Chuyển đổi số trong báo chí và chiến lược chuyển đổi số ở VietnamPlus
Chuyển đổi số (CĐS) là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sóng, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Bốn công nghệ số tiêu biểu thúc đẩy CĐS là trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, điện toán đám mây, dữ liệu lớn. Những công nghệ số này đã và đang tạo ra môi trường cho báo chí phát triển theo các xu hướng báo chí: Cá nhân hóa nội dung, Đa nền tảng, Báo chí di động, Báo chí xã hội, Báo chí dữ liệu, Báo chí sáng tạo, Siêu tác phẩm báo chí…
1. Chuyển đổi số tạo ra trải nghiệm giá trị cho công chúng báo chí
CĐS trong báo chí là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình tòa soạn từ quản trị nhân lực, sản xuất, tối ưu hóa dữ liệu, đến quy trình xuất bản, phân phối nội dung nhằm tạo một tòa soạn/tổ hợp báo chí hội tụ đa phương tiện, kết nối thuận tiện với độc giả. Quá trình CĐS đòi hỏi các tòa soạn/tổ hợp báo chí phải lấy hoạt động xuất bản số làm trung tâm, tái kết cấu phân chia nhiệm vụ của các nhân sự cho phù hợp, tạo sự thống nhất giữa các bộ phận xuất bản từ text, ảnh, phát thanh, truyền hình, đồ họa… Việc hội tụ thể hiện cả về kết cấu sắp xếp vị trí chỗ ngồi, đến phân cấp phân quyền lãnh đạo các đơn vị, cấp phòng, cho đến thiết lập các nền tảng quản trị nội dung hội tụ.
Hiện nay, rất nhiều cơ quan báo chí đã CĐS khá thành công, trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện hiện đại như: TTXVN, VOV, VTV, hay VietnamPlus, Vnexpress, Zing… Một số báo chí địa phương cũng đã bước đầu có sự thay đổi như: Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Tuyên Quang…
Nhờ chuyển đổi số, báo điện tử đã nhanh chóng chứng tỏ được sức hút đối với công chúng, bằng khả năng chuyển tải thông tin tới bạn đọc gần như đồng thời với sự kiện cùng lượng thông tin đồ sộ, thậm chí không có sự giới hạn về dung lượng như báo in, thời lượng phát sóng như phát thanh hay truyền hình. Tận dụng những lợi thế về công nghệ số, một số cơ quan báo chí đã nhanh chân xây dựng được tòa soạn hội tụ đa phương tiện, với môi trường làm việc ngày càng hiện đại. Bên cạnh đó, việc sản xuất nội dung báo chí chất lượng cao, sản phẩm dữ liệu lớn, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để tạo ra các trải nghiệm có giá trị cho công chúng báo chí được thuận lợi. Những sản phẩm báo chí mới tạo nên tính tương tác hai chiều với độc giả, như phỏng vấn trực tuyến, tạo cảm giác gần gũi hơn giữa bạn đọc và báo. Công nghệ số cũng hỗ trợ nhà báo từ khâu thu thập thông tin, phân tích dữ liệu cho đến sản xuất nội dung và phát hành.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi số cũng còn nhiều khó khăn. Đó là phương thức làm báo truyền thống không còn thu hút độc giả như trước đây, phần lớn bạn đọc, nghe, xem qua các phương tiện số, cùng với sự lấn át của truyền thông xã hội; cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu, đội ngũ nhân lực, đặt biệt là các kỹ sư công nghệ chưa nhiều, trừ một số tòa soạn có đội ngũ công nghệ đứng sau. Việc phát triển sản phẩm nội dung số, truyền thông số, quảng cáo số còn khó khăn, câu chuyện lợi nhuận quảng cáo về túi các ông lớn Google, Facebook... rồi vấn đề bảo đảm an ninh mạng, chống nạn tin giả; vi phạm bản quyền tràn lan hiện tượng "xào xáo" tin có xu hướng tăng. Bên cạnh đó cũng có nhiều đơn vị báo chí nhất là báo ngành, báo địa phương chậm CĐS vì nhiều lý do khác nhau, trong đó khâu khó khăn nhất là hạ tầng kỹ thuật và nhân sự.
