớp dịch vụ cổng thông tin; (6) Kênh phân phối; (7) Lớp người dùng/công chúng. Cần có chiến lược và giải pháp cụ thể về chủ thể báo chí số với năng lực sử dụng và điều khiển robot trong mọi tiến trình, quy trình sáng tạo nội dung, quản trị toà soạn.
Về cơ sở pháp lý báo chí số
Luật Báo chí chưa bao quát hết các mô hình, vấn đề của báo chí số. Việc tổ chức và hoạt động theo mô hình tòa soạn số, nhà báo số, nền tảng số, công cụ số (bao gồm các công cụ như trí tuệ nhân tạo, blockchain, xR…), nhiều khái niệm công cụ của báo chí số, hội tụ các thành tố của báo chí số, các nền tảng số mới chưa được đề cập tới trong Luật Báo chí. Ngoài 04 loại hình báo chí quy định trong Luật Báo chí, loại hình báo chí số với các thể loại cơ bản như báo chí tự động, báo chí dữ liệu, còn có nhiều loại hình hoạt động thông tin có tính chất như báo chí (như: Mạng xã hội, trang thông tin điện tử (web), ứng dụng (app) trong nước và xuyên biên giới cung cấp thông tin, video, chương trình phát thanh, truyền hình…); mặt khác với xu thế hội tụ công nghệ, truyền thông đa phương tiện, truyền dẫn đa nền tảng; đồng thời có sự tương tác.
Công cụ pháp lý trong quản trị nội dung, quản trị toà soạn số trong bối cảnh phát triển trí tuệ nhân tạo đang là những thách thức lớn, nhất là vấn đề an toàn thông tin, an ninh truyền thông và vấn đề sở hữu trí tuệ, khi ChatGPT, trí tuệ nhân tạo phát triển tạo nguy cơ sản xuất và phát tán tin giả bằng báo chí tự động. Công cụ pháp lý kinh doanh báo chí số, đặc biệt là công cụ pháp lý cho quản trị tài chính đang là khúc mắc lớn cần có giải pháp tháo gỡ. Luật Báo chí 2016 chưa đề cập tới những mảng nội dung này.
4. Một số kiến nghị sửa đổi Luật Báo chí 2016 nhằm phát triển báo chí số
4.1. Quan điểm, định hướng:
Nghiên cứu tiếp cận lý thuyết xã hội thông tin, báo chí số, phương pháp tiếp cận dựa trên quyền trong báo chí truyền thông để phân tích thực trạng cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học, góc nhìn về đạo đức, văn hoá của Luật Báo chí 2016, chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu, vấn đề đặt ra và những điểm mấu chốt cần giải quyết, từ đó có kiến nghị về sửa đổi Luật Báo chí 2016 nhằm tăng cường vai trò, tầm ảnh hưởng của báo chí, nội dung báo chí và nhà báo, cơ quan báo chí, cơ quan quản lý báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam - như lực lượng chủ công trong xã hội thông tin, là dòng thông tin mạnh nhất đáp ứng quyền tiếp cận thông tin của công chúng, dẫn dắt và điều hướng dư luận xã hội với các chức năng: tổ chức toàn bộ các quá trình thông tin, giao tiếp xã hội thông qua việc thông tin sự kiện, vấn đề thời sự trong xã hội; quản lý, giám sảt và phản biện xã hội, giáo dục chính trị tư tưởng, khai sáng, khai trí, phát triển kinh tế số.
Nghiên cứu của Nguyễn Đồng Anh, khảo sát trên công chúng thế hệ Z ở Việt Nam tháng 9/2022 cho thấy: “Công chúng thế hệ Z cập nhật tin tức hàng ngày nhiều nhất trên thiết bị di động, bao gồm trình duyệt web trên thiết bị di động (36,2% ngày nào cũng đọc cũng xem) và ứng dụng di động (36% ngày nào cũng đọc cũng xem). Tiếp đó là các nền tảng mạng xã hội (45,6%). Cập nhật tin tức hàng tuần qua trình duyệt web trên máy tính được NTL lựa chọn ở mức độ cao nhất (17,1%). Tin tức qua radio ít được lựa chọn để cập nhật tin tức hàng ngày, ít hơn so với báo, tạp chí in. Tỷ lệ công chúng thế hệ Z hiếm khi hoặc không nghe tin tức radio ở mức rất cao (82,6%), tiếp đó là báo, tạp chí in (80,5%)” [8].
