Hoạt động kinh tế trong cơ quan báo chí đa phương tiện ở nước ta hiện nay
Hiện nay, báo di động và báo mạng điện tử đã dần chiếm ưu thế hơn hẳn so với các loại hình báo chí truyền thống về tốc độ sản xuất tin bài và nội dung đa phương tiện được tích hợp trong mỗi bài báo. Trước sự cạnh tranh khốc liệt giữa các loại hình và nhu cầu đa dạng của công chúng, xu hướng phát triển của báo chí hiện đại không phải là sự triệt tiêu loại hình báo chí đang ở thế yếu, mà hoạt động của các cơ quan báo chí có xu hướng chuyển dần sang mô hình truyền thông hội tụ tích hợp nhiều loại hình báo chí, trên cơ sở kết hợp được ưu thế của cả báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử, báo di động. Tuy nhiên, việc thay đổi về mô hình hoạt động và cơ cấu tổ chức đã đặt ra cho các nhà lãnh đạo và quản lý báo chí nhiều băn khoăn, trong đó vấn đề về kinh tế là vấn đề được đặc biệt quan tâm hàng đầu.
Thực trạng hoạt động kinh tế ở các cơ quan báo chí
Trong hoạt động kinh tế báo chí, sản phẩm tạo ra là các tác phẩm của các loại hình báo chí, đối tượng tiếp nhận là công chúng, thị trường và phương thức sản xuất chính là quy trình sáng tạo và phát hành sản phẩm báo chí đó. Khi các yếu tố này có sự thay đổi thì hoạt động kinh tế cũng phải thay đổi theo.
Hoạt động kinh tế của các cơ quan báo chí đa phương tiện ở nước ta hiện nay tập trung vào quảng cáo, phát hành ấn phẩm và các kênh phát thanh- truyền hình, các hợp đồng liên kết, tài trợ, tổ chức sự kiện… Sản phẩm báo chí trên các loại hình ngày càng được khẳng định là hàng hóa đặc biệt và theo quy luật của kinh tế thị trường, thì các sản phẩm này cũng có sự cạnh tranh, cũng có cung - cầu, giá cả. Hiện tại, có thể thấy một nền kinh tế báo chí đang được hình thành với những cuộc đua khốc liệt nhằm giành giật thị phần, công chúng, phân chia "tấm bánh quảng cáo". Theo nhận định của một số nghiên cứu về kinh tế báo chí, thì hai chỗ dựa quyết định cho nền kinh tế báo chí là sản phẩm hàng hóa báo chí truyền thông và dịch vụ quảng cáo trên các phương tiện truyền thông. Vấn đề phát triển kinh tế báo chí truyền thông và tự chủ tài chính trong các cơ quan báo chí đang là một vấn đề hết sức "nóng". Việc thu hút công chúng cũng là để hướng đến mục tiêu thu hút quảng cáo và dịch vụ trên báo chí. Trong khi mạng xã hội, nhất là các tập đoàn công nghệ thông tin – truyền thông đang ngày càng xâm lấn, nắm giữ thị trường; quảng cáo trực tuyến, quảng cáo số ngày càng chứng tỏ xu hướng chủ đạo, thì nhiều cơ quan báo chí nước ta không những tiếp tục khó khăn và còn khó khăn nhiều hơn nữa.[i]
Trong hoạt động kinh tế ở các cơ quan báo đa phương tiện, có thể nhận thấy sự không ngừng cải tiến cả về nội dung và hình thức của các sản phẩm báo chí nhằm nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh thu hút độc giả; sự định hướng nội dung trên các loại hình báo chí nhằm vào phục vụ nhóm đối tượng công chúng chính yếu, cụ thể là sự xuất hiện các kênh chuyên biệt trên sóng phát thanh, truyền hình như kênh Giao thông, kênh sức khoẻ, kênh giáo dục…; sự ra đời của các chuyên trang, chuyên mục trên báo in, báo mạng có nội dung thông tin gần gũi với mối quan tâm của độc giả, … từ đó tạo ra hiệu ứng xã hội tích cực.
