Tình hình hoạt động báo chí trên địa bàn thành phố Hải Phòng sau khi Luật Báo chí năm 2016
Thành phố Hải Phòng luôn coi báo chí là “ người bạn đồng hành”, là “chiến sĩ trên mặt trận văn hoá, tư tưởng”; là một lực lượng quan trọng, đi đầu trong công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước và cơ chế, chính sách của thành phố; là “cầu nối thông tin” giữa người dân với chính quyền thành phố
Luật Báo chí năm 2016 đã góp phần quan trọng trong việc tạo ra hành lang pháp lý an toàn, thuận lợi trong hoạt động báo chí của cơ quan báo chí và phóng viên, nhà báo đồng thời là công cụ hữu hiệu để các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực báo chí tăng cường công tác quản lý nhà nước về báo chí.
Hải Phòng là một trong những địa phương có 55 cơ quan báo chí (địa phương và trung ương), hoạt động nghiệp vụ báo chí với đầy đủ các loại hình, trong đó có 04 cơ quan báo chí của thành phố, 02 cơ quan báo chí của lực lượng vũ trang và 49 cơ quan đại diện, thường trú của các báo trung ương và tỉnh bạn. Với gần 800 nhà báo, phóng viên, cộng tác viên, trong đó gần 600 người có trình độ đại học, hầu hết đội ngũ nhà báo, phóng viên hoạt động tại Hải Phòng đều tâm huyết, yêu nghề, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp.
Công tác QLNN trong hoạt động báo chí Hải Phòng luôn được thành phố quan tâm, tạo điều kiện để các cơ quan báo chí trên địa bàn hoạt động theo đúng quy định pháp luật.
Thành phố Hải Phòng luôn coi báo chí là “ người bạn đồng hành”, là “chiến sĩ trên mặt trận văn hoá, tư tưởng”; là một lực lượng quan trọng, đi đầu trong công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước và cơ chế, chính sách của thành phố; là “cầu nối thông tin” giữa người dân với chính quyền thành phố. Thành phố Hải Phòng luôn dành sự quan tâm, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí trên địa bàn hoạt động theo đúng quy định của pháp luật; thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chủ quản, các cơ quan báo chí của thành phố tổ chức quán triệt sâu sắc, đầy đủ các định hướng lớn về công tác báo chí của Đảng và Nhà nước, đồng thời có kế hoạch tổ chức thực hiện. Ban hành một số văn bản chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác giao ban báo chí, tăng cường công tác phát hành, đọc và sử dụng báo chí của Đảng; chỉ đạo các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí. Hàng năm, lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố đều tổ chức gặp gỡ, trao đổi với các cơ quan báo chí nhân dịp năm mới, Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam..., trên cơ sở đó kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các nhà báo để lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan báo chí thực hiện hiệu quả hơn công tác tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của thành phố.
Thành phố đã ban hành và nghiêm túc thực hiện Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn thành phố. Theo đó, đã xây dựng được một mạng lưới người phát ngôn ở tất cả các cơ quan, sở, ngành, quận, huyện, xã, phường, thị trấn trong thành phố. Công tác phát ngôn của các cơ quan hành chính nhà nước tại Hải Phòng đã đi vào nề nếp, có phát ngôn định kỳ và phát ngôn đột xuất trong trường hợp được đề nghị, yêu cầu. Việc chủ động cung cấp các thông tin chuẩn xác, công khai của cơ quan, đơn vị, địa phương đã góp phần định hướng thông tin báo chí, hạn chế tối đa tình trạng thông tin sai, thiếu trung thực ảnh hưởng xấu tới dư luận xã hội.
Hội Nhà báo thành phố thường xuyên tổ chức các đợt nghiên cứu, học tập, quán triệt các Nghị quyết, chủ trương, giải pháp trọng tâm của Đảng, Nhà nước, của Thành ủy, HĐND và UBND thành phố. Ngoài tổ chức các lớp học tập trung, các cơ quan báo chí còn tổ chức nghiên cứu theo từng chuyên đề với từng nhóm phóng viên theo mảng đề tài.
