Tài liệu tiếng Việt

Xã hội hóa phát thanh - nhìn từ mô hình kênh VOV Sức khỏe (2017 - 2023)

Trần Thị Tri 13/06/2024 10:01

Kênh Sức khỏe và An toàn thực phẩm của Đài TNVN- VOV Sức khỏe chính thức phát sóng ngày 27/2/2017 theo giấy phép số 561 ngày 12/12/2016 và quyết định số 218 của VOV ngày 6/2/2017.

I. VÀI NÉT VỀ VOV SỨC KHỎE

- Kênh Sức khỏe và An toàn thực phẩm của Đài TNVN- VOV Sức khỏe chính thức phát sóng ngày 27/2/2017 theo giấy phép số 561 ngày 12/12/2016 và quyết định số 218 của VOV ngày 6/2/2017. Tính đến hết tháng 2 năm 2023, thời điểm tạm thời ngừng phát sóng, Kênh có tổng cộng 6 năm hoạt động. Đây là một kênh phát thanh chuyên biệt với những thông tin và các vấn đề liên quan đến y tế, sức khỏe, môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm, được phát trên cùng một tần số trên cả nước (tần số FM89). Thời lượng của sóng của Kênh là 17 tiếng mỗi ngày từ 6h đến 23h. Kênh phủ sóng ở thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ và Đà Nẵng.

-Với một slogan hết sức khiêm tốn nhưng cũng rất ý nghĩa là “Tận tâm vì sức khoẻ người Việt”, việc ra đời của Kênh VOV sức khỏe được cho là đã đáp ứng đúng mong đợi của công chúng về một kênh thông tin tin cậy về các vấn đề nóng hót nhất trong cuộc sống đời thường, đó là vấn đề sức khỏe, an toàn thực phẩm và môi trường. Tại lễ khai sóng kênh VOV Sức khỏe, ngày 27/2/2017, ông Vũ Đức Đam lúc đó là phó thủ tướng chính phủ đã nhấn mạnh: Sức khỏe là vấn đề cực kỳ quan trọng đối với mỗi người dân. Mỗi người dân khỏe là cả dân tộc khỏe. Do vậy cần có sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông cung cấp cho người dân những kiến thức phong phú, đa dạng để lựa chọn những thực phẩm tốt nhất, bảo vệ sức khoẻ gia đình; đồng thời kiên quyết đấu tranh chống lại các hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần xây dựng xã hội an toàn hơn

-VOV FM89 phát triển theo mô hình xã hội hóa 100%. Việc đầu tư toàn bộ trang thiết bị ban đầu cũng như chi phí hoạt động thường xuyên (sản xuất chương trình, điện, nước...) đều không dùng ngân sách Nhà nước, mà do đối tác của Đài Tiếng nói Việt Nam chi trả. VOV là cơ quan giám sát nội dung của các chương trình được thực hiện trên kênh này. Sự ra đời của Kênh cũng là bước đi nhằm tiếp tục hiện thực hóa chủ trương về xã hội hóa báo chí nói chung và phát thanh nói riêng, về phát triển kinh tế báo chí tại các cơ quan báo chí lớn và chính thống của đất nước, tiến tới tự chủ tài chính một phần và toàn phần của các cơ quan này.

- Trong 6 năm hoạt động, thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, chức năng, nhiệm vụ được giao trong quyết định ngày 6/2/2017 của Đài TNVN, Kênh VOV sức khỏe luôn chứng tỏ là kênh thông tin khách quan, trung thực và cập nhật về tất cả những vấn đề liên quan tới Y tế, Sức khỏe, An toàn thực phẩm và Môi trường. Đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh COVID 19, hay trong những giai đoạn nhiều dịch bệnh diễn ra cùng lúc, phức tạp và nguy hiểm, Kênh là nơi tin cậy để chia sẻ kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm và giải pháp về các lĩnh vực được công chúng quan tâm. Đội ngũ phóng viên biên tập viên ngày một trưởng thành, có thêm bản lĩnh và tâm huyết với nghề nghiệp, hoạt động lăn xả để tiếp cận những vấn đề nóng, địa bàn nóng để mang đến cho người nghe những thông tin mới, kiến thức mới, phác đồ mới, phương tiện mới để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Tuy là đơn vị non trẻ nhưng Kênh đã ghi dấu ấn tại các diễn đàn, cuộc thi nghiệp vụ và giành nhiều giải thưởng quý giá cả ở trong nước và Quốc tế.