Riêng ở Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã nhận rõ tầm quan trọng của CĐS và bắt đầu triển khai từ rất sớm. Từ hơn 10 năm trước, trong sản xuất, khai thác thông tin, TTXVN đã đẩy mạnh việc sử dụng kho dữ liệu số hóa, ứng dụng các phần mềm để nâng cao tốc độ biên tập, sản xuất tin, bài, dễ dàng tác nghiệp từ xa hay đầu tư sản xuất các loại hình đa phương tiện. Các nền tảng tác nghiệp CMS, NPS được xây dựng và dần hoàn thiện, giúp đẩy nhanh, tạo sự thống nhất và thông suốt cho quy trình sản xuất thông tin. Các đơn vị sản xuất tin đồ họa, tin truyền hình đã ứng dụng phần mềm trực tuyến và các nền tảng công nghệ ảo hóa, điện toán đám mây giúp phóng viên, biên tập viên dễ dàng xử lý thông tin mọi lúc, mọi nơi.
Các ứng dụng AI, Big Data, IoT bước đầu được triển khai để tạo ra các sản phẩm mới, cách tiếp cận thông tin hiện đại như: ứng dụng trả lời tự động (Chatbot) trên báo điện tử VietnamPlus, hay các sản phẩm báo chí dữ liệu, báo chí thị giác. Hiện nay, hàng loạt sản phẩm báo chí hiện đại, sử dụng trí tuệ nhân tạo đã và đang được nhiều đơn vị trong TTXVN triển khai, như podcast, speech-to-text, loa thông minh ra lệnh bằng giọng nói, phân tích dữ liệu người dùng, gợi ý các nội dung yêu thích của người đọc theo dạng thư tòa soạn (Newsletter) hay tin tuyển chọn từ ban biên tập (Editors Picks); hoặc việc tiếp tục các kênh thông tin trên mạng xã hội, các ứng dụng di động để tăng độ tương tác với bạn đọc…
Việc CĐS trong báo chí là điều tất yếu. Các đơn vị báo chí lớn, nhiều tòa soạn sẽ tiếp tục có xu hướng CĐS. Thay đổi trong tư duy, đầu tư vào nhân lực, đón đầu xu hướng mới của báo chí thế giới, chủ động CĐS đó là cách thức hay nhất để báo chí tồn tại và có doanh thu như thu phí báo điện tử chẳng hạn. Tất nhiên, CĐS nhưng vẫn có chỗ đứng cho báo in, với thông tin chất lượng, tuyến bài công phu và thiết kế thân thiện, hiện đại.
Nhiệm vụ quan trọng của CĐS trong báo chí giai đoạn hiện nay là tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong việc tự động hóa các quá trình sản xuất, sáng tạo ra các loại hình sản phẩm thông tin, các loại hình dịch vụ, kênh tiếp cận mới với độc giả. Đó là tiếp tục hoàn thiện mô hình sản xuất đa phương tiện tập trung để sớm xây dựng một mô hình truyền thông hội tụ toàn diện; xây dựng một “hệ sinh thái” kỹ thuật để phát triển thêm nhiều loại hình thông tin mới, nhiều kênh tiếp cận với công chúng, nhiều gói thông tin, giúp tòa soạn/tổ hợp báo chí chủ động, vững bước trên con đường phát triển và hội nhập với báo chí truyền thông hiện đại thế giới.