Công tác khen thưởng, tôn vinh trong hoạt động báo chí được quan tâm; đã tổ chức nhiều Giải thưởng, cuộc thi báo chí thu hút sự tham gia của nhiều phóng viên, cộng tác viên báo chí, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức giải báo chí “Vì một Hải Phòng phát triển” định kỳ hàng năm được các cơ quan báo chí Trung ương và thành phố ghi nhận và đánh giá cao. Trong những năm qua, các cơ quan báo chí của thành phố luôn có các tác phẩm báo chí lọt vào chung khảo và đoạt Giải báo chí toàn quốc.
Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động báo chí tại Hải Phòng được tiến hành thường xuyên, đặc biệt chú trọng kiểm tra hoạt động của các cơ quan đại diện, phóng viên thường trú và quảng cáo trên báo chí. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, hoạt động báo chí tại Hải Phòng đi vào nề nếp, hạn chế được những sai phạm trong quá trình tác nghiệp, hoạt động của các cơ quan báo chí. Năm 2021 cũng là năm đầu tiên, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố được phân quyền xử phạt vi phạm các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương bạn nếu có hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên địa bàn, cho thấy cấp Sở không còn bị giới hạn trong phạm vi địa phương. Việc sửa đổi này thể hiện sự phân cấp, phân quyền rất mạnh, khác hẳn với các quy định trước đây, giúp cho địa phương kịp thời xử lý các thông tin sai phạm trên báo chí, hạn chế và ngăn ngừa thông tin sai sự thật. Năm 2021, căn cứ quy định điều chỉnh này, Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng đã xử phạt 04 cơ quan báo chí Trung ương thông tin sai sự thật, với tổng số tiền xử phạt là 227,5 triệu đồng. Năm 2022, Xử phạt vi phạm hành chính đối với 04 đơn vị do đăng thông tin sai sự thật và không đúng tôn chỉ, mục đích với số tiền 307,5 triệu đồng. Rà soát, gỡ bỏ thông tin đối với 07 trang thông tin điện tử chia sẻ bài viết có nguồn thông tin sai sự thật.
Tuy nhiên, công tác quản lý báo chí cũng gặp phải không ít khó khăn, thách thức:
- Một số cơ quan báo chí cử phóng viên “theo dõi địa bàn thành phố Hải Phòng” nhưng không đáp ứng đủ tiêu chuẩn phóng viên thường trú theo quy định. Mặc dù chưa đủ điều kiện là phóng viên thường trú, không có Thẻ Nhà báo nhưng các phóng viên này vẫn hoạt động báo chí thường xuyên trên địa bàn thông qua giấy giới thiệu của cơ quan báo chí. Một số phóng viên sử dụng Giấy giới thiệu không đủ nội dung theo quy dịnh, không ghi rõ cơ quan, đơn vị được cử đến liên hệ công tác, không ghi rõ nội dung phóng viên cần tìm hiểu, làm việc và có thời hạn nhất định.
- Một số bài báo, phóng viên đưa thông tin thiếu khách quan, không đúng bản chất sự việc, gây hiệu ứng xã hội không tốt, ảnh hưởng tới lợi ích của các cá nhân, tổ chức. Việc cải chính đối với những thông tin không chính xác chưa theo đúng quy định về cải chính hoặc không cải chính, vi phạm về quảng cáo trên báo chí…
- Việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động của các Văn phòng đại diện/Phóng viên thường trú của các báo trung ương và các địa phương khác ở Hải Phòng còn chưa được thực hiện nghiêm túc: Một số Văn phòng đại diện thay đổi về nhân sự, trụ sở không thông báo về Sở theo quy định. Có tình trạng phóng viên sách nhiễu địa phương, cơ sở, đặt vấn đề “ký hợp đồng truyền thông”.
Tình trạng nêu trên nguyên do Luật Báo chí năm 2016 có một số tồn tại, hạn chế:
Một là, quy định chưa chặt chẽ về Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của cơ quan báo chí:
- Hiện nay, trên địa bàn thành phố vẫn tồn tại tình trạng một số phóng viên thuộc Văn phòng đại diện chuyển công tác sang báo khác hoặc thay đổi phóng viên thường trú hoặc cơ quan báo chí (không đặt VPĐD, không có PVTT tại thành phố) cử nhà báo, phóng viên từ nơi khác đến thành phố tác nghiệp mà không có văn bản thông báo với cơ quan quản lý tại địa phương, gây khó khăn trong công tác quản lý hoạt động phóng viên. Vì vậy, đề nghị bổ sung điều khoản xử phạt các cơ quan báo chí không thực hiện thông báo thay đổi nhân sự Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú theo quy định.