-Năm 2017: Giải đặc biệt của Đại Hội đồng ABU (Hiệp hội phát thanh – truyền hình châu Á- Thái bình dương

- Năm 2018: Giải bạc Liên hoan phát thanh toàn quốc lần thứ 13 tại Nghệ An. Bằng khen của Đài TNVN vì đã xây dựng và phát sóng thành công Kênh VOV Sức khỏe

- Năm 2019: Bằng khen của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

- Năm 2020: Một giải bạc, một bằng khen tại Liên hoan phát thanh Toàn quốc lần thứ 14 tại Đồng Tháp

-Năm 2021: Giải thưởng Hội nhà báo Việt Nam cho chương trình phát thanh- truyền hình ấn tượng của năm

- Năm 2022: Một giải bạc, một giải đồng, một giải khuyến khích tại Liên hoan phát thanh tòa quốc lần thứ 15 tại Tp. Hồ Chí Minh.

Với tất cả những đóng góp và thành công đó, Kênh VOV Sức khỏe đã có được chỗ đứng vững chắc trong lòng thính giả, góp phần lan tỏa sâu rộng hình ảnh, uy tín và vị thế của Đài TNVN tới công chúng cả nước.

II.MÔ HÌNH HOẠT ĐỘNG:

-Kênh sức khỏe phát sóng liên tục 17h một ngày từ khi khai sóng cho tới hết ngày 28/2/2023, sau đó tuyên bố tạm thời ngừng hoạt động

Trong quá trình 6 năm hoạt động, Kênh đã duy trì đội ngũ riêng của mình với trên 30 nhân sự với cơ cấu tổ chức của Kênh như sau:

Ban Giám đốc: 3 người

Phòng Nội dung: 12-15 người (tùy thời điểm)

Đội ngũ chỉ đạo sản xuất bán thời gian (là trưởng- phó nhiều ban của VOV): 6-7 người

Phòng kĩ thuật: 8-9 người

Phòng hành chính - tài vụ: 5 người

-Kênh tự chủ hoàn toàn về việc sản xuất chương trình (trong đó có nhân sự của Kênh đảm bảo sản xuất 6 tiếng nội dung/ ngày, phần còn lại Kênh liên kết với bên thứ ba là XoneFM của Sóng Xuân để sản xuất. Những phần chương trình do nhân sự của Kênh đảm nhiệm do một phó giám đốc phụ trách nội dung kí duyệt phát sóng. Phần do bên thứ 3 thực hiện thì Thư kí Kênh có trách nhiệm giám sát và báo cáo xin ý kiến người phụ trách nội dung, nếu có vấn đề cần chỉnh sửa hay nhắc nhở. Kênh xây dựng một lịch phát sóng hoàn chỉnh trong suốt 17 tiếng một ngày, 7 ngày một tuần và các tuần trong tháng.

-Kênh có 3 nguồn thu chính là :

  • Nguồn từ việc kí kết hợp đồng sản xuất chương trình với bên thứ 3. Khi liên kết sản xuất chương trình như vậy, Kênh cho bên thứ 3 được tự tìm kinh phí sản xuất, được quyền quảng cáo, tìm nguồn tài trợ theo đúng quy định của Pháp luật.
  • Nguồn hỗ trợ, tài trợ và hợp tác truyền thông với các cơ quan bộ ngành, tổ chức, đơn vị nhà nước và tư nhân-
  • Nguồn Quảng cáo trong khung giờ các chương trình do nhân sự của Kênh đảm nhiệm

-Kênh đã xây dựng quy chế hoạt động khá bài bản với các Quy định vị trí việc làm đối với từng nhân viên; Quy định về chế độ thù lao, nhuận bút; Chế độ khen thưởng kỉ luật; Chế độ báo cáo thường kì và đột xuất; Quy trình tác nghiệp và quy trình sản xuất chương trình; Quy định về dự họp và tham gia các hoạt động chung.

