Cần điểu chỉnh Luật Báo chí 2016 cho phù hợp với xu thế báo chí đa nền tảng
Đưa nội dung thông tin báo chí lên các nền tảng mới là nỗ lực đưa thông tin đến với công chúng báo chí của các cơ quan báo chí trong những năm qua. Mục đích tốt đẹp này cũng gặp phải vướng mắc pháp lý và thực tế là tất cả các cơ quan báo chí đều “vận dụng” để “lách luật”.
Có thể nói, gần 10 năm qua, Luật Báo chí năm 2016 đã tạo hành lang pháp lý cần thiết để góp phần xây dựng nền báo chí lành mạnh, tích cực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế và bảo đảm tính hiệu lực trong quản lý, điều hành các hoạt động báo chí, tạo thuận lợi cho các cơ quan báo chí Việt Nam phát triển. Luật Báo chí năm 2016 cũng quy định khá rõ ràng, chi tiết, tạo điều kiện thuận lợi cơ bản cho các nhà báo hoạt động đúng pháp luật, nâng cao vị thế và trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của người làm báo.
Tuy nhiên, thực tiễn báo chí truyền thông trong thời gia qua có những biến động sâu sắc để thích ứng với quá trình chuyển đổi số do sự tác động của công nghệ, đặc biệt là sự phát triển của Internet và mạng xã hội. Chính những biến động ấy đã làm cho Luật Báo chí năm 2016 còn nhiều chỗ không phù hợp, thiếu tính khả thi.
Trong phạm vi tham luận này, chúng tôi xin đề cập đến một khía cạnh nhỏ xét từ thực tiễn báo chí. Đó là quy định trong Điều 17 của Luật Báo chí năm 2016 hiện nay không phù hợp với xu thế báo chí đa nền tảng hiện nay.
Trong hệ sinh thái truyền thông mới, báo chí đang chuyển biến theo xu thế truyền thông đa chiều, đa hình thái, đa nền tảng, đa tiếp nhận. Các cơ quan báo chí đều khai thác các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới có số đông người sử dụng như Facebook, YouTube, Tiktok… để đáp ứng nhiều tệp công chúng mới, chuyên biệt và để nối dài, mở rộng thông tin cho các kênh chính thống. Và không chỉ có một “kênh”, nhiều cơ quan báo chí khai thác cùng lúc hàng trăm kênh miễn phí trên mỗi nền tảng cho từng chuyên mục, chuyên trang khác nhau. Việc phát triển nội dung trên các mạng xã hội cũng là xu thế chung của báo chí thế giới, xu thế báo chí đa nền tảng (multi platform journalism).
Kết quả khảo sát của chúng tôi từ giữa năm 2022 với 142 cơ quan báo chí cho thấy, 100% đơn vị đã khai thác nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới của bên thứ ba như Facebook, YouTube, Instagram, TikTok, Spotify, Google podcast, Apple Podcast v.v…
Quy mô khai thác các nền tảng mạng xã hội ở các cơ quan báo chí có sự khác nhau. Tuy nhiên, con số các kênh mạng xã hội của cơ quan báo chí không ngừng gia tăng. Dưới đây là số liệu từ một vài cơ quan báo chí:
+ Báo Thanh Niên hiện đã xây dựng và vận hành hệ thống hơn 10 trang, kênh trên các mạng xã hội Facebook, YouTube, TikTok, Lotus với gần 14 triệu lượt theo dõi. Hiện nay, Báo Thanh Niên là cơ quan báo chí có số lượt theo dõi trên các kênh mạng xã hội nằm trong nhóm cao nhất tại Việt Nam. Báo cũng có được nguồn thu quảng cáo và chia sẻ lợi nhuận từ các nền tảng để hỗ trợ các chi phí sản xuất. 4 kênh YouTube của báo là Báo Thanh Niên, Ihay TV, NGON TV và Thể Thao 360 cũng hoạt động khá thành công, trong đó, riêng kênh YouTube Báo Thanh Niên đã thu hút hơn 4,3 triệu người theo dõi.
+ Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long (THVL) hiện có 32 kênh YouTube, 2 Fanpage trên Facebook, 5 kênh Dailymotion, 2 kênh Zalo, 2 kênh TikTok, 1 kênh Instagram. Các kênh YouTube của THVL đã thu hút trên 13,5 tỉ lượt xem, trên 18 triệu lượt theo dõi. 2 fanpage trên Facebook của THVL có trên 3 triệu người theo dõi.
+ Báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh hiện khai thác 2 kênh mạng xã hội YouTube với chuyên mục “Nóng hôm nay” và “Điều tra”, 2 Kênh TikTok, 1 Fanpage Facebook, 1 kênh Zalo. Ngoài ra, báo còn khai thác các nền tảng khác như My Clip, Lotus, Google News, Gapo.
+ Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số (VTV Digital) thuộc Đài Truyền hình Việt Nam hiện có một hệ thống các kênh mạng xã hội khá phong phú và hoạt động hiệu quả nhất hiện nay so với nhiều kênh mạng xã hội của làng báo Việt Nam. VTV Digital hiện có tất cả những kênh mạng xã hội phổ biến trong đời sống truyền thông Việt Nam như Facebook, YouTube, Zalo, Instagram, TikTok, Twitter với số lượng người theo dõi, tương tác, lượt xem đạt hàng triệu. Cụ thể: Fanpage VTV24 trên Facebook hiện có hơn 6,1 triệu người theo dõi, hơn 150 triệu lượt tiếp cận / tháng, Fanpage VTV24 Money trên Facebook có hơn 1,4 triệu người theo dõi, hơn 45 triệu lượt tiếp cận / tháng; kênh YouTube VTV24 có hơn 4,1 triệu người theo dõi, lượng view đạt 70 - 100 triệu / tháng, kênh YouTube VTVgo có hơn 2 triệu lượt theo dõi, đặc biệt, kênh TikTok VTV24 có hơn 5 triệu người theo dõi, bình quân tháng có 100 triệu lượt view… Ngoài ra, VTVDigital còn có những kênh chuyên biệt chỉ xuất bản các nội dung dành cho mạng xã hội, không phát sóng trên truyền hình như Money Weekly, kênh Podcast Ơi nghe nè, Zlife, MoneyTalk Là sao ta, Mutex by VTV24, Khớp lệnh, Landshow. Cần nói thêm rằng, VTV Digital chỉ là một đơn vị trực thuộc Đài Truyền hình Việt Nam - một cơ quan báo chí. VTV còn có các đơn vị khác như Ban Khoa giáo (VTV2) hay Ban Thanh thiếu niên (VTV6) cũng khai thác nhiều nền tảng mạng xã hội phục vụ khá hiệu quả cho việc phát triển nội dung, đặc biệt là trong các chương trình quy mô lớn, có tính tương tác cao.
Phát triển nội dung báo chí trên mạng xã hội hay là xu hướng đa nền tảng hoàn toàn không phải là việc sao chép các nội dung đã đăng trên báo hay phát sóng trên đài để đưa lên những nền tảng miễn phí. Có khá nhiều hình thức sáng tạo trong sản xuất, biên tập và phân phối nội dung báo chí trên các kênh mạng xã hội như khai thác các tư liệu trực quan (video, ảnh) từ các nội dung báo chí trên kênh truyền thống để tái tạo sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu tiếp nhận của tệp công chúng và đặc trưng kỹ thuật của từng nền tảng, dùng các nền tảng của bên thứ 3 như một kênh mới - kênh miễn phí - để mở thêm chuyên trang, chuyên mục. Ví dụ hình thức sản xuất các sản phẩm có định dạng chuyên biệt chỉ dành cho các kênh mạng xã hội của cơ quan báo chí như hình thức các series chương trình của VTV Digital Money Weekly, kênh Podcast Ơi nghe nè, Zlife, MoneyTalk Là sao ta, Mutex by VTV24, Khớp lệnh, Landshow.
Đã có nhiều ý kiến cho rằng, mô hình báo chí đa nền tảng mà nhiều cơ quan báo chí đang áp dụng như hiện nay là “xây nhà trên đất người khác”. Lý do là vì các nền tảng mà các cơ quan báo chí đang khai thác đều là sản phẩm công nghệ của các công ty nước ngoài. Hiện nay, chưa có cơ quan báo chí nào ở Việt Nam có thể tự làm chủ công nghệ, xây dựng các nền tảng của chính mình để tạo hệ sinh thái riêng. Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí cũng chưa đủ nguồn lực để xây dựng các nền tảng, hạ tầng công nghệ nhằm tạo ra sự liên kết thống nhất cho các cơ quan báo chí. Các cơ quan báo chí không phải chia sẻ doanh thu với nhà cung cấp nền tảng, không chịu rủi ro khi khai thác hạ tầng miễn phí.
“Xây nhà trên đất người khác” thực chất cũng là “phá rào”. Nói thẳng ra là vi phạm pháp luật mà cụ thể là vi phạm Điều 17 Luật Báo chí 2016. Cho đến nay, có thể nói, 100% cơ quan báo chí ở Việt Nam đều vi phạm Điều 17 Luật Báo chí 2016.
Vì sao?
Vì Điều 17 Luật Báo chí 2016 (khoản 4) quy định: “Báo điện tử phải có ít nhất một tên miền " .vn " đã đăng ký phù hợp với tên báo chí và sử dụng hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam”. Nhưng, các nền tảng YouTube, Facebook, TikTok, Spotify, Google Podcast, Twitter, Instagram… không có máy chủ đặt tại nước ta, cũng như không có tên miền “.vn”.
Đưa nội dung thông tin báo chí lên các nền tảng mới là nỗ lực đưa thông tin đến với công chúng báo chí của các cơ quan báo chí trong những năm qua. Mục đích tốt đẹp này cũng gặp phải vướng mắc pháp lý như đã nói và thực tế là tất cả các cơ quan báo chí đều “vận dụng” để “lách luật”. Hay nói cách khác, Luật Báo chí 2016 với quy định về máy chủ trong nước, tên miền “.vn” cho hạ tầng báo chí hiện nay không còn phù hợp do sự thay đổi của nhu cầu phục vụ công chúng.
Từ những phân tích trên đây, chúng tôi cho rằng, cần nhanh chóng sửa đổi, bổ sung phạm vi điều chỉnh của Luật Báo chí cho phù hợp với thực tiễn truyền thông trong sự bùng nổ của kỷ nguyên số, công nghệ số, phù hợp với xu thế báo chí đa nền tảng hiện nay. Liên quan đến quá trình hội nhập và đa nền tảng hoá báo chí, đã có nhiều vấn đề phát sinh đáng quan ngại cần được luật pháp điều chỉnh như các quy định về chính sách đối với nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội cho báo chí hoạt động; các quy định liên quan đến thói quen khai thác, sử dụng sản phẩm tôn trọng sở hữu trí tuệ trên môi trường số và đặc biệt, các quy định về việc khai thác công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) trong sáng tạo tác phẩm / sản phẩm báo chí.