Thay vì chủ trọng vào tam giác Nhà báo - tác phẩm/ sản phẩm/ loại hình- quản lý báo chí truyền thông; tức là chỉ chú trọng vào chủ thể sản xuất nội dung số trong Luật Báo chí 2016; cần đề cập tới quyền và trách nhiệm của tất cả các chủ thể của báo chí số và truyền thông đa nền tảng, chủ thể trong nước và nước ngoài, bổ sung và nhấn mạnh quyền và trách nhiệm của công chúng số. Định hướng phát triển các nền tảng số như: website, ứng dụng di động để thuận lợi hơn cho phát triển và quản lý báo chí số; có quy định cụ thể cho “chiến tranh thông tin” thông qua phương tiện truyền thông liên cá nhận và truyền thông xã hội, trong đó tạo điều kiện pháp lý để tăng cường chất lượng và phạm vi phát hành nội dung báo chí trên các nền tảng xuyên biên giới, các mạng xã hội. Sự kiện công bố OTT quốc gia của VTVgo thể hiện rõ ưu thế của chiến lược này.
Sửa đổi theo hướng này sẽ góp phần tháo gỡ những vấn đề đặt ra về cơ sở pháp lý nhằm đảm báo quản lý báo chí truyền thông trong chuyển đổi số báo chí, với xu hướng ứng dụng mạnh mẽ AI, blockchain…, xây dựng hệ thống dữ liệu số báo chí, hệ sinh thái số cũng như các vấn đề về phát triển và quản lý nền kinh tế số nói chung và kinh tế báo chí truyền thông số quốc gia và từng cơ quan báo chí.
4.2. Một số kiến nghị sửa đổi cụ thể
Về tên Luật: Nên đổi là Luật Báo chí truyền thông, mở rộng phạm vi đối tượng điều chỉnh, bao gồm 4 nhóm đối tượng chính: báo chí - các phương tiện truyền thông đại chúng khác trong xã hội thông tin; truyền thông liên nhân cách trong hệ sinh thái số; truyền thông xã hội.
Theo hướng này, cần bổ sung các thuật ngữ, đặc biệt là các thuật ngữ của báo chí số (ví dụ: sản phẩm báo chí số, sản phẩm truyền thông xã hội, sản phẩm, dịch vụ truyền thông liên nhân cách, sản phẩm truyền thông đại chúng, sản phẩm truyền thông xã hội, nền tảng báo chí truyền thông, báo chí đa loại hình, báo chí đa nền tảng, báo chí đa phương tiện, báo chí dữ liệu, báo chí tự động. Hệ thống thuật ngữ loại hình báo chí truyền thống cũng cần rà soát, bổ sung, chẳng hạn: Cần có hệ thống thuật ngữ Tạp chí, Tạp chí in, Tạp chí điện tử, Tạp chí lý luận chính trị, Tạp chí khoa học, Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật Thể thao… với tiêu chí phân loại rõ ràng. Cần bổ sung khái niệm xã hội thông tin, chiến tranh thông tin, an toàn thông tin, an ninh truyền thông, hệ thống khái niệm về các lĩnh vực truyền thông xã hội, các nền tảng báo chí truyền thông số (cả 6 nền tảng chứ không chỉ ưu tiên 1 nền tảng nào). Cần bổ sung các thuật ngữ như: mô hình toà soạn, mô hình cơ quan báo chí, quy trình và nguyên tắc sáng tạo nội dung, tiêu chí về sản phẩm báo chí và các dòng sản phẩm truyền thông khác (Ví dụ: Cổng thông tin điện tử, quảng cáo, sản phẩm PR, quảng bá, quảng cáo trên các nền tảng, trên các sản phẩm báo chí, xuất bản trên nền tảng mạng xã hội…).