2. Chiến lược chuyển đổi số của Báo điện tử VietnamPlus
Ngày 13/11/2008, TTXVN chính thức ra mắt độc giả một sản phẩm thông tin mới, phù hợp với xu hướng phát triển của báo chí truyền thông kỷ nguyên kỹ thuật số, đó là Báo điện tử VietnamPlus. Đây là một trong những mũi nhọn quan trọng của TTXVN trong chiến lược phát triển thành một tập đoàn truyền thông mạnh. 14 năm qua, VietnamPlus đã cho ra đời nhiều sản phẩm báo chí mới, đi tiên phong, thậm chí là sản phẩm duy nhất tại Việt Nam: Phiên bản đọc báo đa ngôn ngữ trên mạng viễn thông đầu tiên tại Việt Nam (tháng 1/2010), thử nghiệm thông tin đồ họa (năm 2010), sản xuất bản tin bằng âm nhạc (RapNews - từ tháng 11/2013), đưa tin tức vào trò chơi (News Game); thu phí báo chí (6/2018); Chatbot (2018), Bản tin âm thanh (Podcast - 1/2020)…
Trong Báo cáo Xu hướng báo chí 2021-2022 được Hiệp hội Báo chí và các Nhà xuất bản Tin tức thế giới (WAN-IFRA) phát hành tháng 12/2022 thì Chuyển đổi số (Digital Transformation) được đặt ở vị trí trọng tâm. Trong đó, Chuyển đổi số được xem là mục tiêu cấp thiết, nhưng đồng thời là một quá trình dài hạn, không chỉ để tiếp cận với đông đảo độc giả hơn, sáng tạo những sản phẩm báo chí mới mà còn nhằm tăng trưởng lợi nhuận.
VietnamPlus đã sớm tiếp cận với xu hướng Chuyển đổi số từ nhiều năm qua, thông qua việc triển khai những sản phẩm báo chí mới dựa trên nền tảng công nghệ, chủ động mở rộng quan hệ với các đối tác công nghệ trong và ngoài nước. VietnamPlus luôn giữ vững định hướng trở thành tờ báo tích hợp nhiều loại hình thông tin nhất, đi đầu về ứng dụng các công nghệ mới vào quy trình sản xuất thông tin điện tử, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của độc giả.
2.1. Lấy độc giả làm trung tâm (Audience First)
Quan điểm đặt độc giả ở vị trí trung tâm cũng chính là trung tâm của quá trình chuyển đổi số. Từ năm 2016, VietnamPlus đã bắt đầu xuất bản các bài longform, định danh bằng tên gọi Mega Story, kết hợp nhiều yếu tố đa phương tiện, nổi bật là yếu tố thị giác (visual) và dữ liệu (data) để tăng cường trải nghiệm cho độc giả.
Các bài Mega Story không chỉ giúp tăng thời gian người đọc ở lại trang (spent time on page), góp phần tăng thứ hạng (ranking) của trang VietnamPlus trên các bảng xếp hạng trang web tin tức uy tín, mà còn nâng cao uy tín và vị thế của tòa soạn. Điều này được thể hiện qua việc VietnamPlus liên tục đoạt giải cao tại các giải báo chí quốc gia.
Để thực hiện các bài Mega Story, VietnamPlus đã tiên phong sử dụng công cụ Atavist, với nhiều tính năng hiện đại mà các nền tảng trong nước chưa đáp ứng được. Đến năm 2021, VietnamPlus chuyển qua sử dụng công cụ của WordPress, thử nghiệm một số công cụ hàng đầu khác như Winx, Shorthand… nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ngoài các tuyến bài long-form, VietnamPlus cũng tăng cường trải nghiệm cho độc giả bằng những sản phẩm báo chí sáng tạo khác như hình ảnh, video 360 độ, newsgame, RapNewsPlus hay giúp độc giả lựa chọn bài viết qua các sản phẩm sử dụng công nghệ tự động hoặc trí tuệ nhân tạo như Chatbot, webpush, mobilepush, newsletter… hoặc tiến tới giúp độc giả cá nhân hóa trang tin, áp dụng công nghệ VR, AR.
2.2. Đa nền tảng (Multi-Platform)
Truyền thông thế giới những năm qua chứng kiến sự dịch chuyển từ các nền tảng truyền thống sang các nền tảng số. Sau kỷ nguyên của cổng thông tin (portal) là sự trỗi dậy của công cụ tìm kiếm (search) và giờ là các nền tảng truyền thông xã hội (social).