-Trong và sau giai đoạn COVID, Kênh gặp nhiều khó khăn vì quảng cáo sụt giảm, XoneFM, đối tác chính cũng nhiều lần xin giảm số tiền phải nộp theo hợp đồng và đến tháng 1/2023 thì chính thức ngừng liên kết. Trong khi đó, các nguồn hỗ trợ, tài trợ và quảng cáo cũng sụt giảm qua các năm 2021- 2022. Việc tìm đối tác mới (bên thứ 3 để hợp tác sản xuất chương trình) không phải quá khó khăn nhưng do lúc này trong nội bộ VOV vẫn chưa thống nhất về cơ chế đối với Kênh VOV Sức khỏe nên việc xin gia hạn giấy phép cho Kênh bị chậm trễ trong nhiều tháng khiến cho Kênh mất cơ hội hợp tác với nhiều đối tác tiềm năng. Ngày 1/3/2023, kênh tạm dừng phát sóng. Một cái kết rất buồn cho một Kênh truyền thông có nội dung hay, hấp dẫn và thiết thực đối với công chúng.

III. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI VIỆC XÂY DỰNG VÀ VẬN HÀNH MÔ HÌNH KÊNH TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI HÓA

-Từ thực tế hoạt động của kênh VOV Sức khỏe có thể rút ra mất vấn đề sau:

  1. Lựa chọn lĩnh vực xã hội hóa

-Xã hội hóa là một cách mở rộng sự tham gia của các nguồn lực xã hội vào việc thực hiện các chính sách, các chương trình xã hội, giải quyết vấn đề thiếu kinh phí, thiếu nhân lực tại các cơ quan báo chí và truyền thông. Đối với cả hai phía, Cơ quan chủ quản và Đối tác, đây là việc “cùng có lợi”. Cơ quan chủ quản có thêm một Kênh truyền thông, được nối dài cánh tay và tiếp thêm sức mạnh để vươn rộng, vươn sâu mà sự hạn chế về nhân lực, kinh phí chưa cho phép. Đối với Đối tác, đây vừa là kênh làm hình ảnh, PR cho hình ảnh doanh nghiệp, tổ chức, vừa đem lại lợi nhuận. Tuy nhiên, lĩnh vực truyền thông nên là lĩnh vực không quá nhạy cảm, cần nhiều sự chỉ đạo rốt ráo hay định hướng từ phía các cơ quan có thẩm quyền và như các vấn đề chính trị, vấn đề tôn giáo, dân tộc; Những vấn đề quá thời sự và biến động nhiều và liên tục ; Những vấn đề mà việc tiếp cận thông tin hạn chế như an ninh, quốc phòng, đối ngoại v.v.

-Với VOV sức khỏe, lĩnh vực được chọn gồm có 3 mảng nội dung chính là: Y tế (hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân, chính sách của nhà nước trong lĩnh vực y tế, đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ y tế, phân công bố trí công việc, xây dựng hạ tầng, phản ứng trong các tình huống khẩn cấp về y tế), Sức khỏe (với các nội dung về cách thức chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần theo lứa tuổi, theo nghề nghiệp, theo giới tính, theo địa bàn sinh sống, theo nhóm bệnh), An toàn thực phẩm (chính sách, cơ chế của nhà nước về quản lý an toàn thực phẩm, đấu tranh với thực phẩm bẩn, hàng giả hàng nhái trong lĩnh vực thực phẩm, các kiến thức và tư vấn về phân biệt thực phẩm an toàn và không an toàn, cách sản xuất, chế biến, bảo bảo quản thực phẩm, chế độ ăn cho các đối tượng khác nhau) và Môi trường (Các vấn đề liên quan tới chính sách, chiến lược, kế hoạch bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, đấu tranh với hành vi sai trái, xâm hại và hủy hoại môi trường, các vấn đề ô nhiễm nguồn nước, không khí, ánh sáng, đất đai, các tấm gương bảo vệ môi trường, kiến thức và kĩ năng chung sống với biến đổi khí hậu, sống xanh, sống sạch để bảo vệ môi trường) v.v. Đây là sự lựa chọn đúng vì đều là những lĩnh vực rất nóng, rất thời sự trong đời sống nhưng lại không quá nhạy cảm, không quá phức tạp để theo dõi, quản lý, hay tìm đối tác truyền thông. Mặt khác các lĩnh vực này liên quan tới mọi người, mọi nhà nên nếu biết cách làm và làm tốt thì sẽ thu hút được sự quan tâm theo dõi của quý thính giả và thu hút được các nguồn tài trợ, các đối tác.