Tuy nhiên, thời gian qua, một số cơ quan báo chí ở nước ta đang mải chạy đua về loại hình và số lượng sản phẩm, muốn có thêm nhiều loại hình báo chí. Các cơ quan báo chí trước đây chỉ có mỗi loại hình báo in, hay các đài phát thanh truyền hình đều cố gắng cho ra đời thêm một sản phẩm báo mạng hoặc trang thông tin điện tử, do vậy nhiều lúc không chú trọng chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Số lượng cơ quan báo chí với nhiều loại hình cũng như các sản phẩm quá lớn, với nội dung thông tin trùng lặp dẫn đến sự dư thừa, lãng phí cả về nguồn lực lẫn tài chính. Nhiều phiên bản điện tử của các báo và tạp chí in được dựng lên nhưng bị bỏ ngỏ, hoặc có thì chủ yếu đưa lại các thông tin từ báo giấy, chứ chưa được sử dụng một cách hợp lý, có chất lượng, thực trạng này diễn ra phổ biến ở các báo Đảng địa phương và một số tạp chí chuyên ngành. Nhiều kênh truyền hình của các báo cũng không thu hút được khán giả do nội dung tẻ nhạt, không cạnh tranh được với các kênh truyền hình chuyên nghiệp, trong khi đó chi phí đầu tư cho một kênh truyền hình nói chung và cho một chương trình truyền hình nói riêng là rất lớn. Một số người vẫn còn quan niệm, cơ quan báo chí đa loại hình sẽ tăng thêm uy tín cho chính cơ quan đó, mà quên đi rằng, chất lượng thông tin mới chính là yếu tố quyết định sự thành bại của một sản phẩm báo chí.
Sự phát triển của các trang thông tin chỉ dẫn tiêu dùng, gắn với nhu cầu quảng bá thương hiệu sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp đã xuất hiện xu hướng thương mại hóa báo chí, có những sản phẩm báo chí thiên về lợi nhuận, ít quan tâm đến chức năng thông tin tuyên truyền hoặc lấy chức năng thông tin, tuyên truyền che đậy cho các hoạt động kinh tế, hoặc giật gân câu khách, chạy theo thị hiếu tầm thường của một nhóm nhỏ công chúng, thông tin sai sự thật, làm nhiễu loạn dư luận xã hội… Dẫn đến việc các cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt về tiền và đình bản một số báo như báo Tuổi trẻ online, Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh online. Do vậy, bên cạnh đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, đảm bảo cơ sở kinh tế cho hoạt động báo chí, tòa soạn báo chí không được quên chức năng định hướng giá trị văn hóa và thị hiếu tiêu dùng cho công chúng xã hội. Bởi vì buông lơi vấn đề này, sản phẩm báo chí sẽ nhanh chóng bị công chúng lãng quên, mất khách hàng quảng cáo và nguồn thu cũng sụt giảm.
Theo Đề án Quy hoạch Phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025, ngoài những tờ báo có chức năng nhiệm vụ đặc thù cần phải được Nhà nước tiếp tục cấp ngân sách để hoạt động, còn lại hầu hết các tòa soạn nên bước ra tự chủ về tài chính. Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng tiêu chí để xác định các nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu, với quan điểm, nguyên tắc là những hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu thì nhà nước sẽ đảm bảo về kinh phí, có thể bằng cơ chế đặt hàng, mua dịch vụ... để hỗ trợ về mặt kinh tế cho các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, để cho hoạt động của cơ quan báo chí đa phương tiện có hiệu quả, cần có những giải pháp đồng bộ từ cơ quan quản lý đến mỗi phóng viên trong các toà soạn, kết hợp với những ưu thế của khoa học kỹ thuật hiện đại và các hình thức truyền thông xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng hiện nay.
Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế cho các cơ quan báo đa phương tiện hiện nay
Thứ nhất, nhà nước phải thực hiện việc sắp xếp, quy hoạch lại hệ thống báo chí; sửa đổi một số chính sách cụ thể về hoạt động kinh doanh, dịch vụ trong hoạt động báo chí phù hợp với cơ quan có nhiều loại hình báo chí, tạo điều kiện để tăng các nguồn thu, giảm sự đầu tư của ngân sách nhà nước cho hoạt động báo chí. Nhà nước tạo điều kiện về pháp lý, cơ chế, chính sách để các cơ quan báo chí đa phương tiện tăng nguồn thu từ quảng cáo, hoạt động kinh tế hỗ trợ, hoạt động kinh doanh, dịch vụ, mở rộng hợp tác quốc tế trong in ấn, phát hành thuộc các lĩnh vực phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Thử nghiệm xây dựng một số tổ hợp báo chí với nhiều loại hình để có điều kiện mở rộng phạm vi tác động và phát triển kinh tế báo chí có hiệu quả.
Việc nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển kinh tế báo chí tạo điều kiện để cơ quan báo chí tự chủ về tài chính là việc làm cần thiết, hết sức quan trọng. Thực hiện tốt điều này vừa bảo đảm báo chí giữ đúng tính chất, vị trí, vai trò của mình, đồng thời tạo điều kiện cho báo chí không ngừng phát triển.