Từ xu hướng đó, cộng với việc lấy độc giả làm trung tâm, VietnamPlus xác định công chúng ở đâu, báo sẽ đi tới đó, tiếp cận thêm đối tượng độc giả trẻ. Vì thế, VietnamPlus từ lâu đã phát triển các nền tảng truyền thông xã hội hàng đầu như YouTube, Facebook, Instagram, Twitter hay mới đây nhất là Tiktok để tạo ra sức mạnh tổng hợp trong truyền thông.
Hiện tất cả các kênh thuộc những nền tảng trên đều đã có tick xanh (tức được xác thực), trong đó năm 2021 kênh YouTube đạt Nút bạc (mốc 100.000 subscriber), kênh TikTok đạt 700.000 follower chỉ trong vòng 1 năm).
Việc phát triển các nền tảng số này cũng phù hợp với xu hướng đa định dạng màn hình (multi-screen) như khuyến cáo của WAN-IFRA, với sự nổi lên của các video quay dọc (vertical) và ngắn, để phát trên các nền tảng TikTok, Shorts (thuộc YouTube) và Reels (thuộc Instagram).
Năm qua cũng chứng kiến sự trỗi dậy của Podcast, loại hình báo chí được Mạng lưới Truyền thông quốc tế FIPP là hình thức tăng doanh thu mới nhất từ độc giả đăng ký dài hạn (subscription), phù hợp với xu hướng sử dụng trợ lý âm thanh (voice assistant). VietnamPlus đã triển khai sản xuất định kỳ Podcast từ đầu năm 2020, với các thể loại monologue (độc thoại), interview (phỏng vấn), multi-host (nhiều người dẫn) và documentary (tài liệu, có kết hợp yếu tố âm nhạc), phủ sóng trên các nền tảng số được nhiều người dùng nhất như Apple Podcast, Spotify và Google Podcast.
2.3. Dữ liệu
Trong công cuộc chuyển đổi số, báo chí thế giới chuyển từ các giai đoạn phát triển mạnh về tìm kiếm (search), mạng xã hội (social media) sang giai đoạn Internet định danh (identify internet), đề cao yếu tố dữ liệu. Việc thu thập, phân tích dữ liệu độc giả sẽ giúp các cơ quan báo chí hiểu rõ đối tượng phục vụ, từ đó lên các kế hoạch nội dung, tăng cường trải nghiệm cho độc giả, tiến tới việc tối ưu hóa lợi nhuận từ độc giả thông qua việc thu phí, cá nhân hóa quảng cáo, thương mại điện tử…
Trong 7 sự thay đổi lớn nhất của truyền thông của thập kỷ qua thì sự thay đổi mới nhất và cũng là quan trọng nhất là nằm ở yếu tố dữ liệu thông qua internet (identified internet).
Việc thu thập dữ liệu độc giả sẽ giúp báo chí hiểu rõ hơn độc giả của mình, từ đó đề ra những chiến lược nội dung cũng như chiến lược kinh doanh tốt hơn. Qua theo dõi công cụ Google Analytics, tòa soạn VietnamPlus đã có những sự điều chỉnh kịp thời để tăng traffic, phát triển những tuyến nội dung chuyên sâu mà độc giả quan tâm.
Tuy nhiên, Analytics chỉ là công cụ miễn phí, không thể cung cấp những báo cáo chuyên sâu hoặc giúp tùy biến. VietnamPlus cũng đã hợp tác với công ty công nghệ Insider (từ 2020), Taboola (2022) trong việc thu thập dữ liệu người dùng để chọn lựa chọn những tin tức đặc sắc và gửi trực tiếp cho độc giả qua hình thức Newsletter và Webpush, giúp lan tỏa thông tin cũng như tăng traffic đáng kể, giữ chân và phát triển độc giả trung thành.