- Điểm d, Khoản 3, Điều 22: Chưa có quy định cụ thể tiêu chuẩn đối với nhân sự của văn phòng đại diện. Vì vậy, một số văn phòng đại diện và phóng viên thường trú tại Hải Phòng xuất hiện tình trạng ký hợp đồng với các cá nhân không có chuyên môn, nghiệp vụ về báo chí làm cộng tác viên báo chí.
- Bổ sung quy định về hoạt động của văn phòng đại diện, quy định về vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quan, cơ quan báo chí tránh để xảy ra tình trạng cơ quan báo chí không trả lương, phụ cấp cho phóng viên Văn phòng đại diện mà áp định mức doanh thu dẫn đến khó khăn trong hoạt động của Văn phòng đại diện.
Hai là, thiếu quy định điều chỉnh đối với nhóm đối tượng có hoạt động nghiệp vụ báo chí nhưng chưa được cấp Thẻ Nhà báo, cụ thể:
- Theo quy định tại Điều 10 và Điều 12 của Luật Báo chí, để đảm bảo quyền tự do báo chí, Luật đã quy định công dân có quyền tạo ra tác phẩm báo chí và đăng, phát qua cơ quan báo chí. Như vậy, mọi cá nhân có hoạt động báo chí tại Việt Nam đều có thể thực hiện các quyền này và trở thành Nhà báo sau khi được cấp thẻ theo điều kiện quy định tại các Điều 26, Điều 27, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo Điều 25 của Luật Báo chí năm 2016. Trên thực tế, những người có hoạt động nghiệp vụ báo chí (phóng viên, cộng tác viên) khi chưa được cấp Thẻ Nhà báo (đây là nguồn nhân lực bổ sung cho các cơ quan báo chí) có số lượng rất lớn (đặc biệt là điều kiện công tác liên tục tại cơ quan báo chí đề nghị cấp thẻ từ 02 năm trở lên tính đến thời điểm xét cấp thẻ).
Tuy nhiên, Luật Báo chí hiện nay chưa điều chỉnh, quy định về hoạt động nghiệp vụ báo chí dành cho nhóm đối tượng này. Đây là nguyên nhân dẫn đến một loạt những vụ việc sai phạm phát sinh trong quá trình hoạt động báo chí của các cơ quan báo chí tại các địa phương trong thời gian qua.
Ba là, thiếu hướng dẫn quản lý hoạt động theo tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí:
Cơ chế quản lý hoạt động báo chí theo tôn chỉ mục đích hiện nay là phù hợp, qua đó để các cơ quan báo chí thực hiện đúng quy định của pháp luật, các tạp chí hoạt động đúng tính chất chuyên sâu, chuyên ngành; tránh tình trạng lợi dụng danh nghĩa báo chí để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh việc quản lý báo chí theo tôn chỉ mục đích cần quan tâm quy định rõ hơn về loại hình báo chí trong đó quy định chặt chẽ tỉ lệ về nội dung, thể loại mà các tạp chí chuyên ngành được đăng tải. Cụ thể như việc tạp chí chuyên ngành có được đăng tải các bài viết phản ánh về sai phạm, điều tra theo đơn thư, phản ánh của bạn đọc hay không?.
Bốn là, đối tượng, điều kiện thành lập cơ quan báo chí theo quy định của Luật báo chí
- Đối tượng thành lập cơ quan báo chí nên thu hẹp để nhất quán giữa Luật Báo chí và quy hoạch phát triển, quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019, đảm bảo việc thành lập cơ quan báo chí được thực hiện đúng quy định của pháp luật.