Trọng tâm của chuyển đổi số báo chí là đưa sản xuất nội dung và phân phối nội dung lên môi trường số, đổi mới cách làm nội dung, đổi mới mô hình quản lý, tác nghiệp, của cơ quan báo chí, tạo ra cơ hội, các giá trị gia tăng, đa dạng hóa nguồn thu để không chỉ dựa vào quảng cáo, làm chủ nền tảng phân phối nội dung trên không gian mạng. Cần bổ sung các quy định về nền tảng số, vấn đề an toàn thông tin, an ninh truyền thông, quy định về bản quyền, sở hữu trí tuệ, cơ chế mua và sử dụng các phần mềm công nghệ số, trí tuệ nhân tạo ở các cơ quan báo chí truyền thông, quy định về quyền hạn và trách nhiệm của các chủ thể trong sáng tạo nội dung, tổ chức sản xuất, quản trị tòa soạn, quản lý báo chí truyền thông và các bên liên quan trong hệ sinh thái số.
Cần bổ sung quy định về thu hồi giấy phép hoạt động báo chí, có quy định cụ thể về quản lý các nền tảng báo chí số, thống nhất với quy định về quản lý nội dung trên các nền tảng mạng xã hội, podcast, OTT; bổ sung quy định thu hồi giấy phép khi cơ quan báo chí không đảm bảo các điều kiện hoạt đông… Điều 59 về xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí quy định hình thức thu hồi giấy phép nhưng chưa quy định về trình tự, thủ tục dẫn đến khó khăn trong áp dụng thực hiện; chưa thể hiện đúng bản chất của vấn đề là không đủ điều kiện hoạt động, không phải do hành vi vi phạm quy định tại Điều 9 Luật Báo chí. Việc thu hồi giấy phép theo Điều 59 còn phải thực hiện theo các quy định có liên quan tại Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Cần bổ sung quy định về xuất khẩu, nhập khẩu các sản phẩm báo chí nói chung và báo chí truyền thông số nói riêng; bổ sung quy định về kinh tế báo chí, chính sách thuế ưu đãi đối với các cơ quan báo chí. Hiện nay các cơ quan báo chí hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp, thực hiện việc thông tin tuyên truyền theo nhiệm vụ chính trị, nhưng vẫn phải chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp tương đối cao, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động báo in là 10%; đối với hoạt động báo nói, báo hình, báo điện tử là 20%. Cần có quy định ưu đãi về chính sách thuế, tạo động lực cho cơ quan báo chí phát triển. Mặc dù theo quy định tại khoản 1 Điều 55 Luật Báo chí 2016, cơ quan báo chí có quyền phát hành, truyền dẫn phát sóng hoặc ủy thác cho tổ chức, cá nhân in lại, truyền dẫn phát sóng các sản phẩm báo chí Việt Nam ở nước ngoài, tuy nhiên, các đài lúng túng trong việc thực hiện quy định này, chưa rõ phạm vi quyền tự có và quyền uỷ thác được cho phép đến đâu, quy trình, thủ tục ra sao và cũng không có quy định Chính phủ hay Bộ, ngành nào hướng dẫn thi hành quy định này.
Theo Luật Báo chí 2016, truyền dẫn phát sóng sản phẩm báo chí ra nước ngoài được quy định tại Điều 55 “Hoạt động hợp tác của cơ quan báo chí Việt Nam với nước ngoài”, phạm vi Điều 55 không có nội hàm quy định về xuất nhập khẩu sản phẩm báo chí với các loại hình báo chí và các thể loại báo chí số.
Cần bổ sung quy định cụ thể về liên kết trong hoạt động báo chí và trách nhiệm của cơ quan chủ quản. Điều 37 về liên kết trong hoạt động báo chí quy định trách nhiệm của cơ quan báo chí trong việc liên kết còn chung chung; chưa quy định cụ thể về hình thức (hợp đồng liên doanh hay hợp tác kinh doanh…), yêu cầu về điều kiện, năng lực của đối tác liên kết, quy trình, thủ tục liên kết, chấm dứt hợp đồng và giải quyết tranh chấp trong hoạt động liên kết.