Lâu nay, các nhà quảng cáo đã tận dụng việc thu thập dữ liệu người dùng nhằm tối ưu hóa quảng cáo kỹ thuật số nhờ những thuật toán thông minh. Báo chí cũng có thể áp dụng cách làm đó phục vụ cho chiến lược phát triển nội dung, tăng doanh thu từ độc giả (reader revenue) mà thu phí từ đăng ký dài hạn (subscription) là một trong số đó.
Theo báo cáo 2021-2022 của WAN-IFRA thì doanh thu từ độc giả chỉ xếp sau doanh thu từ quảng cáo kỹ thuật số và tỷ lệ này ngày càng tăng hơn trong những năm tiếp theo. Theo báo cáo 2021-2022 của WAN-IFRA, tăng trưởng của quảng cáo kỹ thuật số năm 2021 là 16,5%, lợi nhuận từ độc giả là 14,3%, tỷ lệ nghịch với quảng cáo và doanh thu từ báo in. Do đó, VietnamPlus tiếp tục xác định việc thu phí độc giả là bước đi mang tính chiến lược để hướng tới phát triển bền vững. Sau khi hoàn tất việc chuyển trang Nội dung Thu phí sang hệ thống paywall của đối tác Vega vào cuối năm 2021 thì trong năm 2022, VietnamPlus sẽ xúc tiến tích hợp các phương thức thanh toán mới như ví điện tử, mã QR, thẻ tín dụng, mobile money…
Từ tháng 8/2020, VietnamPlus bắt đầu hợp tác với Công ty Insider thử nghiệm thu thập dữ liệu của người dùng, sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo để đánh giá, phân tích đối tượng độc giả. Việc hiểu rõ người dùng sẽ giúp VietnamPlus đưa ra những giải pháp nội dung phù hợp với đối tượng độc giả mà mình đang phục vụ. VietnamPlus sẽ mở rộng hợp tác với đối tác Insider, thí điểm hợp tác với Piano, công ty hàng đầu thế giới về quản lý subscription nhằm đẩy mạnh chiến lược biến độc giả thường thành độc giả trả phí thông qua chiến lược phát triển nội dung dựa vào việc phân tích dữ liệu độc giả.
2.4. Trí tuệ nhân tạo (AI)
Thương hiệu của VietnamPlus đã được khẳng định như một cơ quan báo chí đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất báo chí. VietnamPlus đã sớm khai thác sử dụng tự động hóa (automation) và trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc sản xuất các sản phẩm báo chí như Infogram, Flourish (sản xuất infographics), Wochit (sản xuất video), Vbee (biến văn bản thành giọng nói - text to speech), công cụ xác thực thông tin (fact-check)…
Đặc biệt, năm 2018, VietnamPlus đã trở thành cơ quan báo chí chính thống đầu tiên sử dụng Chatbot, sử dụng trí tuệ nhân tạo để tương tác với độc giả. Sản phẩm cũng đã được Hiệp hội các hãng thông tấn châu Á Thái Bình Dương trao giải Chất lượng thông tấn vào năm 2019.
Hiện VietnamPlus cũng đang hợp tác với Taboola, công ty native ads hàng đầu thế giới, để áp dụng công nghệ tòa soạn thông minh, tự động giới thiệu tin tức cho độc giả dựa trên hành vi của chính người dùng, tiến tới cho phép người dùng tự cá nhân hóa trang tin. Việc hợp tác với Taboola cũng giúp VietnamPlus đưa tin tức lên các ứng dụng đọc báo như Tabola News trên điện thoại Samsung hay Content Batch trên điện thoại Huawei.
VietnamPlus cũng nghiên cứu khả năng hợp tác với các công ty gamefi nhằm thử nghiệm nền tảng hội thảo thông minh Metaverse, sử dụng công nghệ thực tế tăng cường (VR, AR) để phát triển sản phẩm cũng như hình thức kinh doanh mới của tòa soạn; ứng dụng công nghệ tìm kiếm bằng giọng nói thông qua trợ lý ảo do Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn phát triển./.