3.2.Lựa chọn đúng đối tác.

- Đối tác chính thức kí hợp đồng với VOV để xây dựng và vận hành Kênh VOV Sức khỏe là Công ty Cổ phần phát triển Kỹ thuật thông tin và Xây dựng (DETEC). Công ty này có chức năng về truyền thông nhưng truyền thông không phải là thế mạnh và cũng không phải lĩnh vực họ có nhiều kinh nghiệm, cũng không phải là công ty dồi dào về tài chính để có số tiền vài chục tỷ đầu tư ban đầu cho một kênh phát thanh hiện đại.

Do vậy DETEC buộc phải phụ thuộc vào một bên khác (ở đây tạm gọi là Nhà đầu tư) của họ. Nhà đầu tư này cung cấp thiết bị, hạ tầng và nơi làm việc, chi tiền xây dựng hai phòng thu hiện đại, hệ thống máy móc thiết bị về âm thanh và biên tập âm thanh, hệ thống máy móc để lưu trữ và truyền dẫn phát sóng, các máy phát công suất 10 kwh tại 4 thành phố lớn để đảm bảo tín hiệu thông suốt và đảm bảo người nghe tiếp cận thông tin với âm thanh ổn định và chất lượng. Do vậy, nhà đầu tư mới là người kiểm soát các hoạt động của DETEC, có liên quan tới Kênh Sức khỏe, đặc biệt là về tài chính). Nhà đầu tư này kinh doanh lĩnh vực thiết bị Phát thanh- Truyền hình nên âm hiểu rõ về mặt kĩ thuật nhưng báo chí không phải là lĩnh vực chuyên môn của họ. Những vấn đề liên quan đến xu hướng phát triển của báo chí hiện đại hay những đặc thù của phát triển kinh tế báo chí, nhất là trên 1 Kênh phát thanh thì không nằm trong sự hiểu biết hay mối quan tâm của họ. Do vậy, việc VOV chọn DETEC là đối tác, và đối tác này lại phụ thuộc vào nhà đầu tư của họ, rõ ràng chưa đáp ứng được mục tiêu đặt ra.

Một đối tác có thể xây dựng và vận hành một Kênh truyền thông Xã hội hóa 100% cần hội tụ đủ các điều kiện:

  • Có kinh nghiệm và kiến thức về báo chí- truyền thông, hiểu biết về quy trình sáng tạo tác phẩm phát thanh và tác phẩm báo chí đa phương tiện
  • Có năng lực tài chính nhất định để có thể đầu tư chi phí ban đầu với con số không hề nhỏ
  • Có năng lực bắt kịp xu hướng phát triển của báo chí - truyền thông và áp dụng nó trong quản lý tài chính, nhân sự, nội dung của Kênh truyền thông mà mình đầu tư

3.3.Lựa chọn đúng cơ chế quản lý

-Cơ chế quản lý khoa học, minh bạch, thông thoáng và nhân văn, có thể tạo cảm hứng sáng tạo, thu hút, giữ chân nhân tài trong một môi trường làm việc thân thiện và đoàn kết là nhân tố vô cùng quan trọng để một kênh truyền thông xã hội hóa 100% như Kênh VOV sức khỏe có thể tồn tại và phát triển. Ở đây có góc độ của quản lý nhà nước, có góc độ quản lý của cơ quan chủ quản, của nhà đầu tư và của Ban giám đốc Kênh.. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, xin phép không bàn đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước mà chỉ đề tập tới việc quản lý của cơ quan chủ quản và của Kênh cũng như sự phối hợp giữa các bên.