Thứ hai, các cơ quan báo chí đa phương tiện cần tích cực đổi mới nội dung và hình thức thể hiện tác phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí, nắm bắt và đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng, cân bằng giữa chất lượng chuyên môn và lợi ích kinh tế. Thông tin có tính thiết thực, khách quan, kịp thời, chính xác, nhất là có sự phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn, chuyên ngành để có những phân tích và dự báo chính xác. Khi phát hiện thấy thông tin có vấn đề hoặc không đúng sự thật, các báo cần “dũng cảm” cải chính và phản hồi kịp thời để công chúng được biết, qua đó tạo thêm niềm tin vào kênh thông tin của báo chí.
Mỗi tác phẩm báo chí không thể tác động tất cả mọi đối tượng công chúng, do vậy mỗi tờ báo phải chọn một phân đoạn thị trường cho mình và khai thác sâu thị trường đó. Sự khác biệt của mỗi tờ báo sẽ là yếu tố quan trọng nhất để tồn tại, để có chỗ đứng trong lòng công chúng.
Cơ quan báo chí cần chủ động tạo ra nguồn thu như xuất bản ấn phẩm, ký kết quảng cáo và tự tiến hành hạch toán chi tiêu… Báo chí cần có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, doanh nghiệp cần thường xuyên cung cấp thông tin cho báo chí. Từ đó sẽ giúp cho những thông tin đăng tải trên các loại hình nhanh chóng, chính xác và nhất quán. Báo chí là nguồn, kênh phản ánh chính về đối tượng thông tin và doanh nghiệp đồng hành, hỗ trợ các cơ quan báo chí sẽ có thêm đối tác hợp tác truyền thông. Mối quan hệ này dựa trên việc hai bên cùng hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả thông tin. Do vậy, việc tòa soạn nhận hỗ trợ kinh phí từ một tổ chức hay doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thông tin ngày càng trở nên phổ biến theo đúng quy luật phát triển.
Cần đào tạo được đội ngũ nhà báo đa kỹ năng có thể xây dựng được tác phẩm cho các loại hình ở các cơ quan báo chí đa phương tiện. Họ phải là những phóng viên, biên tập viên có năng lực và phẩm chất thực sự, là chuyên gia về những lĩnh vực nội dung mà mình phụ trách. Nếu tác phẩm báo chí thực hiện đúng chức năng của mình, thông tin nhanh chóng, chính xác, kèm theo những bình luận, dự báo sắc sảo sẽ là sự bảo đảm uy tín và thương hiệu của tờ báo. Một khi tờ báo đã có uy tín và thương hiệu thì lượng công chúng sẽ tăng, theo đó là quảng cáo và vấn đề kinh tế của tờ báo cũng được giải quyết.
Thứ ba, các cơ quan báo chí đa phương tiện cần xác định rõ sự cần thiết phải ra thêm loại hình nào, bớt đi loại hình nào, đâu là loại hình chính, thế mạnh cần đầu tư của cơ quan mình, cần tăng cường truyền thông trực tuyến hay không?. Từ đó, giúp cho cơ quan báo chí có hướng đi đúng đắn, tập trung phát triển cho mũi nhọn, yên tâm về bài toán kinh tế của mình. Trên thực tế, quảng cáo cho báo trực tuyến cũng ngày một tăng do quy mô kinh tế tăng lên, nhu cầu quảng cáo cũng nở rộ. Chỉ có điều, đa số chi phí đó dành cho Facebook và Google, và một phần nhỏ chưa đến 5% dành cho báo cho báo trực tuyến trong nước [ii]. Do vậy, để tăng thêm lượng công chúng và tăng nguồn thu, cơ quan báo chí cần chú trọng kết hợp truyền thông trên mạng xã hội. Xây dựng các App để công chúng tiện lợi trong việc tiếp nhận thông tin ở mọi lúc, mọi nơi.
Thêm nữa, báo chí chỉ tận dụng ưu thế của mạng xã hội để đưa tin, không nên chạy đua với mạng xã hội về tốc độ thông tin. Bởi, báo chí tạo được uy tín nhờ vào việc thông tin có kiểm chứng. Thực tế, mạng xã hội có nhiều thông tin giả đã gây hoang mang trong dư luận do vậy công chúng đang có nhu cầu ngày càng cao về tin chính xác và có kiểm chứng. Đây chính là cơ hội để báo chí tự khẳng định mình, phát huy lợi thế hơn nữa để tạo niềm tin trong công chúng.