- Hiện nay, các Hội nghề nghiệp được phép thành lập cơ quan báo chí, đây cũng chính là nguyên nhân khiến tình trạng “báo hóa” tạp chí diễn ra trong thời gian qua khiến cơ quan quản lý gặp khó khăn, người dân, doanh nghiệp bức xúc. Nên chăng chỉ dừng lại ở các hội chính trị/nghề nghiệp mới được phép thành lập cơ quan báo chí. Việc thành lập cơ quan báo chí phải đảm bảo quy hoạch báo chí theo quy định. Luật Báo chí cũng cần quy định cụ thể các loại giấy phép của Đặc san, Tạp chí chuyên ngành thay vì Tạp chí hoạt động như cơ quan báo chí.
- Luật cần quy định rõ Tạp chí điện tử, Tạp chí in, báo điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan báo chí, trong đó đặc biệt là đối với Tạp chí điện tử. Cần điều khoản riêng, quy định rõ về kỳ xuất bản, thời gian cập nhật tin, bài…
Năm là, định hướng xây dựng, ban hành cơ chế chính sách quản lý nhà nước đối với mô hình truyền thông mới
- Luật báo chí nên bổ sung các mô hình mới như tổ hợp báo chí, truyền thông, báo chí trên nền tảng số. Bởi thực tiễn hiện nay, các cơ quan báo chí đã phát triển theo mô hình tổ hợp báo chí, truyền thông, báo chí trên nền tảng số và một số quy định của Luật chưa theo kịp hình thức tổ chức mới này.
- Hiện nay, một số cơ quan báo chí nước ta thuộc loại hình đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, nhiều cơ quan tạp chí (thuộc tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, viện nghiên cứu,...) không thuộc loại hình này, do vậy cần điều chỉnh Luật phù hợp với tình hình thực tế của các cơ quan báo chí.
Sáu là, hoàn thiện tổ chức của cơ quan báo chí
- Luật báo chí nên tách bạch các loại hình thông tin giữa báo chí và các hình thức khác như phim truyện, thể thao, giải trí, chương trình truyền hình... Để quy định rõ, cụ thể trách nhiệm của cơ quan báo chí trong việc đăng, phát thông tin.
- Đối với việc thực hiện tôn chỉ, mục đích, nên quy định tỷ lệ % đảm bảo tôn chỉ, mục đích trong quá trình hoạt động và tỷ lệ % còn lại là thông tin về các sự kiện chính trị, hoạt động lớn của nhà nước và các thông tin khác.
Bảy là, các quy định của pháp luật về tự chủ tài chính
- Cần quy định rõ về tài chính của cơ quan báo chí, bổ sung quy định về báo chí thu phí.
- Đề nghị nghiên cứu và bổ sung quy định cụ thể về bảo vệ quyền tác giả lĩnh vực báo chí trên các nền tảng số (nhất là mạng xã hội nước ngoài).
- Nghiên cứu và bổ sung quy định về cơ quan báo chí chủ lực, cơ quan báo chí có ảnh hưởng xã hội để có phương thức đặt hàng, hỗ trợ và xây dựng phương án về kinh tế, về định hướng phát triển.
Từ một số vấn đề thực tiễn nêu trên trong quá trình thi hành Luật Báo chí năm 2016 tại địa phương, tôi đề xuất một số giải pháp như sau:
1. Đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016 và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Báo chí để có hành lang pháp lý sát thực tế, tạo điều kiện cho báo chí phát triển và tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về báo chí.
2. Sớm ban hành văn bản quy định về phạm vi hoạt động của các tạp chí để không xảy ra tình trạng “báo hóa tạp chí” theo hướng: Tần suất cung cấp thông tin: Có định kỳ theo giấy phép (01 số/tháng hoặc 02 số/tháng…); không cập nhật thông tin hằng ngày (kể cả các tạp chí điện tử). Phạm vi nội dung hoạt động: Chỉ được cung cấp thông tin, tuyên truyền thuộc phạm vi trực tiếp của ngành, lĩnh vực; không thực hiện hoạt động tìm hiểu, điều tra.
3. Nghị định 119/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản cần xem xét, điều chỉnh một số nội dung: Tăng mức xử phạt để bảo đảm tính ngăn ngừa sai phạm, hiện nhiều hành vi vi phạm có mức phạt thấp, không tương xứng với hậu quả do hành vi tạo nên; Cần xác định rõ tiêu chí cụ thể thế nào là ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và rất nghiêm trọng; Quy định chi tiết về hành vi vi phạm tôn chỉ, mục đích.