1)Về cơ chế quản lý nội dung

-Để tránh sa vào việc buông lỏng, khoán trắng cho đối tác, VOV có giao cho một số đơn vị và nhân sự trách nhiệm theo dõi nội dung Kênh VOV Sức khỏe. Cụ thể Ban Thư kí Biên tập đã yêu cầu Kênh tham gia vào việc lập kế hoạch hàng tháng để VOV tổng hợp thành Kế hoạch chung toàn Đài. Các định hướng chỉ đạo của Ban tuyên giáo, của Bộ TT TT hay của Lãnh đạo VOV về các vấn đề tuyên truyền nói chung, cũng được truyền đạt tới Kênh thông qua việc tham gia của Thư kí Kênh vào nhóm Zalo do VOV lập ra. Ban thư kí cũng cử người Kiểm thính các chương trình phát sóng của Kênh như để nhận xét và nhắc nhở nếu có sai sót. VOV cũng tạo điều kiện để Kênh có thể chia sẻ nguồn tài nguyên của VOV để phát lại một số chương trình, nội dung hay (chủ yếu của VOV2, VOV6) trên Kênh VOV Sức khỏe. VOV Sức khỏe cũng được tham gia vào Liên hoan Phát thanh Toàn quốc với tư cách một đơn vị của VOV, được tham gia gửi bài để trao giải các tác phẩm phát thanh xuất sắc của VOV hay của Hội nhà báo Việt Nam, tham gia giải thưởng báo chí của các Bộ, ngành phù hợp với tiêu chí và lĩnh vực mà Kênh được cấp phép. Xét ở góc độ này, cơ chế quản lý nội dung của VOV khá chặt chẽ và có trách nhiệm, có thể nói là chặt chẽ và có trách nhiệm hơn rất nhiều các cơ quan khác đối với các Kênh xã hội hóa đang hoạt động dưới sự chủ quản của mình. Đây có thể coi là điểm sáng nhất trong cơ chế và mô hình hoạt động của VOV Sức khỏe.

-Tuy nhiên, việc quản lý này cũng còn nhiều bất cập. Ví dụ, Kênh VOV Sức khỏe vẫn dược nhìn nhận như “một đứa con nuôi”, không được phép tham gia giao ban nội dung của VOV, việc kiểm soát nội dung cũng chỉ dừng ở mức yêu cầu làm báo cáo, lập kế hoạch gửi lên, chứ không có sự phản hồi nào. Trong khi đó, trong một số việc nhỏ, việc quản lý lại hơi khắt khe quá, ví dụ đổi tên một chương trình cũng phải báo cáo dù format và định hướng chương trình không có gì thay đổi, hay khi VOV Sức khỏe có cách làm cởi mở hơn (tuy vẫn đảm bảo tính nhân văn) khi bàn về các yếu tố tâm lý, sức khỏe của các chủ đề đời thường như chuyện “ ăn cơm trước kẻng” hay “phụ nữ ngực lép” cũng bị nhắc nhở. Điều này thực sự rất gò bó vì những chương trình này hướng tới đối tượng trẻ và rất cần mở rộng đề tài, hoặc cách làm vui vẻ hài hước hơn một chút để tạo sự gần gũi và thân thiện với công chúng. Sự gò bó này cũng khiến cho việc làm kinh tế của Kênh gặp những khó khăn nhất định

2)Cơ chế quản lý nhân sự:

-Đặc thù của công việc làm báo là sự sáng tạo không ngừng nghỉ, là sự cần thiết phải tạo ra môi trường làm việc an toàn, lành mạnh, tin cậy và có sự đảm bảo. Trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, tuy nhảy việc đã trở thành hiện tượng bình thường nhưng việc xây dựng một lực lượng nòng cốt, trung thành sẽ góp phần tạo nên sự ổn định cho cơ quan, nhất là cơ quan hoạt động theo mô hình tự thu tự chi và có đóng góp như VOV Sức khỏe. Việc này, đến lượt nó, lại đòi hỏi phải có chính sách nhân sự tốt, từ tuyển dụng, đào tạo, quản lý tới chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc văn minh, thân thiện và nhân văn . Đây sẽ là động lực để nhân lên sự cố gắng, cống hiến và qua đó làm đẹp hình ảnh cơ quan đơn vị.

-Tuy nhiên, có thể nói rằng đội ngũ phóng viên, biên tập nhất là những thành viên cốt lõi (Core Team) – những người yêu phát thanh và tâm huyết với các mảng nội dung của Kênh VOV Sức khỏe - đã làm việc và cống hiến vượt quá những gì họ được nhận. Không ngạc nhiên là sau khí Kênh ngừng phát sóng, họ đã nhanh chóng tìm được việc làm mới ở các cơ quan báo chí truyền thông khác với thu nhập cao hơn, chế độ đãi ngộ tốt hơn mà áp lực công việc lại không cao như ở VOV sức khỏe.

Cụ thể, những khiếm khuyết trong cơ chế nhân sự của VOV Sức khỏe là:

Một là, chưa có đãi ngộ xứng đáng. Không chỉ là không có hỗ trợ ăn trưa, không có hỗ trợ xăng xe, không có hỗ trợ làm ca (dù 5h30 phải có mặt để làm chương trình trực tiếp lúc 6h), Cán bộ phóng viên của Kênh còn không có lương cứng, phải làm việc và nhận thù lao theo sản phẩm. Trong trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc, họ gần như không có thu nhập.

Hai là, chưa được công nhận chức danh nghề nghiệp. Các phóng viên, biên tập viên của Kênh được hỗ trợ làm thẻ Hội viên Hội nhà báo nhưng không được cấp thẻ nhà báo dù họ làm việc ở Kênh đã 5 -6 năm, giành nhiều giải báo chí cả quốc tế lẫn trong nước, tại Liên hoan phát thanh toàn quốc do VOV tổ chức, tại các giải Nội bộ của VOV, giải của HỘi nhà báo, giải báo chí của các bộ ngành. Hồ sơ xin cấp thể được nộp đi nộp lại vẫn không được Ban Tổ chức và Lãnh đạo Đài TNVN chấp thuận. Trong khi đó, tại nhiều cơ quan khác, chỉ cần là cộng tác viên thường xuyên hoặc qua ba năm làm việc liên tục trong lĩnh vực này đã được cơ quan làm thủ tục xin cấp thẻ nhà báo.

Ba là, chưa tạo điều kiện phát huy kiến thức, sự năng động trong hoạt động nghề nghiệp theo xu hướng báo chí hiện đại. Bản thân đối tác DETEC và nhà đầu tư của họ, chưa có nhiều kinh nghiệm, kiến thức nên chưa bắt kịp được xu thế phát triển của báo chí hiện đại. Trong lúc báo chí đa nền tảng, đa phương tiện, báo chí dữ liệu và việc sử dụng AI đã trở thành xu thế và bắt đầu trở nên phổ biến thì VOV Sức khỏe vẫn chỉ làm phát thanh thuần túy. Rất nhiều sáng kiến, đề xuất về quảng bá Kênh, về việc lập Website, lập Kênh Youtube, Podcats hay Facebook, Fanpage để Kênh có sự tiếp cận rộng rãi hơn tới công chúng đã không được chấp nhận đầu tư. Mọi kết nối với công chúng là qua nghe chương trình, qua điện thoại và email… những thứ đã không còn là phương thức chủ đạo trong giao tiếp hiện nay. Các đối tác, các nhà tài trợ, các doanh nghiệp muốn quảng cáo đều gặp những khúc mắc với vấn đề này. Đây cùng là điều đã làm cho cho các phóng viên (đa phần dưới 30 tuổi của Kênh) cảm thấy khó hiểu vì họ không phát huy được thế mạnh, sở trường và đam mê với những phương tiện truyền thông đang nóng, hót.