Một số chương trình liên kết trên truyền hình, tập trung ở các chương trình giải trí, trò chơi truyền hình, truyền hình thực tế, chưa được quản lý chặt chẽ, đã để xảy ra một số sai sót trong nội dung thông tin, như hình ảnh, lời thoại phản cảm, thiếu tính thẩm mỹ, giáo dục… Một số đối tác lợi dụng hoạt động liên kết kênh để tự thiết lập các kênh truyền thông trên nền tảng Internet, mạng xã hội có biểu tượng (logo) giống kênh truyền hình của Đài, thực hiện sản xuất, cung cấp chương trình trên các kênh truyền thông này, gây nhầm lẫn cho xã hội. Một số kênh chương trình liên kết được đối tác liên kết của các Đài Phát thanh, truyền hình thực hiện truyền thông, quảng bá kênh chương trình theo hướng là kênh thuộc sở hữu của đối tác liên kết.
Đối với quy định về vai trò, trách nhiệm của Hội Nhà báo Việt Nam: Điều 8 Luật Báo chí có quy định về Hội Nhà báo Việt Nam “ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”, nhưng trong phạm vi Điều lệ Hội chỉ kết luận và xử lý phạm vi đối tượng là hội viên nhưng chưa có quy định nhiệm vụ, quyền hạn thường xuyên theo dõi, giám sát, kiểm tra và phối hợp với cơ quan chức năng (cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, cơ quan chủ quản…) để kết luận và xử lý đối với người làm báo ở Việt Nam vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật dẫn đến hiệu quả xử lý vi phạm trong thực tế còn chưa tương xứng với vai trò, vị thế của Hội Nhà báo Việt Nam.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
[1] Đỗ Thị Thu Hằng (2023), “Phát triển nghiệp vụ báo chí số ở cơ quan báo chí hiện nay, Bài 1: Tác phẩm báo chí số và mô hình toà soạn số”, Tạp chí Nghề báo Online.
[2] Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tạp chí Thông tin và Truyền thông (2022), Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn. tr.109.
[3] Nguyễn Đồng Anh (2023), Tương tác của công chúng thế hệ Z với tin tức trên ứng dụng di động tại Việt Nam, Luận án tiến sĩ Báo chí học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. tr.110-111; tr. 129; tr. 137-138.
[5] Fuch, C. (2014). Critique, social media and the information society, New York, NY: Routledge.
[6] Phạm Huy Kỳ, Đỗ Thị Thu Hằng (2022), Mạng xã hội trong bối cảnh phát triển xã hội thông tin ở Việt Nam, Nxb. Lao Đồng, Hà Nội, tr.43.
[7] Đỗ Thị Thu Hằng, “Tái định vị sản phẩm báo chí sau quy hoạch”, Tạp chí Thông tin và Truyền thông, Số đặc biệt tháng 6/2020, tr. 80-85, Hà Nội.
[8] Nguyễn Đồng Anh (2023), Tương tác của công chúng thế hệ Z với tin tức trên ứng dụng di động tại Việt Nam, Luận án tiến sĩ Báo chí học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. tr.105.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Đồng Anh (2023), Tương tác của công chúng thế hệ Z với tin tức trên ứng dụng di động tại Việt Nam, Luận án tiến sĩ Báo chí học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. tr.105, tr.110-111; tr. 129; tr. 137-138.
2. Đỗ Thị Thu Hằng, Tái định vị sản phẩm báo chí sau quy hoạch, Tạp chí Thông tin và Truyền thông, Số đặc biệt tháng 6/2020, tr. 80-85, Hà Nội.
3. Đỗ Thị Thu Hằng (2023), Phát triển nghiệp vụ báo chí số ở cơ quan báo chí hiện nay, Bài 1: Tác phẩm báo chí số và mô hình toà soạn số, Tạp chí Nghề báo Online. Đường dẫn: https://nguoilambao.vn/phat-tr...
4. Fuch, C. (2014). Critique, social media and the information society, New York, NY: Routledge
5. Phạm Huy Kỳ, Đỗ Thị Thu Hằng (2022), Mạng xã hội trong bối cảnh phát triển xã hội thông tin ở Việt Nam, Nxb. Lao động, Hà Nội, tr.43.
6. Lê Quốc Minh (2022), Chuyển đổi số ở cơ quan báo chí- Quả bóng ngày dưới chân các lãnh đạo toà soạn, Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn, Viện đào tạo Báo chí và truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tạp chí Thông tin và Truyền thông, Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tr.109.
7. Webster, F. (2014). Theories of the information society, Abingdon, Oxon : Routledge.