Thứ tư, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại là yêu cầu không thể thiếu trong lĩnh vực báo chí, truyền thông hiện nay. Công nghệ mới với những thuật toán giúp cho báo chí phục vụ công chúng ngày càng tốt hơn như giúp công chúng thoả mãn các giác quan khi tiếp nhận thông tin; đọc và tổng hợp tin bài theo chủ đề; dễ dàng tìm kiếm thông tin; thông tin chủ động tìm đến công chúng, đây là một lợi thế của báo chí di động giúp công chúng không mất thời gian tìm kiếm, tiếp nhận thông tin mới nhanh nhất… Công nghệ sẽ giúp con người không mất thời gian cho những việc lặp lại, dành thời gian để làm những việc yêu thích. Trong hoạt động cơ quan báo chí khoa học công nghệ giúp biên tập viên tránh mắc những lỗi thông thường về từ ngữ, duyệt tin bài hằng ngày, giúp đẩy tin bài lên báo một cách nhanh chóng.
Ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại là yêu cầu bắt buộc của các cơ quan báo chí hiện nay. Đây là điều kiện để thu hút nhiều hơn lượng công chúng. Từ đó, giúp cơ quan tăng thêm các nguồn thu đáng kể trong áp lực cạnh tranh thông tin.
Thứ năm, nhằm giúp cho cơ quan báo chí đa phương tiện tăng trưởng về nguồn thu, cần thực hiện nghiêm Luật quyền sở hữu trí tuệ. Mỗi bài báo là một tác phẩm ảnh, video, adio… do lao động của nhà báo, của cơ quan báo chí tạo ra, tốn kém nhiều chi phí và công sức. Do vậy, họ phải được hưởng các quyền lợi về vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực thông tin báo chí khá phổ biến. Một bài báo được đăng tải, lập tức những bài báo khác tương tự được xào xáo đăng tải trên các kênh thông tin khác, mà người viết chỉ “ngồi nhà”. Điều này sẽ dẫn đến việc tác giả không chỉ mất quyền lợi về tinh thần là người đứng tên tác phẩm, mà còn không được hưởng quyền lợi về kinh tế, dẫn đến việc tác giả không có điều kiện tái tạo sức lao động và công chúng sẽ thiếu các bài báo hay.
Việc vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan sẽ khiến các cơ quan báo chí mất nguồn thu. Thực tế, các báo mạng điện tử hiện nay không thể thu phí người đọc cũng do nguyên nhân chính từ việc vi phạm bản quyền. Để thu phí người đọc, cơ quan báo chí phải có những bài báo hay chuyên sâu được thực hiện bởi các phóng viên, chuyên gia, nhà khoa học… dày công tìm hiểu, và đặc biệt là bài báo đó phải độc quyền, nghĩa là không bị các báo khác sao chép. Độc giả sẽ không trả tiền để đọc một bài báo khi họ có thể đọc miễn phí trên các kênh thông tin khác. Các báo mạng điện tử trên thế giới thu được phí người đọc nhờ thực hiện tốt vấn đề bản quyền trên báo chí. Bộ Thông tin và Truyền thông, cụ thể là Cục Báo chí cần phải điều chỉnh các quy định hiện hành về bản quyền báo chí để chúng ta có môi trường hoạt động báo chí lành mạnh hơn.
Nhìn vào bối cảnh chung của sự vận động của xã hội hiện tại, vấn đề tự chủ tài chính là một xu hướng tất yếu mà các cơ quan báo chí dù đơn loại hình hay đa phương tiện không thể cưỡng lại. Bởi nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã và đang được đón nhận tích cực và hiển hiện trong đời sống kinh tế - xã hội, đòi hỏi mỗi tập thể và cá nhân làm báo phải nắm bắt và thích ứng kịp thời để công tác tự chủ tài chính thực sự đem lại lợi ích thiết thực. Bản thân các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí cũng cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong quá trình đi tìm lời giải cho bài toán tự chủ. Lãnh đạo cơ quan báo chí phải tư duy theo hướng tờ báo của mình là một công ty trong ngành công nghiệp tin tức, và phải tìm được mô hình kinh doanh hiệu quả cho tòa soạn.
Để hoạt động kinh tế ở các cơ quan báo chí đa phương tiện đạt hiệu quả, thì hai nhiệm vụ cốt lõi là thông tin, tuyên truyền và làm kinh tế phải được thực hiện song song. Lúc này, đòi hỏi người đứng đầu cơ quan phải là người vừa có phẩm chất chính trị, vừa có đầu óc làm kinh tế, cùng với một đội ngũ làm báo đa kỹ năng nhạy bén, sắc sảo mới có thể đảm bảo được tầm ảnh hưởng rộng của thông tin, cùng với tiềm lực tài chính mạnh, để tạo nên những đột phá có thể đủ sức đứng vững trước những bứt phá hết sức mạnh mẽ của thế hệ truyền thông, môi trường truyền thông mới.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
[ii] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/di-tim-loi-giai-cho-bai-toan-kinh-te-bao-chi-666892.html
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đinh Văn Hường- Bùi Chí Trung (2014), Một số vấn đề về kinh tế báo in, NXB ĐH QG HN