3)Cơ chế quản lý tài chính

1) Ngay từ đầu, tư duy chủ đạo là coi đầu tư vào Kênh truyền thông cũng giống như đầu tư vào các lĩnh vực khác, có thể thu hồi vốn nhanh và thậm chí có lãi nhanh sau 1- 2 năm hoạt động và có đóng góp tài chính về cho Đài. Tuy nhiên việc này đã không thể diễn ra. Lý do là Kênh phát thanh với 17 tiếng phát sóng mỗi ngày, cần có sự đầu tư kinh phí ban đầu cũng như chi phí hoạt động thường xuyên khá lớn, không thể thu hồi vốn nhanh. Cần một thời gian nhất định để một kênh truyền thông “mới toe” đi vào hoạt động và sinh lời, nhất là khi các hoạt động quảng bá cho nó gần như không được đầu tư, Thứ hai, làm Kinh tế báo chí dựa trên mô hình Kênh phát thanh thuần túy rất khó khăn, thậm chí lỗi thời. Kênh không đầu tư để phát triển song sóng các nền tảng khác như Website, mạng xã hội, Podcast, Page…Muốn làm kinh tế trên Kênh và muốn nó hoạt động hiệu quả thì phải hiểu, phải đầu tư đồng bộ, phải bắt kịp (chưa nói là phải tiên phong) xu hướng và cách tiếp cận thông tin của công chúng. Nếu không hiểu và không đáp ứng được điều đó thì rất khó thành công.

2) Cơ chế quản lý tài chính không rõ ràng, nhiều tầng nấc, phức tạp. Như đã đề cập trong mục 3.1.DETEC tuy danh chính ngôn thuận là đối tác của VOV trong việc xây dựng và vận hành Kênh VOV Sức khỏe nhưng không có quyền quyết định về tài chính mà người kiểm soát và ra quyết định tài chính là nhà đầu tư của họ. Phó giám đốc phụ trách tài chính của Kênh do nhà đầu tư chỉ định và trả lương. Đây là người kí tất cả các giấy tờ hồ sơ liên quan tới tài chính. Kênh có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng nhưng các nguồn thu, chi kể cả chi nhuận bút, thù lao, chi hành chính, điện, nước của Kênh đều phải thông qua kế toán trưởng bên phía Nhà đầu tư. Nói cách khác, cơ chế tài chính của Kênh, do vậy, vẫn là xin - cho, không tự chủ, dựa trên cam kết và làm việc miệng với nhau chứ không phải một chính sách hay một cơ chế minh bạch để có thể áp dụng trong các tình huống phù hợp. Đặc biệt có việc, các nguồn thu từ các sản phẩm sản xuất cho các dự án hỗ trợ, tài trợ của Kênh đã được phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của Kênh thực hiện đầy đủ, sản phẩm đã được các bên hỗ trợ, tài trợ nghiệm thu, hợp đồng đã thanh lý, tiền của các dự án đã về đầy đủ nhưng tiền công thực hiện sản phẩm của các dự án đó của các phóng viên trong 2 năm 2021-2022 vẫn chưa được thanh toán. Trong việc này, thiết nghĩ có cả trách nhiệm của cơ quan chủ quản. Không khoán trắng nội dung nhưng lại không có cách kiểm soát cơ chế tài chính tài chính, dẫn tới việc VOV phải tham gia giải quyết hậu quả của các khoản nợ lên đến tiền tỷ như vậy.

3) Với cách làm việc như trên, không có gì lạ là c khi cú sốc COVID xảy ra, nhà đầu tư tập trung xử lý các khó khăn của bản thân mình mà không quan trọng việc Kênh sẽ hoạt động ra sao. Đề xuất tiếp tục làm thủ tục gia hạn giấy phép và chấp nhận chi ra một số tiền đề duy trì việc sản xuất chương trình trong ngắn hạn trong lúc Kênh đàm phán với các đối tác để kí kết các hợp đồng liên kết mới đã không nhận được phản hồi tích cực.

IV.KẾT LUẬN:

-Xã hội hóa báo chí đã và đang là xu hướng tất yếu. Ở góc độ Cơ quan chủ quản và góc độ kinh tế báo chí, ý nghĩa của việc xã hội hóa này nên nhìn nhận ở cả hai khía cạnh và hai cấp độ như sau:

Cấp độ 1: XHH không đem về nguồn thu lớn, thậm chí trong giai đoạn đầu chưa mang lại cho Cơ quan chủ quản lợi ích vật chất gì thì cũng cần nhìn nhận lợi ích của XHH ở góc độ là XHH đã giúp làm phong phú thêm các sản phẩm báo chí phục vụ công chúng mà cơ quan chủ quản không cần phải đầu tư thêm nhân lực hay tiền bạc. Ở góc độ này, nếu các chương trình XHH đạt chất lượng tốt được công chúng yêu thích và hoan nghênh thì uy tín cơ quan chủ quản được nâng lên, vai trò, vị trí, ảnh hưởng của cơ quan chủ quản được lan tỏa rộng rãi hơn và có thể coi việc này như là cơ quan chủ quản được quảng bá và PR hình ảnh miễn phí. Cơ quan chủ quản không nên coi nhẹ việc này mà nên hỗ trợ, giúp đỡ về chuyên môn, thủ tục… để đối tác thực hiện suôn sẻ sứ mệnh của mình.

Cấp độ 2: Các chương trình/ Kênh xã hội hóa không chỉ mang lại sự đa dạng thông tin, sản phẩm phục vụ công chúng mà còn mang lại nguồn thu bằng vật chất cho cơ quan chủ quản. Cơ quan chủ quản có thể sử dụng nguồn thu đó để đầu tư cho các Kênh/ chương trình khác để nâng cao chất lượng, phục vụ công chúng. Tuy nhiên, đáng lưu ý việc nuôi dưỡng nguồn thu, không nên chỉ “chăm chăm” vào việc thu, gây sức ép với đối tác mà cũng cần phải chú ý đến lợi ích của họ nữa, có nhu vậy thì quan hệ hai bên mới bền chặt và lâu dài.

-Một trong những việc quan trọng là cần xem xét kĩ đối tác, trước khi bắt tay hợp tác. Nếu đối tác không am hiểu về báo chí và kinh tế báo chí, nếu cơ quan chủ quản không đủ kiên quyết và sâu sát để nắm bắt thực tế vận hành, hoạt động của đối tác trong lĩnh vực hợp tác để phát hiện và sửa chữa kịp thời những khiếm khuyết, nhất là những việc liên quan tới việc tuân thủ pháp luật trong việc nộp thuế, quan hệ lao động tiền lương… thì việc liên kết sẽ là rất mạo hiểm, có nguy cơ ảnh hưởng tới danh dự, uy tín của cơ quan trước công chúng và thậm chí có thể sẽ khiến Cơ quan chủ quản phải đối diện với những hậu quả không đáng có./.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

1. Giấy phép số 561/GP-BTTTT ngày 12/12/2016 về sản xuất chương trình phát thanh trong nước.

2. Quyết định số 248/QĐ-TNVN ngày 6/2/2017 về việc thành lập Kênh Sức khỏe và An toàn Thực phẩm (VOV Sức khỏe FM89)

3. Báo cáo tổng kết năm của Kênh VOV Sức khỏe, các năm: 2017, 2018, 2019, 2020, 2021, 2022.

4. Khung chương trình Kênh Sức khỏe và An toàn Thực phẩm thực hiện từ ngày 11tháng 9 năm 2017 và Khung chương trình, thực hiện từ tháng 9 năm 2018.

5. Đề án đổi mới hoạt động Kênh VOV sức khỏe và An toàn Thực phẩm, tháng 1-2023.

Trần Thị Tri